Thursday, May 2, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMối lo nhập siêu từ Thái Lan: Nước đã đến lưng

Mối lo nhập siêu từ Thái Lan: Nước đã đến lưng

Để mất thị trường bán lẻ nghĩa là Việt Nam tự nhường quyền làm chủ các kênh phân phối hàng hóa tại thị trường nội địa.

Chia sẻ với tâm lý lo lắng của Bộ trưởng Bộ Công thương, liên quan tới tình hình nhập siêu từ Thái Lan vào Việt Nam đang tăng mạnh từ đầu năm 2017.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia lĩnh vực bán lẻ cho rằng, nỗi lo trên là thực tế, bởi lẽ nhập siêu nhiều thì dòng ngoại tệ chảy ra nước ngoài càng lớn, trong khi đó, sản xuất trong nước sẽ bị thua thiệt, lao động không có công ăn việc làm, phải đi làm thuê cho các nước, trong đó có cả Thái Lan.

Mối lo ngại trên còn liên quan tớ lộ trình giảm thuế theo cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) của Việt Nam. Theo đó, gần 98% số dòng thuế nhập khẩu đã được xóa bỏ, càng tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Thái đi vào thị trường Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn.

Nếu hàng rào kỹ thuật dựng lên nhằm quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm được thực hiện tốt sẽ giúp các cơ quan chức năng kiểm soát, ngăn chặn, hạn chế những sản phẩm chất lượng kém, không đảm bảo. Việc này cũng góp phần hạn chế tình trạng nhập siêu từ nước ngoài.

Tuy nhiên, cơ chế quản lý, kiểm tra kỹ thuật hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam thời gian qua thực hiện không tốt, tạo cơ hội cho hàng ngoại tràn vào và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Một số doanh nghiệp Thái Lan đã tăng gấp đôi số mặt hàng và lượng nhập khẩu chỉ trong gần 3 năm.

Vậy lý do là gì, ông Phú chỉ rõ mấy nguyên nhân cụ thể:

Đầu tiên phải nói tới việc để mất hệ thống phân phối bán lẻ trong nước. Hiện có tới hơn 50% thị trường bán lẻ Việt Nam đã bị các đại gia Thái Lan thâu tóm. Hàng loạt các thương hiệu bán lẻ của Việt Nam như BigC, Metro, Nguyễn Kim… đều đã rơi vào tay các nhà đầu tư Thái Lan. Việc để mất thị trường bán lẻ cũng có nghĩa Việt Nam tự đẩy mình rơi vào thế bị động, nhường quyền làm chủ các kênh phân phối hàng hóa tại thị trường nội địa cho các doanh nghiệp Thái Lan.

Việc này thực ra không nằm ngoài dự tính, bởi mưu đồ thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam đã được các đại gia Thái Lan tính toán trước từ hàng chục năm qua. Việt Nam với tổng dân số lên tới hơn 90 triệu dân, tỷ lệ siêu thị mới chiếm 25%, trong khi đó thị trường nông thôn vẫn đang bị bỏ ngỏ, việc thâu tóm hàng loạt các chuỗi siêu thị lớn của Việt Nam cho thấy các đại gia bán lẻ nước ngoài đã nhìn thấu những tiềm năng đó.

Thứ hai, hàng hóa Thái Lan luôn có chất lượng rất tốt, giá không chênh lệch nhiều so với hàng Trung Quốc. Nhìn từ góc độ này, phải cảm ơn hàng hóa Thái Lan vì nhờ có hàng Thái Lan mà người tiêu dùng Việt có thêm cơ hội lựa chọn sản phẩm tốt hơn, giá rẻ hơn mà chất lượng hơn hẳn hàng Trung Quốc.

Thứ ba, vẫn còn tình trạng ép giá nhau, tự hại nhau, ép người sản xuất và người tiêu dùng phải mua giá cao, một số siêu thị còn tình trạng phí gầm bàn, thậm chí còn có cả chuyện phải “đút lót” mới được đưa hàng vào siêu thị Việt.

Thật bất ngờ đến cả Co.op Mart, một chuỗi siêu thị luôn đề cao khẩu hiệu “ưu tiên hàng Việt”, thế nhưng doanh nghiệp muốn đưa được hàng vào siêu thị cũng phải mất chiết khấu tới 20-30%.

Tất cả những chi phí này nó không chạy đi đâu mà chạy vào chính giá thành sản phẩm, vào túi người tiêu dùng. Vì lẽ đó mới có chuyện chanh tại nơi sản xuất có 2.000 – 3.000 đồng/kg nhưng thị trường Hà Nội vẫn đang bán 15.000 – 20.000 đồng/kg.

Như vậy, nói về sức ép đối với thị trường bán lẻ có lẽ chỉ có 30% đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, còn lại 70% là “chúng ta tự hại chúng ta” làm cho “cơ thể” bán lẻ Việt Nam yếu đi.

Thứ tư, là những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách như: Nhà nước hầu như không có hỗ trợ cho bán lẻ, không có được chính sách thúc đẩy phát triển cụ thể cho sản xuất cũng như trong khâu phân phối hàng hóa.

Cuối cùng, bản thân Hiệp hội bán lẻ trong nước lại chưa thể hiện được rõ vai trò, quá chủ quan trong công tác điều hành, giám sát, bên cạnh đó, cơ chế mua bán hàng thiếu minh bạch, sự liên kết giữa các siêu thị quá kém… tất cả đều là tổng hợp những nguyên nhân khiến hàng Việt nhận thua đau ngay trên sân nhà.

Về phía các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, nếu muốn tồn tại được lâu dài cần phải có sự liên kết, chia sẻ với nhà sản xuất, nhà cung ứng hàng hóa cho siêu thị, không thể để tình trạng 10 siêu thị cử 10 người đi mua dầu ăn mà không mua chung bán chung được.

Chỉ có sự liên kết, chia sẻ mới là kế kinh doanh bền vững. Tình trạng o ép nhau, siêu thị ép nhà sản xuất, doanh nghiệp ép giá người tiêu dùng… sẽ dẫn tới hàng loạt những hệ lụy rất khó lường trước như khi khan hiếm hàng sẽ không tìm được hàng để mua và ngược lại.

Tới thời điểm này có lẽ phải nói rằng “nước đã đến lưng vẫn chưa chịu nhảy”, vì vậy, cần thiết phải có một “hội nghị Diên Hồng” trong lĩnh vực phân phối bán lẻ để lấy ý kiến tham vấn từ doanh nghiệp nhằm đưa ra các quy định mang tính sát thực, khả thi, minh bạch, công bằng và hiệu quả.

RELATED ARTICLES

Tin mới