Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ tăng cường lực lượng ở Thái Bình Dương: Kiềm chế TQ...

Mỹ tăng cường lực lượng ở Thái Bình Dương: Kiềm chế TQ trên mọi mặt trận

Hải quân Mỹ đã điều nhóm tàu đổ bộ Boxer (Boxer ARG) và Đơn vị Thủy quân lục chiến viễn chinh số 11 (11th MEU) từ Hạm đội 5 tăng cường sang Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương. Hành động này được cho là để tăng cường đảm bảo an ninh hàng hải và ổn định cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa có hồi kết và Mỹ liên tục đưa ra các biện pháp mới nhằm kiềm chế, ngăn chặn và chỉ trích Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế.

Tăng cường quân kiềm chế Trung Quốc

Trang web của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Mỹ cho biết, nhóm tàu đổ bộ Boxer (Boxer ARG) và Đơn vị Thủy quân lục chiến viễn chinh số 11 (11th MEU) đã được điều từ vùng Vịnh (trực thuộc Hạm đội 5) đến tham gia Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương. Theo đó, hai đơn vị này sẽ cùng sát cánh với các đồng minh và đối tác nhằm tăng cường an ninh hàng hải và ổn định cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Nhóm tàu đổ bộ Boxer (Boxer ARG) gồm tàu tấn công đổ bộ USS Boxer, tàu đổ bộ USS Harpers Ferry và tàu đổ bộ vận tải USS John P. Murtha. Trong khi đó, 11th MEU được điều động cùng với Boxer ARG với vai trò là lực lượng dự bị và đối phó khủng hoảng. Cả 3 tàu đều có khả năng triển khai lính thủy đánh bộ, tuy nhiên USS Boxer có thể mang thêm được nhiều loại máy bay khác nhau từ trực thăng tấn công, trực thăng vận tải cho đến cường kích AV-8B Harrier II. USS Boxer có 1.000 thành viên thủy thủ đoàn, bên cạnh khả năng chở theo 1.500 lính thủy đánh bộ. Trước đó vào tháng 6, Boxer ARG được điều đến Trung Đông sau khi căng thẳng giữa Iran và phương Tây leo thang.

Cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng có nhiều diễn biến mới, gây tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ song phương, cũng như tình hình khu vực và thế giới. Chiến tranh thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã đi vào giai đoạn 2 sau khi khởi xướng cuộc chiến tài chính tiền tệ đã làm đồng Nhân dân tệ giảm đi 8% và thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm quanh mức 25% từ tháng 4/2018, song hành với việc áp thêm thuế mới 10% trên 200 tỷ đô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump (23/8) tuyên bố áp gói mức thuế bổ sung với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Theo tuyên bố trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, mức thuế 25% hiện đang áp dụng với khoảng 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên 30% vào ngày 1/10 tới. Đồng thời Tổng thống Mỹ cũng quyết định tăng thuế từ 10% lên 15% đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc từ ngày 15/12. Trong những dòng Tweet sau đó, Tổng thống Trump còn tuyên bố rằng ông đã yêu cầu các công ty Mỹ lập tức tìm đối tác khác thay thế cho các đối tác Trung Quốc và nói rằng Mỹ “không cần Trung Quốc”. Đồng thời, ông cũng yêu cầu tất cả các hãng vận tải, bao gồm Fed Ex, Amazon, UPS, Bưu điện, phải tiến hành rà soát và từ chối mọi đơn hàng từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc (23/8) cho biết, từ 1/9 và 15/12, Trung Quốc sẽ chính thức áp thuế 5-10% với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Theo Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc, Bắc Kinh buộc phải hành động để đáp lại các biện pháp của Mỹ. Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục tuân theo thỏa thuận tại cuộc họp ở Osaka, quay lại các cuộc thảo luận đúng hướng và cùng nhau hành động tích cực để hướng tới mục tiêu chấm dứt xung đột thương mại. Chính phủ Trung Quốc sẽ áp dụng mức thuế mới với hàng hóa Mỹ theo hai đợt, có hiệu lực từ ngày 1/9 và 15/12, tương ứng với thời gian áp thuế mà Washington thực hiện với 300 tỷ USD hàng hóa Bắc Kinh. Ủy ban Thuế quan còn khẳng định mức thuế 25% sẽ được áp với xe hơi Mỹ, trong khi phụ tùng và linh kiện ôtô sẽ chịu mức thuế 5%, bắt đầu từ ngày 15/12.

Hiện nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ phần lớn là hàng hóa tiêu dùng, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chủ yếu là vốn và công nghệ. Không dễ dàng cho Trung Quốc và Mỹ để chiến thắng bằng một cuộc chiến tranh thương mại mà không làm tổn thương đến lợi ích quốc gia và cũng không thực tế khi tin rằng sự mất cân bằng thương mại song phương có thể bị loại trừ bằng một cuộc chiến tranh thương mại. Trên thực tế, những mâu thuẫn căn bản tiềm tàng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục diễn ra và ngày càng nổi trội. Thặng dư thương mại của Trung Quốc và Mỹ không chỉ tồn tại trong thị trường sản phẩm cần nhiều lao động, mà còn cả về thị trường sản phẩm có vốn và công nghệ cao. Với sự khởi đầu của một cuộc chạy đua công nghệ cao, sự va chạm thương mại trong các ngành công nghiệp cần vốn và công nghệ cao sẽ trở nên phổ biến. Sự leo thang trong cạnh tranh thương mại Trung Quốc – Mỹ sẽ làm cho hợp tác giữa hai cường quốc này ở vào tình trạng khó khăn chưa từng có. Kinh tế và quan hệ thương mại Trung Quốc – Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới và sẽ phát triển theo hướng cạnh tranh ngày càng nhiều.

Không những vậy, Mỹ cũng liên tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích, lên án Trung Quốc liên quan vấn đề thương mại. Phát biểu trong ngày họp đầu tiên của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Tổng thống Mỹ Donald Trump (24/9) đã chỉ trích Trung Quốc khi cho rằng “Trung Quốc không những từ chối thực hiện các cải cách đã hứa, mà còn áp dụng mô hình kinh tế phụ thuộc vào các rào cản thị trường, trợ cấp nhà nước, thao túng tiền tệ, bán phá giá, cưỡng ép chuyển giao công nghệ cũng như đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại trên quy mô lớn”. Tổng thống Mỹ khẳng định hai thập kỷ qua đã chứng minh sai lầm của giả thuyết rằng việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 sẽ dẫn đến tự do hóa nền kinh tế, tăng cường bảo vệ sở hữu tư nhân và pháp quyền; đồng thời yêu cầu WTO phải thay đổi quy định để không tiếp tục coi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là một quốc gia đang phát triển như Bắc Kinh tự tuyên bố.

Cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Trong những năm gần đây, châu Á – Thái Bình Dương trở thành khu vực phát triển năng động, có vị trí địa – chính trị, địa – kinh tế, an ninh quan trọng hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, sự cạnh tranh, điều chỉnh chiến lược, gia tăng sự tập hợp lực lượng giữa các nước lớn, nhất là Trung Quốc và Mỹ tại khu vực khiến hình thái cạnh tranh, hợp tác giữa các nước này ngày càng quyết liệt hơn.

Trong giai đoạn hiện nay, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương diễn ra gay gắt trên tất cả các lĩnh vực, tập trung trên một số nội dung chính sau: (1) Cạnh tranh về quyền lực: Đó là cạnh tranh giữa một siêu cường đang tại vị (Mỹ) với một cường quốc đang lên (Trung Quốc) có nguy cơ làm thay đổi cấu trúc quyền lực tại khu vực mà Mỹ đang chiếm ưu thế. Mặc dù về công khai, cả hai bên đều không muốn điều này xảy ra, nhưng trên thực tế, lo ngại xung đột quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một hiện hữu. (2) Cạnh tranh vị thế địa – chính trị: Với việc nhấn mạnh khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” thay cho “châu Á – Thái Bình Dương” trong công bố của Tổng thống Mỹ Donld Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 đã hé lộ phần nào chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Á theo hướng “cân bằng cứng”. Mặt khác, điều đó còn thể hiện cam kết về sự hiện diện của Mỹ – cả trên bình diện ngoại giao và quân sự ở khu vực – đồng thời làm rõ tầm quan trọng của một đồng minh như Ấn Độ. Trong không gian Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, 4 nước gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ có ý tưởng phối hợp trên các lĩnh vực có liên quan, như tập trận chung, hợp tác an ninh, xây dựng cấu trúc an ninh khu vực lấy Nhật Bản là điểm tựa ở phía Đông, Ấn Độ ở phía Tây, Australia ở phía Nam, do Mỹ giữ vai trò chủ đạo. 

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh và thương mại thế giới trong thế kỷ 21 bởi nhiều lý do, trong đó đặc biệt là kinh tế, quân sự và chính trị quốc tế. Tuyến đường biển từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng cho dòng chảy dầu mỏ, khí đốt và hàng hóa trên thế giới. Đây cũng là nơi có hai eo biển quan trọng nhất với tuyến vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông tới Australia và Đông Á. Trung bình mỗi ngày có 17 triệu thùng dầu mỏ được vận chuyển qua eo biển Ho-mút và 15,2 triệu thùng qua eo biển Malacca. Mặt khác, đây cũng là vùng biển nổi tiếng thiếu ổn định với nạn cướp biển và khủng bố. Trong khi đó, năng lực hàng hải của các nước trong khu vực vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, việc bảo đảm an ninh cho tuyến huyết mạch của kinh tế thế giới được Mỹ và các nước đặc biệt quan tâm. Bên cạnh các yếu tố về chống cướp biển, khủng bố, hỗ trợ cứu hộ cứu nạn, còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn tới sự ra đời của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đó là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến “Vành đai, Con đường” nhằm đối trọng lại Mỹ. Sáng kiến này do Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng, được coi là một kế hoạch dài hơi để ứng phó với chiến lược “xoay trục” và chính sách “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ. Sáng kiến “Vành đai, Con đường” ra đời đã đẩy cạnh tranh Trung Quốc – Mỹ lên một nấc thang mới và nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực thì sẽ là một bước chuyển tiếp mềm cho quá trình chuyển giao quyền lực để sắp xếp lại bàn cờ chính trị thế giới. Để triển khai sáng kiến này, thời gian qua Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường biển ở các nước Trung Á, Nam Á và châu Phi để mở rộng ảnh hưởng của mình. Không những tăng cường mở rộng ảnh hưởng kinh tế, Trung Quốc còn tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương với căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên ở Djibouti phía Đông châu Phi và đang xúc tiến mở thêm các căn cứ không quân, hải quân khác. Trước nguy cơ lợi ích địa – chính trị, kinh tế và các lợi ích của mình trong khu vực có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Mỹ đã tập hợp các cường quốc có liên quan trong chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để làm đối trọng với Trung Quốc. Một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở đã thể hiện rõ tầm nhìn đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới