Wednesday, May 1, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThương chiến Mỹ-Trung: Lại lo vốn vay TQ

Thương chiến Mỹ-Trung: Lại lo vốn vay TQ

PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng Việt Nam phải hết sức tỉnh táo, chúng ta đã qua giai đoạn cần vốn mà bất chấp chất lượng đầu tư ra sao.

Cuộc chiến lập lại công bằng?

Khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng thì PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam đã có sự đánh giá, nhìn nhận lại nguyên nhân của cuộc chiến này.

Theo vị chuyên gia, có một thời cả Mỹ và Trung Quốc có sự méo mó về chiến lược phát triển kinh tế đất nước, hệ quả là nước Mỹ bị thua thiệt quá nhiều về quan hệ thương mại, quan hệ đầu tư và phát triển các lĩnh vực sản xuất khác nhau.

Ông Donald Trump đã nhìn ra vấn đề này khi vận động tranh cử vào chiếc ghế tổng thống và ông muốn làm cho nước Mỹ mạnh trở lại, phát triển nước Mỹ mạnh mẽ trên nguyên tắc của cơ chế thị trường.

“Ông Trump đã giải quyết vấn đề trên một cách rất thẳng thắn trên cơ sở các hoạt động kinh doanh, lời lỗ chỗ nào, các giải pháp ra sao… Với tư cách là một tổng thống, ông quyết định chính sách này phải đem lại công bằng, sự ngang giá của kinh tế thị trường, không có câu chuyện này khác trong đó làm méo mó thị trường, lợi người này, thiệt người kia.

Vị tổng thống của nước Mỹ kết luận rằng phải có giải pháp mạnh mẽ về tài chính, mà cụ thể ở đây là giải pháp về thuế.

Ở điểm này, ông Trump đã đúng bởi quan hệ tài chính là quan hệ rất lớn để điều tiết lợi ích của các bên tham gia vào hoạt động và cũng là một giải pháp có tính chất như thuốc chữa bệnh”, PGS.TS Lê Cao Đoàn đánh giá.

Về phía Trung Quốc, vị chuyên gia chỉ ra rằng, chính sách của quốc gia này từ thời kỳ công nghiệp hưng chấn là dựa trên sản phẩm  rẻ, lao động rẻ và xuất khẩu nhiều, trong khi Mỹ lại từ bỏ các hoạt động này.

Chính vì thế, với lượng hàng hóa xuất khẩu khổng lồ, nhất là Trung Quốc lại dùng chính sách đồng nhân dân tệ yếu, Trung Quốc đã có thặng dư rất lớn về thương mại.

Một mục tiêu khác của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ ra, đó là tạo ra sự ràng buộc về hoạt động đầu tư và thương mại để đối phó với những vi phạm về sở hữu trí tuệ, với hình thức xuất khẩu hộ mà Trung Quốc đang sử dụng thông qua các nước khác.

“Trung Quốc đã thông qua vấn đề thương mại và các thủ đoạn của hoạt động thương mại cổ truyền làm cho Mỹ điêu đứng qua giá cả và xuất siêu.

Cho nên, cuộc thương chiến giữa hai quốc gia chính là để lập lại sự cân bằng về thương mại, giữa xuất và nhập của Mỹ và làm cho Trung Quốc trở về vị trí của mình, phải điều chỉnh lại hoạt động bằng nguyên lý về thương mại và đầu tư.

Với nước Mỹ, các nhà kinh doanh và nhà công nghiệp cũng phải tăng cường chiếm lĩnh các trận địa, không để cho người Trung Quốc làm việc đó. Những nước quan hệ với Trung Quốc và Mỹ từ trước  tới nay cũng có sự thay đổi về lợi ích trong quan hệ đầu tư và thương mại”, vị chuyên gia cho biết.

Tỉnh táo với vốn đầu tư Trung Quốc

Khi chính quyền của Tổng thống Donald  Trump áp dụng đòn thuế quan, hàng hóa của Trung Quốc không bán được sang Mỹ và Bắc Kinh buộc phỉa bán sang các nước khác. Vốn đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc cũng đã khá nhiều, khi xảy ra chiến tranh thương mại, nguồn vốn ấy sẽ đi đâu?

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Lê Cao Đoàn chia sẻ với nỗi lo lắng của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vấn đề vốn đầu tư của Trung Quốc đổ sang Việt Nam nhiều quá sẽ gây hậu quả rất tai hại cho kinh tế Việt Nam.

Theo đó, công nghệ của Trung Quốc thấp, chất lượng của các sản phẩm kém, các ràng buộc có lợi cho họ, đầu tư của Trung Quốc có giá rất cao, chưa kể cách quản lý kém, kèm theo những ràng buộc phải dùng công nghệ, lao động của Trung Quốc…

“Phải rất tỉnh táo chỗ này. Thu hút FDI hiện nay không còn như cách đây 20 năm. Thời đó, Việt Nam rất cần nhiều vốn, bất chấp chất lượng đầu tư, nhưng giai đoạn ngày nay không phải như vậy.

Nước ngoài bỏ đồng vốn ra đầu tư thì họ dùng chính vốn đi vay của Việt Nam, vậy ai thiệt ở đây? Đó là công nghiệp của Việt Nam thiệt, doanh nghiệp Việt Nam thiệt, mà như vậy thì doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được, nội lực của nền kinh tế Việt Nam sẽ kém đi”, PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ.

Theo vị chuyên gia, đối với mỗi nền kinh tế, vốn là một phần tất yếu và là một yếu tố rất quan trọng. Muốn tăng trưởng thì phải tăng vốn, vấn đề quan trọng và căn bản là phải quan tâm đến sức sản xuất của vốn đó, chất lượng hoạt động kinh doanh của vốn đầu tư đó. Chất lượng ấy mới đem lại sự cải tổ, cách mạng cho phương thức sản xuất của đất nước nhận vốn, chứ không phải vấn đề lượng vốn. Mà những yếu tô trên lại rất kém ở đầu tư của Trung Quốc.

“Một cách thẳng thắn, vốn Trung Quốc không đem lại sự cách mạng nào cho phương thức sản xuất của nước nhận vốn, thậm chí còn làm yếu đi”, PGS.TS Lê Cao Đoàn đánh giá.

Cũng theo vị chuyên gia, FDI Trung Quốc không chỉ có các doanh nghiệp Trung Quốc mà bao gồm cả các đầu tư theo các hình thức của nhà nước Trung Quốc sang Việt Nam, kèm theo đó là các nhà thầu Trung Quốc.

“Khi đầu tư xây dựng cơ bản kém thì nó sẽ gây hậu quả cho cả nền kinh tế. Đơn giản bởi đó là những sản phẩm có thể tồn tại đến cả trăm năm, không thể chốc lát mà thay đổi được.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông là một ví dụ, chất lượng công trình và hiệu quả kinh tế của dự án bị nhiều ý kiến đánh giá thấp. Một dự án mà 8 lần lỡ hẹn về đích thì liệu có còn đáng tín cậy?”, PGS.TS Lê Cao Đoàn day dứt.

RELATED ARTICLES

Tin mới