Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMalaysia xem xét lại các dự án trong 'Vành đai, con đường'

Malaysia xem xét lại các dự án trong ‘Vành đai, con đường’

Khi tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tuyên bố rà soát toàn bộ dự án phát triển hạ tầng liên quan tới Trung Quốc, giới quan sát hiểu rằng sáng kiến “Vành đai và con đường” của Bắc Kinh bắt đầu đón những “làn gió ngược”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak từng nghĩ họ đã đạt được một thỏa thuận hai bên cùng thắng.

Theo đó, Bắc Kinh cam kết các khoản đầu tư và cho vay trị giá hàng chục tỉ USD để hỗ trợ kinh tế Malaysia, đổi lại ông Najib hứa sẽ xúc tiến nhanh các dự án phát triển đường sắt và cảng biển cùng các dự án khác nằm trong sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) của Bắc Kinh tại Đông Nam Á.

Rà soát và thương thuyết lại

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Mahathir Mohamad cam kết sẽ rà soát lại toàn bộ các dự án của Trung Quốc và đàm phán lại mọi “thỏa thuận bất bình đẳng”.

 “Trung Quốc có kinh nghiệm lâu năm trong việc xử lý các hiệp định bất bình đẳng và Trung Quốc đã giải quyết lại chuyện đó bằng cách tái thương lượng. Do đó chúng tôi cảm thấy mình được quyền nghiên cứu và nếu cần thiết sẽ đàm phán lại những điều khoản” – ông Mahathir tuyên bố.

Dư luận vẫn nhớ chính trị gia 92 tuổi này từng có những chỉ trích rất gay gắt đối với các dự án của Trung Quốc mà theo ông là không đem lại lợi ích thực tiễn cho người dân, chỉ làm gia tăng gánh nặng nợ công.

Khi còn tại nhiệm, trong bối cảnh lọt giữa vòng vây của các bê bối tài chính, ông Najib đã hứa với ông Tập sẽ tạo điều kiện thực thi nhanh chóng các dự án hạ tầng, cảng biển, đường sắt với tổng trị giá hơn 30 tỉ USD của Trung Quốc.

Một “lộ trình” đúng y như cựu tổng thống Sri Lanka, ông Mahinda Rajapaksa, từng đi qua và ở “cuối con đường” ấy là việc Sri Lanka đã phải bàn giao cảng biển chiến lược Hambantota cho Trung Quốc vào tháng 12-2017 với thời hạn sử dụng 99 năm.

Họ (Trung Quốc) đã dò đúng gót chân Asin của ông Najib, hệt như cách họ từng dò ra ở ông Rajapaksa… Nhưng người dân Malaysia không muốn đi tới kết cục như người Sri Lanka, tức là giao nộp các tài sản quốc gia cho Trung Quốc vì họ không thể trả nợ”

Một chủ ngân hàng đầu tư tại Kuala Lumpur bình luận trên báo Financial Times

Theo các thành viên trong liên minh cầm quyền mới tại Malaysia, dự án xây dựng tuyến đường sắt kết nối bờ biển phía đông (ECRL) dài 688km trị giá 14 tỉ USD là một trong những dự án đáng ngờ nhất, cả về phương diện chi phí lẫn lợi ích thực tế với người Malaysia.

Ông Jomo Kwame Sundaram, nhà kinh tế học kỳ cựu người Malaysia, trong cuộc phỏng vấn trước khi chính thức được ông Mahathir bổ nhiệm vào hội đồng cố vấn cho thủ tướng cuối tuần qua, cho rằng: “Dự án này không khả thi về mặt kinh tế vì nó sẽ không thể thu hồi vốn được”.

Một số dự án hạ tầng lớn của Trung Quốc tại Malaysia

Đường sắt kết nối bờ biển phía đông (ECRL): 14 tỉ USD.

Khu công nghiệp Malaysia – Trung Quốc và mở rộng cảng biển Kuantan: 9 tỉ USD.

Cảng biển và khu phức hợp công nghiệp Melaka Gateway: 11 tỉ USD.

Trung Quốc sẽ phải thỏa hiệp?

Được khởi công năm ngoái, dự án ECRL khi hoàn thành sẽ kết nối vùng bờ biển phía đông kém phát triển hơn của Malaysia với khu vực miền nam Thái Lan và thủ đô Kuala Lumpur. Chính phủ của ông Najib từng nói dự án đó sẽ tạo ra thêm 80.000 việc làm và thúc đẩy phát triển công nghiệp.

ECRL có nhà thầu là công ty xây dựng quốc doanh Trung Quốc China Communications Construction (CCCC) và được rót vốn vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, cũng là một doanh nghiệp nhà nước khác.

Trong giai đoạn tranh cử, ông Najib đã cố gắng tranh thủ cảm tình của nhóm cộng đồng gốc Hoa tại Malaysia (vốn chiếm 1/5 trong tổng số 31 triệu dân nước này), kêu gọi họ ủng hộ BRI. Tuy nhiên ngay chính những người Malaysia gốc Hoa như ông Lee và ông Wong Chen, nghị sĩ đang hoạt động dưới thời của chính quyền tân Thủ tướng Mahathir, cũng không đồng tình với các dự án đó, bất kể họ nói được tiếng Quan Thoại.

Mặc dù từng gặp ông Tập Cận Bình trước đây, song giới quan sát cho rằng chính trị gia kỳ cựu 92 tuổi Mahathir, nổi tiếng với chủ nghĩa thực dụng, cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể giành được những nhượng bộ quan trọng trong các cuộc đàm phán sắp tới với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Dẫu thế, theo ông Zhang Baohui, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong, có lẽ Bắc Kinh sẽ cân nhắc đưa ra một số nhượng bộ nhất định với ông Mahathir vì Malaysia thực sự đóng vai trò rất quan trọng với Bắc Kinh về mặt chiến lược.

Thương mại song phương năm 2017

Tổng giá trị xuất khẩu Trung Quốc sang Malaysia: 41,7 tỉ USD (tăng 10,8% theo năm). Mặt hàng chủ lực gồm: máy tính, vật liệu bán dẫn, quần áo, hàng dệt may.

Tổng giá trị xuất khẩu của Malaysia sang Trung Quốc: 54,3 tỉ USD (tăng 10,2% theo năm). Mặt hàng chủ lực: vật liệu bán dẫn, máy tính, dầu cọ, các sản phẩm nhựa.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia từ năm 2009.

RELATED ARTICLES

Tin mới