Sunday, May 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTriều Tiên định sẵn tên lửa tấn công Guam sẽ bay qua...

Triều Tiên định sẵn tên lửa tấn công Guam sẽ bay qua Nhật Bản vì thừa biết một điều

Trong khi Triều Tiên hướng sự quan tâm của thế giới đến đảo Guam, việc phóng tên lửa đạn đạo qua không phận của Nhật Bản được cho là để chứng minh sức mạnh quân sự.

Bản đồ lộ trình bay của tên lửa đạn đạo được Triều Tiên phóng thử sáng 29/8/2017, bay qua mũi Erimo của đảo Hokkaido, Nhật Bản (Ảnh: Bloomberg/BQP Nhật)

Triều Tiên chủ định chọn lộ trình tên lửa bay qua Nhật Bản

Báo New York Times ngày 30/8 bình luận, vụ phóng tên lửa Hwasong-12 vào sáng 29/8 một lần nữa nhằm chứng minh, Bình Nhưỡng có sức mạnh tấn công các mục tiêu ở xa. Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Kim Jong Un biến những lời đe dọa tiến hành cuộc tấn công tên lửa nhắm vào đảo Guam trở nên thực tế hơn.

Hôm 10/8, Triều Tiên đưa ra một tuyên bố chưa từng có khi nói nước này sẽ phát triển kế hoạch thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-12 trên lộ trình đi qua các tỉnh Shimane, Hiroshima và Kochi của Nhật, để đáp xuống vùng biển gần đảo Guam.

Trong vụ thử ngày 29, tên lửa Triều Tiên đã bay được gần 1.700 dặm (2.740 km) qua không phận đảo Hokkaido, Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương.

“Sau khi chuyển sự chú ý của giới quan sát đến đảo Guam, Bình Nhưỡng đã phóng một tên lửa bay qua không phận của Nhật Bản,” chuyên gia phân tích quân sự Hàn Quốc Shin Jong Woo nói. “Triều Tiên làm như vậy nhằm giảm khả năng tên lửa bị bắn hạ, đồng thời phóng tên lửa theo một hướng khác nhằm chứng minh họ có khả năng đánh trúng một mục tiêu rất xa như đảo Guam.”

Ông Chang Young Keun, chuyên gia tên lửa của Đại học Hàng không vũ trụ Hàn Quốc nói với NYT: “Trước đây, việc phóng tên lửa là để thử nghiệm công nghệ, thì lần này là để chứng minh sức mạnh của tên lửa đạn đạo tầm trung”.

Ông cũng cho biết, “trong quá trình thử nghiệm lần này, góc độ và quỹ đạo bay của tên lửa Triều Tiên đều đặt trong điều kiện rất thực tế”.

Nhật không có cơ sở pháp lý để bắn hạ tên lửa Triều Tiên

Việc tên lửa Triều Tiên lần đầu tiên bay qua bầu trời Nhật sau 19 năm thực sự dấy lên một câu hỏi cấp bách: Hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật có thể đánh chặn được các tên lửa của Bình Nhưỡng hay không?

Ngay cả các chuyên gia và quan chức cấp cao Nhật Bản cũng không thể nhất trí về khả năng của lá chắn tên lửa trị giá 1.6 nghìn tỉ yên.

Masahisa Sato, thứ trưởng thường trực Bộ ngoại giao Nhật, bình luận trên Twitter hồi đầu tháng rằng “rất khó” để bắn hạ tên lửa Triều Tiên, cho dù các tàu khu trục lớp Aegis của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF), trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa SM-3, được triển khai ở biển Nhật Bản.

Trong khi nhiều quan điểm chia rẽ về tính năng công nghệ của lá chắn tên lửa, tất cả chuyên gia đều đồng ý rằng xét từ khía cạnh pháp lý, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) không có quyền bắn hạ bất kỳ tên lửa nào bay về hướng đảo Guam – như cách Bình Nhưỡng tuyên bố, bất chấp nội các thủ tướng Shinzo Abe đã nỗ lực thông qua đạo luật lý giải lại một phần hiến pháp vào năm 2015, cho phép SDF hỗ trợ đồng minh ở nước ngoài trong trường hợp bị tấn công quân sự.

Vào năm 2014, ông Abe lần đầu tuyên bố rằng cách diễn giải đối với hiến pháp Nhật từ sau Thế chiến 2, tồn tại suốt nhiều thập kỷ, đã thay đổi. Ông lập luận rằng nước Nhật ngày nay có thể áp dụng một phần quyền phòng vệ tập thể để chủ động bảo vệ đồng minh then chốt, có thể là Mỹ.

Nhưng bất chấp nỗ lực còn gây tranh cãi của nội các Abe, Nhật Bản vẫn không được phép tấn công nước thứ ba, trừ khi “sự tồn vong” của Nhật bị nguy hại và không còn lựa chọn nào khác.

“Không có cơ sở pháp lý hay ý nghĩa gì khi bắn hạ các tên lửa như vậy của Triều Tiên. SDF sẽ giám sát và chỉ bắn hạ nếu tên lửa rơi xuống lãnh thổ nước Nhật,” Phó đô đốc nghỉ hưu Yoji Koda, cựu chỉ huy hạm đội thuộc MSDF, trả lời tờ Japan Times. 

Hiến pháp Nhật đặt ra giới hạn nghiêm khắc rằng các nhiệm vụ của SDF chỉ để bảo vệ chủ quyền đất nước, và nguyên tắc kích hoạt quyền phòng vệ tập thể được quy định rõ theo Hiến chương Liên hợp quốc.

Luật sư Masahiro Sakata, cựu lãnh đạo Cục Pháp chế Nội các Nhật Bản, chỉ ra rằng căn cứ theo luật pháp quốc tế, Nhật sẽ được kích hoạt quyền phòng vệ tập thể khi một đồng minh – có thể là Mỹ – cũng tuyên bố sử dụng quyền phòng vệ, đồng thời yêu cầu Tokyo hỗ trợ.

“Nhật Bản không thể tự mình bắn hạ các tên lửa (bay về phía đảo Guam), trừ khi có lời yêu cầu của Mỹ,” Sakata nói. “Nhật đơn phương bắn hạ tên lửa Triều Tiên sẽ không được công nhận là áp dụng quyền phòng vệ tập thể theo đúng luật quốc tế.”

Theo ông Sakata, trường hợp khác Nhật được phép sử dụng quyền phòng vệ tập thể là khi một tình hình “thảm họa” sắp xảy ra với nước này. 

“Chúng tôi từng sử dụng cách diễn đạt đó để chỉ tình huống Nhật Bản bị một nước khác tấn công,” ông nói. Ông cho rằng tình huống “thảm họa” sẽ không xảy ra nếu tên lửa Triều Tiên chỉ bay qua không phận Nhật, ngay cả khi nó hướng về vùng lãnh thổ Guam của Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới