Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVấn đề Biển Đông tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 18...

Vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 Phong trào Không liên kết

Tại các Phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 Phong trào Không liên kết (KLK) và các cuộc gặp bên lề, vấn đề Biển Đông tiếp tục là một trong những tâm điểm, được lãnh đạo các nước đề cập.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 Phong trào Không liên kết đề cập vấn đề Biển Đông

Ngày 26/10, tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 Phong trào Không liên kết (KLK) diễn ra ở tại Thủ đô Baku, Azerbaijan, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tham dự.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo và đại diện các quốc gia thành viên đề cao vai trò và giá trị của Phong trào KLK, với tư cách là tập hợp chính trị lớn nhất của các nước đang phát triển, trong việc bảo vệ lợi ích, gia tăng tiếng nói của các nước nhỏ và vừa trong chính trị quốc tế, thúc đẩy xây dựng trật tự kinh tế quốc tế và quan hệ quốc tế bình đẳng, dân chủ hơn. Các nước bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp và những khó khăn to lớn Phong trào KLK đang đối mặt, nhất là những thách thức hiện nay đối với chủ nghĩa đa phương, cạnh tranh giữa các nước lớn, cọ xát lợi ích giữa các thành viên Phong trào, cũng như nhiều xung đột, tranh chấp ở các khu vực như Syria, Yemen… diễn biến khó lường. 

Để phát huy vai trò và vị thế vốn có của Phong trào, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh Phong trào KLK cần trung thành với các nguyên tắc nền tảng của KLK, trong đó có các nguyên tắc Bandung và có những bước đi cần thiết để cải tổ, đổi mới, nhất là phương pháp làm việc nhằm tăng cường đoàn kết, thống nhất trên các vấn đề KLK quan tâm, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, bảo vệ môi trường quốc tế hòa bình và phát triển, phấn đấu vì một trật tự thế giới dân chủ, bình đẳng hơn cho các nước đang phát triển. 

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo cấp cao các nước thành viên KLK đã thông qua các văn kiện quan trọng, trong đó có Văn kiện Cuối cùng Hội nghị Cấp cao, Tuyên bố Baku, Tuyên bố về vấn đề Palestine và Thông điệp cảm ơn và Đoàn kết đối với Chính phủ và Nhân dân Azerbaijan. 

Các văn kiện Hội nghị tái khẳng định giá trị và tầm quan trọng của các nguyên tắc Bandung, nỗ lực tăng cường đoàn kết Phong trào để đóng góp vào nỗ lực chung duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy giải trừ quân bị, cải tổ Liên hợp quốc… 

Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo KLK hoan nghênh những nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vì một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển, ghi nhận quan ngại của một số nước ASEAN về tình hình phức tạp ở Biển Đông và kêu gọi giải quyết mọi tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982.

Vấn đề Biển Đông tại các cuộc gặp song phương bên lề KLK

Tại cuộc gặp với nhà lãnh đạo Venezuela, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định Việt Nam ủng hộ Chính phủ hợp Hiến của Venezuela, coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện với Venezuela.  Đánh giá cao vai trò của Venezuela trong Phong trào KLK, Phó Chủ tịch nước đề nghị Venezuela đóng góp một cách tích cực và có trách nhiệm nhằm giữ vững những nguyên tắc, tôn chỉ của Phong trào. Tại cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân Tối cao Triều Tiên Choe Ryong Hae, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Triều Tiên, đánh giá cao thành công của chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tháng 3/2019. Tiếp Chủ tịch Nghị viện Liên minh châu Phi, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định Việt Nam rất coi trọng vai trò, vị thế của các nước châu Phi và Liên minh châu Phi (AU) và mong muốn thiết lập quan hệ chính thức với AU. Cảm ơn các nước châu Phi đã ủng hộ Việt Nam làm Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Phó Chủ tịch nước cam kết Việt Nam sẽ nỗ lực đóng góp một cách tích cực, có trách nhiệm vào việc thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Châu Phi khi đảm nhận trọng trách tại Hội đồng Bảo an thời gian tới.

Về vấn đề Biển Đông, các nhà lãnh đạo Venezuela, Triều Tiên và châu Phi chia sẻ lập trường của Việt Nam và ASEAN về việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), qua đó đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Trước đó, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (25/10) đã hội kiến Phó Tổng thống Ấn Độ Muppavarapu Naidu. Tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ rất hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, đặc biệt từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện tháng 9/2016. Để đưa quan hệ Việt Nam – Ấn Độ ngày càng đi vào chiều sâu, Phó Chủ tịch nước đề nghị hai bên phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 15 tỷ USD vào năm 2020; hoan nghênh hãng hàng không Indi Go của Ấn Độ đã mở đường bay thẳng đầu tiên giữa hai nước, với chặng bay Kolkata – Hà Nội từ ngày 3/10 vừa qua, Phó Chủ tịch nước đề nghị Ấn Độ tiếp tục thúc đẩy các hãng hàng không tăng cường kết nối và sớm khai thác các đường bay thẳng khác giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hãng hàng không của Việt Nam. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng hoan nghênh đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ vào Việt Nam trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu như năng lượng, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp chất lượng cao và dầu khí. Đồng thời, Phó Chủ tịch nước đề nghị hai bên tăng cường hợp tác, phối hợp tại các diễn đàn đa phương cùng là thành viên, nhất là Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết và các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ ASEAN – Ấn Độ.

Phó Tổng thống Ấn Độ Naidu bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực, nhất là trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Phó Tổng thống Naidu khẳng định Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Về vấn đề Biển Đông, Ấn Độ khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết cũng đề cập vấn đề Biển Đông

Tại Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết (23/10), các nước đã tập trung trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như hoàn tất công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Không liên kết lần thứ 18. Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan đề cao vai trò quan trọng của Phong trào trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời nhấn mạnh Phong trào cần tiếp tục đổi mới để đáp ứng nguyện vọng và yêu cầu của các nước thành viên. Bộ trưởng Mammadyarov nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế và các “Nguyên tắc Bangdung” là điều kiện tiên quyết để Phong trào Không liên kết tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của mình. Là một tập hợp của các nước đang phát triển, Phong trào cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, năng lượng, môi trường, phát triển bền vững, tăng cường hợp tác theo các trục Đông-Tây và Bắc-Nam và dành ưu tiên cho thế hệ trẻ.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại diện Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Phong trào Không liên kết, với 120 quốc gia thành viên, là một lực lượng chính trị quan trọng và tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển. Để ứng phó với những thách thức đặt ra và phát huy vai trò to lớn của mình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Phong trào cần tăng cường đoàn kết, tuân thủ các nguyên tắc Bangdung, những nền tảng quan trọng giúp Phong trào tiếp tục khẳng định là ngọn cờ đầu thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao luật pháp quốc tế; đồng thời các nước cần cùng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cải tổ về thể chế và phương pháp làm việc nhằm tang cường hiệu quả hợp tác của Không liên kết. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, cùng với các nước ASEAN, Việt Nam nỗ lực xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và phát triển. Tuy nhiên, những nỗ lực này bị đe dọa nghiêm trọng bởi những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo Công ước luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS). Trong bối cảnh đó, Việt Nam kêu gọi các nước thành viên Không liên kết ủng hộ nỗ lực chung của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Được biết, Phong trào KLK được thành lập vào năm 1961, đến nay có 120 nước thành viên, 17 nước quan sát viên, và trở thành tổ chức có số lượng thành viên lớn thứ hai thế giới sau Liên Hợp Quốc. KLK là một tập hợp lực lượng của các nước đang phát triển, với mục tiêu chính là thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển; đóng góp vào duy trì hòa bình, độc lập dân tộc; chung sống hòa bình giữa các quốc gia và chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng cho mọi người dân. Việt Nam chính thức tham gia Phong trào năm 1976.

RELATED ARTICLES

Tin mới