Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCảnh giác trước việc TQ có hành động gây hấn mới ở...

Cảnh giác trước việc TQ có hành động gây hấn mới ở Biển Đông

Ngày 05/3/2020, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đăng tải báo cáo của Viện Sáng kiến Nghiên cứu Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc với nội dung xuyên tạc, “đổi trắng, thay đen”, cho rằng có tổng cộng 311 tàu cá Việt Nam đã xâm nhập vào khu vực nội địa, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc vào tháng 2, với mục đích đánh bắt cá và làm gián điệp bất hợp pháp.

Theo Báo cáo này, hầu hết các tàu cá của Việt Nam tập trung hoạt động tại những khu vực gần các thủy lộ chính dành cho lực lượng hải quân và không quân của nước này tại phía Đông đảo Hải Nam và vùng biển gần Quảng Đông “thậm chí, một số tàu cá Việt Nam còn lọt vào tầm ngắm của các căn cứ quân sự Trung Quốc”.

Báo cáo nói tàu cá Việt Nam đi vào “vùng biển Trung Quốc” ở Vịnh Bắc Bộ và gần đảo Hải Nam, đồng thời vu cáo trắng trợn: “Hoạt động của các tàu này chỉ nhằm hai mục đích: Một là mục đích kinh tế, tức đánh bắt cá bất hợp pháp; Hai là mục đích an ninh quân sự, tức thực hiện hoạt động trinh sát, gián điệp”.

Những luận điệu trên đây của Bắc Kinh hoàn toàn sai trái bởi lẽ năm 2000 Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định ở Vịnh Bắc Bộ, xác định một đường phân định chung cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cùng với đó 2 bên ký Hiệp định hợp tác nghề cá (Hiệp định có hiệu lực từ năm 2004), cho phép tàu cá của mỗi bên được hoạt động trong vùng đánh cá chung (phạm vi vùng đánh cá chung là tính từ đường phân định sang 2 bên, cách đường phân định 30,5 hải lý, tàu có thể vượt qua đường phân định) với số lượng nhất định do 2 bên xác định hàng năm. Hiệp định này có hiệu lực trong vòng 10 năm và mặc nhiên gia hạn thêm 5 năm.

Trên thực tế, trong 15 năm Hiệp định hợp tác nghề cá có hiệu lực, luôn có nhiều tàu của Trung Quốc hoạt động trong phạm vi vùng đánh cá chung, vượt qua đường phân định đánh bắt trong vùng biển Việt Nam hơn so với tàu Việt Nam hoạt động ở phía bên kia đường phân định vì biển phía Việt Nam nhiều cá hơn do nhiều cửa sông đổ từ miền Bắc Việt Nam ra Vịnh Bắc Bộ và bờ biển thoải, nông hơn phía bờ biển Hải Nam. Nhiều khi tàu Trung Quốc còn vượt cả ra ngoài vùng đánh cá chung xâm nhập sâu vào vùng biển Việt Nam, thậm chí vào cả lãnh hải Việt Nam. Các lực lượng chức năng Việt Nam chủ yếu xua đuổi. Việc các tàu cá Việt Nam có đánh bắt trong khu vực đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ là điều hết sức bình thường.

Hiện Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán về phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Đàm phán dậm chân tại chỗ do Trung Quốc không muốn phân định mà chỉ muốn khai thác chung trong vùng biển ở khu vực này. Trong những năm qua, theo thống kê của các lực lượng chức năng Việt Nam mỗi tháng có hành trăm lượt tàu cá Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển Việt Nam, có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam vài hải lý để gây sức ép lên Việt Nam trong đàm phán. Truyền thông Trung Quốc đăng tải báo cáo nói trên cũng là nằm trong ý đồ thúc ép Việt Nam chấp nhận giải pháp “cùng khai thác” mà Trung Quốc đưa ra ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

Đối với khu vực biển gần đảo Hải Nam còn phải kể đến là khu vực quần đảo Hoàng Sa. Các tư liệu pháp lý lịch sử hiện đang được lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ đều khẳng định quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Năm 1956 và năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Họ tự cho rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc và năm 1996, Bắc Kinh lại tự vạch ra đường cơ sở xung quanh Hoàng Sa trái với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và đòi yêu sách vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa tính từ đường cơ sở bất hợp pháp này.

Từ thế kỷ 16 – 17, các Nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền một cách hòa bình đối với quần đảo Hoàng Sa thông qua việc cử các đội tàu của triều đình nhà nước phong kiến ra các đảo này đo vẽ, lập bản đồ, khai thác và cứu hộ cứu nạn đối với các tàu nước ngoài bị nạn ở khu vực Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa cũng là khu vực đánh cá truyền thống của ngư dân Việt Nam từ hàng trăm năm nay.

Sau khi cưỡng chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực, Bắc Kinh tiến hành các biện pháp rắn đối với các tàu cá của ngư dân Việt Nam từ xua đuổi đến bắt giữ, thậm chí đâm chìm các tàu cá Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa mà trong báo cáo của SCSPI gọi là “vùng biển gần đảo Hải Nam”.

Hành vi ngược đãi tàu cá và ngư dân Việt Nam tại khu vực này không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế về đối xử nhân đạo đối với tàu cá và ngư dân trên biển. Rõ ràng, Bắc Kinh đã “đổi trắng, thay đen” bịa đặt ra cái gọi là tàu cá Việt Nam xâm nhập vào khu vực nội địa, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc để đánh lừa dư luận phục vụ cho mưu đồ xấu xa của họ độc chiếm Biển Đông.

Báo cáo của Trung Quốc nói hoạt động của các tàu cá Việt Nam trong những năm gần đây “ngày càng tràn lan và gia tăng về số lượng”; số lượng tàu cá Việt Nam có hoạt động xâm nhập vào tháng 2 vừa qua đã tăng ít nhất là gấp đôi so với tháng trước đó. Thậm chí trong phần kết luận, báo cáo còn vu khống hoạt động của tàu cá Việt Nam “hoàn toàn vi phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, vi phạm các luật quốc tế liên quan, trong đó có Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Cần phải khẳng định rằng chính Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ theo Hiến chương Liên hợp quốc khi sử dụng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa đang do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý; Bắc Kinh vi phạm UNCLOS và các luật quốc tế khác liên quan khi họ vạch đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Hoàng Sa và đòi hỏi vùng biển tính từ đường cơ sở thẳng, đồng thời vi phạm những quy định của luật pháp quốc tế về đối xử nhân đạo với ngư dân, tàu cá như đã nêu ở trên.

Một số nhà quan sát thì cho rằng việc Trung Quốc công bố Báo cáo của SCSPI vào đúng thời điểm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ đến Đà Nẵng cho thấy có một sự tính toán “đầy ý đồ” của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Đây là cách làm “rung cây dọa khỉ” thường thấy của Trung Quốc. Động tác như thế là để đáp lại việc tàu của Mỹ đến thăm cảng Tiên Sa, cảnh cáo Việt Nam đừng có đi với Mỹ.

Không loại trừ đây là việc làm chuẩn bị cho những hành động phiêu lưu mới ở Biển Đông, nhất là trong bối cảnh họ đang tức tối trước những tiến triển mới của quan hệ Việt – Mỹ. Lâu nay, Bắc Kinh thường dùng chiêu bài dùng truyền thông để vu cáo, đổ lỗi cho đối phương rồi lấy cớ đó để thực hiện các hành động gây hấn.

Nhớ lại bài học lịch sử gần đây nhất, trước khi tấn công trên biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2/1979, từ năm 1977, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã sử dụng cỗ máy tuyên truyền vu cáo Việt Nam “xua đuổi, bài xích người Hoa” để lấy cớ tấn công toàn diện dọc theo tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc để thực hiện cái gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Thời gian gần đây do Bắc Kinh phải tập trung chống dịch viêm phổi virus corona nên tình hình Biển Đông có vẻ sóng yên biển lặng. Nay Bắc Kinh đã từng bước khống chế được dịch bệnh. Trong trường hợp họ cơ bản giải quyết được tình hình dịch bệnh thì không loại trừ khả năng sẽ gây ra vụ việc gây hấn nào đó ở Biển Đông. Hà Nội cần hết sức cảnh tỉnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới