Friday, May 3, 2024
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngMỹ thúc đẩy thượng tôn pháp luật, thực thi phán quyết của...

Mỹ thúc đẩy thượng tôn pháp luật, thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye ở Biển Đông

Thời gian gần đây, dư luận quan tâm nhiều tới sự cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở Biển Đông qua các hoạt động diễn tập quân sự dồn dập của cả hai bên. Tuy nhiên, nếu nhìn tất cả những động thái trong hơn 1 tháng qua của Mỹ liên quan ở Biển Đông, có thể thấy Mỹ đang thúc đẩy mạnh mẽ việc thực thi pháp luật, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông, thể hiện trên một số điểm sau:

Tòa án Trọng Tài Thường Trực La Haye (Permanent Court of Arbitration),

1. Ngày 01/6/2020, Mỹ gửi công thư lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phản đối các yêu sách và những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, công thư do bà Kelly Craft, Đại sứ của Mỹ tại Liên hợp quốc ký. Công thư nhấn mạnh “Đặc biệt, Mỹ phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với “các quyền lịch sử” ở Biển Đông”, “Mỹ lưu ý rằng Tòa Trọng tài đã đồng thuận kết luận trong phán quyết cuối cùng có ràng buộc Trung Quốc và Philippines theo Điều 296 của UNCLOS rằng yêu sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử không phù hợp UNCLOS”.

Trong công thư, “Mỹ tái khẳng định phản đối bất cứ yêu sách nào về vùng nội thủy giữa các đảo rải rác mà Trung Quốc đòi hỏi ở Biển Đông và bất cứ yêu sách nào về các vùng biển xuất phát từ việc coi các vùng các nhóm đảo ở Biển Đông như một thực thể”. Công thư nêu rõ “Điều 5 của UNCLOS được thể hiện bằng từ ngữ rõ ràng và toàn diện các hoàn cảnh mà theo đó các quốc gia ven biển có thể không áp dụng đường cơ sở thông thường” và “không có điều nào trong UNCLOS tạo ra một ngoại lệ” để Trung Quốc có thể vạch đường cơ sở thẳng xung quanh các nhóm đảo ở Biển Đông.

Công thư nhấn mạnh “Mỹ phản đối bất cứ quyền hưởng các vùng biển nào mà Trung Quốc yêu sách dựa trên các cấu trúc không phải là đảo theo Điều 121 của UNCLOS, do vậy không tạo ra các vùng biển riêng theo luật pháp quốc tế”; đồng thời khẳng định những bãi cạn lúc nổi lúc chìm nằm ngoài phạm vi lãnh hải được yêu sách hợp pháp” không thể là “các chủ thể có thể chiếm hữu và không thể tạo ra lãnh hải hoặc các vùng biển khác theo luật pháp quốc tế”.

Những quan điểm của Mỹ nêu trong công thư hoàn toàn phù hợp với những quyết định trong phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng. Đáng chú ý là công thư còn nhấn mạnh việc các nước Philippines, Indonesia, Việt Nam, Malaysia đã đưa ra các phản đối với yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông trong các công hàm gửi lên Liên hợp quốc. Trong công thư, một lần nữa Washington kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, và ngừng các hành động khiêu khích ở Biển Đông; đồng thời yêu cầu cho lưu hành văn bản này tới tất cả các quốc gia thành viên như tài liệu chính thức của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng động thái này đánh dấu việc Mỹ chính thức tham gia vào cuộc chiến công hàm xung quan vấn đề Biển Đông và mục tiêu của Mỹ là nhằm khẳng định quan điểm rõ ràng ủng hộ phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài và khơi dậy cuộc chiến pháp lý xung quanh vấn đề Biển Đông nhân dịp 4 năm Tòa Trọng tài ra phán quyết, đồng thời là bước chuẩn bị cơ sở pháp lý cho những hành động tiếp theo của Mỹ trong việc bảo vệ trật tự dựa trên pháp lý ở Biển Đông.

2. Việc Mỹ thúc đẩy thượng tôn pháp luật ở Biển Đông tiếp tục được thể hiện trong Tuyên bố Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 27/6, khẳng định Washington hoan nghênh Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 về Biển Đông, phản đối âm mưu bá quyền của Trung Quốc. Trong đó, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh “Mỹ hoan nghênh lập trường của các nhà lãnh đạo ASEAN rằng tranh chấp Biển Đông cần phải được giải quyết trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Trung Quốc không được phép xem Biển Đông thuộc đế chế biển của mình”. Phát biểu của ông Pompeo thể hiện rõ quyết tâm của Mỹ thúc đẩy trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông.

Tiếp đó, Mỹ tiếp tục thể hiện quan điểm pháp lý của mình trong những Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 02/7/2020 phản đối cuộc tập trận của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đầu tháng 7 vừa rồi.Tuyên bố nêu rõ “Bộ Quốc phòng Mỹ quan ngại về quyết định của Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự xung quanh quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông từ ngày 01-05/7”; đồng thời nhấn mạnh “Khu vực tập trận dự kiến bao gồm các vùng biển và lãnh thổ tranh chấp. Tiến hành tập trận quân sự trên lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông là phản tác dụng đối với các nỗ lực xoa dịu căng thẳng và duy trì bình ổn. Hành động của Trung Quốc sẽ làm bất ổn thêm tình hình tại Biển Đông”. Nội dung này thể hiện sự chuyển biến về quan điểm pháp lý của Mỹ đối với vấn đề Hoàng Sa.

