Thursday, May 2, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChính sách nhất quán của Ấn Độ trên vấn đề Biển Đông

Chính sách nhất quán của Ấn Độ trên vấn đề Biển Đông

Ngày 22/10/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng trong bối cảnh mới” với sự tham gia của các chuyên gia Việt Nam, Ấn Độ và một số nước Nam Á, Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia và đại diện các cơ quan hoạch định chính sách quan trọng của Hà Nội. Hội thảo do Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới trong những năm gần đây dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, nội lực và vị thế quốc gia của Ấn Độ tăng lên đáng kể vì thế chính sách và mọi động thái của quốc gia này đều có thể tạo nên những ảnh hưởng không chỉ bó hẹp trong phạm vi khu vực mà còn mang tầm quốc tế.

Trong bối cảnh tình hình thế giới hết sức phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn nhất là cạnh tranh Mỹ – Trung diễn ra gay gắt, Ấn Độ muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng để đối phó với tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Sau 5 năm triển khai “chính sách láng giềng trước tiên”, Ấn Độ đã đạt được một số thành tựu lớn, song hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Do vậy, Ấn Độ không những không tham gia vào sáng kiến “vành đai, con đường” của Trung Quốc mà ngày càng tích cực tham gia vào chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở và chủ động tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Hội thảo diễn ra trong lúc nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc đang có hành vi xâm lấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc có lúc đã vào sát khu vực lô 127 -128 nơi mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang có hợp đồng hợp tác với Công ty Dầu khí Nhà nước Ấn Độ ONGC nên vấn đề Biển Đông, trong đó có hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được các đại biểu thảo luận rộng rãi. Các chuyên gia tin rằng Ấn Độ đặt nặng vấn đề hợp tác hàng hải với Việt Nam và sẽ không để cho bất cứ nước nào cản trở họ.

Phát biểu bên lề Hội thảo, bà Geeta Kochhhar thuộc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Đông Nam Á của Đại học Jawaharlal Nehru, nói Ấn Độ sẽ không xét lại kế hoạch hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam, và sẽ không để Bắc Kinh cản trở mối quan hệ hợp tác Ấn-Việt. Bà Geeta Kochhhar trích dẫn Thủ Tướng Ấn độ Narendra Modi, khẳng định New Dehli sẽ “không chấp nhận bất cứ hành động khống chế hoặc kiểm soát của bất cứ thế lực nào trong khu vực.”

Bà Kochhar nói không nên biến những sự cạnh tranh trong việc khai thác dầu khí thành bất cứ cuộc đối đầu nào, và thật “không công bằng” khi Trung Quốc chống đối sự hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Để chứng minh cho chính sách nhất quán của Ấn Độ trong hợp tác với Việt Nam trên vấn đề Biển Đông, Phó Giáo sư Tiến sĩ om Prakash Dahiya thuộc Trường Zakir Husain, Đại học Dehli nhấn mạnh “Việt Nam đóng một vai trò quyết định trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ” vì Việt Nam nằm ở Biển Đông, một vùng chiến lược và Hà Nội có vai trò chủ chốt trong khối ASEAN.

Giáo sư Tien-sze Fang, Phó Giám đốc Trung tâm Ấn Độ học thuộc Đại học Quốc gia Thanh Hoa của Đài Loan cho rằng New Dehli đã hợp tác với Hà Nội để khai thác dầu khí ở Biển Đông từ năm 1988 tới nay. Sự hợp tác này không chỉ mang kích thước kinh tế, mà còn phục vụ các lợi ích an ninh và quân sự. Biển Đông có tầm quan trọng và vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia bao quanh, mà còn đối với thế giới, do vậy Ấn Độ cần cổ vũ cho quyền tự do hàng hải trong khu vực, là nơi có những tuyến hàng hải huyết mạch thiết yếu cho giao thương toàn cầu.

Trung Quốc nhiều lần phản đối việc công ty dầu khí quốc gia của Ấn Độ (ONGC) khai thác dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam, ngay cả khi khu vực đó nằm trong lãnh hải của Việt Nam. Chính phủ Ấn Độ đáp lại bằng việc khẳng định tiếp tục kiên trì hợp tác với Việt Nam. Năm 2014, sau khi bị Trung Quốc phản đối, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj khi đến Việt Nam đã tuyên bố Công ty dầu khí nhà nước ONGC Videsh sẽ tiếp tục các dự án hợp tác. Mới đây nhất, ngày 02/8/2019, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar khẳng định nước này mong muốn tiếp tục hợp tác về dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông.

Đánh giá về những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi Ấn Độ điều chỉnh chính sách với các nước láng giềng cho phù hợp với những diễn biến mới của tình hình, các nhà nghiên cứu cho rằng Ấn Độ là “đối tác tự nhiên và hợp lý” của Việt Nam vì hiện tại các lợi ích an ninh của hai nước đang hội tụ về một điểm. Ấn Độ là một thế lực đang lên trong khu vực, nhận thức rõ vai trò của mình là một lực lượng có thể đối trọng với sức mạnh quân sự ngày càng khó kiềm hãm của Trung Quốc, do vậy Ấn Độ cần có trách nhiệm trong việc duy trì ổn định và hòa bình.

Trung Quốc tỏ ra ngày càng hung hăng, hiếu chiến đang đặt ra một thách thức chiến lược lâu dài, không những cho Ấn Độ mà còn cho toàn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Chính vĩ lẽ đó Ấn Độ cùng các nước Mỹ, Úc, Nhật cùng nhau thúc đẩy chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở để đối trọng với sáng kiến “vành đai, con đường” của Trung Quốc. Mục tiêu là ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc ở khu vực.

Trong lịch sử, những người cầm quyền ở phía Bắc đã từng gây ra xung đột biên giới với Ấn Độ những năm 60 của Thế kỷ 20. Bắc Kinh luôn tỏ ra khó chịu, kèn cựa với New Dehli do sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ những năm gần đây và trở thành một thế lực tiềm tàng cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc.

Với tham vọng trở thành siêu cường, Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy chiến lược biển để đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển và bành trướng ảnh hưởng trong khu vực. Để thực hiện điều đó, Trung Quốc mưu toan thâu tóm quyền kiểm soát Biển Đông. Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và những hoạt động xâm phạm vùng biển của các nước láng giềng ven Biển Đông thời gian qua, nhất là việc nhóm tàu Hải Dương 08 xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ 04/7 đến 24/10/2019 cho thấy rõ tham vọng bành trướng này của Trung Quốc.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng tự coi mình là một cường quốc ngang hàng, không thua kém Trung Quốc, nhất là sau khi có những bước phát triển rất mạnh mẽ thời gian gần đây về mọi mặt. Trong tư cách đó, Ấn Độ tìm cách xây dựng một mạng lưới các đối tác có khả năng hợp tác, đoàn kết cùng Ấn Độ để đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc.

 Khoảng 40% thương mại toàn cầu của Ấn Độ đi qua Biển Đông, do đó để bảo đảm các lợi ích của mình không bị nguy hại, Ấn Độ cần thiết phải chú ý đến diễn biến ở Biển Đông. Việc Ấn Độ kêu gọi tự do hàng hải ở khu vực là vì lợi ích của Ấn Độ cũng như thương mại toàn cầu.

Việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông được coi là một rào chắn lớn cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do. Các cơ sở quân sự sẽ dẫn tới sự thay đổi đáng kể với 29 tuyến hàng hải đi qua khu vực, nơi có hàng hóa giao thương, hoạt động khai thác dầu và đánh cá trị giá hàng nghìn tỷ USD. Trên khía cạnh địa chính trị, Biển Đông là cửa ngõ dẫn tới khu vực Thái Bình Dương và tới trung tâm của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng trong bối cảnh mới”, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma nhấn mạnh “trong khi thế giới có nhận thức lớn hơn về vai trò của Ấn Độ trong trật tự khu vực và thế giới, Ấn Độ sẵn sàng thực hiện vai trò này, để trở thành bên đóng góp các ý tưởng và năng lực trong các diễn đàn quốc tế”.

Duy trì tự do hàng hải, hàng không và trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông không chỉ phù hợp với lợi ích của Ấn Độ mà còn là lợi ích chung của cả cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, Nhật, Úc vì vậy các nước này đang cùng Ấn độ tạo thành “Bộ tứ” thúc đẩy chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở, trong đó có việc bảo đảm tuyến đường hàng hải huyết mạch qua Biển Đông được thông suốt.

Với những phân tích nói trên, có thể thấy Ấn Độ sẽ cùng với các nước trong “Bộ tứ” tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông để ngăn chặn ý đồ khống chế, độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh và đây sẽ là chính sách nhất quán lâu dài của Ấn Độ.

RELATED ARTICLES

Tin mới