Sunday, April 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếHoạt động kỷ niệm 5 năm Phán quyết của Tòa Trọng tài...

Hoạt động kỷ niệm 5 năm Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye diễn ra sôi nổi

5 năm trước đây, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 đã ra Phán quyết lịch sử về các vấn đề liên quan đến giải thích và áp dụng tranh chấp cho các tranh chấp ở Biển Đông. Trong 5 năm qua, Trung Quốc không những không thực thi Phán quyết mà lại còn trở nên hung hăng hơn ở Biển Đông như đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, tăng cường tập trận ở Biển Đông, thường xuyên cho tàu đe dọa, uy hiếp, ngăn cản hoạt động dầu khí hợp pháp của các nước ven Biển Đông…

Toà trọng tài thường trực PCA công bố phán quyết về Biển Đông, năm 2016.

Nhân 5 năm ngày Tòa Trọng tài ra Phán quyết nhiều hoạt động sôi động trên khắp các châu lục đã diễn ra để khẳng định lại giá trị của Phán quyết như một nền tảng cho trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông.

1. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hôm 9/7/2021, Viện Á-Phi thuộc Đại học Hamburg của Đức đã tổ chức hội thảo trực tuyến kỷ niệm sự kiện lịch sử này. Các ý kiến của các chuyên gia tham dự hội thảo đánh giá cao giá trị Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye; nhấn mạnh Phán quyết là cơ sở pháp lý quan trọng trong giải quyết vấn đề Biển Đông và các bên liên quan cần tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài.

Chủ trì hội thảo, Giáo sư Thomas Engelbert (Đại học Hamburg, Đức) phê phán mạnh mẽ những hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế, gây tình hình căng thẳng trên Biển Đông kể từ sau khi Phán quyết 12/7/2016 ra đời. Điều này khiến các nước Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức, Nhật… đưa ra các tuyên bố chính thức bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, yêu cầu Bắc Kinh thực thi Phán quyết. Mặt khác, các nước này đưa tàu chiến đến hoạt động hay diễn tập trên Biển Đông nhằm bảo vệ tự do, an ninh hành hải theo luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Giáo sư Suzette Suarez (Đại học Khoa học ứng dụng Bremen, Đức) khẳng định, Phán quyết của Tòa Trọng tài là văn bản pháp lý có giá trị quốc tế cao và có vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp cũng như phân định giới hạn bên ngoài của thềm lục địa ở Biển Đông. Việc phân định các giới hạn của thềm lục địa là thủ tục ràng buộc và bắt buộc trong UNCLOS. Theo luật pháp quốc tế và Phán quyết của Tòa Trọng tài, yêu sách “đường 9 đoạn” cũng như các yêu sách chủ quyền khác trên Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố là hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

2. Nếu như trước đây các nước Đông Âu ít đề cập đến Phán quyết của Tòa Trọng tài thì nhân kỷ niệm 5 năm ngày ra Phán quyết, giới chuyên gia học giả Nga, Ukraine… đã lên tiếng mạnh mẽ khẳng định giá trị Phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài.

– Ông Sergei Tolstov, Giám đốc Viện phân tích chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Kiev có bài phân tích đăng trên báo Porady của giới luật sư Ukraine hôm 9/7/2021, đánh giá cao ý nghĩa Phán quyết và luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông; nhấn mạnh Tòa Trọng tài đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định “quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên ở Biển Đông trong phạm vi “đường 9 đoạn”. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh không thể nêu yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trong khu vực quần đảo Trường Sa, cũng như không có “quyền lịch sử” để tuyên bố quyền chủ quyền đối với hoạt động khai thác tài nguyên ở Biển Đông.

Tác giả Tolstov cho rằng Phán quyết của Tòa Trọng tài sau 5 năm “đã cho thấy sự công bằng và cơ sở pháp lý”; bày tỏ quan ngại những hành động đơn phương không tuân thủ luật pháp đã gây ra tình trạng bất ổn về an ninh trong khu vực nhấn mạnh nghĩa vụ của các bên trong khuôn khổ UNCLOS 1982; cho rằng “các bên cần chấp hành nguyên tắc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tự nguyện tuân thủ UNCLOS và Phán quyết của Tòa Trọng tài”.

–  Hai Tiến sỹ Alexander Korolev và Irina Strelnikova thuộc Trường Kinh tế cao cấp (Nga) có bài viết với tiêu đề “5 năm Phán quyết Toà Trọng tài về Biển Đông: Nơi giao thoa của địa chính trị và luật pháp quốc tế” đăng trên trang tin của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) ngày 01/7/2021.

Các tác giả trích dẫn Phán quyết cho rằng, các yêu sách của Trung Quốc đối với “quyền lịch sử” và quyền tài phán của nước này đối với các khu vực biển ở Biển Đông là trái với UNCLOS 1982 và vượt quá ranh giới địa lý và thực chất các quyền của Trung Quốc; khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa các bên ở Biển Đông, UNCLOS có tính ràng buộc pháp lý cao nhất đối với tất cả các bên ký kết, cũng như vai trò của Phán quyết mà Tòa trọng tài đã đưa ra 5 năm trước; nhấn mạnh các lý lẽ Trung Quốc sử dụng không được phản ánh trong các quy tắc của luật pháp quốc tế và do đó, không thể được coi là lý do bào chữa cho việc không thi hành quyết định của Tòa Trọng tài.

3. Là nước khởi kiện Trung Quốc về Biển Đông, Philippines có những tuyên bố mạnh mẽ để kỷ niệm thắng lợi lịch sử này. Chính phủ nhiều nước lên tiếng ủng hộ Phán quyết, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật nhân kỷ niệm 5 năm Phán quyết của Tòa Trọng tài.

“Vỡ mộng” sau 5 năm “xoay trục” sang Trung Quốc, Philippines quay sang khẳng định giá trị pháp lý của Phán quyết 12/7/2016, không để thắng lợi này bị sao nhãng. Trong một tuyên bố được phát đi đúng vào ngày 12/7/2021, Phó Tổng thống Philippines – bà Leni Robredo khẳng định Phán quyết là một phần xác định của luật quốc tế, không thể bị “xóa bỏ” hoặc “phủ nhận”; việc Philippines “đưa vụ việc ra trước Tòa – đứng lên bảo vệ điều đúng đắn, chống lại sức mạnh kinh tế và quân sự của một cường quốc thế giới – đã mang lại sự ngưỡng mộ và tôn trọng của toàn thế giới” cho Philippines. Mặt khác, bà Leni Robredo thừa nhận rằng chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn chưa tận dụng hết sức mạnh của Phán quyết Biển Đông để theo đuổi lợi ích quốc gia, đã không thể viện dẫn Phán quyết bằng những thuật ngữ đủ mạnh trong những diễn đàn quan trọng nhất; Phán quyết chưa giúp bảo vệ được sinh kế của ngư dân Philippines, chưa trừng phạt được “những kẻ bắt nạt đi vào vùng biển của chúng ta (Philippines)”, chưa giúp nắm bắt được “giấc mơ về kiến trúc khu vực được lập dựa trên sự tôn trọng và thịnh vượng của nhau”. Trước đó, ngày 25/6/2021, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã khẳng định rằng Phán quyết đã và sẽ tiếp tục là hòn đá tảng trong luật quốc tế và có giá trị với cả các nước có cùng các thực thể biển có vấn đề như Philippines.

Một ngày trước lễ kỷ niệm 5 năm Phán quyết, hôm 11/7/2021, Bộ Ngoại giao Mỹ ra Thông cáo báo chí nhân dịp 5 năm Tòa Trọng tài ra Phán quyết; nhấn mạnh không có nơi nào trên thế giới trật tự hàng hải dựa trên luật pháp lại đang bị đe dọa lớn hơn ở Biển Đông. Trung Quốc đang tiếp tục đè nén và hăm dọa các nước Đông Nam Á ở Biển Đông, đe dọa tự do hàng hải ở tuyến đường thủy quốc tế trọng yếu này; kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của nước này với luật pháp quốc tế, ngừng lối hành xử gây hấn, đồng thời có những bước đi nhằm bảo đảm với cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc tôn trọng trật tự hàng hải dựa trên luật pháp, tôn trọng các quyền của mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ. Trong một thông điệp riêng đăng tải trên Twitter cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác trong việc bảo vệ các quyền trên biển và vì sự tự do của vùng biển này.

Ngày 12/7/2021, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi ra Tuyên bố, khẳng định Phán quyết của Tòa Trọng tài là cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý đối với các bên tranh chấp theo các quy định của UNCLOS 1982, các bên liên quan cần phải tuân thủ Phán quyết; nhấn mạnh Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận Phán quyết là đi ngược lại nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS và làm suy yếu pháp quyền như một giá trị cơ bản của cộng đồng quốc tế; tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ đối với những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức. Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp với ASEAN và các nước liên quan để duy trì và củng cố trật tự hàng hải dựa trên pháp quyền và hiện thực hóa một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Cũng trong ngày 12/7/2021, Bộ Ngoại giao Canada ra tuyên bố nhân 5 năm ngày Tòa Trọng tài ra Phán quyết về Biển Đông; nhấn mạnh Phán quyết là “cột mốc ý nghĩa và cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình tranh chấp tại Biển Đông”; tái khẳng định sự cần thiết của việc tất cả các bên liên quan phải tuân thủ Phán quyết này”; ủng hộ các quyền thương mại, hàng hải và hàng không, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán của các nước ven Biển Đông, được thực hiện theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; nhấn mạnh: “Canada nỗ lực bảo vệ và khôi phục trật tự quốc tế hiệu quả dựa trên luật định, bao gồm cả đối với các vùng biển và đại dương, cũng như nỗ lực đạt được giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Trong tuyên bố đưa ra tối 12/7, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne khẳng định Phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông cách đây 5 năm phù hợp với UNCLOS 1982; nhấn mạnh Tòa đã đưa ra Phán quyết rõ ràng yêu sách của Trung Quốc về “quyền lịch sử” hoặc “quyền và lợi ích hàng hải” được thiết lập trong “quá trình lịch sử lâu dài ở Biển Đông” là không phù hợp với UNCLOS và vì vậy không có giá trị. Chính phủ Úc đã liên tục kêu gọi các bên tham gia tuân theo Phán quyết của Tòa vì đây là quyết định cuối cùng và có giá trị ràng buộc với cả Trung Quốc và Philippines. Đồng thời, bà Marise Payne khẳng định UNCLOS là văn bản đặt ra khuôn khổ pháp lý mà mọi hoạt động trên biển và trên đại dương cần phải tuân theo. Nó bao gồm các quy tắc rõ ràng áp dụng cho tất cả các quốc gia có yêu sách hàng hải, việc sử dụng hợp pháp các không gian hàng hải bao gồm quyền tự do hàng hải, hàng không và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Ngày 12/7/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Hà Nội luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Về mặt pháp lý, một số quốc gia ngoài khu vực như Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Anh, Nhật đã đệ trình các văn bản lên Liên hợp quốc để phản đối hành động và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, kêu gọi thực thi Phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài. Về mặt ngoại giao, Nhật Bản, Mỹ và diễn đàn đa phương của EU và G-7 đều đã chỉ trích các hành vi Trung Quốc ở Biển Đông trong các tuyên bố và thông cáo chung. Hà Nội ủng hộ tiến trình ngoại giao và pháp lý là để tranh thủ nỗ lực của các nước này trong việc duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông, bao gồm việc tuân thủ Phán quyết 2016 của Tòa Trọng tài.

So với trước đây, kỷ niệm ngày Tòa Trọng tài ra Phán quyết về Biển Đông diễn ra sôi nổi hơn. Không chỉ giới chuyên gia, học giả mà cả chính phủ nhiều nước đã lên tiếng mạnh mẽ đề cao giá trị của Phán quyết. Giới quan sát cho rằng lý do của hiện tượng này là năm nay là “kỷ niệm năm chẵn (5 năm)” ngày Phán quyết ra đời, song nguyên nhân chính là do những hành động hung hăng ngày càng leo thang của Bắc Kinh gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông đã kiến cả cộng đồng quốc tế phải lên tiếng để bảo vệ trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông với nền tảng là UNCLOS và Phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài. Sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó có chính phủ nhiều nước đã tạo sức ép lớn đối với giới cầm quyền Bắc Kinh. Truyền thông Trung Quốc vốn rất “to mồm” cũng im lặng trước sự kiện lịch sử này. Điều này thể hiện sự đơn độc và thất thế của Bắc Kinh trên vấn đề pháp lý ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới