Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCần làm gì để giảm nguy cơ bùng nổ xung đột ở...

Cần làm gì để giảm nguy cơ bùng nổ xung đột ở Biển Đông

Tình hình Biển Đông năm 2019 hết sức căng thẳng do những hành vi hung hăng của Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ xung đột. Theo nhận định của nhiều nhà quan sát, trong năm 2020 vùng biển này khó mà yên lành bởi căng thẳng không chỉ là giữa Trung Quốc với một số nước ven Biển Đông mà cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ ở Biển Đông đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Thậm chí, có chuyên gia cho rằng Biển Đông đang trở thành lò thuốc súng và là một trong những điểm nóng nhất hành tinh.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Hu Bo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược biển thuộc Viện Nghiên cứu Đại Dương ở Bắc Kinh, chỉ có nguy cơ “xung đột vũ trang ở quy mô nhỏ’’ được nêu trong bài viết “Ba chìa khóa để Hải quân Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng tồn tại hòa bình” đăng trên trang The Diplomat, trong đó đề cập đến 03 đề xuất để giảm nguy cơ xung đột vũ trang:

Một là, Mỹ và Trung Quốc cần đạt được đồng thuận về việc chia sẻ quyền lực tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Ông Hu Bo cho rằng tương quan lực lượng tại vùng biển này đang từng bước nghiêng về phía Bắc Kinh, với các đầu tư hiện đại hóa quân sự từ hàng chục năm nay, cho dù xét về sức mạnh tuyệt đối, hiện tại cũng như thời gian tới, Trung Quốc không thể nào sánh ngang nước Mỹ.

Tuy nhiên, xét về lâu dài, Trung Quốc sẽ có sức mạnh quân sự áp đảo tại các vùng ven bờ, cụ thể là ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Hu Bo khuyến cáo Washington nên chấp nhận như một thực tế. Theo đó, hai bên cần dàn xếp để duy trì đối thoại chiến lược về khu vực Tây Thái Bình Dương, nhằm hạn chế chạy đua vũ trang, tạo thế cân bằng lực lượng tại khu vực này. Và đây chính là khuôn khổ bảo đảm an ninh chung.

Hai là, Mỹ và Trung Quốc cần nỗ lực triển khai thiết lập các quy tắc an ninh trên biển, nhằm duy trì ổn định tại khu vực. Tác giả nhấn mạnh Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 là một nền tảng quan trọng, nhưng không đủ để thiết lập trật tự và an ninh. Theoông Hu Bo, do cả Bắc Kinh và Washington đều không đủ sức mạnh để đơn phương áp đặt trật tự, các quy tắc này phụ thuộc vào sự nhất trí của cả hai bên.

Về vấn đề này, có hai bước cần tiến hành: bước 1 là xác lập các quy tắc để tránh va chạm ngoài ý muốn giữa hải quân và không quân hai nước tại vùng biển này;bước 2 là xác định các quy tắc chung cho các hoạt động quân sự nhằm tránh mọi xu hướng leo thang nguy hiểm.

Ba là, học giả Trung Quốc khuyến cáo Mỹ nên có lập trường ‘’trung lập’’ về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Tác giả cảnh báo mọi can thiệp của Mỹ, đứng về phía một hoặc các bên tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, có thể dẫn đến ‘’các phản ứng dữ dội’’ từ phía Trung Quốc. Lợi ích mà nước Mỹ thu được khi làm như vậy sẽ nhỏ hơn rất nhiều các thiệt hại, và thậm chí các can thiệp đó có thể dẫn đến đối thoại với Trung Quốc bị cắt đứt, trật tự do Mỹ tạo lập tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ‘’sụp đổ hoàn toàn’’.

Mới nhìn sơ qua, có thể thấy với những đề xuất kể trên, ông Hu Bo đã có cái nhìn thực tế và tương đối khách quan tình hình Biển Đông, thừa nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Biển Đông cũng như vai trò của Mỹ đối với ổn định, an ninh khu vực. Trong đó, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung cần được xử lý ổn thỏa với sự kiềm chế của cả Trung Quốc và Mỹ để duy trì hòa bình, ổn định khu vực.

Tuy nhiên, khi đi vào phân tích kỹ những đề xuất của ông Hu Bo có thể thấy ông Hu Bo vẫn không chỉ ra được nguyên nhân chính của những căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, kể cả cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ngày càng leo thang là do sự hung hăng của Trung Quốc. Theo đó, trước hết Trung Quốc cần dừng ngay những hành động bắt nạt, đe dọa, cưỡng ép các nước láng giềng nhỏ ven Biển Đông.

Các đề xuất của ông Hu Bo chủ yếu kêu gọi Mỹ chấp nhận hiện trạng mới ở Biển Đông như sự việc đã rồi do Trung Quốc tạo ra. Khi đưa ra đề xuất thứ ba hẳn ông Hu Bo đã nhận thấy sự chuyển hướng rõ nét trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông năm 2019, lên án Trung Quốc trực diện mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, thể hiện rõ sự ủng hộ và nghiêng về phía các nước nhỏ ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Với đề xuất thứ 3, ông Hu Bo còn đưa ra lời đe dọa đối với Mỹ rằng nếu Mỹ đứng về phía một quốc gia ven bờ không chấp nhận sự lấn lướt của Trung Quốc có thể là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp dẫn đến bùng nổ xung đột vũ trang tại Biển Đông. Đáng lẽ ông Hu Bo phải chỉ ra rằng nguyên nhân sự điều chỉnh chính sách của Mỹ ở Biển Đông xuất phát từ sự hung hăng, hiếu chiến của những người cầm quyền ở Bắc Kinh. Qua đó, đưa ra khuyến cáo với giới lãnh đạo Bắc Kinh cần chấm dứt những hành động cưỡng ép, uy hiếp, “cá lớn nuốt cá bé”.

Trên thực tế, Hà Nội đang nằm ở tuyến đầu trong thế trận quốc tế đang dần dần hình thành, chống lại đà bành trướng Trung Quốc. Trong nửa cuối năm 2019, các lực lượng quản lý biển của Việt Nam phải đối đầu liên tục trong bốn tháng với tuần duyên Trung Quốc, xâm nhập khu vực đặc quyền kinh tế, quấy nhiễu giàn khoan. Washington đã đứng ra bênh vực Hà Nội, ủng hộ nỗ lực bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, bao gồm việc hỗ trợ Hà Nội về hải quân.

Giữa lúc Bắc Kinh ngày càng đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn vùng biển các nước láng giềng ven Biển Đông và tìm mọi cách đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông xem ra các đề xuất của ông Hu Bo chỉ là một sự viển vông, không có tính khả thi bởi Washington không thể từ bỏ sự ủng hộ đối với các quốc gia Đông Nam Á đang bị Bắc Kinh lấn át.

Để giảm nguy cơ bùng nổ chiến tranh ở Biển Đông trước hết, mỗi quốc gia cần hành động theo pháp luật, tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế về biển, nhất là UNCLOS 1982, tôn trọng quyền lợi của các quốc gia ven biển cũng như các quốc gia khác ở Biển Đông. Theo đó, để Biển Đông được bình yên, Trung Quốc cần từ bỏ mưu toan khống chế, độc chiếm Biển Đông; chấm dứt những hành vi đe dọa, bắt nạt các nước nhỏ để biến các vùng biển không tranh chấp của các nước này thành tranh chấp; đừng có mưu toan “hất cẳng” các nước khác ra khỏi Biển Đông.

Muốn Biển Đông được bình yên, cần giải quyết vấn đề từ gốc. Nguyên nhân làm cho Biển Đông căng thẳng là do hành vi hung hăng của Trung Quốc, do vậy những người lãnh đạo Bắc Kinh cần điều chỉnh hành vi của họ ở Biển Đông theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ với tư cách cường quốc hàng đầu thế giới không thể chấp nhận Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ. Vậy nên Trung Quốc cần hợp tác để xây dựng một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông chính là yếu tố quan trọng nhất để giảm nguy cơ bùng nổ xung đột.

RELATED ARTICLES

Tin mới