Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mới'Đường mới' Kim Jong-un có thể đi

‘Đường mới’ Kim Jong-un có thể đi

Lời kêu gọi “chủ động và tấn công” của Kim Jong-un có thể báo hiệu “con đường mới” ông lựa chọn là quay lại với các hành động khiêu khích.

Tại hội nghị toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban trung ương khoá 7 đảng Lao động Triều Tiên (WPK) hôm 29/12, Kim Jong-un đưa ra yêu cầu với các lĩnh vực đối ngoại, ngành quân khí và lực lượng vũ trang, nhấn mạnh sự cần thiết “phải thực hiện các biện pháp tích cực và tấn công để đảm bảo đầy đủ chủ quyền và an ninh đất nước”.

Hội nghị được triệu tập từ hôm 28/12 và diễn ra nhiều ngày. Nhà phân tích Cheong Seong-Chang tại Viện Sejong ở Hàn Quốc cho biết đây là lần đầu tiên từ khi ông Kim cầm quyền, một cuộc họp toàn thể của Ủy ban Trung ương đảng được tổ chức hơn một ngày.

Cheong cho rằng ông Kim có nhu cầu cấp bách đưa ra những thay đổi lớn về chính sách khi đối mặt với các lệnh trừng phạt và áp lực dai dẳng của Mỹ. Theo nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc, toàn bộ lao động ở nước ngoài của Triều Tiên phải về nước trước hạn chót 22/12, khiến nền kinh tế Triều Tiên thêm khó khăn.

“Có thể hiểu phát ngôn của ông Kim là Triều Tiên coi 2020 là một năm rất có ý nghĩa trong việc quản lý quốc gia cũng như xây dựng kinh tế”, Kim Dong-yub, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Kyungnam nói. “Cũng có thể đảng Lao động Triều Tiên coi 2020 như một năm mang tính quyết định đối với sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un và sự ổn định của chính quyền”.

Bình Nhưỡng yêu cầu Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế như điều kiện tiên quyết để phi hạt nhân hóa, trong khi Washington muốn Triều Tiên có những bước đi thực tế hơn trong việc từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa. Ông Kim nhiều lần cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ theo đuổi “con đường mới” nếu Mỹ vẫn duy trì lệnh trừng phạt.

Trung Quốc và Nga, các đối tác kinh tế lớn nhất của Triều Tiên, hồi đầu tháng 12 đề xuất nới lỏng các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng, nhưng không được Mỹ chấp thuận. Các nhà phân tích nói rằng Kim Jong-un có khả năng tìm cách khai thác sự cạnh tranh giữa Washington, Bắc Kinh và Moskva.

“‘Con đường mới’ nhiều khả năng là ‘bình mới rượu cũ’ khi phi hạt nhân hóa không còn nằm trên bàn đàm phán”, Henry Feron, từ Trung tâm Chính sách Quốc tế ở Mỹ, cho biết. “‘Mới’ ở đây nghĩa là nó sẽ khác với lập trường thúc đẩy hoạt động ngoại giao trong hai năm qua, mà sẽ quay lại với lập trường Triều Tiên đã duy trì trong thời Obama”.

“Họ sẽ tập trung vào phát triển song song đòn bẩy quân sự và kinh tế để đứng vững trước các lệnh trừng phạt, đồng thời yêu cầu hòa bình và bình thường hóa quan hệ vô điều kiện trước khi bắt đầu bất kỳ thảo luận nào về phi hạt nhân hóa”, Feron nói.

Trước khi bắt đầu nỗ lực ngoại giao với Mỹ năm 2018, Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đã hoàn thành chiến lược “kinh tế, quân sự cùng tiến” và sẽ tập trung vào phát triển kinh tế. Ông cam kết sẽ mang lại sự thay đổi đáng kể cho người dân Triều Tiên, nhưng lời hứa đó đến nay chưa thành hiện thực, khi áp lực trừng phạt đang bóp nghẹt nền kinh tế nước này.

“Các biện pháp tích cực và tấn công có thể là hành động khiêu khích cao đối với Mỹ và cả Hàn Quốc”, Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, nói.

Kim Jong-un sẽ thể hiện rõ hơn dụng ý của mình trong bài phát biểu năm mới ngày 1/1/2020. Đây là diễn văn mừng năm mới thứ 8 của ông Kim, sau khi ông nối lại truyền thống bắt đầu từ thời ông nội, lãnh đạo sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành. Bài phát biểu sẽ tổng kết công việc đã làm và đặt ra mục tiêu cho tương lai.

“Diễn văn năm mới của ông Kim phát triển theo thời gian, những năm đầu ông đứng trước bục phát biểu trong bộ đồng phục đảng, sau đó ông chuyển sang ngồi trong văn phòng khi mặc vest và đeo cà vạt kiểu phương Tây năm 2019”, nhà phân tích Rachel Minyoung Lee tại trang NK News nói.

Bình Nhưỡng trong thời gian qua đã tăng cường áp lực với Mỹ bằng các thử nghiệm tên lửa tầm ngắn và pháo phản lực. Lee cho rằng Triều Tiên năm 2020 có khả năng nối lại thử nghiệm tên lửa tầm xa như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), bom hạt nhân và “các hành động khiêu khích quân sự chống lại Hàn Quốc”, những hoạt động họ đã dừng kể từ năm 2017.

Nhà phân tích Cheong cũng cho rằng ông Kim có thể đã tái khẳng định cam kết tăng cường chương trình hạt nhân và tên lửa trong cuộc họp Ủy ban Trung ương đảng, vì chỉ huy của lực lượng chiến lược quân đội Triều Tiên có mặt trong sự kiện ngày 28/12.

Tuy nhiên, một vụ phóng ICBM sẽ khiến tình hình leo thang nhanh chóng và có nguy cơ làm Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định tại khu vực mà họ coi là sân sau. Còn Trump không muốn quay trở lại với thời kỳ hai bên khẩu chiến kịch liệt, khiến ông tung ra lời đe dọa “trút lửa và thịnh nộ” lên Triều Tiên năm 2017. Ông muốn đạt được thỏa thuận với Bình Nhưỡng, theo Joseph Yun, cựu đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên.

“Ưu tiên cao nhất đối với Tổng thống Trump chắc chắn là tái đắc cử”, ông nói. Vì vậy, quay trở lại tình trạng đối đầu trong quá khứ “sẽ khiến ông không thể thể hiện hình ảnh ‘bậc thầy đàm phán’ mà ông mong muốn, đặc biệt là khi ông có ít thành quả để khoe, sau khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”.

RELATED ARTICLES

Tin mới