Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở phía Nam...

Hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông: Nhìn từ Công ước Luật Biển năm 1982

Việt Nam xác định một vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở phía bắc Biển Đông và ở phía nam Biển Đông. Trong khu vực thềm lục địa phía Nam Biển Đông bao gồm cả phần bên trong và bên ngoài 200 hải lý, Việt Nam thông qua Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) đã tiến hành phân lô và đấu thầu thăm dò, khai thác dầu khí.

Về các lô dầu khí phía Nam Biển Đông của Việt Nam

Theo Điều 76 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) quốc gia ven biển có thể có tối thiểu 200 hải lý thềm lục địa và mở rộng vượt quá giới hạn đó nếu rìa lục địa tự nhiên kéo dài xa hơn. Đối với thềm lục địa, bao gồm cả thềm lục địa trong và vượt quá 200 hải lý quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác tài nguyên sinh vật và phi sinh vật. Quyền chủ quyền này hiện hữu hiển nhiên và mặc định, không phụ thuộc vào việc quốc gia ven biển có chiếm hữu hay ra tuyên bố hay không. Năm 2009 Việt Nam đã chính thức thể hiện quan điểm đối với thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thông qua hai đệ trình lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS). Đây là một cơ quan chuyên môn gồm 21 chuyên gia trong lĩnh vực khoa học tự nhiên như địa chất học, địa vật lý, thủy văn học, được thành lập theo Điều 76(8) và Phụ lục II của UNCLOS, có chức năng xem xét đệ trình của các quốc gia và đưa ra khuyến nghị về các vấn đề liên quan đến xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa mở rộng. Điều 76(8) quy định ranh giới được xác định trên cơ sở khuyến nghị của CLCS là chung thẩm và ràng buộc.

Việt Nam xác định một vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở phía bắc Biển Đông và ở phía nam Biển Đông. Riêng phần thềm lục địa mở rộng phía nam Biển Đông, Việt Nam và Malaysia đệ trình chung, theo đó đây là khu vực mà được hai nước xem là thềm lục địa chồng lấn vượt quá 200 hải lý. Trong khu vực thềm lục địa phía Nam Biển Đông bao gồm cả phần bên trong và bên ngoài 200 hải lý, Việt Nam thông qua Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PetroVietnam) đã tiến hành phân lô và đấu thầu thăm dò, khai thác dầu khí. Tuy nhiên, một số lô ở khu vực phía nam này có vị trí khá đặc biệt khi nằm vắt ngang đường giới hạn 200 hải lý, như các lô 136/03, 157, 158, 159 và 160. Riêng lô 160 gần như nằm hoàn toàn ở phần thềm lục địa mở rộng vượt quá 200 hải lý – phần thềm lục địa chồng lấn với Malaysia.

Điểm nhấn trong luật pháp quốc tế

Dựa trên các quy định của UNCLOS và phán quyết của Tòa Trọng tài (12/7/2016) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông có thể thấy một số điểm: (i) Đối với phần nằm trong phạm vi 200 hải lý, Việt Nam có quyền chủ quyền gần như chắc chắn trong việc thăm dò, khai thác tài nguyên, bao gồm dầu khí. Hơn nữa theo Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông, các đảo của quần đảo Trường Sa không thể tạo ra thềm lục địa do chúng chỉ có thể là đảo đá theo Điều 121(3). Do đó không chồng lấn với thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào; đây là vùng thềm lục địa chỉ thuộc về Việt Nam. Như vậy Việt Nam có quyền chủ quyền độc quyền đối với việc thăm dò và khai thác dầu khí trong khu vực này. (ii) Đối với phần nằm ngoài phạm vi 200 hải lý, một số quy định của Công ước cần được xem xét đến như quy định tại Điều 76 về việc ranh giới ngoài của thềm lục địa mở rộng chỉ được xem là cuối cùng và ràng buộc nếu dựa trên cơ sở khuyến nghị của CLCS và Điều 83 liên quan đến phân định biển và nghĩa vụ kiềm chế tiền phân định. Theo quy định tại Điều 76(8) ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý sẽ được xem là chung thẩm và ràng buộc nếu được xác lập dựa trên khuyến nghị của CLCS. Thềm lục địa vượt quá 200 hải lý giữa Việt Nam và Malaysia, nơi có một phần của 05 lô dầu khí trên, đã được đệ trình lên CLCS nhưng Ủy ban chưa xem xét và đưa ra khuyến nghị. Đối với tình huống này, hiện nay có hai luồng quan điểm. Một là dù thềm lục địa mở rộng chưa có khuyến nghị của CLCS thì vẫn là thềm lục địa của quốc gia ven biển do quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa là quyền tự nhiên. Vấn đề xác định ranh giới thềm lục địa trên cơ sở khuyến nghị của CLCS khác hoàn toàn với vấn đề quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa. Quan điểm thứ hai là cho đến khi nào ranh giới thềm lục địa mở rộng chưa được xác định trên cơ sở khuyến nghị của CLCS thì đây cần được xem là vùng đáy biển quốc tế. Quan điểm thứ nhất có vẻ đang được đa số các học giả ủng hộ. Nếu hoạt động dầu khí gần đây được Việt Nam cho phép thực hiện tại các phần nằm ngoài 200 hải lý của 05 lô trên, thì sẽ cho thấy Việt Nam ủng hộ quan điểm đầu tiên. Việt Nam khẳng định đây là thềm lục địa của Việt Nam bất kể CLCS có xem xét và đưa ra khuyến nghị hay chưa. Về Điều 83, khi có vùng chồng lấn thì Công ước yêu cầu các bên phải phân định bằng thỏa thuận và trong giai đoạn chưa phân định được (giai đoạn tiền phân định) các bên có nghĩa vụ kiềm chế. (iii) Một vấn đề khác cũng cần quan tâm là việc khai thác các mỏ dầu khí nằm vắt ngang các giới hạn hoặc các ranh giới trên biển. Ví dụ như lô 136/03 nằm giáp với ranh giới phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia theo Hiệp định năm 2003. Điều 4 của Hiệp định này quy định “Trong trường hợp có một cấu tạo mỏ dầu hoặc khí tự nhiên, hoặc mỏ khoáng sản khác dưới đáy biển nằm vắt ngang đường ranh giới nêu tại khoản 1 Điều 1, các Bên ký kết sẽ thông báo cho nhau mọi thông tin liên quan và thoả thuận về cách thức khai thác hữu hiệu nhất các cấu tạo hoặc mỏ nói trên và về việc phân chia công bằng lợi ích thu được từ việc khai thác đó.” Nếu Việt Nam xác định có mỏ dầu khí tại lô 136/3 mà nằm vắt ngang đường ranh giới thì không được khai thác đơn phương mà cần thỏa thuận với Indonesia.

Hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam

Hoạt động khai thác dầu khí được PVN tập trung đầu tư và phát triển mạnh mẽ, sản lượng khai thác hàng năm được duy trì ở mức cao, đến nay PVN không chỉ khai thác dầu, khí từ các mỏ ở trong nước mà còn vận hành khai thác dầu, khí từ các mỏ dầu khí ở nước ngoài như: Liên bang Nga, Angieri, Malaysia… Song song với công tác khai thác dầu khí, hiện nay, PVN đã và đang tiếp tục đầu tư, phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí nhằm hoàn chỉnh chuỗi công nghiệp dầu khí khép kín ở Việt Nam từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển đến chế biến và phân phối các sản phẩm dầu khí.

Kể từ khi tấn dầu đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ (thuộc bể trầm tích Cửu Long năm 1986) đến nay, PVN đã khai thác được tổng cộng khoảng 506,3 triệu tấn dầu quy đổi từ các mỏ ở trong và ngoài nước, trong đó sản lượng khai thác dầu đạt 380,9 triệu tấn, sản lượng khai thác khí đạt 125,4 tỷ m3, sản lượng khai thác hàng năm luôn được duy trì ổn định và gia tăng theo từng năm.

Hiện nay, PVN đang quản lý điều hành khai thác dầu khí từ các mỏ, cụm mỏ ở trong và ngoài nước. Trong đó, các mỏ: Hàm Rồng, Thái Bình ở bể trầm tích Sông Hồng; các mỏ: Bạch Hổ, Rồng, Thỏ Trắng, Gấu Trắng, Phương Đông, Rạng Đông, Cụm mỏ Sư Tử Đen – Sư Tử Vàng – Sư Tử Trắng – Sư Tử Nâu, Tê Giác Trắng, Cá Ngừ Vàng, Thăng Long – Đông Đô,… ở bể trầm tích Cửu Long; các mỏ: Đại Hùng, Chim Sáo, Rồng Đôi/Rồng Đôi Tây, Lan Tây – Lan Đỏ, Hải Thạch – Mộc Tinh… ở bể trầm tích Nam Côn Sơn; Lô PM3-CAA và 46-Cái Nước, Sông Đốc… ở bể Malay – Thổ Chu (Hình 1) và các mỏ ở nước ngoài: mỏ Bir Seba ở Algeria, cụm mỏ Nhenhetxky ở Liên bang Nga, mỏ D30-Lô SK305 ngoài khơi Malaysia.

Trong giai đoạn 2011-2015, sản lượng khai thác dầu khí của PVN đạt 133,52 triệu tấn dầu quy đổi (so với kế hoạch Chính phủ giao là 128,77 triệu tấn dầu quy đổi), trong đó khai thác dầu thô đạt 84,75 triệu tấn (77,65 triệu tấn trong nước và 7,10 triệu tấn ở nước ngoài) và 48,76 tỷ m3 khí về bờ. Trong giai đoạn này, sản lượng dầu và khí không ngừng gia tăng theo từng năm và đạt đỉnh vào năm 2015 với sản lượng cả năm đạt 18,76 triệu tấn dầu và 10,67 tỷ m3 khí về bờ. Cũng trong giai đoạn này, PVN đã đưa được 24 mỏ dầu và khí mới vào khai thác, trong đó có 18 mỏ trong nước và 6 mỏ ở nước ngoài. Đã có 21 hợp đồng dầu khí mới được ký kết trong giai đoạn 2011-2015. Hiện tại có 66 hợp đồng dầu khí đang có hiệu lực, trong đó 46 hợp đồng đang ở giai đoạn thăm dò, thẩm lượng và 20 hợp đồng dầu khí đang ở giai đoạn phát triển và khai thác.

Giai đoạn 2016-2020, PVN dự kiến sẽ khai thác khoảng 115-135 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó 65-80 triệu tấn dầu thô và 50-55 tỷ m3 khí. Dự kiến sẽ phát triển, đưa 15 mỏ, công trình mới vào hoạt động. Các mỏ mới dự kiến sẽ được đưa vào khai thác và phát triển phải kể tới mỏ Cá Tầm, Sao Vàng – Đại Nguyệt, mỏ khí Cá Voi Xanh, dự án khí Tây Nam Bộ (Lô B) và mỏ dầu – khí Condensate Cá Rồng Đỏ. Tuy nhiên, trong các khó khăn thách thức trong lĩnh vực khai thác dầu khí giai đoạn 2016-2020, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của PVN nêu trên chính là giá dầu thấp, sản lượng khai thác của một số mỏ đã bước vào giai đoạn suy giảm. Ngoài ra, phần lớn các mỏ và cấu tạo đưa vào vận hành khai thác trong giai đoạn này có trữ lượng nhỏ, chi phí đầu tư cao.

RELATED ARTICLES

Tin mới