Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChủ tịch luân phiên ASEAN: Vai trò và thách thức của Việt...

Chủ tịch luân phiên ASEAN: Vai trò và thách thức của Việt Nam

Tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Grand Diamond tại thủ đô Bangkok, Thái Lan đã diễn ra lễ Bế mạc hội nghị Cấp cao ASEAN 35 và chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 cho Việt Nam.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan và công bố Chủ đề, một số định hướng lớn của Việt Nam trong năm ASEAN 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố Chủ đề của năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng” và cho biết, năm 2020 đánh dấu 5 năm hình thành Cộng đồng ASEAN. Trên nền móng vững chắc của hơn 5 thập kỷ phát triển của ASEAN, các quốc gia thành viên, tuy đa dạng về kinh tế, lịch sử, văn hóa, tiếp tục gắn kết chặt chẽ với nhau bởi những giá trị, tình cảm cộng đồng và trách nhiệm, lợi ích dưới một mái nhà chung. Trong bối cảnh các nỗ lực liên kết khu vực, xây dựng Cộng đồng đang được đẩy mạnh, trước những biến động mau lẹ, phức tạp của môi trường khu vực và quốc tế, khả năng gắn kết vững bền, hơn lúc nào hết, càng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN. Chất keo tạo nên sự gắn kết đó chính là khả năng duy trì mẫu số lợi ích chung cả về chiến lược và kinh tế giữa các nước thành viên cũng như việc gìn giữ và lan tỏa ý thức và bản sắc Cộng đồng trong các tầng lớp nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh, trong năm 2020, Việt Nam mong muốn sẽ tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của Cộng đồng ASEAN, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu. Theo Thủ tướng, thông qua sự gắn kết bền vững đó mà Cộng đồng ASEAN có thể nâng cao năng lực thích ứng chủ động và hiệu quả với các cơ hội và thách thức đặt ra. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, biến động của môi trường chiến lược, kinh tế toàn cầu và khu vực cùng với những thách thức xuyên quốc gia… đang hằng ngày tác động đến sự phát triển ổn định và bền vững của các quốc gia và cuộc sống của người dân.

Giới truyền thông và chuyên gia, học giả nhận định trong vai trò là Chủ tịch luận phiên ASEAN năm 2020, Việt Nam nên có cách tiếp cận can thiệp gián tiếp, đa phương hóa vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ đối thoại ASEAN – Trung Quốc và vào việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới COC mới. Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi tin tưởng Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công Chủ tịch ASEAN trong năm 2020. Ông Lim Jock Hoi cho rằng, ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối, thúc đẩy trao đổi thương mại hơn nữa. Trong đó, ASEAN cần quyết tâm hoàn thành đàm phán Hiệp định RCEP vào cuối năm nay và tiến tới ký chính thức vào năm tới. Tổng Thư ký ASEAN cũng nhấn mạnh, Ban Thư ký ASEAN sẽ nỗ lực thúc đẩy để bảo đảm các bên giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố DOC và phấn đấu sớm đạt được COC. Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 từ sớm, với lộ trình và các bước đi cụ thể. Tổng thư ký khẳng định cá nhân ông và Ban thư ký ASEAN sẽ tích cực phối hợp và nỗ lực tối đa để hỗ trợ các cơ quan liên quan của Việt Nam trong quá trình Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Tổng thư ký ASEAN mong muốn Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, sẽ tích cực thúc đẩy triển khai hiệu quả các kế hoạch tổng thể trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, trong đó có triển khai đánh giá giữa kỳ việc thực hiện, thúc đẩy công tác phối hợp trên các vấn đề liên lĩnh vực, liên trụ cột trong ASEAN, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN…

Nói về vai trò của Việt Nam trong khối ASEAN, Cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng, kể từ khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã đóng vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm và tới nay đã là một thành viên chủ chốt. Thời gian gần đây, cộng đồng quốc tế đã chứng kiến sự chuyển đổi đáng kể trong sự phát triển của ASEAN. Việc xây dựng cộng đồng ASEAN, xây dựng vị thế của ASEAN trong khu vực và toàn cầu cũng luôn có sự đóng góp đáng kể và quan trọng của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, ASEAN sẽ còn nhiều thách thức về kinh tế, xã hộ, đặc biệt là các vấn đề về an ninh, địa chính trị… nhưng ông Natalegawa tin tưởng ASEAN có thể cùng nhau giải quyết được những thách thức này và Việt Nam sẽ làm tốt vai trò lãnh đạo để ASEAN vượt qua những thách thức.

Theo ông Marty Natalegawa, đối với Việt Nam, vấn đề không đơn thuần chỉ là đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, mà còn là vai trò lãnh đạo, bởi sự tin tưởng và kỳ vọng đối với Việt Nam cũng cao hơn so với một số nước thành viên khác trong khối. Việt Nam đã khuyến khích các nước thành viên trong khối thực hiện các thỏa thuận chung, điều đó đã góp phần làm tăng thêm sức mạnh của ASEAN. Ông Natalegawa nói: “Việt Nam đã làm rất tốt trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010. Tôi hoàn toàn tin tưởng các bạn cũng sẽ làm tốt vai trò của mình trong nhiệm kỳ Chủ tịch 2020, đặc biệt là nâng cao hơn nữa sự hợp tác giữa các thành viên trong khu vực. Việc tổ chức các diễn đàn, hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia như thế này là sáng kiến kịp thời của chính phủ Việt Nam nhằm chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020. Năm 2020 cũng sẽ là năm quan trọng của Việt Nam khi các bạn cũng đảm nhận vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”. Đối với Việt Nam, nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN không chỉ ở khía cạnh chuyên môn, mà còn cả ở khâu tổ chức. Với những gì các bạn đang chuẩn bị, chúng tôi hy vọng, ASEAN và các nước thành viên sẽ được hưởng lợi từ nhiệm kỳ chủ tịch của Việt Nam.

Tiến sĩ Susilo Bambang Yudhoyono – nguyên Tổng thống Indonesia – từng nói: “Chúng ta không nên coi thành công của ASEAN là đương nhiên, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để tăng cường, tái tạo sức mạnh của ASEAN”. Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN từ ngày 1/1/2020. Trọng trách của Việt Nam là phát huy vai trò và đóng góp tích cực cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN, với các ưu tiên về đẩy mạnh thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, nâng cao khả năng thích ứng của ASEAN trước những đổi thay của môi trường khu vực và quốc tế, giữ vững vai trò, vị thế của ASEAN ở khu vực cũng như phát huy vai trò của ASEAN ở tầm toàn cầu.

Trong khi đó, ông Shahriman Lockman, Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISIS) Malaysia, nhận định thẳng thắn rằng, dù ASEAN đã đạt được nhiều sự đồng thuận cao nhưng hành động vẫn chưa quyết liệt. Trong các vấn đề quốc tế hiện nay, ASEAN không có nhiều đột phá so với 25 năm trước. ASEAN có nhiều cấu trúc trong khu vực nhưng chưa giải quyết được các vấn đề của khối. Ngoài ra, ASEAN chưa đứng ra làm vai trò trung gian cho các vấn đề quốc tế hay khu vực. Theo ông Lockman, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2020 khi đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020. Những thách thức chung của khối cũng là những thách thức mà Việt Nam gặp phải trên cương vị chủ tịch luân phiên. Để giải quyết những vấn đề đó, Việt Nam cần có lộ trình cụ thể để tăng cường khả năng phản ứng nhanh đối với các diễn biến bên ngoài. Tuy nhiên, dù có nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò của mình không chỉ trong khối ASEAN, trong khu vực, mà cả trong nhiều vấn đề quốc tế khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới