Saturday, May 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrang bị cảnh vệ cho Bí thư tỉnh: Để dân bảo vệ

Trang bị cảnh vệ cho Bí thư tỉnh: Để dân bảo vệ

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Bí thư hay Chủ tịch tỉnh, thành phố Trung ương chưa cần thiết phải trang bị thêm lực lượng cảnh vệ. .

Không cần cảnh vệ, chỉ cần gần dân

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Cảnh vệ chiều 6/6, Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội cho biết, sau sự vụ xảy ra ở một tỉnh năm ngoái, nhiều tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh cũng phải nằm trong diện được trang bị cảnh vệ.

Chia sẻ thêm với Đất Việt về ý kiến này, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng Bí thư hay Chủ tịch tỉnh, thành phố Trung ương chưa cần thiết phải trang bị thêm lực lượng cảnh vệ.

Theo ông Thống, cá nhân ông không phản đối những đề xuất trên của các Đại biểu. Mỗi địa phương có một đặc thù và hoàn cảnh khác nhau.

Tuy nhiên với cương vị là người đứng đầu TP Cần Thơ, ông Thống khẳng định, bản thân không có nhu cầu trang bị thêm cảnh vệ.

“Không biết nơi nào có nhu cầu chứ Cần Thơ thì chưa thật sự cần thiết. Nói chung cán bộ sống và làm việc với dân thì dân sẽ bảo vệ.

Tất nhiên là trong cuộc sống cũng có những sự việc bất ngờ xảy ra không đoán trước được. Tuy nhiên mức độ nghiêm trọng như ở Yên Bái tôi nghĩ chỉ là chuyện hi hữu, không mang tính chất thường xuyên.

Cán bộ làm sao phải gần gũi với dân, giải quyết kịp thời những yêu cầu, bức xúc của người dân thì mới bền vững và căn cơ”, ông Thống nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ thêm, quan điểm xuyên suốt của chúng ta từ xưa tới nay là lấy dân làm gốc, lấy dân bảo vệ cán bộ, chính quyền.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Chí Thức, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng cho rằng, sự việc tại Yên Bái chỉ là trường hợp hi hữu và ít khi xảy ra.

“Nếu cán bộ làm đúng thì người dân sẽ đứng ra bảo vệ. Quan điểm của tôi rõ ràng như thế.

Khi tôi còn đương chức làm gì có những việc này. Công tác dân vận của cán bộ rất quan trọng. Đặc biệt là cái tâm cán bộ phải trong sáng. Hồi đó tôi đã chuyển 12.000 hộ dân ra khỏi vùng ngập của thủy điện Sơn La.

Càng bảo vệ cán bộ thì cán bộ sẽ càng xa dân. Lúc nào cũng công an, cảnh vệ kè kè thì dân làm sao dân gần cán bộ được?”, ông Thức nêu quan điểm.

Tốn kém tiền lương, biên chế

Chia sẻ thêm về vấn đề, ông Phan Lâm Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng khẳng định, không cần thiết trang bị cảnh vệ cho Chủ tịch hay Bí thư tỉnh.

Ông Phương cho biết, bản thân từng 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch tỉnh Quảng Bình với  nhiều khó khăn và tình huống dở khóc dở cười, kể cả nguy hiểm đến sự an toàn của bản thân. Tuy nhiên với tinh thần lắng nghe và thấu hiểu người dân, ông đã giải quyết, tháo gỡ hết được những vướng mắc.

“Thời tôi còn đương chức, có nhiều trường hợp dân không hài lòng tập trung phản đối, sự cố tranh chấp về địa giới của các xã…

Hễ tôi đi làm về là có người ngồi ở trước cổng kiện cáo, có người mang cả con cái đến cửa nhà tôi cả năm trời. Cuối cùng tôi gặp họ nói chuyện. Những người bị oan ức tôi mời vào nhà và hỏi thăm tình hình, nghe tâm sự. Mức độ nghiêm trọng thì sẽ chỉ đạo các cấp xử lý ngay cho dân.

Tất nhiên trong thực tế có thể xảy ra 1 vài trường hợp nguy hiểm đến sự an toàn của lãnh đạo nhưng lấy đó để yêu cầu thêm cảnh vệ thì không nên.

Tôi nghĩ cảnh vệ chỉ nên áp dụng với những cán bộ cấp cao thuộc Bộ Chính trị quản lý còn địa phương thì không nên. Một số TP lớn trực thuộc trung ương, thành phố phức tạp thì cũng có thể xem xét áp dụng đặc thù riêng”, ông Phương nhấn mạnh.

Theo ông Phương, người lãnh đạo muốn dân phục, dân tin thì phải hết lòng, tận tâm, tận lực vì nhân dân. Việc trang bị thêm cảnh vệ không những tốn kém thêm về tài chính, biên chế nhân sự mà còn làm cho khoảng cách giữa người dân và lãnh đạo trở nên xa nhau hơn.

“Cán bộ ứng xử có tình có lý thì người dân sẽ ủng hộ hết lòng. Tôi nghĩ nhiều địa phương cán bộ làm việc không minh bạch, không công khai và thậm chí mắc sai lầm nên dẫn đến người dân bức xúc”, ông Phương nhấn mạnh.

Anh em đỡ áp lực hơn

Đưa ra quan điểm khác, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau bày tỏ mong muốn lãnh đạo cấp tỉnh được trang bị thêm lực lượng cảnh vệ để có thể toàn tâm, toàn ý hoàn thành nhiệm vụ trước nhân dân.

Theo ông Hải, tình hình an ninh của chúng ta cơ bản ổn định và tốt. Tuy nhiên thời gian gần đây cũng có nhiều việc cần phải nhìn nhận, xem xét cho thấu đáo.

“Đặc biệt là đối với các tỉnh, địa phương. Ngoài những sự việc hi hữu xảy ra tại Yên Bái ra thì tình hình khiếu kiện cũng thường xuyên diễn ra. Đối với cán bộ, lãnh đạo cao nhất của tỉnh nhiều khi cũng rất áp lực. Dù bản thân lãnh đạo đã cố gắng giải quyết cho tốt nhưng vẫn có những vụ việc người dân kéo đến trụ sở, chặn xe, thậm chí kéo đến nhà riêng của cán bộ.

Nếu như được trang bị cảnh vệ thì tôi cũng như các lãnh đạo khác thấy yên tâm hơn, an toàn hơn, thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn”, ông Hải khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ, ở trụ sở tỉnh thì có lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo vệ. Tuy nhiên ở nhà riêng hoặc đi ngoài đường, đi công tác, lãnh đạo tỉnh không có người bảo vệ.

“Thỉnh thoảng tôi cũng vẫn gặp những tình huống như vậy. Nhiều việc mình cũng không lường được nên rất áp lực. Vì thế đề xuất có thêm cảnh vệ cho Chủ tịch, Bí thư tỉnh cũng cần xem xét cụ thể”, ông Hải nói thêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới