Wednesday, May 1, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTrung Quốc càng ngang ngược ở Biển Đông, Mỹ càng có lý...

Trung Quốc càng ngang ngược ở Biển Đông, Mỹ càng có lý do để hiện diện quân sự tại khu vực

Theo Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Đông Nam Á Reed Werner, kể từ giữa tháng 3/2020 đến nay, cùng thời điểm tàu sân bay Mỹ quay về đảo Guam, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã có ít nhất 9 lần “quấy rối” máy bay trinh sát Mỹ trên Biển Đông. Trong khi đó, trên mặt biển, một tàu hộ tống trong nhóm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã di chuyển “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” sát gần tàu khu trục Mỹ USS Mustin ở Biển Đông hồi tháng 4/2020. Những hoạt động trên khiến cho các nước trong và ngoài khu vực rất lo ngại, nhất là khi quan hệ Trung – Mỹ vẫn căng thẳng do nhiều vấn đề kinh tế, thương mại, an ninh mạng, dịch bệnh… và cả hai cường quốc này đều chưa có dấu hiệu giảm sự hiện diện quân sự tại Biển Đông.

Để tránh đụng độ, tháng 4/2014, tại Diễn đàn hải quân Tây Thái Bình Dương lần thứ 14 diễn ra ở Thanh Đảo, Trung Quốc, 21 nước thành viên đã ký kết thông qua Bộ quy tắc về tránh các vụ đụng độ không báo trước trên biển (CUES). Đây là văn bản hướng dẫn các biện pháp thông tin liên lạc cần thiết cho tàu hải quân và máy bay khi gặp nhau không báo trước ở những vùng biển cụ thể. Là nước tham gia ký kết CUES, nhưng Trung Quốc vẫn sẵn sàng hành động đối đầu nguy hiểm với không quân và hải quân Mỹ trên Biển Đông bởi mục tiêu của Bắc Kinh là tìm mọi biện pháp để “đẩy” ảnh hưởng của Washington ra khỏi khu vực. Tháng 8/2014, một máy bay tiêm kích J-11 của Trung Quốc đã “nhào lộn” xung quanh một máy bay tuần tra biển và săn ngầm P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Chiếc J-11 này có lúc bay cách chiếc P-8 Poseidon khoảng 9m, một khoảng cách quá nguy hiểm. Tháng 5/2015, tàu hộ vệ tên lửa Yancheng (FFG 546) của Trung Quốc đã bám theo tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth (LCS 3) của Hải quân Mỹ khi tàu này đang tuần tra gần quần đảo Trường Sa.Sau khi thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông vào tháng 11/2013, Trung Quốc đang nuôi ý đồ tuyên bố một ADIZ trên Biển Đông.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nước phải tập trung đối phó với “hiểm họa” chết người này thì Trung Quốc lại coi đây là “cơ hội” để tiếp tục có các hành động nhằm gia tăng quyền kiểm soát Biển Đông. Được biết, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, các đối thủ của Mỹ, nhất là Trung Quốc đang lợi dụng tình hình hiện nay trên toàn cầuđể gia tăng các hoạt động. Theo đó, nhiều hoạt động quân sự đã được Trung Quốc triển khai tại Biển Đông, trong đó đáng chú ý là tháng 3/2020, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành tập trận mô phỏng những cuộc đối đầu trực tiếp với máy bay và chiến hạm nước ngoài ở Biển Đôngnhằm chuẩn bị cho “các cuộc đối đầu” trên không và trên biển. Tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của Quân đội Trung Quốc cho biết, cuộc tập trận bao gồm diễn tập tìm kiếm máy bay nước ngoài chưa được xác định với sự hỗ trợ của tàu nổi; đuổi máy bay nước ngoài ra khỏi cái gọi là “không phận” Trung Quốc, thậm chí “bắn chúng bằng tên lửa để ngăn chặn chúng tấn công tàu chiến Trung Quốc”.

Trong khi đó, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, mặc dù số lượng và tần suất hoạt động trinh sát, tình báo và giám sát mà Mỹ thực hiện ở khu vực bờ biển Trung Quốc lên tới hàng trăm lần mỗi năm, nhưng những tháng gần đây, các hoạt động trên có sự gia tăng bất thường. Cụ thể, các máy bay Mỹ đã thực hiện 39 chuyến bay qua Biển Đông, biển Hoa Đông, Hoàng Hải và eo biển Đài Loan, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Đáng nói, trong một động thái hiếm hoi, các máy bay Mỹ đã 2 lần bay vào gần đặc khu hành chính Hong Kong, khu vực nằm ngay sát Trung Hoa đại lục. Hải quân Mỹ cũng đã 4 lần thực hiện sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông trong vòng 4 tháng đầu năm nay, trong khi cả năm 2019 chỉ có 8 lần. Thậm chí, tháng 4/2020, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry và tàu tấn công đổ bộ USS America của Hải quân Mỹ còn diễn tập với một tàu hộ vệ tên lửa của Australia trên Biển Đông, gần khu vực tàu thăm dò dầu khí West Capella của Malaysia hoạt động. Nơi mà trong những tháng gần đây, tàu của Malaysia nhiều lần bị tàu hải quân, hải giám và tàu cá Trung Quốc đe dọa dù đang hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Đầu tháng 5/2020, tàu chiến USS Montgomery và tàu tiếp vận USNS Cesar Chavez thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ cũng đã hoạt động gần tàu thăm dò West Capella của Malaysia. Gần đây nhất, ngày 12/5/2020, tàu tấn công ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) thuộc lớp Independence của Hải quân Mỹ cũng có mặt ở phía nam Biển Đông và gần tàu thăm dò West Capella. 

Như vậy, so với năm 2019, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông nhiều hơn. Tại sao lại như vậy. Trả lời vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng: 1/ Chính những hành động ngang ngược, vô lối, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc từ đầu năm 2020 đến nay đã đe dọa chủ quyền các nước trong khu vực, đe dọa và xâm phạm tới lợi ích của các nước khác ở Biển Đông, trong đó có Mỹ, đã buộc Mỹ phải gia tăng các hoạt động trên để “kiềm chế” Bắc Kinh. 2/ Đây cũng là dấu hiệu cho thấy sự “xuống cấp” cơ bản của mối quan hệ Mỹ – Trung. Ông Shi Yinhong, cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc cho rằng, quan hệ Mỹ – Trung đang rơi vào trạng thái “Chiến tranh Lạnh kiểu mới” trong vài tháng qua. Nói cách khác, căng thẳng ở Biển Đông gần đây chỉ là một phần trong tổng thể mối quan hệ “xuống cấp” giữa hai nước liên quan tới vấn đề thương mại, an ninh mạng, Đài Loan, trật tự thế giới và cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Á. 3/ Tiếp tục thể hiện sự phản ứng của Mỹ trước việc Trung Quốc cố tình “phớt lờ” những yêu cầu trước đó của các nước về việc từ bỏ các hành động ngang ngược và “bành trướng” ở vùng biển chiến lược, như đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý, xây dựng các đảo nhân tạo, quân sự hóa trái phép Biển Đông… Ông Timothy Heath, chuyên gia tại Viện Rand Corporation nhận định, việc Quân đội Mỹ tăng cường hoạt động ở Biển Đông gần đây một phần là do những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết bất đồng giữa hai nước đã thất bại. Điều này buộc Mỹ không còn sự lựa chọn nào khác là phải hành động để chứng minh rằng, Mỹ thực sự nghiêm túc trong việc duy trì vị trí quốc tế của Biển Đông và sẵn sàng thực hiện những cam kết đã đưa ra với các đồng minh. 4/ Động thái này của Mỹ là nhằm duy trì trật tự quốc tế trên Biển Đông. Trong tuyên bố ngày 07/5/2020, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, “Mỹ cam kết duy trì trật tự dựa trên các quy tắc ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền tự do trên biển theo quy định của luật pháp quốc tế” và “Trung Quốc phải chấm dứt hành động bắt nạt các nước Đông Nam Á để độc chiếm dầu mỏ, khí đốt và nguồn cá ở ngoài khơi, bởi hàng triệu người dân trong khu vực đang phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên này để sinh sống”. 5/ Là cách thức “đáp trả” trước việc Trung Quốc tăng cường đe dọa quân sự đối với Đài Loan. Trong mấy tháng qua, máy bay quân sự Trung Quốc đã 6 lần áp sát không phận Đài Loan, buộc Đài Loan phải điều động máy bay chiến đấu ra xua đuổi. Thậm chí, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh còn 2 lần hoạt động sát đảo Đài Loan trong tháng 4/2020. 6/ Động thái trên còn nhằm chứng minh Quân đội Mỹ luôn sẵn sàng hoạt động trong khu vực bất chấp đại dịch Covid-19 khiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt phải cập cảng. Thậm chí, ngày 01/5/2020, Mỹ đã điều 4 máy bay ném bom hạng nặng B-1B cùng hàng trăm binh sĩ tới đảo Guam để tiến hành sứ mệnh “ngăn chặn” Trung Quốc. 7/ Trấn an các đối tác và đồng minh của Mỹ trước các hành động “gây hấn” gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông.

Có một điều là từ trước tới nay, Trung Quốc luôn đổ lỗi cho bên ngoài, nhất là Mỹ là nhân tố chủ yếu gây ra căng thẳng ở Biển Đông. Luận điệu này được các học giả “thân” Trung Quốc “hùa theo” trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc và quốc tế, luôn chỉ trích và đả kích Mỹ. Song thử hỏi, nếu Mỹ là nhân tố chủ yếu gây ra căng thẳng ở Biển Đông, vậy giả sử Mỹ “án binh bất động” ở đây, liệu Trung Quốc có “ngồi im” không? Câu trả lời là không, bởi không giống như những gì Bắc Kinh “rêu rao”, họ sẽ khó mà “nhún nhường” công nhận yêu sách của các nước khác hoặc “cải tà quy chính” đến mức thượng tôn pháp luật, thừa nhận chủ quyền có giới hạn của mình ở Biển Đông. Cho dù Washington có bị các nước ASEAN “quay lưng”, hay tự bản thân Mỹ muốn “bỏ cuộc” thì tham vọng “độc chiếm” Biển Đông của Trung Quốc cũng không hề thay đổi. E rằng khi đó, Trung Quốc sẽ một mình “chọc trời, khuấy nước” mà thôi.

Vậy, Mỹ nên làm gì trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông? Rất nhiều ý kiến của giới chuyên gia đều ủng hộ quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, trong đó sự hiện diện của các nước, các trung tâm quyền lực bên ngoài khu vực, nhất là Mỹ là hợp lý và cần thiết, bởi vì:

Thứ nhất, Biển Đông không chỉ hàm chứa lợi ích chủ quyền của các nướcxung quanh nó, mà còn là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng của thế giới. Trên thực tế, vùng biển nằm ngoài lãnh hải của các quốc gia ven biển, như vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hay vùng biển quốc tế, chứa đựng nhiều quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba, bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản, EU, Ấn Độ hay bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, thậm chí với cả các quốc gia không có biển.Vì vậy, việc Mỹ hay các nước khác tiến hành FONOPs, tập trận hay tuần tra chung nếu không vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) thì không thể nói là can dự phi lý.

Thứ hai, Trung Quốc không thể nói rằng Biển Đông là “lá chắn” an ninh của họ để “độc chiếm” khu vực này. Trên thực tế, nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền hợp pháp, có quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với UNCLOS 1982. Biển Đông vì thế cũng là lợi ích cốt lõi và là “lá chắn” an ninh của họ.Để đảm bảo an ninh chung, các quốc gia trong đó có ASEAN và Trung Quốc phải tuân thủ tuyệt đối “luật chơi” chung, nhất là UNCLOS 1982. Vậy mà đến nay, các sự kiện về Biển Đông, điển hình là phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đều cho thấy, chỉ có Trung Quốc là nước có cách hành xử phi pháp và hung hăng. Nếu vắng Mỹ và các nước khác, Trung Quốc sẽ “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” để mà lấn tới, tiếp tục lấn chiếm các thực thể trên BiểnĐông.

Thứ ba, nếu có một quốc gia cố tình tìm cách chia rẽ ASEAN trong đàm phán COC thì không ai khác mà chính là Trung Quốc chứ không hẳn là Mỹ. UNCLOS 1982 là nền tảng pháp lý quan trọng để ASEAN và Trung Quốc thỏa thuận về cách hành xử ở Biển Đông. SongBắc Kinh từ trước đến nay vẫn muốn chơi trò “chia để trị”, muốn đàm phán riêng lẻ với từng nước nhằm gây áp lực, tạo ưu thế khi đàm phán COC.Gần 20 năm qua, Bắc Kinh luôn tìm cách trì hoãn COC để lấn chiếm, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông; đồng thời, dùng lợi ích kinh tế để lôi kéo Philippines thực hiện ý đồ “gác tranh chấp, cùng khai thác”, thực chất là nhằm biến biển Philippines thành biển của Trung Quốc. Vì vậy, nếu Philippines triển khai “khai thác chung” với Trung Quốc thì đó sẽ là một tiền lệ vô cùng nguy hiểm, kích thích Trung Quốc “được đà lấn tới”, mạnh tay hơn trong đe dọa, bắt nạt các nước khác trong khu vực.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế để “ly gián” các nước ASEAN, đồng thời tăng cường hiện diện các lực lượng, nhất là lực lượng quân sự ở Biển Đông nhằm “ao nhà hóa” vùng biển này, thì sự vắng mặt của Mỹ và các nước khác sẽ khiến các đồng minh như Philippines, Đài Loan và các đối tác ở Biển Đông rơi vào thế “lưỡng nan đối sách”: Hoặc làm theo Philippines và phải tham gia vào cuộc chơi “gác tranh chấp, cùng khai thác” đầy rủi ro; hoặc phải chịu sự đe dọa, bắt nạt theo kiểu đâm chìm tàu cá, quấy rối hoạt động kinh tế biển mà Trung Quốc đã thực hiện như bấy lâu nay. Sẽ không bao giờ có chuyện nếu Mỹ “lùi bước” ở Biển Đông thì Trung Quốc sẽ “cho qua” vùng biển này.

Vì thế, để Biển Đông trở thành khu vực hòa bình, ổn định và phát triển, mãi mãi là nguồn lợi cho cả thế giới thì các nước trong và ngoài khu vực phải đoàn kết, hợp lực, dựa trên các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, cùng nhau kiên quyết, kiên trì đấu tranh để làm thất bại ý đồ của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới