Saturday, May 18, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 06/06/2018

Bản tin Biển Đông ngày 06/06/2018

Bản tin Biển Đông ngày 06/06/2018.

Cựu Tổng thống Philippines: Trung Quốc đang vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)

Ngày 5/6, Rappler đưa tin, tại buổi họp báo ngày 4/6, cựu Tổng thống Philippines Begnigno Aquino III khẳng định Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC)giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Ông cho biết Trung Quốc đã vi phạm điều 4 và điều 5 của DOC quy định về việc cấm sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp và thực hiện tự kiềm chế khi tiến hành các hoạt động, trong đó có việc kiềm chế không chiếm giữ các đảo, đá hiện không có người ở.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Philippines: chính quyền Tổng thống Duterte đã để mất chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông

Ngày 5/6, Rappler đưa tin, ngày 4/6, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Albert del Rosario lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đã để mất chủ quyền lãnh thổ của nước này ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc giành được quyền kiểm soát trên thực tế đối với Đá Sandy vào cuối năm 2017, một cấu trúc nằm gần Đá Thị Tứ ở Trường Sa, đồng thời kêu gọi chính quyền đưa ra “một phản đối thực sự mạnh mẽ” đối với hành động này của Trung Quốc vì “Đá Sandy nằm trong lãnh hải của Đá Thị Tứ và theo luật đường cơ sở của Philippines, Đá Sandy thuộc về lãnh thổ của Philippines”. Phát biểu của ông Rosario được đưa ra 1 tuần sau khi Đại diện Đảng Magdalo, Thượng Nghị sỹ Gary Alejano bày tỏ lo ngại rằng “Trung Quốc đã giành được Đá Sandy trong nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte”.

Tàu Hải quân Mỹ cập cảng gần Biển Đông

Ngày 5/6, Inquirer đưa tin, ngày 4/6, tàu USNS Millinnocket, một trong những tàu tốc độ cao của Hải quân Mỹ, đã cập cảng Puerto Princesa, đảo Palawan của Philippines nằm đối diện với Biển Đông, trong chuyến tuần tra hợp tác an ninh của nước này. Tuyên bố của Hạm đội số 7 – Hải quân Mỹ cho hay: “trong thời gian tại Puerto Princesa, đội tàu của Hạm đội số 7 đã lên kế hoạch tham gia huấn luyện song phương với Đội tàu an ninh chống khủng bố Thái Bình Dương và thuỷ quân Philippines và triển khai thảo luận giữa các nhà lãnh đạo cấp cao”. Chuẩn Đô đốc Joey Dodgen, Phó Tư lệnh Hạm đội số 7 cho biết cuộc thảo luận với các quan chức Philippines sẽ tập trung vào việc tăng cường quan hệ đồng minh thông qua tăng cường năng lực và tương tác. Chuyến thăm của tàu USNS Millinnocket diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis có bài phát biểu khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Đối thoại Shangri-la tổ chức ở Singapore.

Vì sao Mỹ phải quan ngại với các tiền đồn của Trung Quốc trên Biển Đông

Ngày 5/6, tạp chí The National Interest đăng bài viết “Vì sao Mỹ phải quan ngại với các tiền đồn của Trung Quốc trên Biển Đông” của Robert Farley, Giảng viên Đại học Ngoại giao và Thương mại quốc tế Patterson, Đại học Kentucky. Ông Farley cho hay, bốn tiền đồn quân sự lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông đang sở hữu những cơ sở rộng lớn để phục vụ cho hoạt động của máy bay quân sự, bao gồm các máy bay chiến đấu hiện đại, nhưng đáng chú ý hơn cả là các máy bay tuần tra, tác chiến điện tử và máy bay cảnh báo sớm. Việc sử dụng các cơ sở này sẽ mở rộng hiệu quả phạm vi của hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc, cho phép truyền dữ liệu tới các bệ phóng tên lửa của Trung Quốc trên biển và ở đất liền, đe doạ sự ổn định ở Biển Đông cũng như đe dọa tới hoạt động của các tàu hải quân Mỹ.

“Biên giới biến mất” trên Biển Đông

Ngày 6/6, tạp chí Foreign Affairs đăng bài viết “Những đường biên giới đang biến mất trên Biển Đông” của Bonnie S. Glaser và Gregory Poling, hai chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS). Nhóm tác giả cho biết, bất chấp những phản đối cùng các hoạt động tuần tra hàng hải ngày càng được tăng cường của Mỹ ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn tiếp tục ngăn cản các quyền tự do hàng hải ở khu vực, nhất là quyền tự do của các nước láng giềng. Cách hành xử này của Trung Quốc trực tiếp đặt ra sức ép về mặt kinh tế lên các nước đang phát triển ở khu vực và rộng hơn là đe doạ tới luật pháp quốc tế cũng như lợi ích của Mỹ trong việc duy trì một trật tự dựa trên luật lệ.

Đặc biệt, trong năm qua, Trung Quốc đã có những động thái hung hăng để cản trở hoạt động của các nước láng giềng của mình ở Biển Đông, chẳng hạn như việc gây sức ép buộc hai dự án khoan dầu khí trên thềm lục địa của quốc gia khác hay thúc ép việc triển khai thoả thuận hợp tác phát triển dầu khí chung tại khu vực mà Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 đã kết luận là thuộc quyền chủ quyền của Philippines. Trung Quốc từ lâu đã sử dụng hoạt động phát triển chung như một phương tiện để quản lý các tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp biển với các nước láng giềng nhưng đồng thời cũng nhằm mở rộng kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp bởi khái niệm “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Bắc Kinh gắn chặt với việc nước này củng cố các yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông, hay nói cách khác, mục tiêu của việc phát triển chung cũng chính là nhằm ép các bên tranh chấp khác phải chấp nhận cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc”. Mặc dù các nước láng giềng của Trung Quốc, chẳng hạn như Philippines và Việt Nam, đều đang thăm dò tài nguyên tại các khu vực “hiển nhiên là của họ”, việc ép hai nước này tham gia vào thoả thuận chia sẻ tài nguyên ở các khu vực này sẽ hợp thức hoá các luận điệu về “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông, đi ngược lại Phán quyết và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Bài viết cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng tai hại đến trật tự dựa trên luật lệ cũng như uy tín của Mỹ với tư cách là một quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ trật tự đó.

Tuy nhiên, các tác giả cũng lưu ý rằng hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông hoàn toàn không liên quan đến nhu cầu năng lượng khổng lồ của nước này vì theo tính toàn của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ, có đến 14 nghìn tỉ mét khối khí gas tự nhiên và 16 tới 33 tỉ thùng dầu nằm dưới thềm lục địa của các nước láng giềng của Trung Quốc. Trong khi đó, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vào năm 2018 dự kiến sẽ lên tới 12,5 triệu thùng dầu/ngày. Do đó, trữ lượng dầu khí có thể khai thác trên thềm lục địa của Philippines và Việt Nam sẽ chỉ như “muối bỏ bể” đối với nước này. Do đó, càng có cơ sở để khẳng định rằng, mục đích chính của việc Trung Quốc ra sức hối thúc tiến hành phát triển chung nguồn tài nguyên ở Biển Đông không gì khác ngoài việc chỉ củng cố các yêu sách phi lý của họ. Trong khi đó, đối với các nước láng giềng của Trung Quốc, vấn đề lại trở nên phức tạp hơn khi các nước này thiếu năng lực để có thể tự phát triển các nguồn tài nguyên năng lượng, chẳng hạn như những khó khăn về kinh phí, thời gian hay sức hút đối với các nhà đầu từ nước ngoài sụt giảm.

Trong bối cảnh đó, các tác giả nhận thấy rằng, để đảm bảo một trật tự Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bảo vệ quyền sử dụng hợp pháp các vùng biển cũng như quyền của các nước ven biển ở vùng biển và đáy biển của họ, Mỹ cần thể hiện một phản ứng mạnh mẽ hơn. Mới đây, trong buổi điều trần tại Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Mỹ, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alex Wong đã công bố về chính sách Biển Đông của chính quyền Tổng thống Donald Trump gồm 4 điểm: (i) hoạt động tự do hàng hải, (ii) ngoại giao pháp lý, (iii) hỗ trợ an ninh trên biển và (iv) hỗ trợ các nước ASEAN đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc. Tuy nhiên, các tác giả cho rằng chính sách này vẫn chủ yếu tập trung vào những chính sách đã được xây dựng từ chính quyền của Tổng thống Barack Obama và cho đến nay vẫn chưa đủ để ngăn chặn những hành động phi pháp của Trung Quốc nhằm ngăn cản quyền tự do trên các vùng biển. Glaser và Poling kêu gọi Chính phủ Mỹ cần chủ động hơn trong việc huy động cộng đồng quốc tế đưa ra phản đối đối với những hành động của Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cũng cần triển khai một chiến lược “đẩy lùi” trong trường hợp xảy ra nguy cơ đối đầu quân sự với Trung Quốc. Bên cạnh đó, khi lựa chọn cách tiếp cận cứng rắn nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc biến đổi nguyên trạng ở Biển Đông, Mỹ cần tái khẳng định và làm rõ những cam kết của mình với Philippines theo Hiệp ước, cụ thể là đưa ra một tuyên bố chính thức về việc bảo vệ đồng minh ở Biển Đông trong phạm vi của Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với nước này. Đồng thời, để tăng giá trị cho cam kết của mình, các quan chức củ Mỹ cần thúc đẩy Philippines triển khai đầy đủ Thoả thuận Tăng cường hợp tác Quốc phòng 2014 và triển khai các máy bay chiến đấu tới các căn cứ của Philippines để có thể phản ứng nhanh chóng trong các sự vụ trên Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ cũng cần cân nhắc tới các hình thức ủng hộ rõ ràng hơn đối với quyền của các nước châu Á trên vùng biển của họ, chẳng hạn như chuyển trọng tâm hoạt động từ bảo vệ “tự do hàng hải” sang “tự do các vùng biển”, qua đó thúc đẩy các nước đối tác ở Đông Nam Á dám đứng ra phản ứng lại lối hành xử chèn ép của Trung Quốc, thể hiện cam kết của Mỹ đối với quyền tự do hàng hải của tất cả các quốc gia.

RELATED ARTICLES

Tin mới