Sunday, May 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHạm đội tàu sân bay Liêu Ninh đi qua vùng biển Nhật...

Hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh đi qua vùng biển Nhật Bản: TQ đang gây hấn trên biển Hoa Đông

Bộ Quốc phòng Nhật Bản (29/4) cho biết tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi qua biển Hoa Đông vào sáng 28/4. Đây là lần thứ 5 tàu sân bay Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển này nhưng là lần đầu tiên thực hiện cả hành trình đi và về trên một cung đường biển.

Theo thông tin của Cơ quan tham mưu bộ quốc phòng Nhật Bản, tàu khu trục tên lửa dẫn đường JS Kongo, tàu khu trục JS Umigiri và máy bay trinh thám hàng hải P-3C Orion của lực lượng phòng vệ Nhật Bản ngày 28/4 đã phát hiện nhóm tàu sân bay Liêu Ninh cùng 5 tàu khác thuộc nhóm tác chiến ở cách đảo Miyako của Nhật Bản 80 km về hướng Đông Nam vào 9h sáng ngày 28/4 (giờ địa phương). Nhóm tàu này đã đi về hướng Bắc, qua vùng biển nằm giữa Okinawa và Miyako vào 10h sáng cùng ngày, trước khi di chuyển về biển Hoa Đông sau đó. Đây là lần thứ 2 mà nhóm tàu sân bay Liêu Ninh đi qua vùng eo biển rộng 250km trong tháng này và là lần thứ 5 mà nhóm tàu Trung Quốc di chuyển qua khu vực kể từ khi nó vào biên chế từ năm 2012.

Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) Nhật Bản xác nhận số tàu này không đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản, đồng thời máy bay chiến đấu trên tàu cũng không có hoạt động cất hạ cánh. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã chỉ thị các lực lượng liên quan theo dõi hành trình của nhóm tàu Trung Quốc, đồng thời phân tích ý đồ của Trung Quốc. Theo nhận định của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, có thể Hải quân Trung Quốc đang tập luyện nâng cao khả năng triển khai tới các vùng biển xa hơn. Ngoài ra, cũng có thể Trung Quốc muốn răn đe đơn vị tên lửa đất đối không, đất đối hạm mà Nhật Bản vừa triển khai tại đảo Miyako từ hôm 26/3, đồng thời muốn thử khả năng đối phó của tàu sân bay Mỹ đang bị ảnh hưởng do có một số thủy thủ nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Được biết, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh gồm tổng cộng 6 chiến hạm. Ngoài tàu Liêu Ninh, các tàu còn lại là 2 tàu khu trục Tây Ninh (117) và Quý Dương (119) cùng loại Type-052D (lớp Lữ Dương 3), 2 tàu hộ tống Tảo Trang (542) và Nhật Chiếu (598) cùng loại Type-054A (lớp Giang Khải 2), tàu hậu cần Hồ Hô Luân (965) loại Type-901. Trong đó, các tàu khu trục và tàu hộ tống trong nhóm tác chiến này đều thuộc thế hệ mới với nhiều trang bị khí tài hiện đại. Thậm chí, tàu khu trục lớp Lữ Dương 3, độ choán nước 7.500 tấn, được Bắc Kinh tự hào giới thiệu đã tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa tương đương hệ thống Aegis trên các khu trục hạm lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Mỹ. Tàu khu trục lớp Lữ Dương 3 còn được trang bị 64 ống phóng thẳng đứng có thể khai hỏa nhiều loại tên lửa khác nhau như tên lửa phòng không HHQ-9, tên lửa tấn công tàu chiến hoặc mục tiêu trên đất liền YJ-18, tên lửa chống tàu ngầm CY-5. Kèm theo đó còn có nhiều loại vũ khí và radar, tác chiến điện tử… Tàu hộ tống lớp Giang Khải 2, độ choán nước 4.000 tấn, được trang bị 32 ống phóng thẳng đứng dùng khai hỏa tên lửa đối không HQ-16 và tên lửa chống tàu ngầm Yu-8, kèm theo còn có hệ thống pháo cận chiến, ngư lôi.

Trung Quốc và Nhật Bản tồn tại tranh chấp chủ quyền ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Chính phủ Trung Quốc luôn khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, khu vực này là một bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ sử dụng biện pháp hòa bình, mà trong đó trực tiếp là đàm phán song phương giữa hai bên để giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận gác lại tranh chấp, để giải quyết khi có điều kiện chín mùi và đưa ra cam kết không có các hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực này. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc đã có nhiều hành động đơn phương nhằm củng cố chứng cứ pháp lý, tuyên truyền chủ quyền, áp đặt các biện pháp quản lý… tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku khiến căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước gia tăng và giải quyết tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đi vào bế tắc.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần điều tàu chiến hiện diện trong vùng biển của Nhật Bản. Theo số liệu thống kế, các tàu Trung Quốc đã 7 lần xâm phạm vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong năm nay. Lần gần đây nhất xảy ra hôm 17/4, khi 4 tàu hải cảnh đi qua khu vực này khoảng 90 phút trước khi rời đi. Không những vậy, Trung Quốc còn thường xuyên điều máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát tuần tra, hoạt động trái phép trong không phận của Nhật Bản. Trong năm tài khóa 2019 kéo dài từ ngày 1/4/2019 – 31/3/2020, lực lượng phòng không Nhật Bản (JASDF) đã 675 lần điều động tiêm kích lên đường đánh chặn các máy bay của lực lượng không quân (PLAAF) và không hải quân (PLANAF) của Trung Quốc. Theo đó, với 675 lần JASDF điều động tiêm kích đánh chặn các máy bay quân sự của PLAAF /PLANAF cho thấy so với năm trước, con số này đã tăng 5,8%.

RELATED ARTICLES

Tin mới