Sunday, May 5, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMua S-400 bị Mỹ trừng phạt, TQ muốn Washington sửa sai

Mua S-400 bị Mỹ trừng phạt, TQ muốn Washington sửa sai

Sau khi bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt vì mua vũ khí Nga, Trung Quốc liên tiếp có hành động nhằm phản đối quyết định này.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 22/9, Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) đã chính thức gửi lời phản đối lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào Bắc Kinh.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Hợp tác quân sự quốc tế của CMC, ông Hoàng Tuyết Bình đã triệu tập quyền tùy viên quốc phòng của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh để làm việc.

Ông Hoàng khẳng định quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc là mối quan hệ bình thường giữa hai quốc gia có chủ quyền, phù hợp với các quy định quốc tế.

Theo quan chức này, Trung Quốc không bao giờ chấp nhận và kiên quyết phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ.

Phía Bắc Kinh yêu cầu Washington ngay lập tức sửa sai và rút lại các lệnh trừng phạt.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cho biết, nước này đã hủy kế hoạch thăm Mỹ của Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Phó Đô đốc Thẩm Kim Long.

Theo kế hoạch ban đầu, ông Thẩm Kim Long sẽ tham dự Hội thảo Chuyên đề về Các cường quốc trên biển tại Đại học Chiến tranh Hải quân ở thành phố Newport thuộc bang Rhode Island. Ông Thẩm Kim Long cũng có kế hoạch thăm Lầu Năm Góc.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm tuyên bố, quyết định của Trung Quốc mua các máy bay chiến đấu và các hệ thống tên lửa của Nga là điều bình thường trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia có chủ quyền và Mỹ không có quyền can thiệp.

Quan chức trên nhấn mạnh hành động của Mỹ là sự vi phạm rõ ràng các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế, thể hiện rõ chủ nghĩa bá quyền và can thiệp nghiêm trọng vào mối quan hệ của hai quốc gia và hai quân đội.

Ông cảnh báo Mỹ sẽ “phải gánh chịu hậu quả” nếu không ngay lập tức rút lại các lệnh trừng phạt.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad để trao công hàm chính thức phản đối các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với một tổ chức quân đội của Trung Quốc.

Trung Quốc gần đây mua 10 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 và các tên lửa S-400 của Nga.

Chính quyền Mỹ cho rằng những vụ mua bán như vậy làm cản trở các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Moskva, vốn được đưa ra liên quan đến cáo buộc can thiệp vào chính trị Mỹ, điều mà Nga luôn bác bỏ.

Cục Phát triển Thiết bị Trung Quốc (EDD) và người đứng đầu là ông Lý Tôn Phúc, đã bị Mỹ trừng phạt vì thực hiện “các giao dịch quan trọng” với công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga.

Ông Lý Tôn Phúc đã được thêm vào Danh sách Người bị chặn, có nghĩa là bất kỳ tài sản nào của họ tại Mỹ đều bị đóng băng.

Ngoài ra, EDD cũng bị từ chối giấy phép xuất khẩu và bị loại khỏi hệ thống tài chính của Mỹ.

Trong vài tháng qua, Mỹ cảnh báo sẽ hành động chống lại những nước nào mua thiết bị quân sự Nga.

Hồi đầu năm nay, Washington cho biết chính phủ một số nước đã hủy bỏ các thương vụ mua vũ khí Nga trị giá vài tỷ USD kể từ khi Đạo luật Chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA) có hiệu lực năm 2017. Nga và Trung Quốc đã lên án hành động của Mỹ.

Liene quan đến việc Mỹ trừng phạt Trung Quốc vì mua vũ khí Nga, ngày 21/9, Nga đã cáo buộc Mỹ chơi không công bằng và áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhằm ép Moskva ra khỏi thị trường vũ khí toàn cầu.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Đây là sự cạnh tranh không công bằng, không trung thực, một âm mưu sử dụng các biện pháp phi thị trường đi ngược lại tiêu chuẩn và nguyên tắc thương mại quốc tế, nhằm buộc đối thủ chính của các hãng sản xuất Mỹ rời khỏi thị trường”.

Ông Peskov cũng gọi việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới này là hành động thù địch và khó lường, song không nêu rõ Nga sẽ đáp trả thế nào.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố năm ngoái, giai đoạn 2012-2016, Mỹ vẫn đứng đầu các nước xuất khẩu vũ khí với lượng vũ khí xuất khẩu tăng 21% so với giai đoạn 2007-2011, trong đó một nửa là xuất sang Trung Đông.

Mỹ xuất khẩu vũ khí sang ít nhất 100 quốc gia, chủ yếu là máy bay chiến đấu mang tên lửa hành trình và các vũ khí có độ chính xác cao cũng như các hệ thống phòng không và chống tên lửa hiện đại thế hệ mới nhất.

Trong thời gian này, vũ khí của Nga chiếm 23% lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu, chủ yếu bán sang các nước Ấn Độ, Trung Quốc và Algeria… Xuất khẩu vũ khí của Nga tăng 4,7% so với 5 năm trước.

RELATED ARTICLES

Tin mới