Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ “tức điên” khi Mỹ-Nhật tăng cường hợp tác

TQ “tức điên” khi Mỹ-Nhật tăng cường hợp tác

Tuần qua nổi lên hai sự kiện đáng chú ý, chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Trump (25-28/5) và đối thoại Shangri la lần thứ 18 tại Singapore (31/5-2/6). Một điều dễ nhận thấy, hai sự kiện này đều liên quan tới chiến lược của hai đồng minh Mỹ-Nhật, gây sức ép, kiềm chế và đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Nhật Bản vừa chuyển sang triều đại mới, Reiwa, và Hoàng gia cùng Chính phủ Nhật mong muốn Tổng thống Trump là vị khách quý đầu tiên tới ‘xông đất’ trong những ngày đầu tiên của kỷ nguyên mới ở đất nước mặt trời mọc. Điều đó cho thấy Tổng thống Mỹ và nước Mỹ có chỗ đứng lớn như thế nào trong lòng người Nhật.

Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 23/5, Tổng thống Trump chia sẻ: “Thủ tướng [Nhật] Shinzo Abe nói tôi là khách mời danh dự duy nhất trong số tất cả các quốc gia trên thế giới tại sự kiện lớn nhất của Nhật Bản trong hơn 200 năm qua”. Trước đó, để tăng thêm sức thuyết phục, Thủ tướng Abe nói với ông Trump rằng chuyến thăm Nhật của ông chủ Nhà Trắng trong thời điểm đề nghị sẽ rất ý nghĩa vì sự kiện Nhật hoàng lên ngôi đối với người dân nước ông có ý nghĩa “lớn gấp hàng trăm lần” so với Giải vô địch Bóng bầu dục quốc gia Super Bowl của Mỹ. Tổng thống Trump còn tiết lộ thêm rằng ông Abe nói với ông: “Ông sẽ là thượng khách, và thượng khách thì chỉ có một thôi”.

Chuyến thăm của ông Trump tới Nhật không chỉ mang tính nghi thức ngoại giao nhằm thắt chặt quan hệ đồng minh truyền thông giữa hai nước, mà nó còn hướng tới những vấn đề thiết thực như đặt nền tảng cho thỏa thuận thương mại và hợp tác trên nhiều mặt, trong đó vấn đề Triều Tiên, Iran và đặc biệt, thỏa thuận mua bán máy bay tàng hình F-35 giữa Mỹ-Nhật đã được nguyên thủ hai nước trao đổi trong các cuộc hội đàm.

Ngọn tháp Skytree, một trong những biểu tượng của Tokyo, thắp sáng bằng nhiều màu để chào đón Tổng thống Trump. (Ảnh: Getty)

Nhật sẽ vươn ra Biển Đông sau chuyến thăm của ông Trump

Sau khi ông Trump cùng phu nhân Melania tới Nhật, vào tối ngày 25/5, tòa tháp Tokyo Sky Tree đã được thắp sáng bằng màu đỏ, trắng và xanh để vinh danh tổng thống Mỹ. Trong những ngày sau, 26/5, Tổng thống Trump chơi golf với Thủ tướng Shinzo Abe trước khi tới xem trận chung kết giải sumo quốc gia và trao cúp cho nhà vô địch. Ngày 27/5 ông Trump gặp gỡ Nhật Hoàng Naruhito sau đó có cuộc hội đàm với Thủ tướng Abe. Trong ngày cuối cùng ở Nhật, 28/5, Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe đã cùng nhau tới thăm tàu khu trục trực thăng lớn nhất của Nhật, JS Kaga, neo đậu tại một căn cứ thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở thành phố Yokosuka.

Chuyến thăm Nhật vừa qua, ông Trump ghi dấu là tổng thống Mỹ đầu tiên, cũng như nguyên thủ quốc gia đầu tiên, thăm Nhật hoàng trong triều đại mới và cũng là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm chiến hạm Kaga. Đứng trên boong tàu là biểu tượng của sức mạnh Hải quân Nhật Bản, ông Trump ca ngợi sự hợp tác giữa quân đội Mỹ-Nhật và bày tỏ sự vui mừng khi Nhật Bản mua 105 máy bay tàng hình F-35 của Mỹ cũng như ủng hộ quân đội của đất nước hoa anh đào cải tiến Kaga để trở thành tàu sân bay có thể phục vụ cho các máy bay cất cánh nhanh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng. “Con tàu này sẽ sớm được nâng cấp để vận hành [với các] tiêm kích hiện đại nhất thế giới. Bằng những khí tài như vậy, JS Kaga sẽ giúp hai nước chúng ta đối phó với nhiều mối đe dọa phức tạp trong khu vực và xa hơn”, ông Trump nói.

Tàu sân bay Kaga của Nhật. (Ảnh: Defenseworld)

 

Theo SCMP, quyết định mua 105 chiếc F-35 của Mỹ nằm trong kế hoạch của Tokyo nhằm đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nhật Bản “vừa công bố kế hoạch mua 105 máy bay tàng hình F-35 mới. Tàng hình bởi thực tế bạn không thể nhìn thấy nó”, ông Trump nói tại Cung điện Akasaka. “Lô hàng này sẽ mang lại cho Nhật Bản phi đội F-35 lớn nhất trong số các đồng minh của Hoa Kỳ”.

Thỏa thuận mua F-35 có khả năng giúp Nhật Bản tái khẳng định vai trò dẫn dắt tiến trình an ninh trong khu vực, đồng thời đặt ra một thách thức mới đối với quân đội Trung Quốc, lực lượng đã liên tục mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong những năm gần đây, SCMP bình luận.

Các chuyên gia nói với SCMP rằng thỏa thuận mua F-35, cùng với việc Tokyo có kế hoạch hiện đại hóa phi đội tàu sân bay trực thăng lớp Izumo để phục vụ các máy bay phản lực, sẽ gây ra mối đe dọa đối với chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông vì không quân Nhật có kế hoạch mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động của mình.

Media player poster frame
 

Thắng lợi ban đầu của Tổng thống Trump trước Trung Quốc trên Biển Đông

 
 Nhật Bản không liên quan tới các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng luôn coi trọng vị trí chiến lược của vùng biển này vì nó là một tuyến hàng hải quan trọng. Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự Trung Quốc đánh giá: “[Thỏa thuận F-35] có thể giúp Nhật Bản đối đầu với mối đe dọa từ Trung Quốc và nó có thể được coi là một phần quan trọng trong chiến lược xây dựng một trật từ thế giới mới của Mỹ”.

“Với việc Nhật đặt mua số lượng lớn máy bay, chắc chắn điều này sẽ làm đảo lộn sự cân bằng quyền lực ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, ông Chenming nhận định.

Thỏa thuận F-35 của Nhật cũng sẽ gây áp lực hơn nữa đối với Trung Quốc trong việc cải tiến tính năng của máy bay tàng hình J-20 mà họ tự chế vốn bị “mang tiếng” vì gặp sự cố vận hành sau khi đem trình diễn vào năm 2017.

Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông, cho biết: “Nếu Nhật Bản mua F-35, loại có thể được dùng trên tàu sân bay, thì nó sẽ làm thay đổi lớn tình hình trên Biển Đông. [Vì] Nhật Bản có kế hoạch triển khai F-35 cho các hàng không mẫu hạm của họ”.

Một máy bay F-35, Nhật mua của Mỹ. (Ảnh: National Interest)

Mỹ sẽ còn ‘cứng rắn’ hơn nữa với Trung Quốc

Theo Reuters, phát biểu với giới truyền thông tại Singapore, bên lề Đối thoại Shangri-La, hôm thứ Sáu (31/5), quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết các hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông, như triển khai tên lửa đất đối không, là “quá đáng” và “tàn phá quá mức”. “Họ nói rằng đó là để phòng vệ, nhưng thực chất điều đó giống như sự tàn phá quá mức, các tên lửa đất đối không, các đường băng dài, chúng dường như là hành động quá đáng”, ông Shanahan nói.

Còn vào hôm thứ Bảy, theo WSJ, trước các cử tọa tham gia hội nghị ngày thứ hai của Shangri-La, ông Shanahan không ngần ngại tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không “bỏ qua các hành vi của Trung Quốc” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, gọi các hoạt động gây hấn của Bắc Kinh là một “công cụ uy hiếp” đối với các nước trong khu vực.

Quyền Bộ trưởng quốc phòng Mỹ tố cáo Trung Quốc không những đã quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông, mà còn cố gắng tiến hành các cuộc tấn công mạng và thực hiện chiêu thức “kinh tế cướp bóc và các thỏa thuận đổi chủ quyền lấy nợ” đối với các nước. Ông Shanahan cũng ám chỉ Bắc Kinh là thế lực phá hoại trật tự thế giới và là kẻ gây họa trog khu vực, “có lẽ mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với lợi ích sống còn của các quốc gia trong khu vực này đến từ nhân tố luôn tìm cách phá hoại, thay vì bảo vệ trật tự quốc tế”.

“Một vài nhân tố phá hoại hệ thống này bằng việc sử dụng chiến lược tằm ăn dâu, gián tiếp và ma mãnh để khai thác các nước khác cả về kinh tế và ngoại giao, đồng thời cưỡng ép họ về quân sự. Những nhân tố này làm mất ổn định khu vực, [luôn] tìm cách can thiệp vào các cộng đồng sôi động và đa dạng ở khu vực này, nhằm đoạt được lợi ích độc quyền của chúng”, ông Shanahan nói.

Từ đầu năm tới nay, Hoa Kỳ đã hàng chục lần cử tàu chiến đi lại qua Biển Đông. Dưới thời Trump, tàu chiến Mỹ qua lại trên vùng biển chiến lược này đã gần như thành “chuyện bình thường”. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc đối mặt sức ép cùng lúc từ hai phía

“Về mối quan hệ Nhật-Mỹ, tôi có thể nói rằng thực tế là chưa bao giờ mạnh mẽ hơn, không bao giờ mạnh mẽ hơn, không bao giờ gần gũi hơn”, Tổng thống Trump nói với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế của Nhật tại Đại sứ quán Mỹ vào chiều tối ngày 25/5.

Dưới thời Trump, Hoa Kỳ cam kết thực hiện chính sách xây dựng một “Châu Á-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, thú vị ở chỗ, thuật ngữ “Ấn Độ – Thái Bình Dương” được Thủ tướng Abe đề cập tới trong một phát biểu vào năm 2007. Điều này cho thấy Mỹ-Nhật đang hòa điệu trong quan điểm chiến lược phát triển khu vực này.

Phát biểu của ông Shanahan ở Shangri-la đã chỉ rõ, Trung Quốc chính là thế lực đang cản trở sự “tự do và cởi mở” – mục tiêu mà Mỹ-Nhật muốn hướng tới ở khu vực.

Cũng trong bài phát biểu tại Shangri-la, ông Shanahan nói rằng Mỹ cam kết chi 125 tỷ USD để luôn ở trạng thái “sẵn sàng và duy trì hoạt động” quân sự trong năm tài chính tới, và Lầu Năm Góc yêu cầu chi thêm 104 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển các công nghệ quân sự mới. Ông Shanahan cũng chia sẻ rằng khoản ngân sách này bao gồm cả việc tổ chức các hoạt động tập trận và huấn luyện với các đồng minh.

“Khoản ngân sách này sẽ tăng cường chiều sâu và năng lực của các lực lượng vũ trang của chúng tôi, và cũng giúp mở rộng hoạt động tập trận của chúng tôi, bao gồm việc tập trận với các đồng minh và đối tác, nhằm nâng cao việc thực thi các nhiệm vụ quan trọng đáp ứng các thách thức trong khu vực này”, ông Shanahan nói.

Trung Quốc hiện đang điêu đứng trước các đòn trừng phạt thương mại của Hoa Kỳ, cùng ngày khai mạc Shangri-La (31/5), SCMP đưa tin Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc đã giảm trong tháng Năm, thêm một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế của quốc gia Đông Á đang tiếp tục chậm lại do tác động của việc leo thang thương chiến với Mỹ.

Tổng thống Trump bắt tay Thủ tướng Abe trong chuyến thăm 4 ngày tới Nhật của ông chủ Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters)

Hai ngày trước khi Tổng thống Trump lên đường thăm Nhật, cũng theo SCMP, các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ của lưỡng đảng, Cộng hòa và Dân chủ, đã thảo luận về một đạo luật với các điều khoản hướng tới việc trừng phạt các cá nhân và thực thể ở Trung Quốc liên quan đến các hoạt động “phi pháp và nguy hiểm” của Bắc Kinh ở Biển Đông và Hoa Đông.

“Dự luật này củng cố nỗ lực của Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng tôi chống lại việc quân sự hóa bất hợp pháp và nguy hiểm của Bắc Kinh đối với phần lãnh thổ tranh chấp mà họ đã chiếm giữ ở Biển Đông”, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, cùng với Thượng nghị sĩ Dân chủ Benjamin Cardin, nói với SCMP.

“Đạo luật này nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ về việc giữ cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tự do và cởi mở với tất cả các quốc gia, và buộc chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc bắt nạt và ép buộc các quốc gia khác trong khu vực”, ông Rubio cho biết thêm.

Theo SCMP, Washington và Tokyo từ lâu đã cảnh giác với việc mở rộng hoạt động quân sự của Bắc Kinh, vì thế việc hai cường quốc này đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác quân sự sẽ tạo ra hai gọng kìm xiết chặt tham vọng của chính quyền Trung Quốc tại Châu Á-Thái Bình Dương, và chắc chắn rằng Biển Đông, nơi Trung Quốc đang nỗ lực phá vỡ “tự do và cởi mở”, sẽ là trọng tâm của sự hợp tác này.

RELATED ARTICLES

Tin mới