Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ ngang nhiên biến đá Gạc Ma thành tiền đồn quân sự...

TQ ngang nhiên biến đá Gạc Ma thành tiền đồn quân sự phi pháp trên Biển Đông

Sau khi sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép đá Gạc Ma của Việt Nam, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đảo, quân sự hóa, biến đá Gạc Ma trở thành một trong những tiền đồn quân sự phi pháp quan trọng hàng đầu của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đá Gạc Ma của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng

Quá trình Trung Quốc quân sự hóa đá Gạc Ma

Ngay sau khi chiếm đóng trái phép bãi đá Gạc Ma, phía Trung Quốc xây dựng điểm đồn trú gồm 3 kết cấu hình bát giác nằm trên cọc gỗ. Đến đầu năm 1989, Trung Quốc đã hoàn thiện lô cốt xi măng cao 2 tầng và củng cố dần thành nhà bê tông 4 tầng với tường chắn sóng, tháp canh, các thiết bị thông tin liên lạc. Từ đầu thập niên 1990, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện bồi lấp ở đá Gạc Ma và các thực thể khác nước này kiểm soát trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong giai đoạn này, chính quyền Trung Quốc cũng tiếp tục thực hiện chiến lược mở rộng xâm lấn ở quần đảo Trường Sa. Tháng 2/1995, quân Trung Quốc giành quyền kiểm soát đá Vành Khăn từ tay Philippines. Do lo ngại nguy cơ chiến tranh, phía Philippines đã chấp nhận buông xuôi, để mất đá Vành Khăn vào tay Trung Quốc. Biển Đông lúc lặng lúc nổi sóng, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ ngừng thực hiện âm mưu chiếm trọn vùng biển ở Đông Nam Á. Tháng 6/2012, Trung Quốc xua hàng loạt tàu hải giám và cả tàu chiến tới chiếm bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải tạo phi pháp đá Gạc Ma, biến khu vực này trở thành một trong những tiền đồn quân sự quan trọng hàng đầu của Trung Quốc trên Biển Đông. Từ tháng 7.2013, lực lượng kỹ thuật hải quân và Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc đã ồ ạt đưa phương tiện, nhân lực xuống Trường Sa để xây dựng căn cứ, biến 7 bãi đá mà họ cưỡng chiếm của Việt Nam từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước thành đảo nhân tạo. Trong số này, Gạc Ma được họ tập trung xây dựng đầu tiên và đến nay đã hình thành căn cứ lớn của Trung Quốc. Trung Quốc đã tôn tạo, xây dựng trên diện tích hơn 13 ha ở đá Gạc Ma. Bên cạnh đó, họ còn nạo vét luồng theo hướng bắc – nam với chiều dài 900 – 1.000 m, rộng khoảng 250 – 400 m, thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía Bắc; tiến hành đào đắp đất cát để xây đường băng tại đây, trên bãi đá chỉ có một nền bê tông nhỏ với một cơ sở liên lạc, cầu cảng và một đơn vị đồn trú. Phần nền bê tông hiện trải rộng trên diện tích 100.000 m2, nơi rộng nhất là 400m. 

Đến nay, Trung Quốc đã hoàn thiện cải tạo phi pháp đá Gạc Ma và đưa vào sử dụng trái phép nhiều hạng mục công trình như: Tòa nhà kiên cố cao 26 – 27m gồm 8 tầng, tại 4 góc nhà đều bố trí các lỗ châu mai – lỗ bắn. Trên nóc nhà bố trí 2 ra đa hàng hải, 2 ăng ten parabol và 1 thiết bị đảm bảo bay có quả cầu che, cùng một số thiết bị thông tin liên lạc khác. Trên tầng 6 của tòa nhà, phía Trung Quốc lắp radar điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm quang học hiện đại. Tầng 5 của tòa nhà được lắp 2 bệ pháo 30mm (7 nòng) và tầng 1 lắp 2 bệ pháo 76mm. Ngoài hệ thống súng pháo trên nhà 8 tầng, còn có 1 vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76mm, pháo 30mm quay hướng Đông Bắc luôn có quân nhân trực canh 24/24 trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và họ chỉ chui ra khỏi bệ pháo khi đổi ca trực. Ngoai ra, còn có các công trình khác trên bãi Gạc Ma như: 2 tháp radar đối không – đảm bảo bay cho máy bay, 1 tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50m, 2 cột điện gió cùng hệ thống pin năng lượng mặt trời, 1 ngọn hải đăng cao 50m, bán kính chiếu xa khoảng 40 km… Bên cạnh đó, Trung Quốc còn nạo vét luồng rạch theo hướng Bắc – Nam với chiều dài 900 – 1.000m, rộng khoảng 250 – 400m thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía Bắc đá Gạc Ma. Trung Quốc cũng đã hoàn tất và đưa vào sử dụng 1 bãi đáp trực thăng ở phía đông nam với diện tích 33 x 33 m, 1 cầu cảng ở phía tây bắc của Gạc Ma với chiều dài khoảng 100 m và 1 bến nghiêng rộng 20 – 30 m, phục vụ việc cơ động của các loại xe vận tải, xe bánh xích từ tàu vận tải đổ bộ lên bãi.

Không những vậy, Bắc Kinh đã xây dựng nhiều hàng mục công trình phi pháp trên đá Gạc Ma như hải đăng đa năng cao 50m, đường kính 4,5m; Hệ thống điện gió cung cấp một phần năng lượng và một số xe cẩu, xe công trình vẫn đang thực hiện các công đoạn xây dựng công trình ngầm, nổi trên bãi đá; Cộng ăng ten thu phát sóng bao phủ cả khu vực cụm đảo Sinh Tồn; Các tổ hợp pháo hạm, pháo phòng không mọc lên ở các vị trí khác nhau trên đá Gạc Ma; 4 tổ hợp ra đa tầm xa làm nhiệm vụ quan sát và dẫn đường cho máy bay…

Một cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân Việt Nam cho biết: Từ giữa năm 2017, ngoài việc lắp đặt thêm 2 hệ thống radar đối hải, phía Trung Quốc còn đưa cây phi lao (cây dương) ra trồng để chắn gió mặn, cát bay và nhất là đối phó với công tác trinh sát, nắm tình hình của Hải quân Việt Nam. Các cây mang ra Gạc Ma đều là những gốc to đã trưởng thành, được trồng trong các hố đất đường kính 3 – 5 m. Đến nay, các cây đã lớn rất nhanh, cao gần 10 m và đang dần che các công trình trên bề mặt bãi đá Gạc Ma, từ ngoài nhìn vào rất khó nhận dạng các mục tiêu, công trình.

Hành động của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế

Việc Trung Quốc ồ ạt xây dựng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa còn đang tranh chấp đã làm thay đổi một cách sâu sắc cục diện địa lí và an ninh ở Biển Đông. Cho đến nay việc xây dựng các đảo này đã tạo ra 8 triệu m2 đất đai giữa biển khơi, vượt trội các hoạt động bồi đắp của các nước khác và chưa thấy có dấu hiệu giảm tốc. Hàng trăm triệu tấn cát và san hô đã được nạo vét từ đáy biển và đổ lên các rạn san hô mong manh vốn là những thành phần vô cùng thiết yếu của hệ sinh thái biển. Các chuyên gia về hải dương tiên lượng rằng công việc này đã gây ra những tác động khốc liệt và khó đảo ngược lại được lên môi trường.

Các đảo vừa được tạo ra và mở rộng sẽ trở thành cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho Trung Quốc triển khai lực lượng và áp đặt sự kiểm soát trên thực tế không chỉ ở quần đảo Trường Sa còn đang tranh chấp mà còn đối với hầu hết Biển Đông, lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà theo bất kì cách diễn giải luật quốc tế hợp lí nào về phân giới biển đúng lẽ phải thuộc về các nước khác. Mặc dù các các đảo và các EEZ đã bị tranh chấp từ nhiều thập kỉ, một sự cân bằng bấp bênh đã tồn tại cho tới nay một phần là do cơ sở hạ tầng quân sự gần nhất của Trung Quốc nằm cách xa hàng trăm dặm về phía bắc. Từ nay, các nhà hoạch định quốc phòng của các nước khác trong tranh chấp phải đối mặt với một tương lai đã mất đi sự an toàn có từ khoảng cách đó.

Không những vậy, Đá Gạc Ma là của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, nên nó có tranh chấp chủ quyền. Vì vậy, quả là thiếu thiện chí khi một bên trong tranh chấp thay đổi tính chất địa lý của chúng một cách hoàn toàn và không thể khôi phục lại đuợc. Nếu một ngày nào đó, có tòa án quốc tế được trao thẩm quyền để phân xử tranh chấp và tòa phán quyết rằng các đảo này thuộc về một quốc gia khác không phải Trung Quốc thì sự thiệt hại cho các rạn đá này do hậu quả của việc xây đảo đã làm tổn hại quyền lợi của quốc gia đó một cách không khắc phục được.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang vi phạm Điều 192 và 123 của UNCLOS, về bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là trong các vùng biển kín và nửa kín như Biển Đông. Điều 192 quy định rằng “Các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn môi trường biển”, trong khi Điều 123 đòi hỏi các quốc gia quanh một biển kín hay nửa kín phải “phối hợp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ đối với việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển” . Dù dĩ nhiên là mỗi bên tranh chấp ở quần đảo Trường Sa sẽ nghĩ rằng họ, và chỉ một mình họ, có quyền xây dựng trên các đảo và các rạn san hô đang bị tranh chấp, nhưng không thể phủ nhận rằng tất cả họ đều có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn môi trường biển của Biển Đông, một biển nửa kín và dễ bị tổn hại về môi trường.

Hoạt động phi pháp của Trung Quốc đã thay đổi cục diện ở Biển Đông

Sau khi Trung Quốc hoàn thành quá trình cải tạo đá, bãi cạn trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm biến các đảo đá và bãi chìm này thành các đảo lớn với đường băng, cảng tàu và các cơ sở quân sự và dân sự khác.

Các quan chức và học giả Trung Quốc đã đưa ra nhiều lý do để biện minh cho bước đi chiến lược của Trung Quốc, bao gồm nhu cầu nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn ở Biển Đông, cải thiện điều kiện sống và làm việc của các công dân Trung Quốc trên các thực thể đó và nhu cầu thiết lập một căn cứ hỗ trợ cho hệ thống radar và tình báo của Trung Quốc. Đại biểu của Trung Quốc cũng đã nhiều lần phàn nàn tại các hội thảo, hội nghị quốc tế rằng không công bằng khi chĩa mũi dùi chỉ trích vào Trung Quốc trong khi các bên yêu sách khác ở Biển Đông đã thực hiện các hoạt động cải tạo đất, Trung Quốc là bên yêu sách cuối cùng xây dựng đường băng ở đó.

Bất kể lý do là gì, các dự án cải tạo đất quy mô lớn và chưa có tiền lệ của Trung Quốc khi hoàn tất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tranh chấp giữa các bên và cạnh tranh giữa các cường quốc ở Biển Đông. Các đội tàu cá của Trung Quốc, vốn đã được hưởng sự ủng hộ về tài chính, kỹ thuật và hành chínhcủa chính quyền trung ương và địa phương, có thể sử dụng các cơ sở tiện ích trên các hòn đảo được mở rộng này để tăng thời gian và mở rộng phạm vi của các hoạt động đánh bắt. Điều này sẽ châm mồi cho căng thẳng và tạo ra đối đầu khi các đội tàu cá của Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của các bên khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia và va chạm với lực lượng tàu cá và chấp pháp của các quốc gia trên.

Các hòn đảo được mở rộng với đường băng và cảng biển có thể sẽ củng cố năng lực uy hiếp của Trung Quốc, cho phép Trung Quốc triển khai nhanh chóng và hùng hậu các tàu và máy bay quân sự, bán quân sự và giả dân sự đến khu vực phía nam và trung tâm Biển Đông trong trường hợp xảy ra chạm trán với các bên yêu sách khác.

Tạp chí Thông tin Tình báo Quốc phòng Jane’s Defence Weekly cho rằng các cơ sở của Trung Quốc trên các hòn đảo được cơi nới này “được xây dựng với chủ đích nhằm ép buộc các bên yêu sách khác phải từ bỏ yêu sách chủ quyền và sự kiểm soát của mình trên các đảo ở Trường Sa.” Khó có khả năng các bên khác từ bỏ yêu sách chủ quyền và sự kiểm soát của mình trên các đảo hiện nay ở Trường Sa, tuy nhiên những cơ sở đó sẽ tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc phong tỏa các tuyến đường tiếp tế của Việt Nam, Philippines đến các đảo và đá mà họ đang kiểm soát ở Trường Sa. Nỗ lực của Trung Quốc trong việc bao vây các tuyến đường tiếp tế của Trung Quốc ở bãi cạn Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) trong nửa đầu năm 2014 đã minh chứng cho điều này.

Khác với sự hiện diện của các bên yêu sách khác ở Trường Sa, với mục tiêu chính là chứng minh sự quản lý hiệu quả các đảo do họ kiểm soát bằng cách xây dựng các đường băng có thể hỗ trợ cho việc tiếp tế các đảo, sự hiện diện càng tăng về mặt quân sự của Trung Quốc là nhằm đẩy mạnh khả năng triển khai sức mạnh, nếu không muốn nói là làm chủ cả Biển Đông. Mạng lưới các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, nối liền căn cứ Tam Á ở đảo Hải Nam, đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa ở phía tây, với các “hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm” ở Đá Chữ Thập, Đá Gạc Ma, Đá Châu Viên và Đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa ở vùng trung tâm và phía nam Biển Đông, và với các căn cứ tiềm năng ở Bãi Vành Khăn và Bãi cạn Scarborough ở phía đông sẽ tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc thực thi vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông (khi được thiết lập). Liên hoàn căn cứ này cũng sẽ gia tăng năng lực của Trung Quốc trong các hoạt động: quấy nhiễu các hoạt động quân sự của Mỹ trên biển và trên không; săn tàu ngầm của Mỹ; và lần đầu tiên đặt nước Australia trong tầm ngắm của máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc; kiểm soát hay ít nhất là gửi tín hiện răn đe về khả năng phong tỏa các tuyến đường cung cấp năng lượng trọng yếu từ Trung Đông đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Trước âm mưu, ý đồ và hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam và các nước đã nhiều lần phản đối hoạt động cải tạo, bồi đắp và quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam khẳng định “có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS”. Hành động của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Các hành động của Trung Quốc không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới