Tuesday, April 30, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCuộc chạy đua thành lập Trung tâm vũ trụ giữa các cường...

Cuộc chạy đua thành lập Trung tâm vũ trụ giữa các cường quốc trên thế giới

Sau Mỹ, Nga đang có nhiều bước chuẩn bị thành lập Trung tâm Vũ trụ Quốc gia vào cuối năm 2019.

Nối tiếp Mỹ, Nga bắt đầu tham gia cuộc đua kiểm soát không gian vũ trụ

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã giao Tập đoàn vũ trụ quốc gia Nga (Roscosmos) và Bộ Tài chính thành lập Trung tâm Vũ trụ Quốc gia vào cuối năm nay. Trung tâm sẽ gồm các đơn vị hàng đầu trong ngành tên lửa và vũ trụ, đơn vị thiết kế, các tổ chức nghiên cứu và giáo dục chuyên ngành. Các đơn vị được giao đã bắt đầu các hoạt động cụ thể để sớm thực hiện dự án này. Thị trưởng  thành phố Moscow, Sergei Sobyanin đề xuất đặt trụ sở của Trung tâm trong khuân viên của Roscosmos, ở phía Tây thủ đô Moscow. Dự kiến, Chính quyền thành phố Moscow sẽ đầu tư 8 tỷ rúp (gần 125 triệu USD) từ nguồn ngân sách của thành phố để xây dựng trung tâm vũ trụ.

Trong buổi thuyết trình về Dự án này, Tổng giám đốc của Roscosmos, Dmitry Rogozin cho biết, trụ sở mới của Trung tâm Vũ trụ Quốc gia sẽ được xây dựng mô phỏng hình dạng của một quả tên lửa. Các đơn vị thành phần cũng sẽ được thành lập, trong đó có Trung tâm xử lý tình huống, Trung tâm điều hành bay… Sau khi hoàn thành, Trung tâm sẽ quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp tên lửa và vũ trụ cũng như các đơn vị nghiên cứu, thiết kế.

Trước đây, Nga cũng có lực lượng không gian vũ trụ như một nhánh của quân đội, tuy nhiên, nó đã được sáp nhập với không quân để trở thành lực lượng hàng không vũ trụ Nga từ năm 2015.

Mỹ đang đi trước Nga một bước trong việc kiểm soát vũ trụ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump (19/2) sẽ ký Chỉ thị thành lập Lực lượng Vũ trụ. Theo đó, Mỹ muốn Lực lượng Vũ trụ mới có thể trở thành một nhánh riêng của quân đội, để bảo vệ vệ tinh, chống lại các mối nguy hiểm trong không gian và khẳng định sự thống trị của Mỹ trên quỹ đạo. Tại lễ ký chỉ thị, Tổng thống Trump gọi việc lập Lực lượng Không gian là ưu tiên hàng đầu với an ninh quốc gia. Lực lượng này sẽ phụ trách hàng loạt vấn đề liên quan đến năng lực của quân đội Mỹ trong không gian, từ mạng lưới vệ tinh phục vụ hệ thống định vị toàn cầu GPS đến các cảm biến giúp phát hiện các vụ phóng tên lửa. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết, ngân sách ban đầu của lực lượng này khoảng 5 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc thiết lập Lực lượng Vũ trụ cần phải được quốc hội Mỹ thông qua, song Quốc hội Mỹ dường như không đánh giá cao ý tưởng thành lập lực lượng này. Một số nhà lập pháp và các quan chức quốc phòng cho rằng việc thành lập một lực lượng như vậy là không cần thiết và tốn kém, bởi những công việc trên vốn đã được thực hiện bởi các tổ chức và lực lượng như Không quân. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Charlie Summers cho biết Lầu Năm Góc sẽ đệ trình các đề xuất lập pháp về Lực lượng Vũ trụ trong vài tuần tới.

Theo Summers, với chỉ thị mới, Tổng thống Trump đang chuẩn bị năng lực cho Mỹ để giành chiến thắng “trong một môi trường đa miền phức tạp đặc trưng bởi sự cạnh tranh giữa những siêu cường”. Được biết, Chính quyền Trump (8/2018) thông báo về kế hoạch thành lập Lực lượng Vũ trụ với tư cách quân chủng thứ 6 vào năm 2020. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải nhiều ý kiến phản đối bởi các nhà lập pháp cho rằng nó không cần thiết và tốn kém. Dự kiến, Không quân Mỹ ước tính ngân sách cho quân chủng không gian vũ trụ trong 12 tháng đầu sẽ là khoảng 3 tỷ USD và cần 10 tỷ USD trong 4 năm tiếp theo. Quân số của lực lượng này cũng có thể sẽ lên tới hơn 13.000 người.

Giới chức quốc phòng Mỹ, trong đó có đích thân cựu Bộ trưởng James Mattis cho biết Washington sẽ đầu tư vào các lĩnh vực vũ trụ, không gian mạng, hạt nhân và phòng thủ tên lửa. Mục đích của Mỹ và tuyên bố của chuyên gia Nga đã nói thẳng về bản chất của lực lượng đặc biệt này, tuy nhiên chuyên gia Igor Korotchenko không quên nhấn mạnh rằng, Hiệp ước quốc tế về Cấm triển khai vũ khí nguyên tử trên vũ trụ vẫn đang có hiệu lực. Và nếu Mỹ vi phạm, Nga sẽ có biện pháp đáp trả. Trong khi đó, Mac Thornberry, thành viên Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ, nhận định đây là bước đi quan trọng của Mỹ nhằm đối phó với “các thách thức từ Nga và Trung Quốc” trong lĩnh vực không gian.

Giới chuyên gia quân sự Nga cho rằng, Lực lượng Vũ trụ Mỹ tuyên bố thành lập có thể dùng tiêu diệt vệ tinh hoặc mục tiêu mặt đất của nước khác. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng có thể sử dụng Lực lượng vũ trụ mới để kiểm soát trên quỹ đạo và tiến hành các hoạt động chiến đấu nhằm vào những nước không cùng phe với mình. Cụ thể, Mỹ có thể thành lập một hạm đội chiến đấu đặc biệt bao gồm các thiết bị vũ trụ nhỏ và có thể được sử dụng nhiều lần với nhiệm vụ sẽ là thu thập số liệu và phân tích thông tin, kiểm soát các thiết bị trên quỹ đạo của các nước khác, cũng như tiêu diệt chúng nếu như nguy hiểm. Ngoài ra, Lầu Năm Góc có thể bắt đầu triển khai các hệ thống vũ khí có độ chính xác cao mới để xóa sổ các mục tiêu trên mặt đất. Hoặc trên vũ trụ sẽ xuất hiện các hệ thống dẫn đường đầy triển vọng trong tương lai. Chuyên gia Korotchenko cho biết, sự xuất hiện Lực lượng Vũ trụ của Mỹ là mối đe dọa không chỉ đối với Nga mà đối với toàn thế giới. Những hành động này của Mỹ đang tạo ra một bước ngoặt nguy hiểm mới của các sự kiện, bởi Mỹ sẽ đưa các thiết bị kỹ thuật quân sự của mình vào vũ trụ.

Trước thông tin trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thể hiện quan ngại về viễn cảnh chạy đua vũ trang ngoài không gian sau khi Tổng thống Trump tuyên bố thành lập bộ tư lệnh mới cho các hoạt động quân sự vũ trụ; đồng thời đề nghị các bên liên quan khai thác không gian một cách hòa bình, phản đối việc vũ khí hóa không gian và chạy đua vũ trang trong không gian.

Nga và Trung Quốc đang sở hữu vũ khí có thể tiêu diệt vệ tinh trên quỹ đạo

Bộ Quốc phòng Mỹ (11/2) cho rằng, công bố báo cáo mới về những mối đe dọa trong không gian, cảnh báo rằng, cả Nga và Trung Quốc đang phát triển khả năng nhằm đe dọa vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực này, trong đó có những loại vũ khí laser có thể nhắm mục tiêu và phá hủy vệ tinh của Mỹ.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng cũng nêu chi tiết về nhiều loại vũ khí chống vệ tinh của Nga và Trung Quốc, trong đó bao gồm hệ thống tác chiến điện tử, vũ khí năng lượng định hướng và tên lửa chống vệ tinh “động học”. Báo cáo nhấn mạnh, cả Nga và Trung Quốc đều có khả năng phát triển những “loại vũ khí bằng laser để phá hủy, làm suy yếu hoặc gây tổn thương các vệ tinh trong không gian và cảm biến của Mỹ”. Theo đó, Trung Quốc có thể chế tạo loại vũ khí laser trên mặt đất chống lại những cảm biến trong không gian ở quỹ đạo thấp vào năm 2020 và từ giữa đến cuối thời điểm những năm 2020, nước này sẽ tạo ra hệ thống vũ khí có năng lượng cao hơn, đe dọa những vệ tinh phi quang học. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có khả năng sử dụng hệ thống laser để chống lại các cảm biến vệ tinh. Trong khi đó, Nga đã giao vũ khí laser cho Lực lượng Không gian Vũ trụ của nước này trước tháng 7/2018, nhiều khả năng sẽ được sử dụng cho sứ mệnh chống vệ tinh. Nga cũng phát triển vũ khí laser trên không chống vệ tinh để chống lại các cảm biến phòng thủ tên lửa trong không gian.

Theo báo cáo, Trung Quốc đã sở hữu tên lửa chống vệ tinh trên mặt đất, có thể tấn công các vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái đất, đồng thời thành lập các đơn vị quân đội để huấn luyện đào tạo sử dụng tên lửa này, còn Nga nhiều khả năng cũng đang phát triển “hệ thống tên lửa di động trên mặt đất có thể phá hủy các mục tiêu ở quỹ đạo thấp của Trái đất, cùng với tên lửa đạn đạo và “hệ thống vũ khí này sẽ được đưa vào hoạt động trong vài năm tới”.

Đáng chú ý, hãng tin CNN dẫn nhận định của ông Mike Rogers, người đứng đầu tiểu ban lực lượng vũ trang chiến lược thuộc Hạ viện Mỹ cho biết “Chiến tranh tương lai sẽ xảy ra trong không gian. Nga và Trung Quốc đang cố gắng vượt Mỹ về năng lực không gian vũ trụ và chúng ta cần phải thành lập lực lượng riêng biệt đảm trách sứ mệnh trong không gian”. Theo CNN, hiện các vệ tinh của Mỹ đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động từ công nghệ dẫn đường, nhắm mục tiêu cho vũ khí và thu thập thông tin tình báo, chẳng hạn như theo dõi chương trình hạt nhân của Triều Tiên và hoạt động quân sự của Nga và Trung Quốc. Các vệ tinh cũng được tích hợp cảm biến có nhiệm vụ phát hiện tên lửa do đối phương phóng lên.

RELATED ARTICLES

Tin mới