Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngBiển Đông và những cơn sóng dữ

Biển Đông và những cơn sóng dữ

Biển Đông năm 2017 yên bình hơn nhưng đó chỉ là trên bề mặt biển còn dưới đáy biển, biển Đông vẫn luôn cuộn sóng

TS Ngô Hữu Phước – Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế đưa ra nhận định đồng thời ông cũng đưa ra những dự báo về tình hình Biển Đông năm 2018.

PV:- Thưa ông, mới đây, tại Hội thảo Quốc tế lần thứ 9 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, nhiều  học giả cho rằng năm 2017 vừa qua, tình hình Biển Đông yên ả trên bề mặt, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ sóng ngầm phức tạp? Là người theo dõi tình hình biển Đông một năm qua, ông thấy thế nào?

TS Ngô Hữu Phước:- Tôi cho rằng, đây là một nhận định khá chính xác. Bởi lẽ, trong năm 2017 tình hình ở Biển Đông yên bình hơn những năm trước đó. Tuy nhiên, có thể ví thế này, đó chỉ là trên bề mặt biển còn dưới đáy biển, biển Đông vẫn luôn cuộn sóng bởi quan điểm, yêu sách của các quốc gia trong khu vực về chủ quyền, quyền chủ quyền đối với các vùng biển đảo của vùng biển chiến lược này vẫn còn nhiều khác biệt.

Trong đó, lập trường, quan điểm, yêu sách và các hành động của Trung Quốc trong năm qua vẫn bộc lộ rõ những âm mưu, toan tính rất khó hiểu và khó lường đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, Trung Quốc vẫn từng ngày, từng giờ, tiến hành các hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hoá trên 7 đá mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa-chủ quyền của Việt Nam đó là: đá Gaven, đá Tư nghĩa, đá Gạc Ma, đá Châu Viên, đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành khăn. Trung Quốc vẫn ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển nằm giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough.

Bên cạnh đó, do Việt Nam chưa phân định xong các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn với Trung Quốc ở vùng biển của ngoài vịnh Bắc Bộ, với Philippines ở khu vực phía đông, vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia khu vực phía nam đông nam; vùng chồng lấn đặc quyền kinh tế-thềm lục địa giữa ba nước Thái lan-Malaysia-Việt Nam và chưa phân định đường biên giới trên biển cũng như các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục với Campuchia nên vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tranh chấp, xung đột nếu không có giải pháp linh hoạt để giải quyết. Đặc biệt là các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia trong khu vực liên quan đến việc bắt giữ, xét xử ngư dân đánh bắt trong vùng biển chồng lấn như Indonesia đã thực hiện trong thời gian vừa qua.

Cuối cùng, với vị trí địa chiến lược cả về quân sự, chính trị, kinh tế-thương mại, hàng hải và hàng không của khu vực và thế giới nên Biển Đông luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Australia, Ấn Độ…Do vậy, bất kỳ động thái thiếu thận trọng nào của các cường quốc cũng có thể làm cho biển Đông căng thẳng, phức tạp và có thể bùng nổ xung đột bất kỳ lúc nào.

Chính vì vậy, Biển đông vẫn luôn là điểm nóng, hội tụ của nhiều mâu thuẫn, cạnh tranh địa chiến lược của vực và thế giới. Mặc dù, sau Phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982 về vụ kiện PLP-TQ, tình hình Biển Đông đã  có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhìn trong tổng thể và dài hạn thì bất an và lo ngại vẫn đè nặng bởi nguy cơ xung đột cho dù các quốc gia trong khu vực đã rất nỗ lực nhằm quản lý tranh chấp nhưng những nỗ lực ấy vẫn mang tính “đối phó” và “chắp vá”. Vì thế nên, mặc dù thời gian qua các quốc gia trong khu vực đã có nhiều sáng kiến hợp tác nhưng kết quả lại rất hạn chế, do thiếu hụt “lòng tin chiến lược”.

Chính vì vậy, Biển Đông vẫn ẩn chứa trong lòng nhiều con sóng ngầm dữ dội có nguy cơ dẫn đến xung đột giữa các quốc gia trong khu vực và thế giới nếu không có cơ chế và giải pháp nhăn chặn hiệu quả.

PV:- Nhìn vào những gì đang diển ra trên biển Đông năm qua,  Trung Quốc đang lợi dụng  những  diễn biến nóng trên thế giới, để  thúc đẩy các hoạt động tăng cường quân sự ở vùng biển họ tuyên bố chủ quyền và xoa dịu các quốc gia có tranh chấp?

TS Ngô Hữu Phước:- Đúng vậy, trong năm 2017 có rất nhiều sự kiện làm giảm sự quan ngại của thế giới về các tranh chấp, xung đột ở Biển Đông như: Sự kiện Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức và thực thi một loạt cam kết tranh cử của mình. Với chính sách “nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Trump lần lượt rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và ký nhiều sắc lệnh gây tranh cãi như xây tường ở biên giới với Mexico, cấm nhập cư hay mới đây nhất là tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Có thể nói, Tổng thống Mỹ đã tạo ra sự xáo trộn đáng kể, khiến các nước đồng minh và cả cộng đồng quốc tế đứng ngồi không yên.

Cũng trong năm 2017, Pháp có tổng thống trẻ nhất trong lịch sử với chiến thắng đầy bất ngờ của ông Emmanuel Macron.

Tại châu Á, chính trường Hàn Quốc chao đảo sau vụ bê bối khiến Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất.

Các quốc gia vùng Vịnh trải qua cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng, chưa lối ra khi một loạt quốc gia hồi giáo tuyên bố cắt đứt quan hệ và tham gia cấm vận Qatar.

Bên cạnh đó, những căng thẳng trong quan hệ Iran và Ả Rập Xê Út khiến giới quan sát lo ngại về khả năng xung đột, thậm chí đẩy an ninh vùng Vịnh tới “giới hạn đỏ”; Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel mà Tổng thống Mỹ đưa ra vào đầu tháng 12 lại làm điểm nóng này trở nên khó lường hơn bao giờ hết. Thế giới Ả Rập sục sôi, bờ Tây và Dải Gaza liên tục xảy ra đụng độ, còn các nước lo ngại xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Năm 2017 cũng chứng kiến bất ổn ngày càng lớn tại bán đảo Triều Tiên. CHDCND Triều Tiên liên tục phóng tên lửa, thử hạt nhân với những tiến bộ đáng kể mà Mỹ cũng phải thừa nhận. Cuộc khẩu chiến không ngừng giữa hai bên làm thế giới lo ngại, thậm chí có thông tin Trung Quốc, nước láng giềng và đồng minh của Triều Tiên đã bắt đầu chuẩn bị cho những tình huống xấu có thể xảy ra và rất nhiều sự kiện nóng khác liên quan đến cuộc chiến chống IS ở Irac, Syrie và Lybia.

Trong bối cảnh đó, như tôi đã nói ở trên, TQ vẫn không ngừng tiến hành các hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hoá trên 7 đá mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa-chủ quyền của Việt Nam; vẫn ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt trên biển Đông, bao gồm cả ngư trường truyền thống của Việt Nam ở Hoàng Sa và khu vực vịnh Bắc Bộ từ 16/5 đến 01/8;

TQ vẫn tiến hành các hoạt động truy đuổi, tấn công, bắt giữ tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên các ngư trường truyền thống ở phía bắc Biển đông. Nguy hiểm hơn họ vẫn tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn trên biển Đông.

Do vậy có thể nói rằng, TQ luôn luôn lợi dụng tình hình thế giới để lấn tới. Họ vừa hô hào, kêu gọi hợp tác, hoà bình vừa ra sức củng cố, tăng cường các hoạt động đơn phương trên biển Đông để từng bước hiện thực hoá “tham vọng độc chiếm Biển Đông” của họ.

PV:- Thưa ông, phải chăng, sự khác biệt trong lập trường và nhận thức của các nước về lịch sử, các diễn biến trên thực địa cùng việc luật pháp quốc tế không được tuân thủ triệt để là nguyên nhân khiến tranh chấp trên Biển Đông trở nên căng thẳng?

TS Ngô Hữu Phước:- Đúng như vậy, như tôi đã nói ở trên, Biển Đông chỉ lặng mà không yên! Bởi lẽ, các quốc gia trong khu vực vẫn tồn tại nhiều bất đồng, khác biệt rất lớn về chủ quyền, quyền chủ quyền trong trên biển. Mặt khác, do luật pháp quốc tế nói chung và luật biển quốc tế nói riêng, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982 chưa được các quốc gia tuân thủ triệt để; vẫn còn hiện tượng hành xử theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, “ỉ mạnh hiếp yếu”; đặc biệt các quốc gia thành viên của ASEAN vẫn chưa thật sự đồng sức, đồng lòng về vấn đề Biển Đông.

Chính vì vậy, các tranh chấp ở Biển Đông vẫn là những tranh chấp căng thẳng, phức tạp và không dễ để giải quyết dứt điểm trong một sớm một chiều mà phải cần rất nhiều thời gian, trí tuệ, nhất là sự tận tâm, thiện chí của các bên liên quan, đặc biệt là Trung Quốc thì các tranh chấp ở Biển Đông mới có thể được hoá giải một cách hoà bình.

PV:- Thưa tiến sĩ, một động thái rất đáng chú ý trong năm qua, là cả ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý thông qua bộ khung của COC. Đây có phải là tín hiệu đáng lạc quan để tiến tới hóa giải mâu thuẫn tranh chấp ở biển Đông?

TS Ngô Hữu Phước:- Đúng, sự kiện ASEAN và Trung Quốc đồng ý thông qua bộ khung của COC đã chho thấy, ASEAN và Trung Quốc rất quyết tâm hợp tác để có được COC- khuôn khổ pháp lý quốc tế quan trong của các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên kỳ vọng quá nhiều và cũng không nên quá lạc quan để cho rằng, COC là công cụ duy nhất, hiệu quả nhất để hoá giải các mâu thuẫn, tranh chấp ở Biển Đông. Bởi lẽ, có luật là một chuyện còn tuân thủ luật hay không lại là chuyện khác.

Chính vì vậy, COC chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để hoá giải các mâu thuẫn, tranh chấp ở biển đông đó chính là sự tân tâm, thiện chí, hợp tác giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế với quyết tâm cao nhất của các quốc gia trong khu vực. Khi có đủ hai điều kiện này thì các mâu thuẫn và tranh chấp ở Biển Đông mới có thể được hoá giải.

PV:- Hãng tin Reuters ngày 19/12/2017 đưa tin, Đô đốc John Richardson Hải quân Mỹ cho biết sẽ tăng tàu chiến đến châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh sự tiến bộ của hạt nhân và tên lửa CHDCND Triều Tiên ngày càng đe dọa, trong khi Mỹ còn phải đối phó sức mạnh quân sự Trung Quốc ngày càng tăng ở Biển Đông và các vùng khác của châu Á. Điều này có tác động thế nào đến Biển Đông, thưa ông?

TS Ngô Hữu Phước:- Theo quan điểm của tôi, mọi động thái của Mỹ liên quan đến khu vực Châu Á Thái Bình Dương mà tâm điểm là bán đảo Triều tiên luôn được các quốc gia trong khu vực và thế giới quan tâm đặc biệt. Do đó, việc Đô đốc Hải quân Mỹ cho biết sẽ tăng tàu chiến đến châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh chương trình tên lửa, hạt nhân của CHDCND Triều Tiên có những tiến bộ vượt bậc trong thời gian vừa qua là vấn đề đặc biệt nhạy cảm không chỉ đối với Triêu tiên mà đối với các quốc gia trong khu vực, nhất là Trung Quốc.

Bởi lẽ, TQ không bao giờ muốn Mỹ có tầm ảnh hưởng quá lớn đối với khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông bắc Á và Đông Nam á nói riêng. Bởi vì, ở các khu vực này có các đồng minh chiến lược của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan. Do vậy, nếu sự hiện của Hải quân Mỹ trong khu vực ngày càng lớn, tần suất ngày càng dày thì TQ sẽ rất lo ngại. Và khi họ không an tâm, lo ngại thì họ sẽ có những hành động động đối phó, hoặc răn đe, cảnh báo Mỹ như tập trận, tăng cường tiềm lực quốc phòng, đặc biệt là sức mạnh của lực lượng hải quân, quân sự hoá ở các đá trên quần đảo Trường Sa với quy mô lớn hơn….và khi TQ làm như vậy để đối phó, đề phòng Mỹ, thì đó là tín hiệu xấu đối với hoà bình và an ninh ở Biển Đông- vùng biển địa chiến lược đặc biệt quan trọng của khu vực và thế giới!

PV:- Theo nhiều chuyên gia, ngoài các tranh chấp truyền thống, tình hình Biển Đông còn phức tạp hơn do sự xuất hiện của những thách thức phi truyền thống như tình trạng biến đổi khí hậu, khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên, cướp biển, khủng bố và tội phạm trên biển. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

TS Ngô Hữu Phước:- Nhận xét này hoàn toàn đúng, trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay thì những thách thức phi truyền thống đang ngày một lớn dần, đe doạ đến sự tồn tại, phát triển bền vững của các quốc gia trong đó có biến đổi khí hậu, các nguồn tài nguyên trên biển bao gồm tài nguyên sinh vật, tài nguyên hoá thạch (dầu mỏ, khí đốt) ngày càng cạn kiệt.

Điều đó đã làm cho một bộ phận người dân của các quốc gia trên thế giới và khu vực phải đối mặt với thiên tai, bão lụt, sạt lở đất, trái đất nóng lên, tan băng ở Nam cực. Và hệ quả của tình trạng này đã và sẽ làm cho nhiều khu vực của nhiều quốc gia có thể bị nhấn chìm; người dân mất nhà của, đất đai canh tác; mất nguồn sống; tài nguyên cạn kiệt.

Đặc biệt, khi mà nhu cầu thực phẩm của thế giới ngày càng tăng trong khi tài nguyên thủy hải sản ngày càng giảm do tình trạng đánh bắt tận diệt, môi trường sống của các sinh vật biển của một số khu vực trên thế giới bị hủy hoại nghiêm trọng thì các tranh chấp biển nói chung và tranh chấp về đánh bắt cá nói riêng lại ngày càng căng thẳng và phức tạp.

Xu hướng này đã và đang diễn ra hầu khắp các châu lục mà khu vực Biển Đông cũng không phải là ngoại lệ. Bởi lẽ, Biển Đông cung cấp 10% lượng thủy sản của toàn cầu mỗi năm thì sản lượng cá gần bờ hiện nay đã giảm xuống đến mức báo động chỉ còn từ 5 đến 30%.

Thực trạng này làm cho hoạt động đánh bắt cá của các nước trong khu vực ngày càng khó khăn hơn. Bởi lẽ, các nước trong khu vực Biển Đông như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines đánh bắt khoảng 7 – 8% tổng sản lượng trên toàn thế giới. Trong đó, Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm), Thái Lan đứng thứ 10 thế giới (khoảng 1,5 – 2 triệu tấn/năm).

Và hệ quả tất  yếu là ngư dân các nước trong khu vực phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn hoặc tuân thủ theo pháp luật quốc tế, chấp nhận sản lượng đánh bắt và thu nhập của mình giảm sút trầm trọng hoặc là đánh bắt phạm pháp là một trong những nguyên nhân làm cho tranh chấp biển nói chung và tranh chấp về đánh bắt cá ngày càng căng thẳng và quyết liệt hơn.

Và khi cuộc sống ngày càng khó khăn hơn thì tình trạng di cư bất hợp pháp, các loại tội phạm trong đó có các tội phạm trên biển diễn ra trên biển như cướp biển, buôn bán người, chuyên chở nô lệ, bốc lột lao động, vượt biên trái phép cũng ngày càng gia tăng cả về tính chất, mức độ và quy mô khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết các quốc gia trong khu vực cần phải hợp tác toàn diện và thực chất hơn để đối phó hiệu quả với những thách thức phi truyền thống này, để khu vực biển Đông ngày càng phát triển thịnh vượng!

PV:- Thưa tiến sĩ, theo ông, trong năm 2018 xu hướng tình hình Biển Đông sẽ diễn biến như thế nào? Trung Quốc sẽ có thể có những động thái nào mới ở Biển Đông khi tình hình thế giới có nhiều biến động?

TS Ngô Hữu Phước:- Theo tôi, trong năm 2018 tình hình Biển Đông sẽ không có những thay đổi đột phá nào. Các tranh chấp, mâu thuẫn hiện tại giữa các quốc gia trong khu vực vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, kể cả khi ASEAN và Trung Quốc thông qua được COC như kỳ vọng của các bên.

Có nghĩa là các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền đối với các vùng biển đảo, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa vẫn không nguội đi và ngược lại chúng vẫn là một trong những điểm nóng của khu vực và thế giới nếu bất kỳ quốc gia nào trong khu vực có hành vi thiếu kiềm chế thì chắc chắn sẽ khơi mào cho các tranh chấp, xung đột bùng nổ.

Các cường quốc vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với biển Đông nên họ sẽ tìm cách kiềm chế, tác động đến các bên liên quan. Tuy nhiên, nếu các cường quốc hành động vì công lý, vì hoà bình, an ninh quốc tế trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có CƯ của LHQ về luật biển năm 1982 thì tình hình biển Đông sẽ bình yên hơn. Ngược lại, nếu vì lợi ích cục bộ, phe phái mà có các hành động thiếu tính toán thì tình hình an ninh khu vực và thế giới sẽ biến động và khi đó xung đột, căng thẳng ở biển Đông lại được dịp leo thang.

Về phí TQ, theo tôi họ vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động sau đây:

– Tiếp tục cải tạo, bồi đắp và quân sự hoá trên biển đông;

– Tăng cường tiềm lực quốc phòng đặc biệt là hải quân và không quân;

– Nâng cấp và phát triển các loại vũ khí chiến lược;

– Chạy đua vũ trang với Mỹ và các cường quốc;

– Tận dụng, tranh thủ mọi cơ hộ để mở rộng các vùng biển đảo ở Biển Đông và sẵn sàng gây hấn, bất chấp quan ngại của các quốc gia trong khu vực và thế giới nếu có cơ hội thuận lợi;

– Tiếp tục chính sách phân hoá, chia rẻ sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN trong việc đưa ra các quyết định chung của ASEAN về biển Đông.

TS.Ngô Hữu Phước: Phán quyết PCA là bảo bối của Việt Nam

PV:- Vậy, trước những diễn biến có thể phát sinh, theo tiến sĩ, năm 2018, chúng ta cần làm gì để bảo vệ tốt nhất chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông mà không để mất hòa bình, ổn định trong vùng biển này?

TS Ngô Hữu Phước:- Để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, theo tôi trong thời gian chúng ta phải làm tốt các công việc sau đây:

– Ổn định chính trị-xã hội, phát triển kinh tế, đầu tư nguồn lực lớn hơn nữa cho lực lượng hải quân và các lượng chấp pháp trên biển gồm lực lượng Kiểm ngư và lực lượng cảnh sát biển để các lực lượng này hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình;

– Củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia trong khu vực và thế giới, đặc biệt là các cường quốc như Nga, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản để tạo sự đối trọng cần thiết, kiềm chế những hành động TQ “ỉ mạnh hiếp yếu” của TQ nếu có trên biển Đông trong thời gian tới;

– Mềm mỏng, linh hoạt nhưng phải kiên quyết với các hành động xâm phạm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của nước ta trên biển Đông;

– Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về chủ quyền và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền đối với biển đảo của Tổ quốc trong mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ;

– Chuẩn bị mọi phương án cả về chính trị-ngoại giao và pháp lý để vận dụng khi có nhu cầu để giải quyết hiệu quả các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trên biển;

– Đầu tư phát triển cơ sở vật chất, con người cho các lực lượng, địa bàn ở các vùng biển đảo của đất nước để nâng cao năng lực phòng thủ đất nước, bảo vệ tổ quốc.

– Chủ động đàm phán với các bên liên quan để giải quyết có hiệu quả các tranh chấp trên biển. Trong khi chưa thể giải quyết dứt điểm thì chúng ta nên vận dụng các giải pháp tạm thời như khai thác chung trên các vùng biển chồng lấn chưa được phân định để ngư dân có thể đánh bắt cá, phục vụ cho đời sông mưu sinh!

 PV:- Xin cảm ơn ông!

 

RELATED ARTICLES

Tin mới