Trước hết, có thể thấy đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc lên tiếng bày tỏ quan ngại về một cuộc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Nếu như đối với cuộc tập trận lớn của Trung Quốc năm 2016 ở Hoàng Sa, Washington không lên tiếng thì đến cuộc tập trận của Trung Quốc vào tháng 7/2019 ở Biển Đông bao phủ một phần quần đảo Hoàng Sa vàkhu vực nằm ở giữa bãi Macclesfield và quần đảo Trường Sa, khi Trung Quốc tiến hành thử tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D thì phía Mỹ lên tiếng bày tỏ lo ngại, nhưng chỉ tập trung vào việc thử tên lửa và được thể hiện bằng các phát biểu ẩn danh qua tường thuật của truyền thông. Mãi về sau mới có một số quan chức công khai lên tiếng về vấn đề này và không nhắc gì đến Hoàng Sa.

Như vậy, việc lên tiếng về cuộc tập trận ở Hoàng Sa hôm 02/7 vừa qua có thể được xem là sự thay đổi thái độ của Mỹ theo hướng rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn.

Thứ hai, một điểm mới đáng chú ý là Mỹ tuyên bố Hoàng Sa là khu vực lãnh thổ tranh chấp. Lâu nay, Mỹ thường nói “giữ trung lập” không ủng hộ bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Một số nhà nghiên cứu cho rằng năm 1974, trong lúc chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam đang ở vào thế suy yếu, Mỹ đã làm ngơ để Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa bằng việc gây ra cuộc chiến đấm máu cho các binh sĩ hải quân của Việt Nam Cộng hòa và từ đó đến nay Mỹ không bày tỏ quan điểm pháp lý về vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa.

Trong 2-3 năm trở lại đây, hải quân Mỹ nhiều lần tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và nhiều lần Người Phát ngôn của Hạm đội 7 hải quân Mỹ nhắc đến khu vực tranh chấp, nhưng không công khai đề cập đến tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến Bắc Kinh luôn mồm khẳng định “Hoàng Sa là của Trung Quốc, không có tranh chấp”

Các nhà quan sát cho rằng, trước những hành động leo thang hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, chính quyền Mỹ thấy rằng cần phải thể hiện rõ quan điểm pháp lý rõ ràng đối với các vấn đề liên quan ở Biển Đông. Dường như đây là lần đầu tiên quan điểm về tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa được thể hiện trong một tuyên bố chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ. Các tuyên bố của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ về vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa vào đầu tháng 4/2020 cũng không nhắc trực tiếp đến tranh chấp lãnh thổ.

Trong cuộc họp báo ngày 08/7/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố: “Từ các dãy núi của dãy Himalaya đến vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, đến quần đảo Senkaku, và xa hơn nữa, Bắc Kinh có một mô hình kích động tranh chấp lãnh thổ. Thế giới không nên cho phép việc bắt nạt này diễn ra và cũng không nên cho phép nó tiếp diễn”. Phát biểu của ông Pompeo cho thấy Mỹ đang từng bước tạo khung pháp lý cho việc ngăn chặn những hành động bất chấp luật pháp của Bắc Kinh ở khu vực.

3. Trong những ngày qua, hải quân và không quân Mỹ có những hoạt động dồn dập ở Biển Đông nhưng đều trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế, kể cả hoạt động tập trận rầm rộ của 2 tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ đầu tháng 7/2020. Trong tất cả các chiến dịch tự do hàng hải của hải quân Mỹ ở Biển Đông hay các hoạt động của máy bay Mỹ trên bầu trời Biển Đông, Lầu Năm Góc luôn khẳng định tàu chiến và máy bay Mỹ sẽ hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Tuyên bố của hải quân Mỹ về cuộc tập trận của 2 tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan viết: “Các nỗ lực này hỗ trợ các cam kết lâu dài của Mỹ nhằm ủng hộ quyền của tất cả quốc gia được hoạt động trên không, trên biển và bất kỳ nơi đâu luật quốc tế cho phép”. Rõ ràng các hoạt động trên thực địa của hải quân và không quân Mỹ đều nhắm tới một mục tiêu bảo đảm cho luật pháp quốc tế được thực thi ở Biển Đông.

Trước đây, ở những trường hợp khác nhau Wahington đã nhiều lần lên án các hành vi bắt nạt, phá quấy các hoạt động dầu khí lâu nay của Bắc Kinh. Gần đây, trong trả lời trực tuyến Vietnamnet nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt – Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nhấn mạnh, điều quan trọng là luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và mọi quốc gia phải hành xử theo luật pháp quốc tế. Không nước nào được dùng vũ lực để cưỡng ép, bắt nạt các quốc gia khác và để thúc đẩy lợi ích riêng của họ. Mỹ phản đối việc một quốc gia nào đó tìm cách can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí vốn có từ lâu của các nước trong khu vực.

Ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra Tuyên bố về các yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, trong đó khẳng định, phán quyết của Tòa Trọng tài là cuối cùng và có giá trị pháp lý ràng buộc đối với cả Philippines và Trung Quốc; các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu khắp Biển Đông cũng như chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc để giành quyền kiểm soát là hoàn toàn phi pháp. Mỹ bác bỏ toàn bộ các yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng nước vượt quá lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền trong quần đảo Trường Sa. Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, Mỹ sát cánh với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á, đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ quyền tự do trên biển, tôn trọng chủ quyền và phản đối tất cả các nỗ lực nhằm áp đặt nguyên tắc “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông hay ở các khu vực khác.

Tuyên bố này đã thể hiện rõ quan điểm của Mỹ về Biển Đông, cho thấy rõ ràng hơn sự hậu thuẫn của Mỹ đối với các hoạt động của các nước ven Biển Đông. Mỹ đang âm thầm thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật trong cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới