Thursday, May 2, 2024
Trang chủBiển nóngTriển khai vệ tinh giám sát ở Biển Đông: TQ đang phá...

Triển khai vệ tinh giám sát ở Biển Đông: TQ đang phá hoại hòa bình, ổn định của khu vực

Tờ South China Morning Post ngày 16/8 dẫn thông tin từ truyền thông Trung Quốc cho biết, Viện Tam Á về Viễn thám thuộc Viện Khoa học hàn lâm Trung Quốc sẽ đưa vào sử dụng 10 vệ tinh (6 vệ tinh quang học, 2 vệ tinh siêu phổ và 2 vệ tinh radar) để heo dõi tình hình lưu thông và các điều kiện môi trường nước trên khắp khu vực Biển Đông. Các vệ tinh này là một phần của hệ thống chùm vệ tinh Hải Nam. Theo dự kiến, từ năm 2019 Trung Quốc sẽ triển khai chương trình trên và sẽ hoàn thiện vào năm 2021. Cụ thể, trong giai đoạn đầu, Trung Quốc sẽ phóng lên quỹ đạo 3 vệ tinh quang học đầu tiên vào nửa cuối năm 2019. Chúng sẽ được trang bị các cảm biến quang học điều khiển từ xa, có khả năng định vị tàu thuyền và theo dõi bề mặt nước biển. Tuy nhiên, hệ thống camera trang bị cho 3 vệ tinh quang học đầu tiên sẽ chỉ đủ độ phân giải để tập trung vào các tàu có kích thước trung bình và cỡ lớn. Trong giain đoạn thứ hai, Trung Quốc sẽ phóng 2 vệ tinh siêu phổ vào năm 2020. Vệ tinh trên có khả năng đánh giá điều kiện môi trường nước biển. Trong giai đoạn cuối, Trung Quốc sẽ phóng 3 vệ tinh quang học và 2 vệ tinh radar vào năm 2021, những vệ tinh này có khả năng giám sát độ phận giải cao, trong mọi điều kiện thời tiết.

Đá Chữ Thập của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm và xây thành đảo nhân tạo phi pháp với diện tích 2,8 km2, cùng đường băng dài 3 km có thể đón tất cả các loại máy bay quân sự.

Dư luận liên quan:

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, hệ thống vệ tinh trên sẽ có khả năng bao quát toàn bộ khu vực từ vĩ độ 30 độ Bắc đến 30 độ Nam và toàn bộ tàu thuyền, cũng như khí hậu, thời tiết, môi trường ở khu vực Biển Đông đều nằm trong tầm kiểm soát của Trung Quốc. Chuyên gia Trần Tướng Diệu, Viện nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc nhận định dự án này cũng sẽ giữ vai trò đáng kể trong các kế hoạch quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trong khi đó, giới chuyên gia, học giả quốc tế nhận định đây là một phần trong kế hoạch thâu tóm và kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Đài Loan Rupert Hammond-Chambers cho rằng các vệ tinh mới “sẽ giúp Trung Quốc thu được nhiều tin tình báo hơn” và những tin này nhiều khả năng sẽ được sử dụng để gây tác động tiêu cực đến hoạt động của các nước khác trong khu vực. Hành động của Trung Quốc có thể gây ra xung đột vũ trang nếu sử dụng hình ảnh vệ tinh thu được để đối phó, ngăn cản phi pháp tàu các của các nước hoạt động trên Biển Đông. Chuyên gia Collin Koh Swee Lean, trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore cho rằng Trung Quốc đã hành động rất nhanh về chuyện này và việc che giấu toàn bộ kế hoạch trên dưới vỏ bọc dân sự có thể sẽ gây ra những hệ quả chiến lược sâu rộng đối với vấn đề Biển Đông.

Hệ thống vệ tinh trên của Trung Quốc nhằm phục vụ âm mưu tăng cường kiểm soát Biển Đông

Thứ nhất, hệ thống vệ tinh trên có khả năng thu thập thông tin, theo dõi bề mặt nước biển, đánh giá điều kiện môi trường nước biển và có khả năng định vị tàu thuyền trong mọi điều kiện thời tiết; khiến Bắc Kinh nắm bắt được sự thay đổi về môi trường sinh thái ở các vùng biển và đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế biển phù hợp với đặc điểm từng vùng.

Thứ hai, hệ thống giám sát cũng hỗ trợ hải quân, nhất là lực lượng tàu ngầm chiến lược và tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc trong việc định hướng, xác định mục tiêu và theo dõi tàu chiến của các nước khác. Theo thiết kế, các tàu ngầm thường dùng kỹ thuật lan truyền sóng âm thanh dưới nước (sonar) để xác định vị trí, nhận diện và theo dõi tàu khác. Tốc độ và hướng của sóng âm lại bị ảnh hưởng rất lớn bởi nhiệt độ và độ mặn của vùng nước tàu chạy qua, điều này sẽ khiến tàu ngầm Trung Quốc khó có thể tấn công chính xác các mục tiêu,

Thứ ba, hệ thống giám sát trên còn giúp Trung Quốc giám sát tàu thuyền của các nước hoạt động trong khu vực Biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi để Bắc Kinh đưa ra đối sách phù hợp nhằm ngăn chặn, giám sát hoặc xua đuổi tàu thuyền các nước.

Thứ tư, hệ thống vệ tinh trên cũng khiến Bắc Kinh nắm được mọi di biến động trên các đảo ở Biển Đông, bao gồm cả các vị trí bố trí quân sự của các nước.

Hệ thống vệ tinh trên của Trung Quốc là bước đi nguy hiểm, tác động lớn đối với hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Thứ nhất, một khi được hoàn thiện, hệ thống này sẽ giúp gia tăng đáng kể năng lực kiểm soát trên thực địa của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp; đe dọa đến hoạt động tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; góp phần gia tăng cơ sở vật chất – kỹ thuật để khẳng định “chủ quyền” phi pháp trong khu vực; đẩy mạnh khả năng thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở Biển Đông để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế trong nước.

Thứ hai, việc triển khai hệ thống giám sát vệ tinh trên biển còn khiến Trung Quốc nắm bắt, kiểm soát tàu thuyền hoạt động ở Biển Đông, nâng cao năng lực phối hợp tác chiến, giành ưu thế trong mọi tình huống…

Thứ ba, tuy Trung Quốc liên tục tuyên truyền rằng các hệ thống giám sát hàng hải của Bắc Kinh chủ yếu phục vụ kiểm soát tài nguyên, phòng chống thiên tai hay đảm bảo an toàn hàng hải. Nhưng mục đích thật sự của Chính quyền Bắc Kin nhằm phục vụ nhu cầu quân sự. Hành động theo dõi, giám sát hoạt động của tàu, thuyền của các nước đang qua lại ở Biển Đông là vi phạm các quy định về luật pháp quốc tế và đe dọa trực tiếp đến an ninh, an toàn hàng hải.

Việc Trung Quốc triển khai hệ thống vệ tinh giám sát ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc triển khai kế hoạch phóng vệ tinh theo dõi các vùng biển của Việt Nam là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Hành động trên cũng đi ngược lại Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước Việt Nam – Trung Quốc về việc hạn chế các hành vi gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Ngoài ra, Trung Quốc triển khai hệ thống giám sát dưới đáy Biển Đông cũng đi ngược lại Điều 2 và Điều 3 của Tuyên bố về ứng xử của các các bên ở Biển Đông (DOC). Điều 2 quy định: “Các bên cam kết tìm kiếm những cách thức xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau hài hòa với những nguyên tắc nêu trên và trên căn bản bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”. Trong khi đó, Điều 3 ghi rõ: “Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả UNCLOS 1982”.

Nhìn chung, Bắc Kinh triển khai hệ thống vệ tinh giám sát phi pháp ở Biển Đông là để tăng cường quyền kiểm soát trong khu vực, ngăn chặn Mỹ và các nước can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Việc dùng vệ tinh để viễn thám “kiểm soát” trái phép mọi động thái diễn ra trên khu vực Biển Đông là một bước leo thang mới hết sức nguy hiểm và khó lường của Bắc Kinh. Hành động của Trung Quốc không chỉ đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực Biển Đông mà còn vi phạm luật pháp quốc tế liên quan.

RELATED ARTICLES

Tin mới