Saturday, May 11, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTổng thống Philippines Rodrigo Duterte “đổi giọng” về Biển Đông và quan...

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte “đổi giọng” về Biển Đông và quan hệ với TQ

Trái ngược với những gì hay tuyên bố gần đây, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (5/4) đã mạnh dạn cảnh báo sẽ sử dụng “quân cảm tử” chiến đấu với Trung Quốc ở Biển Đông.

Đảo Thị Tứ của Việt Nam, hiện đang bị Philippines chiếm đóng trái phép

Hãng tin CNN dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte doạ sẽ gửi binh sĩ đến đảo Thị Tứ (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) để ngăn chặn nếu các tàu của Trung Quốc không dừng việc vây hãm xung quanh. Phát biểu của ông Duterte trước đám đông diễn ra ở thành phố Puerto Princesa nằm trên đảo Palawan chỉ vài ngày sau khi Manila cáo buộc 275 tàu Trung Quốc hiện diện quanh đảo Thị Tứ trong những tháng gần đây.

Ông Rodrigo Duterte nhấn mạnh: “Hãy để chúng ta là bạn của nhau, nhưng đừng đụng đến Pag-asa (tên Philipiines gọi đảo Thị Tứ) và phần lãnh thổ còn lại của chúng tôi. Nếu họ (Trung Quốc) có hành động ở đây, đó là một câu chuyện khác. Tôi sẽ nói với các binh sĩ của tôi chuẩn bị cho một nhiệm vụ tử thủ”. Tổng thống Philippines cho biết những lời ông nói không phải là những lời đe doạ mà chỉ là “những lời khuyên cho những người bạn của tôi”. Ông cho biết: “Tôi sẽ không nài nỉ hay cầu xin, nhưng tôi chỉ nói với bạn rằng hãy rời khỏi Pag-asa vì binh sĩ của tôi ở đó”.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vốn khá mềm mỏng với Trung Quốc kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2016 và có nhiều tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư – thương mại của Trung Quốc đối với nền kinh tế nước này. Trước đây, ông Duterte cũng thỉnh thoảng cho rằng cuộc chiến tranh với Trung Quốc là vô ích, khi quân đội Trung Quốc quá vượt trội so với Philippines. Ông thậm chí bỏ qua phán quyết có lợi cho Philippines đối với Trung Quốc ở Biển Đông để hàn gắn mối quan hệ song phương, vốn bị sứt mẻ dưới thời tổng thống Aquino. Chính vì vậy, ông Duterte bị nhiều chỉ trích vì quá mềm yếu trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc để đổi lại mối quan hệ kinh tế hữu hảo hơn từ quốc gia này, nhưng trong thực tế lại không mang nhiều hiệu quả.

Tuy nhiên, báo cáo của giới quốc phòng Philippines vào cuối tháng 3 năm nay đã buộc ông Duterte phải suy nghĩ lại. Báo cáo này ghi nhận trong hơn 200 tàu cá của Trung Quốc neo đậu gần đảo Thị Tứ, có nhiều tàu không di chuyển. Điều này chứng tỏ các tàu này không phải là tàu ngư dân đơn thuần, mà là tàu dân quân cùng hải cảnh của Trung Quốc và đã cản trở ngư dân Philippines đánh bắt ở ngư trường xung quanh. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Philippines ra thông cáo cho rằng sự hiện diện của các tàu Trung Quốc là sự “vi phạm bất hợp pháp chủ quyền Philippines”. Rõ ràng sự việc không chỉ đơn giản là sự đụng độ giữa các tàu ngư dân hai nước đánh bắt chung ngư trường. Ngoài ra, sự thay đổi trong giọng điệu của ông Duterte với Trung Quốc cũng có thể được diễn dịch là ông đang muốn thay đổi hướng của sức ép chính trị trong nước. 

Trong một diễn biến khác, hai cựu viên chức trong chính quyền Philippines, bao gồm cựu ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu tổng thanh tra Omopaman Conchita Carpio Morales (15/3) đã kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên Tòa Hình sự quốc tế (ICC), với cáo buộc việc Trung Quốc cải tạo các đảo phi pháp ở khu vực Biển Đông là “sự hủy diệt gần như vĩnh viễn và tàn phá môi trường lớn nhất trong lịch sử nhân loại”. Vụ kiện này không có hiệu quả khi một trong những lý do quan trọng là Trung Quốc hiện nay không phải thành viên của ICC. Tuy nhiên, nó có tác động gây tiếng vang trong chính trị Philippines, khi vụ kiện này chứng tỏ giới tinh hoa ở Manila ngày càng trở nên không hài lòng với chính sách “quá thân thiện” của ông Duterte với Bắc Kinh.

Phát biểu mạnh mẽ của Tổng thống Duterte có thể được coi là “nhất tiễn song điêu”, khi ông vừa có thể làm xoa dịu phần nào các đối thủ chính trị trong nước về chính sách đối ngoại hướng về Trung Quốc của mình và vừa thể hiện với Mỹ với phương Tây là ông ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở của Tổng thống Trump, chống lại các hành động cải tạo đảo và các hành vi ngăn chặn tự do hàng hải của Trung Quốc.

Phát biểu của ông Duterte trùng với thời gian đang diễn ra cuộc tập trận hằng năm Balikatan giữa Mỹ và Philippines (1-12/4). Cuộc tập trận này là lần đầu tiên có sự tham gia của tàu đổ bộ tấn công USS Wasp và máy bay chiến đấu F-35B tia chớp II. Hơn 7.500 binh sĩ Philippines và Mỹ cùng một nhóm nhỏ khoảng 50 binh sĩ từ Australia tham gia cuộc tập trận năm nay, mà mục tiêu của nó là an ninh hàng hải, khả năng đổ bộ cũng như phối hợp hoạt động đa quốc gia và kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu đối với các đe dọa bên ngoài.

Chính vì vậy, tuyên bố của ông Duterte có thể mang nhiều mục đích: (i) Ông muốn trấn an phe đối lập và những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Philippines rằng ông kiên quyết bảo vệ tới cùng chủ quyền của Philippines. (ii) Washington có thể an tâm rằng mối quan hệ truyền thống Mỹ – Philippines không bị sút giảm và không bị hi sinh bởi sự nồng ấm song phương giữa Philippines và Trung Quốc. (iii) Tuyên bố của ông Duterte về đảo Thị Tứ cũng là lời nhắc nhở cho phía Trung Quốc đâu là “lằn ranh đỏ” cho mối quan hệ hai nước. Philippines sẵn sàng bảo vệ đảo Thị Tứ bằng mọi giá nếu Trung Quốc có các hành động hung hăng, và điều này có thể kéo thêm phía Mỹ vào cuộc chơi. Lúc đó sẽ làm phức tạp thêm tính toán của Trung Quốc.

Trong khi đó, Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể đưa tranh chấp Biển Đông ra Liên Hợp Quốc nếu Bắc Kinh ngăn chặn Manila tiếp cận đảo Thị Tứ. Ông Salvador Panelo nhấn mạnh, “phán quyết của Tòa (7/2016) là vĩnh viễn. Họ không thể đuổi chúng tôi khỏi đó, nhưng vấn đề là, chúng tôi không thể thực thi phán quyết đơn giản là vì chúng tôi không có sức mạnh”.

Đáng chú ý, phản ứng trước những tuyên bố trên của Philippines, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (4/4) đề cập các cuộc đàm phán song phương về Biển Đông được tổ chức tại Philippines (3/4), mô tả bầu không khí là “thẳng thắn, thân thiện và mang tính xây dựng”. Tại cuộc gặp, cả hai bên đều nhắc lại rằng các vấn đề Biển Đông cần được giải quyết hòa bình bởi các bên liên quan trực tiếp.

Được biết, kể từ khi Tòa Trọng tài công bố phán quyết về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc liên quan tới yêu sách “đường 9 đoạn” ở Biển Đông tháng 7/2016, vốn được đưa trong những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Duterte, nhà lãnh đạo Philippines đã gạt các tuyên bố chủ quyền sang một bên để tìm kiếm quan hệ thân thiết hơn với Bắc Kinh. Ông Duterte đã tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc để cấp vốn cho chương trình “xây dựng, xây dựng và xây dựng” của mình, trong khi cố gắng đàm phán một giải pháp ngoại giao cho xung đột ở Biển Đông. Thế nhưng thái độ “xuống nước” của ông được đánh giá là mở đường cho Bắc Kinh ngày càng có thái độ hung hăng hơn ở Biển Đông. Cùng thời điểm đó, Trung Quốc lại nhanh chóng biến các đảo nhân tạo thành các cơ sở quân sự.

Đảo Thị Tứ là một đảo san hô thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) do Philippines chiếm và quản lý suốt nhiều thập niên. Trên đảo hiện có khoảng 100 thường dân nước này cùng một số binh sĩ đồn trú. Nằm cách đảo Palawan của Philippines 500km về phía Tây.

Trước đó, vào ngày 14/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam sau các diễn biến ở đảo Thị Tứ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế. Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Các bên liên quan cần tuyệt đối tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), đặc biệt là quy định về việc kiềm chế, không có hành vi gây phức tạp và gia tăng tranh chấp, kể cả không có hành vi chiếm đóng những cấu trúc chưa có người ở tại Biển Đông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới