Wednesday, November 6, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhông chấp nhận thông điệp 'cơ bắp' của TQ

Không chấp nhận thông điệp ‘cơ bắp’ của TQ

Trong bối cảnh Trung Quốc dần thể hiện cơ bắp, Việt Nam và các nước khác không thể chỉ đàm phán song phương mà phải cùng nhau, và mang những quốc gia bên ngoài vào bàn đàm phán để giải quyết vấn đề.

TS James Kraska – giáo sư tại Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) – gửi Tuổi Trẻ bài viết với nhận định rằng Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng sức mạnh để ép các nước láng giềng nhượng bộ về chủ quyền lãnh thổ thông qua các động thái gần đây ở thực địa Biển Đông. Dưới đây là nội dung bài viết.

Tuần trước, con tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc cùng đoàn tàu hộ tống đã thực hiện cuộc khảo sát địa chất để tìm dầu khí dưới đáy biển. Việc khảo sát này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ).

Dùng sức mạnh cưỡng ép

Ngày 17-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền và quyền tài phán trên “các vùng nước liên quan”. Đó là một lập trường rõ ràng trái ngược với quyền của Việt Nam, mâu thuẫn với nghĩa vụ của Trung Quốc trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) về việc phải tôn trọng EEZ của các nước khác.

Bộ Ngoại giao Việt Nam, vốn có xu hướng ôn hòa trong các bất đồng cùng người hàng xóm khổng lồ này, cũng phải lên tiếng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam đã nỗ lực liên hệ với Trung Quốc về vấn đề trên thông qua các kênh ngoại giao, và rằng Việt Nam kiên quyết bảo vệ quyền và phản đối những hành động phi pháp của Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Sự bất đồng này có ý nghĩa sâu sắc đối với an ninh kinh tế Việt Nam, khi mỏ khí đốt dưới đáy biển cung cấp 10% cho ngành năng lượng của quốc gia này. EEZ được tạo ra nhằm đảm bảo các nước đang phát triển thực hiện quyền tự chủ và thẩm quyền đối với đánh bắt cá cũng như dầu khí ngoài khơi.

Mặc dù trước đây được chấp thuận như một cách phản ứng đối với các cường quốc hàng hải của thập niên 1970, bao gồm Liên Xô, Nhật Bản và Mỹ, ngày nay mối đe dọa lớn nhất trớ trêu thay lại tới từ Trung Quốc, với một sự ham muốn vô độ đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật dưới biển.

Khi Việt Nam cử hai tàu cảnh sát biển yêu cầu các tàu Trung Quốc ngừng hoạt động khảo sát, họ đã đối diện ba tàu cảnh sát biển Trung Quốc lớn hơn. Trong một động thái nhằm phô trương sức mạnh, Trung Quốc tìm cách thể hiện rằng họ có thể hành động mà không cần tôn trọng quyền hàng hải của Việt Nam.

Cách thể hiện sức mạnh này nhằm cho Việt Nam và các nước liên quan có quan sát cặn kẽ vấn đề thấy rằng Trung Quốc có thể áp đặt, ra giá trong quá trình đàm phán về vấn đề hàng hải, đơn cử là những cuộc đàm phán dài hơi về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Các chiến thuật mạnh tay kiểu này nhắc nhở các nước yếu hơn Trung Quốc rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng sử dụng sức mạnh để ép các nước láng giềng nhượng bộ về vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Không chấp nhận thông điệp cơ bắp của Trung Quốc - Ảnh 2.
Tàu cá Trung Quốc hướng về đảo Điếu Ngư/Senkaku tranh chấp với Nhật Bản – Ảnh: Reuters

Luật pháp đứng về phía Việt Nam

 Trong trường hợp này, luật pháp quốc tế rõ ràng đứng về phía Việt Nam. Trong năm 2016, một hội đồng trọng tài quốc tế đã kết luận rằng các hoạt động tương tự của Trung Quốc trong vùng EEZ của Philippines là phi pháp xét theo UNCLOS 1982, và hội đồng này kêu gọi Trung Quốc dừng xâm phạm quyền lợi của Philippines.

Dù Trung Quốc từ chối phán quyết thì dưới tư cách một thành viên UNCLOS 1982, Bắc Kinh cũng buộc phải tuân thủ quyết định của Tòa trọng tài.

Trên thực tế, Trung Quốc đã chùn bước trong một số yêu sách chống lại Philippines. Họ có một số hành động mang tính khéo léo và tinh tế hơn so với trong quá khứ. Tuy nhiên dù luật pháp quốc tế rõ ràng ủng hộ Việt Nam, cũng như trước đó là Philippines, Trung Quốc có xu hướng kỳ vọng các nước khác phải “tôn trọng quyền của họ”, trong khi chẳng chịu thể hiện sự đồng điệu trong vấn đề pháp lý.

Trung Quốc đã mâu thuẫn về khí đốt, đánh cá với mọi quốc gia khác có biên giới với mình, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Và thậm chí cả những quốc gia không có biên giới chung, tỉ dụ như Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.

Không chấp nhận thông điệp cơ bắp của Trung Quốc - Ảnh 3.

Sơ đồ các vùng biển và thềm lục địa của quốc gia ven biển theo UNCLOS 1982 – Ảnh: Ủy ban biên giới quốc gia

Một số lượng bất đồng lớn mà Trung Quốc có với các nước khác càng nhấn mạnh rằng Trung Quốc chưa hề cho thấy họ tôn trọng UNCLOS. Trung Quốc ủng hộ công ước này và là một phần trong công ước, nhưng những năm qua họ chẳng bao giờ tuân thủ các điều khoản trong đó. Vì sự khác biệt lớn trong sức mạnh giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, Bắc Kinh thích cách đàm phán riêng với từng nước dựa trên nguyên tắc song phương.

Cách tiếp cận này gợi cho Việt Nam cách thức bảo vệ lợi ích hiệu quả nhất. Việt Nam, cũng như các nước khác chịu ảnh hưởng từ cách hành xử phi pháp của Trung Quốc trên biển, nên bắt đầu thảo luận với một nước khác về việc làm thế nào để đàm phán với Trung Quốc như một khối có chọn lọc, vì thế sân chơi ở đây sẽ bình đẳng hơn.

Cách thức duy nhất để Việt Nam và các nước khác có thể đảm bảo quyền lợi của mình được bảo vệ là phải phối hợp, bất kể có bất đồng nào giữa họ hay không. Đây là điều quan trọng nhất Việt Nam cần làm – trở thành người tiên phong trong việc kết nối với các nước khác như Nhật Bản ở phía bắc hay Indonesia ở phía nam – nhằm xem xét làm thế nào họ có thể ủng hộ lẫn nhau trong các tranh chấp với Trung Quốc.

Điều thứ hai Việt Nam và các nước có thể làm là quốc tế hóa tranh chấp, để soi rọi vào hành vi của Trung Quốc, thông qua việc kiện Trung Quốc ra một tòa trọng tài có khả năng cưỡng chế, đồng thời cổ vũ các nước bên ngoài khu vực tham gia vào vấn đề này.

Trong bối cảnh Trung Quốc dần thể hiện cơ bắp, Việt Nam và các nước khác không thể chỉ đàm phán song phương mà phải cùng nhau, và mang những quốc gia bên ngoài vào bàn đàm phán để giải quyết vấn đề.

RELATED ARTICLES

Tin mới