Wednesday, May 1, 2024
Trang chủQuân sựNguy cơ tên lửa TQ xóa bỏ ưu thế không chiến của...

Nguy cơ tên lửa TQ xóa bỏ ưu thế không chiến của Mỹ

Trung Quốc phát triển các tên lửa không đối không uy lực có thể khiến hoạt động không quân Mỹ và đồng minh gặp nhiều rủi ro.

Mỹ và đồng minh đã thống trị bầu trời trong các cuộc chiến suốt 25 năm qua, khi liên tục tham chiến với những đối thủ không có năng lực tương xứng trên không. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng với Nga và Trung Quốc gia tăng, Washington có thể bị mất vị thế này, đặc biệt khi Bắc Kinh phát triển được nhiều loại tên lửa đối không đủ sức thay đổi cán cân sức mạnh, theo Bloomberg.

Với ngân sách quốc phòng ngày càng lớn, Trung Quốc sẽ trở thành thách thức chiến lược lớn với Mỹ và đồng minh trong dài hạn. “Chúng ta từng có thể làm mọi điều mình muốn ở trên không, nhưng các động thái gần đây của Trung Quốc sẽ khiến lợi thế đó dần biến mất”, chuyên gia quân sự Douglas Barrie tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận định.

“Động lực để Bắc Kinh và Moskva quyết đuổi kịp Washington là cú sốc sau khi chứng kiến không quân Mỹ dễ dàng hủy diệt các đối thủ trong thập niên 1990”, nhà phân  tích Vasily Kashin tại Trường kinh tế Cao cấp Moskva nhận định.

Trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, việc không quân Mỹ nhanh chóng đè bẹp quân đội Iraq, vốn có trang bị tốt hơn nhiều so với Trung Quốc thời điểm đó, khiến nước này choáng váng. Chiến dịch không kích của Mỹ và đồng minh nhằm vào Serbia năm 1999 cũng là hồi chuông thức tỉnh cho Nga.

Một trong những tiến bộ lớn nhất của Trung Quốc là phát triển tên lửa đối không hiện đại, cho phép tiêu diệt chiến đấu cơ trị giá 150 triệu USD bằng quả tên lửa có chi phí chưa tới hai triệu USD. Đây là một biện pháp hiệu quả để bù đắp khoảng cách lớn về chi tiêu quốc phòng và sức mạnh quân sự với Mỹ.

Hồi tháng 3, không quân Mỹ thông qua hợp đồng trị giá 500 triệu USD để bán tên lửa đối không có tầm bắn tới 160 km cho các đồng minh thân cận. Châu Âu cũng phát triển mẫu Meteor với tầm bắn xa hơn, nhưng cả hai loại vũ khí này dường như vẫn thua kém tên lửa đối không PL-15 của Trung Quốc, được cho là có tầm bắn tối đa tới 300 km.

tiem-kich-trung-quoc-deo-ten-lua-tam-xa-moi

Tiêm kích J-11C mang tên lửa đối không PL-10 và PL-15. Ảnh: IHS Jane’s.

PL-15 được trang bị đầu dò radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), khiến các tiêm kích hiện đại nhất cũng khó né tránh. Khi Trung Quốc lần đầu thử nghiệm công khai mẫu PL-15, tướng Herbert “Hawk” Carlisle, tư lệnh Bộ chỉ huy Tác chiến không quân Mỹ, lo ngại đến mức kêu gọi quốc hội nước này đầu tư ngân sách cho giải pháp đối phó.

Trung Quốc cũng đang phát triển một vũ khí không chiến bí mật cho nhiệm vụ tấn công máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm (AWACS), đầu não tác chiến của không quân Mỹ và NATO, từ khoảng cách gần 500 km.

Trong các cuộc cận chiến, tên lửa PL-10 Trung Quốc được đánh giá có uy lực xếp vào hàng tốt nhất thế giới. Loại tên lửa này có khả năng răn đe đáng kể, bởi nó có thể buộc đối phương phải trả giá đắt trong tình huống chiến đấu tầm gần.

“Mỹ đã thống trị bầu trời 25 năm qua, có lẽ điều này không kéo dài được lâu nữa. Chúng ta đã ngừng chi tiền cho các hoạt động thực tiễn từng giúp mình đứng đầu trong lĩnh vực công nghệ quân sự”, ông Michael Griffin, thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách nghiên cứu và công nghệ, đánh giá.

Griffin tỏ ra đặc biệt lo ngại trước những tiến bộ của Nga và Trung Quốc trong việc phát triển tên lửa diệt hạm siêu vượt âm, khi Mỹ vẫn chưa đủ phát hiện và bắn hạ chúng kịp thời. Các nền tảng phóng tên lửa của Trung Quốc cũng được cải thiện đáng kể, nước này sẽ nhận đủ 24 tiêm kích Su-35S của Nga trong năm nay, cũng như đã đưa tiêm kích tàng hình J-20 vào biên chế.

Tiêm kích Su-35S Trung Quốc. Ảnh: Weibo.

Tiêm kích Su-35S Trung Quốc. Ảnh: Weibo.

Viện nghiên cứu Rand năm ngoái kết luận khả năng tác chiến trên không của Trung Quốc đã ngang ngửa Mỹ trong mọi xung đột ở khu vực gần đại lục, gồm cả eo biển Đài Loan.

Dù Trung Quốc còn cần nhiều thời gian để đuổi kịp Mỹ về công nghệ quân sự, sự kết hợp giữa các chiến đấu cơ mới cùng nhiều loại tên lửa đối không và phòng không uy lực có thể khiến Mỹ gặp rủi ro khi tham chiến ở các khu vực tranh chấp, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng Tim Health tại Viện Rand nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới