Monday, May 6, 2024
Trang chủBiển nóngNhững cam kết giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông giữa...

Những cam kết giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông giữa Việt Nam và TQ

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông liên quan trực tiếp đến năm nước, sau bên là: Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Tất cả các nước liên quan đều có nghĩa vụ phải giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và những thỏa thuận song phương, đa phương đã ký kết. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, đã ký kết nhiều thỏa thuận song phương liên quan vấn đề trên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Việt Nam và Trung Quốc có nghĩa vụ giải quyết hòa bình tranh chấp theo luật quốc tế

Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên của Liên hợp quốc, nên có trách nhiệm và nghĩa vụ phải thực hiện các quy định về mục đích, tôn chỉ hoạt động của Liên hợp quốc, cũng như các quy định về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và trong mọi trường hợp không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Hiến chương Liên hợp quốc cũng quy định biện pháp cụ thể để giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, bao gồm đàm phán, trung gian, hòa giải, điều tra, sử dụng các dàn xếp khu vực, các biện pháp tòa án, trọng tài và các biện pháp hòa bình khác. Cụ thể:

Khoản 1, Điều 1 quy định: “Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, và để đạt được mục đích đó, thi hành những biện pháp tập thể có hiệu quả để phòng ngừa và loại trừ các mối đe dọa hoà bình, cấm mọi hành vi xâm lược và phá hoại hoà bình khác; điều chỉnh hoặc giải quyết các vụ tranh chấp hoặc những tình thế có tính chất quốc tế có thể đưa đến sự phá hoại hoà bình, bằng phương pháp hoà bình theo đúng nguyên tắc của công lý và pháp luật quốc tế.”

Khoản 3 Điều 2 quy định: “Tất cả các thành viên của Liên hợp quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hoà bình, sao cho không tổn hại đến hoà bình, an ninh quốc tế và công lý”.

Điều 33 quy định: “(1) Các bên đương sự trong các cuộc tranh chấp, mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp ấy có thể đe dọa đến hoà bình và an ninh quốc tế, trước hết, phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án, sử dụng những tổ chức hoặc những điều ước khu vực, hoặc bằng các biện pháp hoà bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình; (2) Hội đồng bảo an, nếu thấy cần thiết, sẽ yêu cầu các đương sự giải quyết tranh chấp của họ bằng các biện pháp nói trên.”

Việt Nam và Trung Quốc cũng có nghĩa vụ thực hiện một số nguyên tắc, Tuyên bố của Liên hợp quốc về việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, cụ thể: Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia năm 1970 (Tuyên bố 1970) của Đại hội đồng Liên hợp quốc; Tuyên bố Manila về hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế năm 1982 (Tuyên bố Manila) và Nghị quyết về Ngăn ngừa và hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế năm 2003. Trong các Tuyên bố và Nghị quyết trên có những điều khoản cụ thể quy định: “Tất cả các quốc gia từ bỏ việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế của mình chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc là bất cứ cách thức nào khác không phù hợp với những mục đích của Liên hợp quốc”, hay “tất cả các quốc gia giải pháp các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình miễn là không xâm hại đến hòa bình, an ninh và công lý”, và “các nước có nghĩa vụ hạn chế có hành động có thể làm xấu đi tình hình, gây nguy hiểm cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và phải hành động theo cách thức phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Liên hợp quốc”.

Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc cũng có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và các thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông, trong đó có Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC) đã ký kết năm 2002.

Một số cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc

Năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước, nhấn mạnh giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc là phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực; nhất trí căn cứ vào những nhận thức chung mà Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong vấn đề trên biển, trên cơ sở “Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc” năm 1993, xử lý và giải quyết vấn đề trên biển tuân theo một số nguyên tắc dưới đây: (1) Kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. (2) Trên tinh thần tôn trọngđầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển. (3) Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của DOC. Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác. (4) Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này. (5) Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.

Tuyên bố chung về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (11-15/10/2011) có ghi: “Hai bên nhấn mạnh ý chí và quyết tâm chính trị thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị để giải quyết tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định tại Biển Đông; khẳng định hai bên sẽ đẩy mạnh đàm phán vấn đề trên biển, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực trao đổi tìm kiếm giải pháp có tính quá độ, tạm thời, không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển; nhấn mạnh trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp ở Biển Đông”.

Tuyên bố chung về chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (19-21/6/2013), trong đó nhấn mạnh: “Hai bên nhất trí gia tăng mật độ đàm phán của Nhóm công tác chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt-Trung; tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và kết nối giao thông trên biển; nhấn mạnh trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt-Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu DOC, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Tuyên bố chung trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (13-15/10/2013), trong đó có ghi: “

Hai bên nhất trí tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển; nhất trí tăng cường chỉ đạo đối với các cơ chế đàm phán và tham vấn hiện có; nhanh chóng thực hiện các Dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển như Hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ, Nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang…, tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và kết nối giao thông trên biển; nhất trí kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát tranh chấp trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa Bộ Nông nghiệp hai nước, xử lý kịp thời, thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, đồng thời tiếp tục tích cực trao đổi và tìm kiếm các biện pháp có hiệu quả để kiểm soát tranh chấp, duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông.”

Tuyên bố chung liên quan chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (7-10/4/2015), trong đó quy định: “Hai bên tuyên bố khởi động hoạt động khảo sát chung trên thực địa tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ vào trung tuần tháng 12 năm 2015, cho rằng đây là bước khởi đầu quan trọng cho việc hai bên triển khai hợp tác trên biển; thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này; nhất trí cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC, thúc đẩy sớm đạt được “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và quan hệ Việt – Trung.”

Thông cáo chung sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (12-15/1/2017) và Tuyên bố chung liên quan chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12-13/11/2017), trong đó đều có đoạn: “Hai bên nhất trí làm tốt các công việc tiếp theo sau khi hoàn thành khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định khu vực vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này; tiếp tục thúc đẩy công việc của Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển; triển khai hiệu quả các dự án hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm đã thoả thuận; nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện DOC, trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm xây dựng COC”.

Trong các tuyên bố trên, Việt Nam và Trung Quốc đã cam kết sẽ giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp đàm phán trực tiếp giữa hai nước tại những khu vực tranh chấp song phương và thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan tại những khu vực khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới