Sunday, May 19, 2024
Trang chủBiển nóngTàu sân bay rời đi song Mỹ vẫn có sức mạnh vượt...

Tàu sân bay rời đi song Mỹ vẫn có sức mạnh vượt trội để ngăn chặn TQ bành trướng ở Biển Đông

Cuối tháng 5/2021, rộ lên các thông tin về việc tàu sân bay USS Ronald Reagan đồn trú tại Nhật Bản sẽ chuyển tới Trung Đông nhằm hỗ trợ lực lượng Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Dư luận lo ngại rằng động thái này có thể tạo ra khoảng trống sức mạnh ở khu vực vào thời điểm Bắc Kinh gia tăng các hành động hung hăng ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Một số chuyên gia phân tích quốc tế còn cho rằng Trung Quốc có thể lợi dụng việc Mỹ quyết định điều tàu sân bay USS Ronald Reagan rời khu vực làm bằng chứng cho tuyên bố của Bắc Kinh rằng Washington không thể duy trì cam kết quân sự của nước này tại châu Á.

 

Tàu USS Ronald Reagan neo đậu tại Yokosuka của Nhật Bản. Đây là tàu sân bay tiền phương duy nhất của Mỹ, đồng thời là khí tài quân sự lớn nhất và uy lực nhất của quân đội Mỹ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Gần đây nhất, vào mùa hè năm ngoái, tàu USS Ronald Reagan và tàu sân bay USS Nimitz cùng hoạt động trong khu vực, đã tham gia tập trận ở Biển Đông. Sau gần một năm hoạt động trên biển, tháng 3/2021, tàu USS Nimitz trở về bang Washington (Mỹ). Đầu năm nay, Mỹ điều tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tham gia tập trận ở Biển Đông và con tàu này đã trở về cảng nhà ở TP San Diego (bang California, Mỹ). Hiện chỉ còn duy nhất tàu sân bay USS Ronald Reagan ở khu vực.
Theo thông tin của hãng CNN, tàu USS Ronald Reagan rời khu vực sang Trung Đông để thay thế tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower vì tàu này cần quay trở về quân cảng để được sửa chữa. Mỹ có kế hoạch duy trì một tàu sân bay tại Vịnh Ba Tư nhằm giúp bảo vệ binh sĩ Mỹ tại Afghanistan ít nhất là cho tới hạn chót rút quân 11/9/2021.

Việc điều tàu USS Ronald Reagan đang đồn trú tại Nhật Bản tới Trung Đông nhằm rút ngắn quãng thời gian di chuyển tới khu vực Tây Thái Bình Dương bởi nếu điều các tàu sân bay từ lục địa Mỹ tới khu vực phải mất 17 ngày. Trong bối cảnh Trung Quốc đã triển khai tàu sân bay Liêu Ninh tại Thanh Đảo và tàu sân bay Sơn Đông tại đảo Hải Nam ở phía bắc Biển Đông, nhất là những tháng gần đây, Trung Quốc liên tiếp gia tăng hiện diện quân sự, liên tiếp tiến hành tập trận ở Biển Đông, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc dội hàng ngàn quả bom vào các mục tiêu hàng hải trên Biển Đông thì việc tàu sân bay USS Ronald Reagan rời khỏi khu vực tạo mối lo ngại chung với các nước là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, tình hình không đến nỗi đáng quan ngại như vậy bởi lẽ Mỹ đã tính toán kỹ sự điều chuyển lực lượng quân sự để không tạo ra “lỗ hổng” trong thế trận quân sự của Mỹ tại khu vực, nhất là khi Mỹ đang nỗ lực cùng các đồng minh và đối tác trong nhóm “Bộ Tứ” thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở; đồng thời, lôi kéo các đồng minh châu Âu như Anh, Pháp tham gia vào “chiến dịch ngăn chặn Trung Quốc”. Sự tính toán của Washington được thể hiện ở một số điểm sau:

Một là, mặc dù vắng bóng tàu sân bay USS Ronald Reagan, nhưng Mỹ vẫn còn đồn trú nhiều khí tài uy lực trong khu vực để có thể duy trì sức mạnh quân sự răn đe Trung Quốc. Các chuyên gia quân sự nhận định tàu sân bay chỉ là một trong các chọn lựa của Mỹ. Ngoài tàu sân bay, Lầu Năm góc còn có oanh tạc cơ chiến lược tầm xa, tàu đổ bộ tấn công, tàu ngầm hạt nhân, tên lửa…. Mỹ vẫn có sức mạnh quân sự vượt trội so với Trung Quốc; hai tàu sân bay của Trung Quốc mới chỉ là công cụ diễn tập, chưa thể tham gia tác chiến thực sự. Mặt khác, trong cần thiết thì Washington vẫn có thể điều động khẩn cấp tàu sân bay từ nơi khác đến.

Trước mắt, tàu tấn công đổ bộ của Mỹ mang theo tiêm kích F-35n có thể tạm thời lấp chỗ trống của tàu sân bay USS Ronald Reagan. Thời gian qua, Mỹ đã nâng cấp các lớp tàu đổ bộ tấn công America và Wasp cho phép mang theo chiến đấu cơ tàng hình F-35 phiên bản cất cánh đường băng ngắn, hạ cánh thẳng đứng.  Nhờ đó, các tàu tấn công đổ bộ có thể hoạt động tác chiến như tàu sân bay. Hiện nay, tàu tấn công đổ bộ USS America đang đồn trú tại Nhật Bản, nên dù tàu USS Ronald Reagan rút đi thì về bản chất, Mỹ vẫn duy trì sức mạnh tàu sân bay ở khu vực.

Tháng 3/2020, Washington đã từng triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến viễn chinh USS America hoạt động ở Biển Đông. Trong đó, nhóm tác chiến viễn chinh được dẫn đầu bằng tàu đổ bộ tấn công USS America thuộc lớp America. Tháng 4/2021, Mỹ cùng lúc điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Makin Island đến Biển Đông. Các chuyên gia quân sự cho rằng đây có thể là bước tập dượt cho những tính toán của Mỹ trong việc sử dụng tàu tấn công đổ bộ thay thế tàu sân bay khi cần thiết. Việc điều tàu đổ bộ tấn công đến diễn tập ở Biển Đông là nằm trong tính toán của Washington cho những tình huống cần thiết phải ứng phó. Hoạt động của tàu tấn công đổ bộ có thể chưa bằng tàu sân bay, song nó chuyển tới Bắc Kinh lời cảnh cáo “đừng có coi thường sức mạnh hải quân Mỹ” và “Mỹ luôn đủ lực lượng sẵn sàng ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực”.

Hai là, ngoài tàu hải quân, Mỹ còn có tàu tác chiến cận bờ của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ hoạt động ở Tây Thái Bình Dương. Trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng các hoạt động hung hăng bắt nạt các nước nhỏ ven Biển Đông, từ cuối năm 2019, Mỹ đã điều 2 tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords và USS Montgomery đến neo đậu thường xuyên tại quân cảng Changi của Singapore theo thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Singapore đã được gia hạn 15 năm vào tháng 9/2019 để trực chiến khu vực Biển Đông.

Tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords và USS Montgomery thuộc lớp tàu Independence, có lượng giãn nước hơn 3.100 tấn, chiều dài khoảng 115 m và bán kính hoạt động từ 1.100 – 1.700 km. Tàu có tốc độ tối đa gần 90 km/giờ và được trang bị 8 tên lửa tấn công trên biển (NSM) trước khi đến hoạt động ở Biển Đông. Các tàu này đã được biên chế vào Hạm đội 7 của hải quân Mỹ để phối hợp cùng với các tàu hải quân duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông.
Phát biểu về hoạt động của các tàu tác chiến cận bờ của Mỹ ở Biển Đông tại một hội thảo về công nghệ thủy lôi quốc tế hôm 27/5/2021, Phó Đô đốc Bill Merz – Chỉ huy Hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ khẳng định tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords “đã kiểm soát Biển Đông tương đối tốt” và “ngăn cản mọi hoạt động của Trung Quốc” ở khu vực. Ông Bill Merz nhấn mạnh tàu USS Gabrielle Giffords đã kiểm soát khá nhiều phía Nam Biển Đông khi tàu sân bay Theodore Roosevelt dừng ra khơi vì Covid-19. USS Gabrielle Giffords hiện diện và thực hiện công việc khá ấn tượng ở đó là “xua đuổi, phá các hoạt động của Trung Quốc”.

Trên thực tế, tháng 01/2020, tàu tác chiến cận bờ USS Montgomery đã  lần đầu tiên thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) gần các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Tháng 5/2020, hai tàu tác chiến cận bờ USS Montgomery và USS Gabrielle Giffords đã liên tiếp hoạt động ở phía Nam Biển Đông, gần khu vực tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 và các tàu hải cảnh của Trung Quốc đang quấy phá tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella do công ty dầu khí Petronas của Malaysia vận hành.

Theo một số nguồn tin quân sự, hải quân Trung Quốc đặc biệt chú ý đến các tàu tác chiến cận bờ USS Montgomery và USS Gabrielle Giffords khi chúng hoạt động ở Biển Đông. Khi một tàu khu trục Mỹ hoạt động ở Biển Đông thì hải quân Trung Quốc thường cho một chiến hạm bám đuôi; nhưng khi hai tàu tác chiến cận bờ USS Montgomery và USS Gabrielle Giffords hiện diện ở vùng biển này thì có tới 3 tàu chiến Trung Quốc theo dõi. Như vậy, các tàu tác chiến cận bờ của Mỹ hoàn toàn có thể tạo răn đe đối với Trung Quốc, ngăn chặn Trung Quốc hoành hành ở Biển Đông khi vắng bóng tàu sân bay ở khu vực.

Phó Đô đốc Bill Merz cho biết hiện có hai tàu tác chiến cận bờ Mỹ được triển khai hoạt động ở Tây Thái Bình Dương. Con số này dự kiến tăng lên 4 vào cuối năm nay và tăng lên 8 vào cuối năm 2022. Theo một số nguồn tin, ngày 10/6/2021, tàu tác chiến cận bờ USS Charleston (LCS 18) của Mỹ đã tiến vào Biển Đông thông qua eo biển Verde Island. Một số nhà quan sát cho rằng đây có thể là một động thái chuẩn bị cho việc tàu sân bay USS Ronald Reagan rời khu vực tới Trung Đông.

Ba là, không quân Mỹ luôn đóng một vai trò quan trọng trong kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc ở khu vực, bao gồm Biển Đông. Từ năm 2020, Washington bắt đầu thể hiện sách lược đối phó khẩn cấp và khó đoán bằng cách điều oanh tạc cơ chiến lược B-1 Lancer từ lục địa Mỹ bay trực chỉ đến Biển Đông và một số vùng biển ở châu Á – Thái Bình Dương. Cuối năm 2020, không quân Mỹ đã điều động oanh tạc cơ B-1 Lancer xuất kích từ căn cứ Andersen trên đảo Guam bay đến Biển Đông tham gia cuộc tập luyện với 2 chiến đấu cơ F-22 thế hệ 5 nhằm tăng khả năng tác chiến của không quân.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây Lầu Năm góc cũng thường xuyên điều động nhiều oanh tạc cơ chiến lược như B-1 Lancer, B-2 Spirit và B-52 đến các căn cứ ở Ấn Độ Dương, Nhật Bản và đảo Guam, tạo nên thế trận hỏa lực bao trùm cả Biển Đông. Hiện diện tại các căn cứ kể trên thậm chí nhiều lúc còn có cả máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình F-22, F-35. Chính vì thế, không quân Mỹ luôn tạo ra sức mạnh răn đe lớn tại các vùng biển trong khu vực, trong đó có Biển Đông. Chắc chắn không quân Mỹ sẽ triển khai các oanh tạc cơ hoạt động ở Biển Đông trong thời gian tàu sân bay USS Ronald Reagan vắng mặt ở khu vực.

Nhiều chuyên gia quân sự nhận định rằng, quan điểm quân sự của Lầu Năm góc là kết hợp chặt chẽ giữa không quân và hải quân để tạo nên sức mạnh vượt trội của quân đội Mỹ. Bản thân giới quân sự hiếu chiến của Trung Quốc cũng tự nhận thấy, Trung Quốc chưa đủ sức để hoành hành lấn lướt Mỹ khi vắng bóng tàu sân bay Mỹ ở khu vực.

Ngoài ra, có một điều rất quan trọng là trong thời gian tàu sân bay Mỹ vắng mặt ở Tây Thái Bình Dương thì sẽ có tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh hiện diện ở khu vực. Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã xuất phát từ hôm 22/5/2021 và đang trên đường tới khu vực. Đáng chú ý là hộ tống tàu sân bay HMS Queen Elizabeth có 01 tàu khu trục của Mỹ, trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth còn có 10 máy bay phản lực F35-B của Mỹ và 250 thành viên thuộc lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ, điều này thể hiện rõ sự phối hợp giữa hải quân Mỹ và Anh. Giới quan sát cho rằng việc tàu HMS Queen Elizabeth đến Thái Bình Dương khi tàu USS Ronald Reagan rời khu vực là “sự thay thế hoàn hảo” để không tạo ra “khoảng trống răn đe” của tàu sân bay Mỹ ở khu vực.

Các nhà phân tích cho rằng Anh luôn được coi là đồng minh thân cận nhất của Mỹ, đã từng cùng Mỹ tham gia vào nhiều chiến dịch quân sự của Mỹ ở Iraq, Syria, Afghanistan nên việc tàu HMS Queen Elizabeth hiện diện ở khu vực và Biển Đông trong thời gian vắng mặt tàu sân bay Mỹ không chỉ là sự thay thế đơn thuần mà nó còn mang nhiều ý nghĩa to lớn hơn, thể hiện sự sát cánh, đồng hành của các đồng minh châu Âu của Mỹ trong việc ngăn chặn sự hung hăng, bành trước của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực. Đồng thời, cho thấy tính hiệu quả của chính quyền Tổng thống Biden trong việc thắt chặt quan hệ và khuyến khích các đồng minh trong các vấn đề khu vực, trong đó có Biển Đông.

Từ những phân tích trên có thể thấy việc Washington điều chuyển tàu sân bay USS Ronald Reagan rời khu vực sang Trung Đông không đồng nghĩa sức mạnh quân sự của Mỹ sẽ giảm ở khu vực và ảnh hưởng gì đến an ninh khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng. Dù vắng mặt tàu sân bay Mỹ ở khu vực, song Washington đã có những tính toán để duy trì sức mạnh quân sự, đồng thời có sự phối hợp nhịp nhàng với các đồng minh trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới