Saturday, May 4, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số dự báo về những điều chỉnh về chính sách đối...

Một số dự báo về những điều chỉnh về chính sách đối ngoại của các nước lớn đối với khu vực Đông bắc Á trong năm 2020

Đóng vai trò là một trong những khu vực có vị trí địa – chiến lược quan trọng trên thế giới, thời gian qua, cục diện chính trị – an ninh tại Đông Bắc Á có nhiều biến động nhanh chóng và khó lường. Các quốc gia đều có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại, bên cạnh đó, các “điểm nóng” trong khu vực với những diễn biến phức tạp tiếp tục là những thách thức đe dọa đến hòa bình và ổn định của khu vực.

TQ và vai trò lãnh đạo Chủ tịch Tập Cận Bình

Đối với Trung Quốc, có thể nói Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 10/2017 đã đưa nước này bước vào một giai đoạn phát triển mới, tác động sâu sắc đến cục diện chính trị – an ninh tại khu vực Đông Bắc Á nói riêng và cục diện thế giới nói chung. Thành quả của hơn 40 năm cải cách, mở cửa đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo về chính trị. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua hai “mục tiêu 100 năm”, cho thấy Trung Quốc muốn vươn lên trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, đóng vai trò chủ đạo đối với các vấn đề của khu vực và toàn cầu. Trung Quốc đã chuyển từ phương châm đối ngoại “giấu mình chờ thời” sang “tích cực hành động”, theo đó, Trung Quốc điều chỉnh hoạt động đối ngoại theo hướng chủ động và quyết liệt hơn nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình. Từ đó, có thể khẳng định sự thay đổi tương quan so sánh lực lượng và điều chỉnh chính sách đối ngoại của các nước lớn sẽ là một trong những thách thức địa – chính trị đối với khu vực Đông Bắc Á trong thời gian tới.

Hàn Quốc với sự lãnh đạo của Tổng thống Moon Jae-in

Tại Hàn Quốc, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền từ năm 2017 đã bước đầu đưa ra những điều chỉnh chính sách để cải thiện tình hình trong nước và ứng phó với những biến động khó lường của tình hình khu vực và thế giới. Bên cạnh những thay đổi về đối nội, Tổng thống Moon Jae-in đã cụ thể hóa chính sách đối ngoại của mình thông qua “Chính sách phương Bắc mới” và “Chính sách phương Nam mới”. Trong đó, Chính sách phương Bắc mới tích cực đẩy mạnh trao đổi, hợp tác với Triều Tiên và các nước phương Bắc khác là Trung Quốc và Nga, còn Chính sách phương Nam mới tập trung phát triển quan hệ giữa Hàn Quốc với Ấn Độ và các nước ASEAN lên ngang tầm quan hệ giữa Hàn Quốc với các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản. Mục tiêu của những chính sách này nhằm hướng tới kết nối một cộng đồng hòa bình, thịnh vượng và trách nhiệm tại khu vực, tạo nền tảng quan trọng cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Điều này cho thấy vai trò và nỗ lực của Hàn Quốc trong gần hai năm qua là không thể phủ nhận trong việc xoa dịu tình trạng căng thẳng tại khu vực, kết nối các bên đàm phán, tạo ra những đột phá trong tiến trình giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Nhật Bản dưới nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe

Đối với Nhật Bản, do tính chất nhạy cảm của lịch sử và mối ràng buộc trong quan hệ liên minh với Mỹ, Nhật Bản không có nhiều cơ hội để thể hiện sức mạnh của một nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và những mối đe dọa về an ninh trong khu vực mà tiêu biểu là tình hình trên bán đảo Triều Tiên, nước này đã có những nhìn nhận lại vai trò và sức mạnh của mình, trong đó có sức mạnh về quân sự. Một trong những dấu ấn là việc chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản, cho phép nước này được dùng quyền phòng vệ, triển khai lực lượng ra nước ngoài để hỗ trợ các đồng minh trước sự tấn công của bên ngoài. Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe quyết tâm “đưa Nhật Bản trở lại bình thường” để sẵn sàng đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc duy trì hòa bình và ổn định không chỉ tại khu vực Đông Bắc Á mà còn trên toàn thế giới. Những điều chỉnh chính sách của Nhật Bản nhằm đưa quốc gia này vươn xa hơn hình ảnh của một cường quốc kinh tế, từ đó nâng cao vai trò và tầm ảnh hưởng về chính trị trong quá trình định hình cấu trúc chính trị – an ninh của khu vực.

Tác động từ cạnh tranh ảnh hướng Mỹ -Trung và các điểm nóng

Gần hai năm kể từ khi cuộc chiến thương mại diễn ra, thiệt hại đối với mỗi bên là không hề nhỏ nhưng Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thể đi đến một thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng đối đầu căng thẳng này. Nguyên nhân là do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc không chỉ nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong thương mại song phương hay sự minh bạch trong vấn đề sở hữu trí tuệ mà thực chất là sự thể hiện của chiến lược kiềm chế lẫn nhau giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế – thương mại, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc còn được biểu hiện rõ nét thông qua các chiến lược nhằm tập hợp lực lượng của mỗi bên. Phía Trung Quốc cho rằng việc Mỹ công bố và triển khai “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” là nhằm bao vây và kiềm chế Trung Quốc, trong khi đó Sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc được Mỹ xem như biện pháp chiến lược nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực. Trên mặt trận quân sự, cả hai bên cũng tích cực gia tăng chi phí quốc phòng, tăng cường các cuộc tập trận quy mô lớn tại Biển Đông và biển Hoa Đông nhằm phô diễn sức mạnh quân sự và răn đe lẫn nhau.

Đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề thống nhất hai Miền và tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên mặc dù đã có chuyển biến tích cực, song vẫn chưa đi đến được giải pháp triệt để và bền vững. Trong năm 2018, quan hệ liên Triều đã có những bước tiến triển đột phá phản ánh phần nào mong muốn hòa giải và hòa hợp dân tộc của nhân dân hai miền kể từ khi bị chia cắt bởi Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Việc hai nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Triều Tiên tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh liên tiếp chỉ trong vòng 6 tháng là những chuyển động chưa từng có trên bán đảo Triều Tiên. Nội dung trong các tuyên bố chung đưa ra sau các cuộc gặp thượng đỉnh cũng đã thể hiện mối quan tâm toàn diện và tinh thần tích cực của hai bên trong việc đề ra những phương hướng chung và những hành động cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai miền bấy lâu nay. Tuy nhiên, kể từ cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 (9/2018) đến nay, quan hệ giữa hai miền dường như vẫn chưa đạt được thêm bước tiến nào so với những cam kết mà hai bên đã đưa ra trước đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới