Wednesday, May 8, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu khoa học biển: Từ Luật quốc tế đến âm mưu...

Nghiên cứu khoa học biển: Từ Luật quốc tế đến âm mưu của TQ

Nghiên cứu khoa học biển là cơ sở để các quốc gia có thể xây dựng chính sách, pháp luật quản trị đại dương. Nghiên cứu khoa học biển đồng thời là công cụ quan trọng hỗ trợ các quốc gia trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, hỗ trợ phát triển các hoạt động kinh tế, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, dự đoán và phòng tránh thiên tai. Tuy nhiên, có những nước cá biệt đang lợi dụng vấn đề nghiên cứu khoa học biển để tuyên truyền, khẳng định cái gọi là “chủ quyền lịch sử” ở Biển Đông.

Sơ đồ Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc khảo sát trái phép vùng biển của Việt Nam

Quy định cụ thể trong UNCLOS 1982

Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đề cập vấn đề nghiên cứu khoa học biển trong nhiều điều khoản, nhưng không đưa ra định nghĩa nghiên cứu khoa học biển. Trên thực tế, trong quá trình đàm phán UNCLOS 1982, đã có nhiều đề xuất được đưa ra nhằm định nghĩa hoạt động nghiên cứu khoa học biển, nhưng cuối cùng, không có đề xuất nào được thông qua. Việc mập mờ về khái niệm dẫn đến phát sinh các tranh cãi pháp lý về tính hợp pháp của các hoạt động nghiên cứu khoa học biển và các hoạt động tương tự được quy định trong UNCLOS 1982 như hoạt động đo đạc thủy văn. Không chỉ thiếu đi một định nghĩa rõ ràng về nghiên cứu khoa học biển trong quy định của UNCLOS 1982 mà trên thực tế cũng chưa có giải thích của các cơ quan tài phán quốc tế về khái niệm này.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, Công ước đã quy định một khuôn khổ pháp lý, trong đó tất cả các quốc gia, tổ chức quốc tế hoạt động nghiên cứu khoa học biển trên các vùng biển trong và ngoài vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển phải tuân thủ. Cho đến nay, UNLCOS là Công ước duy nhất quy định toàn diện về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển, các quốc gia, tổ chức quốc tế về nghiên cứu khoa học biển và dành toàn bộ Phần XIII quy định về việc nghiên cứu khoa học biển từ Điều 238 đến Điều 265 quy định về nghiên cứu khoa học biển.

Công ước công nhận quyền tiến hành nghiên cứu khoa học biển của tất cả các quốc gia, bất kể vị trí địa lý thế nào, cũng như các tổ chức quốc tế có thẩm quyền, đều có quyền tiến hành các cuộc nghiên cứu khoa học biển, với điều kiện tôn trọng các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác như đã đuợc quy định trong Công uớc. Công ước quy định các quốc gia và tổ chức quốc tế có thẩm quyền phải khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai và chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học biển theo đúng Công uớc nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học biển. Công ước cũng quy định quyền của quốc gia ven biển và nghĩa vụ của các quốc gia nghiên cứu trên các vùng biển có chế độ pháp lý khác nhau. Trong lãnh hải, trong việc thực hiện chủ quyền của mình, các quốc gia ven biển có quyền quy định, cho phép và tiến hành các công tác nghiên cứu khoa học biển ở trong lãnh hải chỉ được tiến hành với sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia ven biển và trong các điều kiện do quốc gia này ấn định. Do vậy, trong lãnh hải và nội thuỷ, quốc gia ven biển có toàn quyền quy định các điều kiện cụ thể cho phép quốc gia và tổ chức quốc tế tiến hành nghiên cứu khoa học biển. Trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa, Công ước quy định trong việc thi hành quyền tài phán của mình, các quốc gia ven biển có quyền quy định, cho phép và tiến hành công tác nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền về kinh tế và trên thềm lục địa của mình. Các quốc gia và tổ chức quốc tế chỉ được tiến hành việc nghiên cứu khoa học trong các vùng biển này khi có sự đồng ý của quốc gia ven biển.

Bên cạnh đó, Công ước còn quy định cụ thể trình tự đồng ý, các trường hợp quốc gia ven biển được quyền từ chối cho phép nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa thuộc quyền tài phán của mình; quyền và nghĩa vụ của quốc gia, tổ chức quốc tế trong khi tiến hành nghiên cứu khoa học và sau khi kết thúc hoạt động nghiên cứu khoa học biển; trách nhiệm bảo vệ môi trường biển khi tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học biển.

Trung Quốc – nước cá biệt

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về Biển Đông; thành lập thêm nhiều Viện, Trung tâm, Cơ sở nghiên cứu dưới nhiều hình thức khác nhau; tăng cường giao lưu học thuật quốc tế về Biển Đông nhằm tìm kiếm các nguồn tài nguyên và “bằng chứng lịch sử” để hỗ trợ cho yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Hoạt động nghiên cứu về Biển Đông được Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm; các Viện, Trung tâm, Cơ sở nghiên cứu tiến hành đồng bộ hóa dưới nhiều hình thức khác nhau. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì hay Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhiều lần đưa ra tuyên bố khẳng định sự quan tâm của Chính phủ Trung Quốc đối với công tác nghiên cứu khoa học về Biển Đông. Chính phủ Trung Quốc cũng dành một nguồn kinh phí và chính sách lớn cho các đơn vị nghiên cứu, có chính sách đãi ngộ tốt đối với giới chuyên gia, nhà nghiên cứu của TQ trong vấn đề Biển Đông; mở thêm nhiều đơn vị nghiên cứu mới bằng nhiều hình thức và cấp độ khác nhau, song Chính phủ Trung Quốc vẫn đứng đằng sau chỉ đạo. Các kết quả nghiên cứu đã “góp phần” tham mưu cho Chính phủ Trung Quốc đưa ra nhiều quyết sách quan trọng trong vấn đề Biển Đông. Một số viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc như Viện nghiên cứu Nam Hải, Trung tâm hợp tác sáng tạo Nam Hải Trung Quốc được đưa vào danh sách các Viện nghiên cứu trọng điểm quốc gia, góp phần quan trọng trong việc hoạch định chính sách quốc gia. Những thành quả nghiên cứu của một số viện trên như “Nguyên nhân và phát triển tranh chấp ở Biển Đông”, “Báo cáo đánh giá tình hình khu vực Biển Đông hàng năm”… được đánh giá cao và có ảnh hưởng lớn đến nhiều cơ quan, ban ngành của Trung Quốc; được nhiều chuyên gia, học giả Trung Quốc và quốc tế sử dụng các dữ liệu trong các công trình nghiên cứu.

Bên cạnh đó, số lượng chuyên gia, học giả Trung Quốc nghiên cứu về Biển Đông ngày một tăng; các đề tài, bài nghiên cứu về Biển Đông ngày càng nhiều.Trước đây, số chuyên gia, học giả Trung Quốc nhiên cứu về Biển Đông chỉ có một nhóm nhỏ, nằm rải rác ở một số Viện, Trung tâm, đại học lớn của Trung Quốc, như Viện Nghiên cứu Nam Hải, Đại học Phúc Đán, Đại học Bắc Kinh… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng các chuyên gia, học giả và các Viện, Trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc “nhiều như nấm”, hầu hết các tỉnh, thành và đại học của Trung Quốc đều có các Viện, Trung tâm nghiên cứu riêng.

Tuy nhiên, hoạt động hợp tác quốc tế về khảo sát nghiên cứu khoa học biển của Trung Quốc bị dư luận tại nhiều nước phản đối. Tại Philippines, bất chấp thái độ thực dụng của chính phủ khi thúc đẩy hợp tác khai thác chung với Trung Quốc, một bộ phận chính giới và các nhà khoa học Philippines đã phản ứng mạnh mẽ, cho rằng Trung Quốc đang sử dụng danh nghĩa hợp tác nghiên cứu khoa học để xoa dịu quan ngại của các nước về các hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, thông qua hoạt động này để giành vai trò dẫn dắt trong “hợp tác cùng khai thác” theo chủ trương của Trung Quốc, đồng thời tìm cách củng cố các bằng chứng đòi hỏi “chủ quyền” tại các vùng biển tranh chấp. Chính điều này đã khiến cho Hội đồng Bản đồ và Khoáng sản quốc gia Philippines hôm 26/2/2018 phải đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines kiến nghị Tổ chức Thủy văn quốc tế hủy các tên gọi do Trung Quốc đặt cho 05 cấu trúc trong vùng biển Benham Rise mà Trung Quốc có được thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát.

Giới chuyên gia quốc tế cũng cho rằng việc Trung Quốc thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu khảo sát, thăm dò tài nguyên với các nước không chỉ nhằm cạnh tranh, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở nhiều khu vực biển quốc tế trong đó có Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, hoạt động này còn nhằm tạo tiền đề thúc đẩy mở rộng hợp tác trên biển giữa Trung Quốc với các nước, qua đó hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và góp phần giúp Trung Quốc hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Cường quốc biển” vào giữa thế kỷ 21. Rõ ràng là, thông qua việc triển khai các phương tiện tham gia, Trung Quốc không chỉ tìm kiếm được sự gắn kết về chính trị, kinh tế với các nước, mà còn khảo sát được địa hình, địa chất đáy biển phục vụ cho các hoạt động quân sự của nước này, nhất là để xây dựng phương án tác chiến của tàu ngầm và tàu sân bay, thu thập tin tức về bố trí lực lượng của các nước. Ngoài ra, hoạt động hợp tác khảo sát nghiên cứu khoa học biển với các nước còn giúp Trung Quốc xây dựng hình ảnh là “cường quốc biển có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai và cùng các nước xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh”.

Việt Nam và hợp tác nghiên cứu khoa học biển tại Biển Đông

Là thành viên UNCLOS 1982, Việt Nam tuân thủ những quy định của Công ước thông qua việc ban hành những điều luật cụ thể về nghiên cứu khoa học biển, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác nghiên cứu khoa học biển.

Trước khi Việt Nam trở thành viên của UNCLOS 1982, từ năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 242/HĐBT quy định về việc các bên nước ngoài và phương tiện nước ngoài vào nghiên cứu khoa học ở các vùng biển nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu khoa học biển của nước ngoài tại Việt Nam.

Để khắc phục những hạn chế này, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được đã được ban hành như Luật biển Việt Nam năm 2012, Luật khoa học và công nghệ năm 2013, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Bộ luật hàng hải và văn bản hướng dẫn thi hành,… Trong đó, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 đã quy định toàn diện về việc cấp phép và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam. Nghị định số 41/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam là văn bản quy định chi tiết thi hành Luật này đã được ban hành và thay thế Nghị định số 242/HĐBT.
Bên cạnh đó, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện và phải được cấp phép theo quy định của pháp luật Việt Nam. Luật và Nghị định số 41/2016/NĐ-CP chi tiết về các điều kiện để tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép tiến hành nghiên cứu khoa học trên vùng biển Việt Nam; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi được phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam và sau khi kết thúc hoạt động nghiên cứu; trình tự thủ tục gửi hồ sơ đề nghị cấp phép, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại Quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc cấp phép và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam.

Ngoài ra, các quy định hiện hành của Việt Nam về nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong vùng biển Việt Nam phù hợp với quy định của UNCLOS, quy định toàn diện, cụ thể về việc cấp phép và quản  lý hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam. Thực hiện tốt các quy định này góp phần thực hiện có hiệu quả các quy định của UNCLOS và góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học biển ở Việt Nam, do việc khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam là cơ hội để Việt Nam có thể sử dụng kết quả nghiên cứu và các nhà khoa học Việt Nam có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nhà khoa học nước ngoài.

RELATED ARTICLES

Tin mới