Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTập trận bắn đạn thật: Đài Loan thể hiện thái độ sẵn...

Tập trận bắn đạn thật: Đài Loan thể hiện thái độ sẵn sàng chiến đấu với TQ

Quân đội Đài Loan (22/5) đã tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật lớn nhất trong vòng 5 năm qua ở ngoài khơi bờ biển phía Đông của Đài Bắc, nhằm thể hiện tinh thần sẵn sàng chiến đấu chống lại “quân xâm lược”.

Đài Loan tập trận bắn đạn thật, mô phỏng chiến tranh với Trung Quốc

Theo Hãng thông tấn xã Đài Loan (CAN), Hải quân Đài Loan đã điều 2 tàu khu trục lớp Perry (đi vào hoạt động từ tháng 11 năm ngoái) và 12 tàu cao tốc tên lửa tham gia tập trận. Trong khi đó, Không quân Đài Loan cũng huy động 4 máy bay chiến đấu AIDC F-CK-1 Ching-kuo, 4 máy bay Mirage 2000 và 4 máy bay F-16 tham gia tập trận. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh máy bay chiến đấu và tàu hải quân Trung Quốc gần Đài Loan đang trên đường tới Thái Bình Dương hoặc Biển Đông. Trong cuộc tập trận, các máy bay chiến đấu của Không quân Đài Loan còn bắn cả tên lửa Sidewinder, Magic và Sky Sword I. CAN nhận định, đây là cuộc tập trận lớn nhất của quân đội Đài Loan kể từ cuộc tập trận Han Kuang 30 được tổ chức vào năm 2014. Nội dung cuộc tập trận bao gồm chống máy bay, chống ngầm, bắn tên lửa chống máy bay và tàu cũng như thử nghiệm các tuyến đường tiếp tế của Hải quân Đài Loan.

Bờ biển phía Đông Đài Loan là nơi đặt căn cứ không quân và nhiều cơ sở quân sự quan trọng khác. Phát ngôn viên Cơ quan Quốc phòng Đài Loan Chen Jung-ji tuyên bố họ đang đẩy nhanh tốc độ đào tạo như một cách để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc.

Được biết, thời gian gần đây, quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quôc đang ngày càng trở nên căng thẳng. Nhiều chuyên gia, học giả cho rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị sử dụng vũ lực để “thống nhất” với Đài Bắc. Chuyên gia Ian Easton tại Viện Nghiên cứu dự án 2049 (Mỹ) cho rằng Quân đội Trung Quốc (PLA) sẽ tấn công bất thần vào những hệ thống phòng thủ bờ biển của Đài Loan, nhằm gây ra thiệt hại lớn trong giai đoạn đầu để Đài Bắc phải đầu hàng trước khi quân đội Mỹ triển khai lực lượng đến cứu trợ. Quá trình tấn công Đài Loan gồm có 3 giai đoạn: phong tỏa – dội bom, đổ bộ và tác chiến trên đảo. Trong giai đoạn đầu, PLA sẽ phong tỏa biển và không phận, phóng tên lửa ồ ạt vào 1.000 mục tiêu ở Đài Loan. Kế đến, tàu chiến sẽ được triển khai tấn công 14 vị trí ở bờ biển Đài Loan. Trung Quốc được cho là đã bố trí 1.000 tên lửa đạn đạo và hành trình với tầm bắn đủ sức vươn tới Đài Loan. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ dùng lực lượng biệt kích để bắt cóc hoặc sát hại những chính trị gia, sĩ quan, chuyên gia vũ khí và nhà khoa học chủ chốt của Đài Loan. Chuyên gia Easton cho rằng nỗ lực tấn công Đài Loan sẽ gây nhiều trở ngại và tốn kém cho PLA. Một cẩm nang do PLA ban hành nội bộ cũng cảnh báo địa hình và khả năng phòng thủ của Đài Loan sẽ đòi hỏi họ có những chiến lược quân sự tốt và chấp nhận hy sinh lớn. Để đối phó tốt hơn, ông Easton nhận định Đài Loan cần mở rộng kho tên lửa tầm xa, máy bay không người lái, chiến đấu cơ, pháo và triển khai vũ khí ở những khu vực gần Trung Quốc nhất.

Phó Giáo sư Michael Beckley, Đại học Tufts của Mỹ, cho rằng lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể đẩy lùi hoàn toàn các cuộc tấn công của Trung Quốc bằng chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận khu vực (A2/AD) với sự hỗ trợ tối thiểu của Mỹ. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, Đài Loan gần đây đang tăng cường nỗ lực nhằm cân bằng sức mạnh quân sự ở Đông Á. Cán cân sức mạnh này sẽ ổn định trong vài năm tới, vì Trung Quốc chưa đủ khả năng triển khai sức mạnh cần thiết để áp đảo năng lực A2/AD của Đài Loan. Chiến lược A2/AD thường được Trung Quốc sử dụng để ngăn Mỹ can thiệp vào mọi cuộc xung đột khu vực hoặc khiến Mỹ trả giá đắt nếu tham chiến. Tuy nhiên, Washington và các đồng minh châu Á cũng có thể áp dụng trở lại chiến lược này để đối phó Trung Quốc.

Không những vậy, để đối phó với Trung Quốc, Đài Loan cũng đã có những hành động chuẩn bị cụ thể. Đài Bắc có kế hoạch chi 11 tỷ USD cho hoạt động phòng vệ trong năm nay, tăng 6% so với năm 2018. Phần lớn số tiền này sẽ được chi cho các vũ khí tối tân của Mỹ cũng như các vũ khí do Đài Loan tự sản xuất. Ngày 2/1, Đài Loan đã “trình làng” tên lửa chống hạm mới nhất do hòn đảo này tự chế tạo, có khả năng gây ra thương vong lớn nếu được sử dụng trong các cuộc xung đột. Quân đoàn 10 thuộc lực lượng vũ trang Đài Loan đã tổ chức tập trận bắn đạn thật quy mô lớn vào ngày 17/1 tại khu vực Fanzailiao ở miền Trung để mô phỏng tình huống thành phố Đài Trung bị tấn công. Đây là hoạt động đầu tiên trong loạt cuộc tập trận với chiến thuật mới nhằm đề phòng một cuộc tấn công từ Trung Quốc đại lục sẽ được Đài Loan tổ chức trong năm nay. Cuộc tập trận được tiến hành trong một tiếng rưỡi, với sự tham gia của pháo phản lực Thunderbolt-2000, trực thăng tấn công AH-64E Apache, tên lửa Hellfire và một số loại pháo khác. Trước đó, thiếu tướng Yeh Kuo-hui thuộc cơ quan Phòng vệ Đài Loan tuyên bố hòn đảo này sẽ tiến hành một loạt cuộc tập trận năm 2019 dựa trên các chiến thuật mới được xây dựng nhằm chống lại một cuộc tấn công tiềm tàng từ Trung Quốc.

Tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam đưa tin, hình ảnh vệ tinh thu được cho thấy tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hsiung Feng IIE của Đài Loan được đặt tại một căn cứ ở Taoyuan, cách thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc chưa đầy 200 dặm (khoảng 320km). Tính đến tầm bắn lên tới từ 620 dặm đến 930 dặm (tương đương từ gần 1.000km đến 1.500km) của các tên lửa hành trình, VLT Đài Loan có khả năng nhằm mục tiêu vào các tỉnh, thành phố và khu vực của Trung Quốc gồm Hồng Kông, Thượng Hải, Quảng Đông và Chiết Giang nếu căng thẳng giữa Trung Quốc và hòn đảo Đài Loan leo thang thêm nữa, tờ Kanwa bình luận. Dựa vào tầm bắn, tất cả các lò phản ứng của nhà máy hạt nhân, các cơ sở dầu mỏ chiến lược gần Chu San (thuộc tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc) và Đường sắt Bắc Kinh-Kowloon cùng với các hệ thống đường sắt tốc độ cao và hầm ngầm khác sẽ trở thành mục tiêu của Đài Loan.

Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực trong việc thống nhất Đài Loan, song đây được xem là mục tiêu khó khăn với Bắc Kinh vì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Theo Reuters, mặc dù không có chi tiết nào trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc sắp sử dụng vũ lực với Đài Loan, song nếu Bắc Kinh thực sự muốn giành lại quyền kiểm soát hòn đảo này, xung đột quân sự có lẽ là biện pháp duy nhất. Việc sử dụng vũ lực quân sự với Đài Loan sẽ là bước đi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro với chính quyền Trung Quốc. Kịch bản này có thể đặt Bắc Kinh vào thế đối đầu với Mỹ. Mặc dù không tuyên bố ủng hộ Đài Loan độc lập, song Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn mô tả mối quan hệ không chính thức với hòn đảo này là “mạnh mẽ”.

Theo hầu hết giới phân tích quân sự, để thành công trong việc thống nhất Đài Loan, Bắc Kinh phải ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ hoặc đánh bại các lực lượng quân sự của Washington xung quanh hòn đảo này, đồng thời phải ngăn cản các lực lượng khác tiến vào khu vực. Reuters nhận định Trung Quốc đại lục vẫn chưa đủ mạnh để làm được điều này, song sự nâng cao về năng lực quân sự có thể vẫn cho phép Bắc Kinh giành được phần thắng. Chắc chắn, những toan tính của quân đội Trung Quốc sẽ ngày càng tập trung vào kịch bản xung đột quân sự, trong đó Bắc Kinh vừa muốn thống nhất lãnh thổ vừa đẩy lùi các lực lượng của Mỹ trong khu vực.

Giới phân tích nhận định kế hoạch thống nhất Đài Loan là sự tính toán về địa chính trị của chính quyền Trung Quốc. Suốt hơn 50 năm qua, mặc dù không thể cản trở Đài Loan phát triển như một vùng lãnh thổ độc lập, song Bắc Kinh vẫn tìm cách ngăn Đài Bắc đưa ra tuyên bố độc lập chính thức. Xét trên phạm vi nào đó, các động thái của Bắc Kinh, như sự cứng rắn ngày càng tăng về quân sự thông qua việc đưa tàu chiến và máy bay tới gần Đài Loan, là nhằm nhắc nhở những người cầm quyền tại Đài Bắc rằng bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào giành độc lập trên hòn đảo này cũng sẽ dẫn tới chiến tranh. Hơn nữa, Trung Quốc đang muốn khẳng định vị thế của nước này như một cường quốc toàn cầu. Do vậy Bắc Kinh muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng nước này đủ mạnh để thống nhất Đài Loan bất kể khi nào họ muốn.

Giới chuyên gia cũng nhận định nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan là có thật nhưng Đài Bắc đủ sức tự vệ và nhất là cơ trí để không tạo cớ cho Bắc Kinh sử dụng vũ lực. Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi chuẩn bị chiến tranh và không loại trừ biện pháp sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan chỉ là hù dọa tinh thần đối với Đài Bắc, vì: (i) Chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc viện nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS nhận định Hải Quân Trung Quốc không dám đụng với Hải Quân Mỹ. Mỹ sẽ can thiệp theo đạo luật bảo vệ nền dân chủ Đài Loan và xác suất Trung Quốc tấn công rất thấp bởi vì Đài Loan không để cho đối phương chụp lấy cơ hội sơ hở để tấn công. (ii) Về quân sự, Đài Loan đủ khả năng đẩy lùi Trung Quốc mà không cần sự trợ giúp của Mỹ. Quân đội Đài Loan thiện chiến hơn và có tinh thần chiến đấu cao hơn quân đội Trung Quốc. Về chính trị,Tổng thống Thái Anh Văn, tuy cương quyết khước từ đề xuất “một quốc gia hai chế độ”, cố gắng “duy trì nguyên trạng” tại eo biển Đài Loan trong khi mục tiêu của Tập Cận Bình là làm “thay đổi nguyên trạng”. Đảng Dân Tiến cũng có một chiến thuật khôn ngoan sau thất bại trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 11/2018, khiến tổng thống Thái Anh Văn phải từ chức chủ tịch đảng. Ngày 06/01/2019, ông Trác Vinh Thái, một nhân vật ôn hoà, nguyên là tổng thư ký phủ tổng thống, được gần 25.000 đảng viên, hơn 72%, bầu làm tân chủ tịch. Ý nghĩa chính trị quan trọng trong chiến thắng này của vị giáo sư hải dương học 59 tuổi là ông đánh bại đối thủ là một người trong đảng kịch liệt chống đối tổng thống Thái Anh Văn. Việc ông Trác Vinh Thái thay thế bà Thái Anh Văn cho thấy Đảng Dân Tiến chọn con đường tiếp nối và sẽ làm cho các nước khác yên tâm.

Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng Đài Loan và Trung Quốc sẽ giữ nguyên trạng. Trung Quốc sẽ không tấn công Đài Loan trong tương lai trung hạn nhưng Bắc Kinh sẽ gia tăng áp lực. Áp lực này tùy thuộc vào tình hình chính trị tại Đài Loan, tùy theo kết quả bầu cử tổng thống vào tháng giêng 2020. Bà Thái Anh Văn sẽ tái đắc cử hay một nhân vật khác hữu hảo với Bắc Kinh. Chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng hồ sơ Đài Loan trở thành một vấn đề trong nội bộ chế độ Trung Quốc: một bộ phận quân đội và dân chúng có tư tưởng Hán tộc cực đoan sẽ gây sức ép với ban lãnh đạo Trung Quốc để động binh đánh Đài Loan. Tuy nhiên, vào thời điểm này, khó mà dự đoán một cách chính xác chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai nhưng điều chắc chắn là vấn đề Đài Loan sẽ tồn tại lâu dài trong quan hệ hai bờ eo biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới