Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBiển Đông sẽ là một trong những chủ đề chính tại Đối...

Biển Đông sẽ là một trong những chủ đề chính tại Đối thoại An ninh Việt Nam – Ấn Độ thường niên năm 2019

Là một diễn đàn đối thoại chính trị quan trọng giữa Việt Nam và Ấn Độ, Đối thoại An ninh Việt Nam – Ấn Độ đã góp phần cụ thể hoá mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Tại diễn đàn năm nay, bên cạnh những vấn đề an ninh chính trị quốc tế, khu vực thì vấn đề Biển Đông sẽ được hai bên thảo luận nhằm tăng cường việc phối hợp lập trường và thúc đẩy hoà bình, ổn định, hợp tác của khu vực.

Trả lời phỏng vấn tờ “Hindustan Times” của Ấn Độ, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết Việt Nam sẽ nêu tình hình Biển Đông trong cuộc Đối thoại An ninh hàng năm với Ấn Độ diễn ra trong tháng 10 này. Cập nhật diễn biến trên thực địa, Đại sứ Việt Nam thông tin lần xâm phạm gần đây nhất của 28 tàu Trung Quốc diễn ra từ ngày 30/9 và vẫn tiếp diễn cho tới nay. “Chúng tôi đã thông báo với Trung Quốc không nên xâm phạm vùng biển của Việt Nam, và Bắc Kinh nên rút tất cả các tàu ngay khi có thể”, Đại sứ Sanh Châu nhấn mạnh. Ấn Độ là một trong ba nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh “Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ có thể bao quát được không chỉ các vấn đề liên quan tới an ninh của hai nước, mà cả các vấn đề liên quan đến toàn khu vực, và đặc biệt, chúng tôi sẽ đề cập tình hình Biển Đông tại Đối thoại này.”

Theo ông Phạm Sanh Châu, ba lần xâm phạm của Trung Quốc diễn ra gần vùng biển nơi Công ty Dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC Videsh đang hoạt động. Tờ Hindustan Times đưa tin, ngày 3/7, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã đến gần lô dầu khí nơi Tập đoàn ONGC Videsh đang khai thác. Trước hành động xâm phạm của Trung Quốc, tháng 8/2019, Ấn Độ tuyên bố, New Delhi có “lợi ích gắn bó với hòa bình và ổn định” trong khu vực, đồng thời kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Cho rằng hợp tác quốc phòng và an ninh, thương mại và đầu tư, cùng khoa học và công nghệ là những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam trong quan hệ hợp tác với Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhận định, hai nước đang nỗ lực sử dụng hiệu quả khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD do Chính phủ Ấn Độ tài trợ cho các hoạt động quốc phòng. “Tiến trình sẽ tốn nhiều thời gian, vì hai bên, đặc biệt là các công ty, phải trao đổi nhiều thông tin liên quan đến giá cả, quy trình và thủ tục, thậm chí là sự ổn định tài chính của dự án. Tôi nghĩ rằng mọi việc đang diễn ra suôn sẻ và không gặp bất kì vấn đề gì,” Đại sứ cho biết thêm.

Ngày 3/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 12 giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và ngài Ajay Kumar, Thư ký Bộ Quốc phòng Ấn Độ, đồng chủ trì đối thoại. Hai bên đã trao đổi về tình hình an ninh thế giới, khu vực và những vấn đề quốc tế cùng quan tâm, nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Ấn Độ phát triển tốt đẹp, đạt hiệu quả thiết thực. Ấn Độ khẳng định coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách “Hành động hướng Đông”, trong đó an ninh quốc phòng được xem là lĩnh vực hợp tác trụ cột. Việt Nam coi trọng việc phát triển toàn diện, thực chất quan hệ với Ấn Độ, đồng thời đánh giá cao kết quả của sự hợp tác nhiều mặt với Ấn Độ trong thời gian qua. Việt Nam mong muốn hai nước tiếp tục duy trì sự ủng hộ lẫn nhau đối với các chính sách quốc phòng, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh biển, tranh chấp chủ quyền, các vấn đề hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.

Lần lên tiếng gần đây nhất hôm 29/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định nước này ủng hộ tự do hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). “Biển Đông là một phần của chung trên toàn cầu. Ấn Độ, vì vậy, đã tôn trọng lợi ích của hòa bình và ổn định khu vực. Ấn Độ quyết tâm ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp trong các vùng nước quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar tuyên bố. Trong phát biểu liên quan tới Biển Đông nêu trên, phát ngôn viên Kumar của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng nêu rõ: “Ấn Độ cũng tin rằng bất kỳ khác biệt nào cũng cần được giải quyết hòa bình bằng việc tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao và không có chỗ cho sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.

Hơn 45 năm qua (1972 – 2018), quan hệ hợp tác Việt Nam – Ấn Độ đã phát triển hết sức tốt đẹp, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực quan trọng, nhất là lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt hiện nay, trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, Việt Nam được xem là một trong những trụ cột quan trọng nhất. Trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (7/2007), hai bên ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Ấn Độ. Sự kiện này có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu bước đột phá mới trong quan hệ hai nước, mở đường cho sự phát triển sâu rộng của quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Từ nền tảng quan hệ đối tác chiến lược tốt đẹp, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (9/2016), quan hệ hai nước đã đánh dấu một bước ngoặt mới nâng mối quan hệ của hai nước lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là minh chứng phản ánh sự phát triển sâu rộng, tin cậy và hiệu quả của quan hệ Việt Nam – Ấn Độ thời gian qua. Qua hai năm nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ kinh tế, quốc phòng – an ninh hai nước từng bước đi vào chiều sâu, thực chất.

Từ nền tảng quan hệ quốc phòng, an ninh Ấn Độ – Việt Nam được thiết lập năm 1994, quan hệ hợp tác ở lĩnh vực này giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp. Tháng 5-2015, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước đã ký “Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam – Ấn Độ giai đoạn 2015 – 2020” và chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và lực lượng cảnh sát biển Ấn Độ trong việc phối hợp nỗ lực phòng, chống tội phạm và phát triển hợp tác xuyên quốc gia. Tuyên bố nêu trên được xây dựng dựa trên các cơ chế và quá trình quan hệ quốc phòng, an ninh giữa hai quốc gia trước đây, nhằm tăng cường mối quan hệ quốc phòng, an ninh. Tuyên bố đã thể hiện đà phát triển trong việc mở rộng quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam. Trong đó, hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã được mở rộng ở cả ba quân binh chủng: hải quân, lục quân, không quân và tập trung vào các lĩnh vực, như đào tạo, công nghiệp quốc phòng; đồng thời, hai bên đã ký kết Chương trình hợp tác về các vấn đề gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Thỏa thuận kỹ thuật về chia sẻ thông tin hàng hải phi quân sự. Về hợp tác an ninh, hai nước tăng cường phối hợp trong các lĩnh vực phòng, chống tội phạm, khoa học hình sự; phòng, chống ma túy, chống khủng bố. Đồng thời, hai nước cũng phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)… Trong vai trò là điều phối viên quan hệ Ấn Độ – ASEAN giai đoạn hiện nay (2015 – 2018), Việt Nam ủng hộ Ấn Độ thực hiện Chính sách “Hành động hướng Đông”, các sáng kiến kết nối khu vực…

RELATED ARTICLES

Tin mới