Sunday, May 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiÔ tô Made in China xâm lăng thị trường Mỹ: Đường thoáng...

Ô tô Made in China xâm lăng thị trường Mỹ: Đường thoáng…

Bất cứ doanh nghiệp Trung Quốc nào lĩnh ấn tiên phong, đột phá vào những thị trường khó tính đều có Chính phủ Trung Quốc đứng sau….

Ngày 4/12/2017, Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Quảng Châu (GAC Motor), Yu Jun nói rằng: “Chúng tôi đang xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Bắc Mỹ đầu tiên ở Thung lũng Silicon và dự kiến ​​sẽ gia nhập thị trường Bắc Mỹ vào năm 2019”.

Và GAC Motor đang tiền ngày một gần hơn tới ước vọng đó, khi ngày 5/2, đại diện hãng khẳng định rằng với cam kết về chất lượng, GAC Motor có thể đối phó với mọi thách thức và sát hạch về công nghệ để tiến vào thị trường Mỹ, theo Bnews.

Hãng chế tạo ô tô Trung Quốc này hiện tập trung nghiên cứu mãi lực thị trường và thị hiếu người tiêu dùng tại khu vực Bắc Mỹ, từ đó sẽ đưa ra quyết định về chủng loại sản phẩm cũng như phương thức mua bán tại thị trường này.

Đầu năm 2018, tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Bắc Mỹ ở Detroit, đại diện GAC Motor lặp lại tuyên bố sẽ bán ô tô tại Mỹ vào cuối năm 2019 và chất lượng sản phẩm chính là cơ sở để hãng tiến vào thị trường khó tính này.

Để đạt được mục tiêu, GAC Motor hiện tăng tốc hoàn thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Thung lũng Silicon tại California, vốn đã đi vào vận hành từ tháng 4/2017, với chức năng nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Cùng với đó là chuẩn bị cho ra đời Trung tâm R&D ở Detroit và Trung tâm Thiết kế ở Los Angles, trong đó R&D Detroit sẽ tập trung nghiên cứu về tiêu thụ nhiên liệu, phát thải và các quy định an toàn.

GAC Motor đã thắt chặt quan hệ hợp tác chiến lược với 10 nhà cung cấp phụ tùng ô tô hàng đầu thế giới, từ đó tạo ra một hệ thống chuỗi nguồn cung phụ tùng riêng cho việc hoàn thiện sản phầm của mình.

Với quyết tâm trở thành doanh nghiệp đầu tiên bán ô tô thương hiệu Trung Quốc tại Mỹ, tham vọng của GAC Motor đã bị hoài nghi. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ô tô “Made in China” hoàn toàn có thể xuất hiện và chiếm lĩnh thị trường Mỹ. 

Có thể khẳng định, GAC Motor hay một hãng chế tạo xe hơi nào của Trung Quốc lĩnh ấn tiên phong, đột phá vào thị trường Mỹ thì cũng không hoàn toàn đơn thương độc mã, mà đứng sau luôn là Chính phủ Trung Quốc.

Và Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hàng hoá chất lượng cao của Trung Quốc – trong đó có ô tô mang thương hiệu Trung Quốc – xuất hiện tại những thị trường cao cấp như Mỹ hay EU. Tại sao lại nhận định như vậy?

Thứ nhất, Bắc Kinh đã xây dựng Chiến lược Made in China 2025, tạo bước đột phá cho sản xuất hàng chất lượng cao mang thương hiệu Trung Quốc

Theo giới phân tích, dù chiếm lĩnh kênh hàng giá rẻ của thế giới nhưng lợi ích thực sự mà Trung Quốc có được từ thị trường này không nhiều, nguyên nhân là do giá trị vô hình chiếm tỷ trọng quá nhỏ trong cấu thành giá trị sản phẩm.

 
O to Made in China xam lang thi truong My: Duong thoang...
Chiến lược Made in China 2025 mang tầm cỡ một cuộc cách mạng công nghệ của Trung Quốc

Điều đó được ví như “người Trung Quốc đã làm không công còn phải bỏ tiền túi ra phục vụ người nước ngoài”, vì vậy khi tái cơ cấu nền kinh tế thì Bắc Kinh cũng đồng thời tìm cách làm gia tăng giá trị vô hình cho hàng hoá Trung Quốc.

Để hiện thực hoá được tham vọng đó, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng một chiến lược mang tên “Made in China 2025”, mà khi thành công sẽ giúp thay đổi vị thế cho người Trung Quốc, trong cả sản xuất lẫn tiêu dùng.

Theo đó công nghệ sản xuất hàng giá rẻ sẽ dần được thay thế bằng công nghệ cao của Trung Quốc, với tỷ lệ thay thế đạt 40% vào năm 2020 và đến năm 2025 thì hàm lượng công nghệ cao phải chiếm tới 70% trong sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.

Theo công bố của Chính phủ Trung Quốc, Chiến lược Made in China 2025 được xây dựng tập trung vào hai mũi nhọn mang tính đột phá, đó là phát kiến kỹ thuật và chuyển giao công nghệ

Trong đó mũi nhọn thứ nhất là phát huy sự sáng tạo của người Trung Quốc, từ phát minh sáng chế đến cải tiến kỹ thuật. Mũi nhọn thứ hai là khai thác thành quả công nghệ cao của các nước tiên tiến và vận dụng vào quy trình sản xuất của Trung Quốc.

Chiến lược Made in China 2025 được nhìn nhận mang tầm cỡ như một cuộc cách mạng trong khoa học và công nghệ, mà có thể làm thay đổi hẳn thói quen trong đầu tư sản xuất vốn chạy theo hàng giá rẻ tại Trung Quốc.

Khi chủ nghĩa bảo hộ được Tổng thống Donald Trump khích lệ và dần trở thành một xu hướng đối lập với toàn cầu hoá, đã tạo động lực cho chính quyền, doanh nghiệp Trung Quốc quyết sớm cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao Made in China.

Thứ hai, thành quả của những thương vụ M&A by Chinese giúp cho Chiến lược Made in China 2025 về đích sớm hơn.

Như vậy, thực tế đã đặt ra yêu cầu Trung Quốc phải làm sao có thể đi tắt đón đầu trong hiện thực hoá Chiến lược Made in China 2025 để về đích sớm hơn dự kiến. Và “Made for China” được Bắc Kinh xem là đường tắt cho Made in China 2025″.

O to Made in China xam lang thi truong My: Duong thoang...
M&A by Chinese đã giúp người Trung Quốc sở hữu công nghệ cao một cách nhanh nhất

Theo đó hàng hoá của Trung Quốc không phải được sản xuất tại Trung Quốc, bởi người Trung Quốc, mà có thể được sản xuất ở bên ngoài Trung Quốc, bởi người nước ngoài, nhưng tất cả thành quả đều thuộc quyền sở hữu của người Trung Quốc.

Nhiệm vụ quan trọng đó được Chính phủ Trung Quốc trao cho những doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện các thương vụ M&A by Chinese ở nước ngoài, mà mục đích là tạo ra những doanh nghiệp “mình ong xác ve”.

Mỹ và Đức được đánh giá là hai quốc gia có quy mô công nghiệp sản xuất, chế biến bởi công nghệ cao hàng đầu thế giới và người Trung Quốc được cho là đã tập trung thực hiện M&A mạnh ở hai thị trường này.

Đây là hướng đi chuẩn xác của Bắc Kinh khi thực hiện kế hoạch Made for China. Bởi hệ thống doanh nghiệp mục tiêu tại Đức và Mỹ quá hấp dẫn để các nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện “M&A by Chinese” cho mục đích tìm kiếm công nghệ cao.

Như vậy, cả doanh nghiệp và Chính phủ Trung Quốc cùng thúc đẩy kế hoạch Made for Chinese, trợ giúp Chiến lược Made in China 2025 có thể về đích sớm hơn, mà kết quả là những sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu Trung Quốc ra đời.

“Sau khi mua các công ty ở nước ngoài, nhà đầu tư Trung Quốc vẫn giữ lại bộ máy quản lý và công nhân lành nghề, thậm chí tạo thêm việc làm thông qua việc mở thêm các công ty con để hình thành mạng lưới các công ty phụ trợ”, theo Reuters.

 
Hàng hoá chất lượng cao của Trung Quốc đã xuất hiện trên kênh thị trường hàng cao cấp thế giới

Có thể thấy rằng, với kế hoạch Made for Chinese, hàng loạt các chi tiết phụ trợ hay bán sản phẩm được sản xuất bởi công nghệ cao tại các doanh nghiệp “mình ong xác ve” sẽ nhanh chóng chiếm tỷ trọng đáng kể trong hàng hoá của Trung Quốc.

Dù trong trường hợp này, người Trung Quốc có thể chỉ làm chủ sở hữu chứ chưa hẳn làm chủ được những quy trình công nghệ cao ấy, song đó là thành công lớn với người Trung Quốc trong tham vọng chiếm lĩnh kênh hàng chất lượng cao thế giới.

Và chính điều đó giúp cho các doanh nghiệp Trung Quốc – như GAC Motor – tự tin vào thành công trong việc phân phối hàng Trung Quốc chất lượng cao tại những thị trường đỏi hỏi khắt khe, với giá trị vô hình chiếm phần lớn trong cấu thành giá trị sản phẩm.

RELATED ARTICLES

Tin mới