Sunday, May 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTương lai doanh nghiệp TQ giữa thương chiến

Tương lai doanh nghiệp TQ giữa thương chiến

Nếu các công ty Mỹ rời khỏi thị trường Trung Quốc, cơ hội lấp đầy khoảng trống sẽ nằm trong tay những doanh nghiệp trong nước.

Trung Quốc hôm 23/8 thông báo tăng thuế với 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ ngày 1/9 và 15/12. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố chính quyền của ông sẽ tăng thuế với 550 tỷ USD hàng Trung Quốc, đồng nghĩa tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều sẽ phải chịu thuế.

Hàng rào thuế quan Trump dựng lên sẽ tạo thêm gánh nặng cho các công ty Trung Quốc, vốn đã phải chịu áp lực vì kinh tế trong nước giảm tốc. Tuy nhiên, theo giới quan sát, các doanh nghiệp Trung Quốc không vì thế mà tuyệt vọng, trái lại, họ đang nỗ lực tìm mọi cách để phục hồi, bù đắp chi phí thuế.

“Tôi tin rằng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung sẽ kéo dài lâu”, Wei Jianguo, cựu thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận xét. Ông cho biết trong lúc chờ đợi một thỏa thuận thương mại công bằng và bình đẳng, phía Trung Quốc vẫn chuẩn bị sẵn sàng để chống lại bất kỳ tác động tiêu cực nào từ thương chiến.

“Chúng tôi không sợ hãi”, Wei nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNBC. Ông hiện là phó chủ tịch Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, trụ sở ở Bắc Kinh.

Wei liệt kê ra 4 cách mà Trung Quốc đang áp dụng nhằm củng cố các doanh nghiệp của mình, bao gồm: Tăng hỗ trợ từ chính phủ; Mở ra các kênh tới những thị trường quốc tế khác thông qua các chương trình như khu thương mại tự do và Sáng kiến Vành đai, Con đường, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ do Bắc Kinh dẫn dắt; Phát triển một môi trường hoạt động chất lượng cao hơn cho các doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài, đồng thời áp dụng những chính sách như giảm thuế giảm phí.

Đòn thuế mới nhất mà Mỹ và Trung Quốc tung ra đánh dấu bước ngoặt từ một thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 6, khi họ thống nhất xóa bỏ hàng rào thuế quan lên hàng hóa của nhau.

“Sự thay đổi này cùng với việc Mỹ không có những động thái đáng kể nhằm nới lỏng các biện pháp kìm kẹp với Huawei cho thấy Chủ tịch Tập đã từ bỏ những nỗ lực cải thiện quan hệ với Tổng thống Trump”, Michael Hirson, chuyên gia tại công ty tư vấn Eurasia Group, nhận định. “Giới lãnh đạo Trung Quốc có lẽ sẽ không đưa ra quyết định dứt khoát loại trừ một thỏa thuận thương mại với Trump cho tới sau cuộc bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, họ đang ngày càng hoài nghi về khả năng đàm phán với Trump và không còn sẵn sàng đưa ra các nhượng bộ”.

Trong bối cảnh đó, nếu giới đầu tư bắt đầu lo lắng về tác động của thương chiến đối với các tập đoàn Mỹ, các công ty Trung Quốc có thể tìm thấy cơ hội kinh doanh từ đây.

“Trong ngắn hạn, hàng rào thuế quan từ Mỹ sẽ có tác động tiêu cực tới lợi nhuận của các công ty Trung Quốc”, Wang Zhe, nhà kinh tế tại tập đoàn nghiên cứu tài chính Caixin Insight, cho hay. “Trong dài hạn, nếu căng thẳng thương mại Mỹ – Trung không hạ nhiệt, nó sẽ gây ảnh hưởng tới chuỗi công nghiệp toàn cầu. Tất nhiên, điều này buộc các công ty Trung Quốc phải thay đổi phương pháp sản xuất và đẩy nhanh quá trình nâng cấp, cải tiến hoạt động”.

Các nhà phân tích lưu ý rằng một hệ quả tiềm ẩn khác của chiến tranh thương mại là các công ty Trung Quốc sẽ chiếm được thị phần lớn hơn trong khi các doanh nghiệp Mỹ loay hoay. Dữ liệu thị trường và báo cáo của một số công ty cho thấy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển từ mua nông sản Mỹ sang các nước khác, đặc biệt là những quốc gia châu Mỹ Latin.

Trong một dòng tweet hôm 23/8, Tổng thống Trump nói ông đã ra lệnh cho các công ty Mỹ tìm “phương án thay thế Trung Quốc”. Chưa rõ ông chủ Nhà Trắng sẽ có biện pháp nào để buộc các công ty thực thi mệnh lệnh này.

“Nếu điều đó xảy ra với các công ty Mỹ, ở những mức độ khác nhau, việc bỏ trống thị trường Trung Quốc có lẽ sẽ mang tới cơ hội để các công ty Trung Quốc lấp đầy khoảng trống”, Stephen Olson, nhà nghiên cứu tại tổ chức phi lợi nhuận Hinrich, nhận xét.

Quan trọng hơn, theo ông, “một động thái như vậy sẽ tạo ra rạn nứt chưa từng có trong mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới”, gây nên tình trạng hỗn loạn, không tốt cho cả các công ty Mỹ lẫn Trung Quốc.

Việc kinh doanh ở Trung Quốc có rất nhiều thách thức nhưng rời bỏ nó không phải một lựa chọn, Jake Parker, thành viên cao cấp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung, cho hay. “Nếu công ty Mỹ rời Trung Quốc, họ chắc chắn sẽ bỏ lỡ một cơ hội tăng trưởng toàn cầu lớn”, ông nói.

“Cách duy nhất để giải quyết những thách thức mà công ty Mỹ phải đối mặt ở thị trường Trung Quốc là đôi bên cần tiếp tục đàm phán để thỏa hiệp xóa bỏ hàng rào thuế quan, đồng thời đưa mối quan hệ song phương phát triển theo hướng ổn định, dễ đoán và mang tính xây dựng hơn”, Parker bình luận.

Chính quyền Trump coi đánh thuế là công cụ gây áp lực chính trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Nhưng hiệu quả của chúng trong việc gây khó khăn cho Bắc Kinh hiện vẫn chưa rõ ràng.

Phân tích của Chris Rogers, chuyên gia tại S&P Global Market Intelligence, cho thấy giá một số hàng hóa, chẳng hạn như hóa chất và đồ nội thất, đã sụt giảm khi thuế quan được áp dụng.

Wei cho biết vài công ty Trung Quốc đang tự hấp thụ chi phí thuế quan, tuy nhiên con số không nhiều. Thay vào đó, đa phần doanh nghiệp Trung Quốc đang kiên nhẫn chờ đợi một giải pháp cho tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán thương mại.

Tuần trước, Parker từ Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung, cũng nhận xét rằng hầu hết các công ty Trung Quốc đang tính toán xem thuế quan sẽ được duy trì trong bao lâu trước khi thay đổi kế hoạch kinh doanh của mình.

“Các công ty có nguồn cung chịu ảnh hưởng bởi thuế quan đang cân nhắc. Một số chuyển nguồn hàng, số khác duy trì chuỗi cung ứng hiện tại và số còn lại hoặc chấp nhập giảm biên lợi nhuận hoặc sang tay chi phí thuế hết mức có thể”, ông nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới