Wednesday, May 8, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại những ẩn ý và tác động từ bản Thông điệp...

Nhìn lại những ẩn ý và tác động từ bản Thông điệp Liên bang Mỹ cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống D.Trump

Ngày 5/2/2020, Tổng thống Mỹ D.Trump đã trình bày trước Quốc hội Mỹ bản Thông điệp Liên bang lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông, trước bối cảnh đời sống chính trị nước này có nhiều chia rẽ sâu sắc. Dư luận và các chuyên gia cho rằng, việc đưa ra Thông điệp là “cơ hội vàng” giúp ông D.Trump chứng minh cho cử tri trong nước thấy ông xứng đáng được lựa chọn để tiếp tục lãnh đạo nước Mỹ trong 4 năm tiếp theo.

Bản Thông điệp điểm nhấn là “Sự trở lại của nước Mỹ vĩ đại”

Thành công của một tổng thống thường được đánh giá thông qua việc hoàn thành lời hứa với cử tri khi tranh cử. Ngay từ khi trúng cử Tổng thống Mỹ, ông D.Trump đã nhận thức khá rõ điều này. Sau 4 năm trên cương vị người đứng đầu đất nước, ông D.Trump khẳng định đã giữ lời hứa “khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Vậy những cam kết đó là gì và Tổng thống D.Trump đã thực sự hoàn thành lời hứa hay chưa, là những câu hỏi được dư luận hết sức quan tâm.

Với chủ đề “Sự trở lại của nước Mỹ vĩ đại”, bản Thông điệp liên bang của Tổng thống D.Trump kéo dài hơn 1 tiếng giờ, nhấn mạnh đến một số điểm, như kêu gọi sự hợp tác và đoàn kết của Quốc hội trong việc thúc đẩy các mục tiêu của nước Mỹ, tập trung vào một loạt vấn đề đối nội trọng tâm, nêu bật các thành tựu quan trọng mà chính quyền của ông đạt được trong thời gian qua.

Theo đó, dưới sự quản lý của chính quyền, cùng với việc thực hiện các chính sách kinh tế, nền kinh tế Mỹ thời gian qua đã đạt mức tăng trưởng tích cực với số lượng người Mỹ có việc làm ở mức cao nhất từ trước tới nay (7 triệu việc làm trong vòng 3 năm), tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm và tiền lương cũng tăng với tốc độ nhanh hơn; thị trường chứng khoán ổn định; chính sách kêu gọi, vận động các tập đoàn Mỹ xây dựng nhà máy và sản xuất hàng hóa trên đất Mỹ, cắt giảm lãi suất liên bang, tăng cường chi tiêu chính phủ… đã mang lại kết quả khả quan cho nền kinh tế. Trong lĩnh vực dầu mỏ, Mỹ đã trở thành “nhà xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới” sau khi chính quyền của Tổng thống D.Trump triển khai mạnh mẽ “chiến dịch nới lỏng các quy định”. Trong lĩnh vực quân sự, Tổng thống D.Trump khẳng định tăng cường sức mạnh quốc phòng, nhấn mạnh tới Lực lượng Không gian Mỹ, một lực lượng quân sự mới, với mức ngân sách kỷ lục 2.200 tỷ USD chi cho quân đội trong giai đoạn ông cầm quyền; đồng thời, đề cập tới vấn đề giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc gia cũng như cam kết về một triển vọng tích cực và lạc quan đối với tương lai của nước Mỹ, việc siết chặt tình trạng nhập cư bất hợp pháp, cắt giảm các quy định, thúc đẩy cải cách hệ thống an sinh xã hội, y tế và chăm sóc sức khỏe. Về vấn đề bảo hiểm y tế, Tổng thống D.Trump tuyên bố chính quyền sẽ luôn bảo vệ vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân, trong đó có Chương trình Medicare, đồng thời sẽ có những cải cách để vấn đề chi trả phí chăm sóc sức khỏe cho người dân trở nên minh bạch hơn. Ông cũng kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật lưỡng đảng nhằm giảm mạnh giá thuốc theo toa và cho biết sẽ ký thành luật ngay sau khi dự luật được Quốc hội gửi lên.

Về chính sách đối ngoại, Tổng thống D.Trump đề cập đến một loạt vấn đề thương mại quốc tế và chính sách đối ngoại mà ông cho rằng đã hoàn thành lời hứa đối với cử tri trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016. Tuy nhiên, ông không đưa ra một tuyên bố hay định hướng chính sách quan trọng nào có thể thay đổi chủ trương cũng như chính sách đối ngoại của Mỹ, thay vào đó tập trung vào những vấn đề mang tính kết quả về thương mại quốc tế, đàm phán lại những thỏa thuận thương mại theo hướng có lợi cho Mỹ; đưa ra những luận điểm thể hiện một nhà lãnh đạo đang hoàn toàn kiểm soát tốt chính sách đối ngoại, như tiêu diệt các phần tử khủng bố khét tiếng, thủ lĩnh tối cao Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS), gia tăng sức ép đối với Iran trong vấn đề hạt nhân, nỗ lực chấm dứt các cuộc chiến của Mỹ ở khu vực Trung Đông nhằm bảo vệ tính mạng của người Mỹ… Trong vấn đề Afghanistan, Tổng thống D.Trump tái khẳng định quyết tâm chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan, theo đó thúc đẩy đàm phán với phiến quân Taliban để rút quân đội Mỹ khỏi chiến trường quốc gia Nam Á này. Về căng thẳng quan hệ Mỹ – Iran, ông D.Trump bảo vệ chính sách đối ngoại của ông đối với Iran; cho rằng với các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ, nền kinh tế của Iran đang rất tồi tệ và “Mỹ có thể giúp Iran hồi phục tốt trong một thời gian ngắn”; đồng thời nhấn mạnh chính quyền Iran cần từ bỏ việc theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và bắt đầu hợp tác vì lợi ích của chính người dân nước này.

Theo các nhà phân tích, dựa vào những thông điệp mà Tổng thống D.Trump đưa ra có thể thấy, trong 3 năm qua, ông D.Trump đã đạt được thành tựu đáng kể trong lĩnh vực kinh tế và nội trị. Song về lĩnh vực đối ngoại, mọi chuyện dường như chưa hoàn toàn suôn sẻ. Chẳng hạn như, Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc chưa có cam kết cuối cùng; chiến dịch trừng phạt các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc đã “phát huy tác dụng”, song chưa thực sự khiến “đối thủ nao lòng”; quan hệ với Nga chưa được cải thiện đáng kể khi vướng phải sự cản trở từ lưỡng viện Mỹ cũng như quá trình điều tra mà Mỹ cho rằng có sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016; mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) diễn biến theo chiều hướng xấu, thậm chí có lúc căng thẳng; hay chính sách của Mỹ tại các “điểm nóng” tuy đem đến thay đổi tích cực nhưng chưa đủ để giải quyết tình hình… Tuy nhiên, với việc chỉ đề cập đến những thành tựu của Mỹ trong 3 năm qua, Tổng thống D.Trump đã truyền tải thành công thông điệp quan trọng tới cử tri rằng ông đã giữ đúng lời hứa “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Thậm chí có chuyên gia còn cho rằng, bản Thông điệp Liên bang năm 2020 của ông D.Trump đã đề cập đến hầu hết những vấn đề mà cử tri Mỹ đang quan tâm, thể hiện được ẩn ý quan trọng quyết định lá phiếu cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 mà ông sẽ tái tranh cử.

Những ẩn ý từ Thông điệp Liên bang Mỹ năm 2020

Thông thường, thông điệp liên bang của các Tổng thống Mỹ chỉ tập trung nhấn mạnh những thành tựu mà chính quyền đạt được cũng như những nỗ lực mang lại tầm nhìn cho nước Mỹ. Song, Thông điệp Liên bang năm 2020 của Tổng thống D.Trump lại chứa đựng nhiều ẩn ý.

Một là, bản Thông điệp được đưa ra đúng vào dịp các ứng cử viên tranh cử vị trí Tổng thống Mỹ chính thức tăng tốc các hoạt động vận động cử tri, mở đầu cho năm bầu cử sôi động của nước Mỹ. Bên cạnh đó, những nội dung mà Tổng thống D.Trump đề cập trong Thông điệp được cho là những chủ đề chính trong chiến dịch vận động tranh cử vào Nhà Trắng của ông trong tháng 11/2020. Nhiều chuyên gia nhận định, Tổng thống D.Trump đã không bỏ lỡ cơ hội để biến Thông điệp Liên bang hằng năm thành bài diễn văn vận động tái tranh cử của mình. Đồng thời, với việc nhấn mạnh ông đã giữ lời hứa với cử tri trong Thông điệp được xem là “át chủ bài” quyết định lá phiếu cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 mà ông sẽ tái tranh cử.

Hai là, Thông điệp năm 2020 được Tổng thống D.Trump đọc trước thời điểm Thượng viện Mỹ bỏ phiếu luận tội tổng thống. Đây được cho là một bước đi khôn khéo của Tổng thống D.Trump; và kết quả không ngoài dự đoán thăm dò, Tổng thống D.Trump được “trắng án” trong phiên luận tội của Thượng viện diễn ra vào ngày 5/2/2020, đặt dấu chấm hết cho câu chuyện luận tội tổng thống kéo dài suốt 4 tháng qua.

Ba là, bản Thông điệp đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành viên Đảng Cộng hòa. Điều đó cho thấy, ông D.Trump muốn gửi đến cử tri thông điệp hãy ủng hộ ông như những gì đảng Cộng hòa đang thể hiện, bất chấp mọi nỗ lực đòi luận tội và phế truất ông.

Có thể thấy, đây là năm thứ hai liên tiếp Tổng thống D.Trump đọc Thông điệp Liên bang Mỹ trong bối cảnh diễn ra cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ lớn trong nước. Nếu năm 2019, ông D.Trump phải hoãn thời gian đọc Thông điệp Liên bang do Chính phủ bị đóng cửa kéo dài kỷ lục bởi những bất đồng sâu sắc với Đảng Dân chủ liên quan đến khoản tiền xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico, thì năm 2020 hoạt động này diễn ra một ngày trước khi Thượng viện Mỹ đưa ra phán quyết cuối cùng liệu Tổng thống D.Trump có bị buộc tội hay không trong phiên tòa xét xử do Đảng Dân chủ khởi kiện với cáo buộc ông D. Trump lạm dụng chức vụ và cản trở Quốc hội.

Tác động của Thông điệp Liên bang năm 2020

Tổng thống D.Trump đọc Thông điệp Liên bang năm 2020 khi đảng Dân chủ đã chính thức bước vào tiến trình bầu cử sơ bộ và các ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ đang cạnh tranh để giành suất đề cử duy nhất cho cuộc chạy đua vào Nhà trắng, dự kiến diễn ra vào ngày 3/11/2020. Những gì được thể hiện từ diễn văn của Tổng thống D.Trump dự báo chính trường Mỹ trong thời gian tới sẽ tiếp tục nóng và cuộc chạy đua bầu cử cũng sẽ vô cùng gay gắt. Trong khi đó, tác động của phiên tòa luận tội tổng thống đối với cuộc bầu cử vẫn còn chưa thực sự rõ ràng. Từ nay cho đến ngày bầu cử, “cơn bão” luận tội Tổng thống D.Trump và những mâu thuẫn đảng phái xung quanh vấn đề này có thể đã giảm nhiệt đối với nhiều cử tri, tuy nhiên, việc luận tội tổng thống cũng vẫn ít nhiều tác động đến cuộc bầu cử sắp tới.

Theo kết quả bầu cử tại bang Iowa (4/2/2020) được đảng Dân chủ công bố, ứng cử viên Pete Buttigieg đang dẫn đầu với 26,9% số phiếu ủng hộ, tiếp theo là các ứng cử viên Bernie Sanders với 25,1%, Elizabeth Warren: 18,3% và Joe Biden: 15,6%. Điều này cho thấy, ông B. Sanders đứng thứ hai, trong khi ông J. Biden xếp thứ tư. Các chuyên gia cho rằng, nếu ông B. Sanders trở thành ứng cử viên cuối cùng của đảng Dân chủ, Tổng thống D.Trump sẽ có lợi thế hơn trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 do có thể dễ dàng công kích chương trình nghị sự thiên tả của ông B.Sanders hơn so với chương trình nghị sự trung dung, ôn hòa của ông J. Biden.

Trong khi đó, tại cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra ở tiểu bang New Hampshire vào ngày 11/2/2020, ứng cử viên B. Sanders đã giành chiến thắng với tỷ lệ ủng hộ 26%, tương đương 9 phiếu ủng hộ của các đại biểu trong cuộc đua giành tấm vé duy nhất trở thành ứng cử viên chính thức của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2020; theo sau là hai ứng cử viên ôn hòa P. Buttigieg (24%) và Amy Klobuchar (20%), còn ông J. Biden – người lâu nay được cho là nhiều hy vọng nhất, chỉ được 8% số phiếu. Đây là chiến thắng quan trọng đối với ông B Sanders, dù kết quả này đã được báo chí và giới phân tích dự đoán từ trước. Mặc dù kết quả của cuộc bầu cử sơ bộ tại bang New Hampshire cũng tương tự như ở bang Iowa không phải là cơ sở quyết định kết quả cuộc đua cuối cùng, song đây được coi là nền tảng quan trọng tạo bước đệm cho chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên. Sau cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hamphshire cùng hai cuộc tranh luận diễn ra vào ngày 19/2/2020 tại bang Las Vegas trước cuộc bầu cử theo hình thức họp kín vào ngày 22/2/2020 tại bang Nevada, các ứng cử viên tiếp tục thực hiện cuộc tranh luận tại bang Nam Carolina để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sơ bộ tại bang này vào cuối tháng 2/2020.

Về phía ứng cử viên Micheal Bloomberg, ông không tham dự cuộc bầu cử sơ bộ tại bang New Hampshire, bang Iowa, cũng như hai kỳ bầu cử sơ bộ tới ở bang Nevada và Nam Carolina, mà đến tháng 3/2020 mới tham gia. Tuy nhiên, ảnh hưởng của ông vẫn rất lớn khi cam kết tăng gấp đôi chi tiêu, vốn đã rất cao cho việc vận động trên truyền hình. Hiện tại, có thể ông M. Bloomberg không được đánh giá cao ở phong cách phát biểu lôi cuốn người nghe, tuy nhiên ưu thế về tài chính của ông trở nên “hấp dẫn” trong mắt các cử tri dân chủ, cùng với đó là mối quan tâm hàng đầu của họ lúc này là làm sao có thể ngăn Tổng thống D. Trump bước tiếp vào nhiệm kỳ thứ hai. Hiện ông M. Bloomberg được coi là người có khả năng “đánh bại” đương kim Tổng thống D.Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Trong khi đó, về phía Tổng thống D.Trump, dù bị luận tội, nhưng dường như cơ hội tái cử nhiệm kỳ thứ hai của ông thuận hơn các đối thủ trên, khi ông đã giành chiến thắng dễ dàng tại bang Iowa (39/40 phiếu) và bang New Hampshire (20/22 phiếu). Sau cuộc luận tội, Tổng thống D.Trump có thể tập trung “cao độ hơn” cho chiến dịch tranh cử của mình. Đối thủ mà ông D.Trump quan ngại nhất là ông J.Biden đã “mất đà”, còn ông P. Buttigieg lại chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị. Từ thực tế cho thấy, với những thành tựu kinh tế ngoạn mục, đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Iowa, vụ luận tội tổng thống bị đẩy lùi… dường như mọi thứ đang rộng mở đối với Tổng thống D.Trump trên con đường tiến vào nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ hai.

Theo kết quả thăm dò mới nhất do Harvard CAPS/Harris Poll công bố trước thời điểm Tổng thống D.Trump đọc Thông điệp Liên bang, tỷ lệ ủng hộ ông tăng lên đáng kể bất chấp tiến trình luận tội. Đặc biệt, tỷ lệ ủng hộ cách điều hành nền kinh tế của Tổng thống D.Trump lên tới 60%. Thậm chí, nhiều người được hỏi cho rằng, nền kinh tế Mỹ đang mạnh hoặc rất mạnh; 94% cử tri thuộc đảng Cộng hòa tán thành thành tích của Tổng thống D.Trump; 42% cử tri độc lập tán thành cách triển khai công việc của ông D.Trump. Đây được cho là những dấu hiệu tích cực, hứa hẹn mục tiêu tiếp tục “chèo lái” con thuyền nước Mỹ thêm một nhiệm kỳ nữa vào cuối năm 2020 không phải là quá khó khăn đối với vị tổng thống tỷ phú này.

Còn hơn 7 tháng nữa mới diễn ra cuộc bầu cử cuối cùng, là khoảng thời gian không ngắn đối với một cuộc chạy đua chính trị và cũng sẽ là chủ quan nếu sớm đẩy ông P. Buttigieg hay ông B.Sanders ra khỏi “đường đua”, tuy nhiên với tỷ lệ ủng hộ đã tăng thêm trong những ngày qua, thì việc Tổng thống D.Trump liệu có chắc chắn giành chiến thắng tại cuộc bầu cử này hay không là điều dư luận hết sức quan tâm. Đảng Cộng hòa đã đoàn kết ủng hộ ông D.Trump, trong khi đó về căn bản, đảng Dân chủ bị chia rẽ hơn bao giờ hết và dường như vẫn chưa tìm được người có tiềm năng nhất để vượt qua ông D.Trump. Hơn nữa, liệu tiếng nói của người có quan điểm trung hòa, đại diện là ứng cử viên P. Buttigieg, có thể giành chiến thắng. Dù có nhiều ưu thế, song các chuyên gia cho rằng, ông D.Trump cũng nên thận trọng nhằm duy trì, nới rộng cách biệt hiện có để tái khẳng định vị trí người đứng đầu Nhà Trắng, bởi có lẽ ông hiểu rất rõ giá trị của chiến thắng “lội ngược dòng”. Tóm lại, mọi chuyện đến nay vẫn chưa ngã ngũ và nhiều kịch bản được dự báo vẫn có thể xảy ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới