Tuesday, April 30, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTình hình Biển Đông những tháng đầu năm 2020

Tình hình Biển Đông những tháng đầu năm 2020

Tình hình Biển Đông trong quý I năm 2020 không có những “đợt sóng lớn” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng “sóng ngầm” thì vẫn âm ỉ.

Về nghĩa đen, do đây chưa phải là mùa mưa bão nên tàu thuyền và ngư dân không phải đối phó với những cơn bão bất thình lình đổ về Biển Đông. Về nghĩa bóng, tình hình Biển Đông mấy tháng qua không xảy ra những vụ việc xâm lấn nghiêm trọng như Bắc Kinh đã làm đối với Việt Nam trong năm 2019 (vụ việc tàu thăm dò địa chất Hải Dương 08) do họ phải tập trung chống dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19). Tuy nhiên, Bắc Kinh tiếp tục âm thầm gặm nhấm Biển Đông.

Theo một số nguồn tin, mặc dù Trung Quốc đã phải hoãn cuộc tập trận quy mô lớn hàng năm ở Nội Mông (hàng năm quân đội Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận chung quy mô lớn tại Chu Nhật, với sự tham dự của tất cả các lực lượng bao gồm bộ binh, không quân, tên lửa và hậu cần) do khủng hoảng dịch Covid-19 ở Vũ Hán nhưng vẫn không “bỏ quên” Biển Đông mà tiếp tục duy trì tuần tra và tiến hành một số hoạt động để củng cố sự hiện diện của họ ở Biển Đông.

Theo ông Chen Jingyuan, người đứng đầu đơn vị quân y của Cục Hỗ trợ Hậu cần của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã phải điều động hơn 10.000 y bác sĩ quân đội đến hỗ trợ dập dịch Covid-19 ở Vũ Hán cùng các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề khác ở tỉnh Hồ Bắc. Đồng thời, quân đội Trung Quốc triển khai nhiều máy bay vận tải các loại, bao gồm Y-20, từ nhiều quân khu khác nhau để hỗ trợ vận chuyển trong công tác dập dịch Covid-19. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng phải huy động lực lượng quân đội tham gia xây dựng bệnh viện dã chiến để ứng phó với dịch và làm công tác tẩy trùng, dọn dẹp môi trường. Đây là nguyên nhân Bắc Kinh phải tạm hoãn cuộc tập trận quy mô lớn hàng năm ở Nội Mông.

Tuy nhiên, đối với Biển Đông, Trung Quốc tiếp cận theo cách khác. Không gây ra các vụ việc lớn, song họ tiếp tục cho các tàu cá, tàu dân binh vây ráp, uy hiếp xung quanh đảo Thị Tứ (hiện do Philippines chiếm đóng) và xây dựng các cơ sở nghiên cứu ở Trường Sa.

Trong bản tin hôm 20/3/2020, Tân Hoa Xã cho biết Trung Quốc đã đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu trên Đá Xu Bi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hai cơ sở nghiên cứu này, đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), bao gồm nhiều phòng thí nghiệm về sinh thái học, địa chất học và môi trường.

Hai trạm nghiên cứu mới đi vào hoạt động có thể hỗ trợ các nhà khoa học điều tra thực địa, lấy mẫu và nghiên cứu khoa học tại “Nam Sa” tức Trường Sa của Việt Nam. Trước đó, Trung Quốc xây dựng một trung tâm nghiên cứu trên Đá Vành Khăn ở Trường Sa.

Các nhà quan sát hết sức bất bình trước việc trong lúc thế giới chạy đua kiểm soát đại dịch Covid-19, Trung Quốc tiếp tục có những hoạt động mới ở Biển Đông. Ông Collin Koh, một chuyên gia về an ninh biển hàng đầu khu vực thuộc Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore cho rằng việc Trung Quốc khánh thành hai trạm nghiên cứu mới vào lúc này là một diễn biến nghiêm trọng. Ông Koh nhận định: “Một số người có thể nghĩ rằng dịch virus corona đang diễn ra sẽ khiến Bắc Kinh không thể để mắt đến các điểm nóng trên biển này. Tuy nhiên, sự thật là tình hình hoàn toàn ngược lại. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) được động viên để duy trì sự sẵn sàng chiến đấu bất chấp virus corona”.

Sự nguy hiểm trong việc làm của Bắc Kinh là họ sử dụng cái mà họ gọi là sáng kiến “khoa học phục vụ dân sinh” để khẳng định yêu sách. Đây là cách Bắc Kinh thường làm để mọi người không để ý. Tuy nhiên, những hệ quả mang tính chiến lược sinh ra từ đó rất quan trọng, giúp Bắc Kinh củng cố thêm chỗ đứng của họ ở Biển Đông.

Một báo cáo của hải quân PLA hôm 20/3/2020 cho biết, máy bay quân sự Trung Quốc gần đây tiến hành tập trận chống tàu ngầm trên Biển Đông. Cuộc tập trận có sự tham gia của hai máy bay được tiến hành vào đầu tháng 3, không lâu trước khi các đơn vị hải quân Mỹ tham gia khóa huấn luyện tấn công viễn chinh ở Biển Đông. Quân đội Trung Quốc rất muốn phát huy khả năng chống tàu ngầm và virus corona không thể ngăn cản được các hoạt động này của họ ở Biển Đông.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp do Trung Quốc gia tăng các hoạt động xâm lấn trong vùng biển các nước láng giềng và tìm mọi cách đẩy Mỹ ra khỏi “cuộc chơi” ở Biển Đông thì Mỹ có thái độ mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông cả trên lời nói lẫn hành động.

Năm 2019 có thể được coi là năm đánh dấu mốc chuyển hướng mạnh trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông. Mỹ thẳng thắn lên án Trung Quốc cưỡng ép, bắt nạt các nước ở Biển Đông; tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông cả về tần suất, quy mô lẫn phạm vi; điều thêm tàu tác chiến ven bờ của lực lượng tuần duyên Mỹ tới Biển Đông để tham gia các hoạt động FONOP; tăng cường diễn tập quân sự ở Biển Đông; phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trên vấn đề Biển Đông.

Năm 2020, Mỹ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trong 3 tháng đầu năm, Mỹ đã tiến hành 2 cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông ở cả khu vực quần đảo Trường Sa lẫn Hoàng Sa.

Cuối tháng 01/2020, lần đầu tiên Mỹ cho một tàu chiến đấu ven bờ thuộc lực lượng tuần duyên Mỹ – tàu USS Montgomery tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải xung quanh cấu trúc Chữ Thập và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.

Đầu tháng 3/2020, Mỹ tiếp tục cho khu trục hạm USS McCampbell tiến hành FONOP ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Mỹ không thông báo cho Bắc Kinh về việc này mà chỉ lên tiếng xác nhận việc FONOP của hải quân Mỹ sau khi Người Phát ngôn Chiến khu miền Nam của Trung Quốc lên tiếng về hoạt động của tàu USS McCampbell. Việc Mỹ không cần thông báo trước cho Bắc Kinh về việc này chính là thông điệp của Washington nhằm khẳng định đó là khu vực thuộc vùng biển quốc tế, nên việc di chuyển không cần thiết phải thông báo. Điều đó nhằm tạo ra một thông lệ cho tự do hàng hải ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, đồng thời cũng là để thực thi Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye.

Trong phát biểu xác nhận hoạt động FONOP của tàu USS McCampbell, bà Reann Mommsen, Người Phát ngôn Hạm đội 7 còn nhấn mạnh: “Những tuyên bố [của Trung Quốc] mang tính bao quát và phi pháp ở Biển Đông đặt ra mối đe dọa chưa có tiền lệ đối với tự do lưu thông ở vùng biển này. Bằng cách thực hiện hoạt động này, Mỹ cho thấy những vùng biển này vượt ra ngoài khu vực mà Trung Quốc có thể tuyên bố hợp pháp là lãnh hải của họ và rằng những đường cơ sở thẳng Trung Quốc tuyên bố xung quanh Hoàng Sa là không phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Cùng với các hoạt động FONOP, trong tháng 3 hải quân Mỹ còn có nhiều hoạt động khác ở Biển Đông như chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 của tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt từ ngày 5 – 9/3/2020. Trước đó nhóm tàu sân bay này cùng một đơn vị đổ bộ đã thực hiện cuộc huấn luyện ở Biển Đông.

USS Theodore Roosevelt là một trong những hàng không mẫu hạm Mỹ được bảo vệ chặt chẽ nhất trong lịch sử hải quân Mỹ đã rời cảng San Diego (bang California, Mỹ) từ ngày 17/1/2020 để thực hiện sứ mệnh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Phát biểu tại lễ xuất hành của nhóm tác chiến USS Theodore Roosevelt, quan chức căn cứ không – hải quân North Island nhấn mạnh: “Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt sẽ bảo vệ an ninh hàng hải, duy trì sự di chuyển tự do trên biển theo luật quốc tế, và phối hợp với các đối tác đồng minh để thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của khu vực”. 

Đúng là “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, những hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đông trong 3 tháng đầu năm 2020 là để đáp trả việc Trung Quốc tranh thủ lúc cả thế giới phải đối phó với Covid-19, âm thầm tiến hành các hoạt động bất hợp pháp ở Biển Đông.

Các chuyên gia về Biển Đông đều cho rằng sự hiện diện thường xuyên của hải quân Mỹ ở Biển Đông là nhân tố hết sức quan trọng để thách thức yêu sách phi lý của Trung Quốc; ngăn chặn Trung Quốc thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển; duy trì hòa bình ổn định và tự do, an toàn hàng hải ở Biển Đông; bảo vệ luật pháp quốc tế.

Lịch sử cho thấy nhà cầm quyền Bắc Kinh thường lợi dụng lúc các nước gặp khó khăn để tiến hành các hành động xâm lược thực hiện tham vọng của họ ở Biển Đông. Năm 1974, lợi dụng lúc Hà Nội đang phải tập trung cho cuộc chiến ở Miền Nam và chính quyền Sài Gòn gặp khó khăn vì Mỹ rút khỏi Việt Nam, những người cầm quyền ở Bắc Kinh đã dùng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa đang do chính quyền Sài Gòn quản lý; năm 1988, lợi dụng lúc Việt Nam khó khăn do khủng hoảng kinh tế và sự giúp đỡ của Liên Xô khi đó giảm, Bắc Kinh đã dùng vũ lực để đánh chiếm 6 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa.

Hiện cả thế giới đang phải đối phó với dịch Covid-19, Mỹ cũng bận tập trung chống dịch nên không loại trừ Bắc Kinh sẽ có những hành động gây hấn mới ở Biển Đông, nhất là hiện Hà Nội cũng đang phải tập trung mọi nỗ lực để chống dịch Covid-19. Các nước ven Biển Đông cần hết sức cảnh giác.

RELATED ARTICLES

Tin mới