Friday, April 26, 2024
Trang chủQuân sựHải quân các nướcCuộc chiến dưới mặt nước Mỹ - Trung ở Biển Đông

Cuộc chiến dưới mặt nước Mỹ – Trung ở Biển Đông

Ngày 07/10/2021, Hải quân Mỹ thông báo tàu ngầm tấn công nhanh lớp Seawolf (Sói biển) USS Connecticut (SSN 22) đã va phải một vật thể trong lúc lặn vào chiều ngày 2/10, khi đang hoạt động tại vùng biển quốc tế ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Không có thương tích đe dọa đến tính mạng của thủy thủ đoàn. Theo Hải quân Mỹ, tàu ngầm vẫn an toàn và ổn định, mức độ thiệt hại đang được đánh giá. Mỹ cũng không yêu cầu hỗ trợ từ lực lượng nào.

Trang USNI News dẫn lời một quan chức quốc phòng cho hay sự cố xảy ra ở Biển Đông và có 11 thủy thủ bị thương nhẹ. Tàu ngầm đã nổi lên trên đường trở về đảo Guam. Tờ The Washington Post dẫn lời một quan chức hải quân cho biết họ tin rằng con tàu có thể đã va chạm với một vật thể bất động, chẳng hạn như một con tàu đắm hoặc container nhưng không cho rằng Trung Quốc đã gây ra vụ va chạm.

Seawolf (Sói biển) USS Connecticut (SSN 22) đã va phải một vật thể trong lúc lặn vào chiều ngày 2/10

Sự cố này xảy ra ngay trong thời điểm có nhiều hoạt động quân sự diễn ra ở khu vực, khi Trung Quốc triển khai số lượng kỷ lục máy bay quân sự đến khu vực Tây Nam Đài Loan và ba nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ và Anh tiến hành tập trận ở phía Đông eo Ba Sỹ.

Ngay lập tức, Trung Quốc lợi dụng vụ tai nạn của tàu ngầm USS Connecticut để công kích Mỹ. Ngày 08/10 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lên tiếng đổ lỗi vụ tai nạn xảy ra do Mỹ triển khai hải quân ở Biển Đông dưới tuyên bố hoạt động tự do hàng hải, vu cáo Mỹ “liên tục gây rối” ở Biển Đông; cáo buộc “đây là nguyên nhân gốc rễ của vụ tai nạn và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cũng như nguy cơ lớn đối với hòa bình và sự ổn định khu vực”.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 11/10, ông Triệu Lập Kiên còn lớn tiếng cáo buộc “phía Mỹ thật vô trách nhiệm và thiếu minh bạch khi cố tình trì hoãn và che giấu các chi tiết về vụ tai nạn” và cho rằng “Mỹ nên giải thích chính xác nơi xảy ra vụ tai nạn tàu ngầm, liệu nó có gây ra một vụ rò rỉ hạt nhân hay ô nhiễm môi trường hay không, và liệu nó có ảnh hưởng đến an toàn hàng hải và đánh bắt cá hay không”. Giới chuyên gia quân sự cho rằng việc “giữ im lặng” của Mỹ về địa điểm xảy ra sự cố và thông báo của Hải quân Mỹ được đưa ra cùng với việc tàu USS Connecticut nổi lên mặt nước khi về gần tới đảo Guam là điều dễ hiểu bởi vì Hải quân Mỹ muốn tránh bị đeo bám dòm ngó, “chọc phá”. Trước đây, Nga đã trì hoãn loan báo tàu ngầm hạt nhân Kursk bị nạn hồi năm 2000; hay vụ tàu ngầm 361 của Hải quân Trung Quốc gặp nạn hôm 16/4/2003 khi đang huấn luyện trong vùng biển Hoàng Hải thì tới hơn 3 tuần sau (tức ngày 8/5/2003), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới loan tin trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Tàu đã gặp nạn do hỏng hóc cơ khí”.

Phản pháo lại lời cáo buộc Washington che giấu sự thật vụ việc của tàu ngầm USS Connecticut va chạm tại Biển Đông của Bắc Kinh, ngày 12/10 Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby trả lời trong cuộc họp báo: “Thật kỳ lạ khi bạn muốn che đậy điều gì đó, bạn lại ra thông cáo báo chí về nó”. Trên thực tế, hôm 07/10 Hải quân Mỹ đã chủ động ra thông cáo về tai nạn của tàu ngầm USS Connecticut, khẳng định lò phản ứng hạt nhân và không gian bên trong tàu đang hoạt động “đủ công năng và không bị ảnh hưởng”; tàu ngầm USS Connecticut ở trong tình trạng “an toàn và ổn định” và Hải quân Mỹ đã mở cuộc điều tra về vụ việc.

Giới quan sát nhận định việc tranh cãi giữa Bắc Kinh và Washington xung quanh vụ tai nạn của tàu ngầm USS Connecticut ở Biển Đông không đơn thuần là những chỉ trích mang tính ngoại giao giữa hai bên mà nó chứa đựng hàm ý sâu xa hơn liên quan đến cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở Biển Đông, trong đó cuộc chạy đua dưới mặt nước là một phần quan trọng, thể hiện ở một số điểm sau:

Thứ nhất, từ năm 2000, Trung Quốc đã triển khai xây dựng một căn cứ tàu ngầm khổng lồ nhằm phục vụ mưu đồ khống chế, độc chiếm Biển Đông để vượt qua chuỗi đảo thứ nhất (chạy từ Nhật Bản, qua Đài Loan, Philippines) thực hiện tham vọng cường quốc biển.

Căn cứ Hải quân Du Lâm của Trung Quốc trên đảo Hải Nam là nơi có hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân của Trung Quốc – xương sống của lực lượng răn đe tấn công – cũng như các tàu ngầm khác. Căn cứ Du Lâm thu hút sự quan tâm của tình báo nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, vì có một hang động bí ẩn được xây dựng bên dưới sườn núi phía Nam của cảng chính.

Do Trung Quốc âm thầm phát triển căn cứ này với một tốc độ rất nhanh nên thời gian đầu ít người biết về nó. Chỉ đến khi những hình ảnh vệ tinh về hoạt động của căn cứ hải quân này được phanh phui trên các trang mạng, dư luận mới quan tâm nhiều. Ông Drew Thompson, cựu quan chức của Bộ quốc phòng Mỹ nhận định: “Không có gì bất thường đối với một căn cứ ngầm khi Bắc Kinh thường dùng cách này để che giấu rất nhiều khí tài quân sự của mình từ tàu ngầm cho đến các hệ thống tên lửa. Người Trung Quốc có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các công trình ngầm. Nó phù hợp với văn hóa chiến lược của họ”.

Thứ hai, nhằm giành ưu thế trong các tranh chấp ở Biển Đông, nhất là tạo sức răn đe hạt nhân và khả năng tấn công của Trung Quốc, trong những năm qua Bắc Kinh đã đầu tư nhiều tiền của vào việc phát triển các hạm đội tàu ngầm quy mô lớn và cải thiện chất lượng tác chiến của chúng.

Một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2020 cho biết, Hải quân Trung Quốc hiện đang biên chế 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy năng lượng hạt nhân (SSBN) Type 094A, 6 tàu ngầm tấn công chạy năng lượng hạt nhân (SSN) Type 093 và 50 tàu ngầm tấn công chạy diesel. Tàu Type 095 SSN và Type 096 SSBN hiện đang trong quá trình chế tạo. Hồi tháng 4/2021, Trung Quốc đưa thêm 1 tàu Type 094A nữa vào hoạt động.
Trong thời gian qua, các tàu ngầm của Trung Quốc, bao gồm các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đã xuất phát từ căn cứ Du Lâm hoạt động ở Biển Đông ngày càng nhiều, thậm chí đã tiến hành diễn tập với các tàu chiến và tàu sân bay Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này khiến Mỹ ngày càng lo ngại và đã thường xuyên triển khai các máy bay săn ngầm hoạt động ở Biển Đông để giám sát hoạt động dưới lòng đại dương của Trung Quốc.

Thứ ba, Việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông và xây dựng năng lực răn đe hạt nhân, nhất là việc Trung Quốc biến Du Lâm ở đảo Hải Nam thành một căn cứ hải quân và tàu ngầm khổng lồ, đồng thời đẩy mạnh hoạt động của tàu ngầm hạt nhân ở ở Biển Đông đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải ở khu vực, thách thức lợi ích quốc gia của Mỹ. Điều này khiến cho cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ diễn ra trên mặt nước mà còn là cuộc đua ngầm dưới nước.

Giới chuyên gia quân sự nhận định Trung Quốc chính là nguyên nhân kích hoạt cuộc chiến dưới nước Mỹ – Trung ở Biển Đông. Trên thực tế, tàu ngầm hạt nhân đã được Lầu Năm Góc triển khai tới hoạt động ở Biển Đông từ lâu nhằm ứng phó với sự bành trướng tàu ngầm của Trung Quốc. Lâu nay, các hoạt động của lực lượng tàu ngầm Mỹ hầu như không được đưa tin công khai nên rất khó nhận biết. Hoạt động của tàu ngầm USS Connecticut chỉ là một phần rất nhỏ trong các hoạt động dưới mặt nước của Mỹ ở Biển Đông.

Việc Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ chủ động ra thông cáo báo chí về vụ tai nạn của tàu ngầm USS Connecticut ở một khía cạnh nào đó cũng là nhằm công khai hóa sự hiện diện của lực lượng tàu ngầm Mỹ ở Biển Đông; khẳng định rằng Biển Đông là “địa bàn” hoạt động không chỉ của các chiến hạm trên mặt nước mà còn của tàu ngầm Mỹ theo luật pháp quốc tế. Theo UNCLOS 1982, tàu ngầm có quyền hoạt động dưới nước ở bất cứ vùng biển nào bên ngoài phạm vi lãnh hải 12 hải lý của các quốc gia ven biển.

Thứ tư, trước khi vụ tai nạn của tàu ngầm USS Connecticut xảy ra không lâu, hôm 15/9 Mỹ, Anh, Úc thông báo thành lập liên minh AUKUS xoay quanh việc đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc. Động thái này được giới chuyên gia nhìn nhận là một trở lực giúp ngăn cản Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự trong khu vực. Trung Quốc đã và đang chỉ trích hiệp định này là “cực kỳ vô trách nhiệm”, đồng thời nói rằng AUKUS “đe dọa nghiêm trọng hòa bình khu vực và làm gia tăng chạy đua quân sự”. Đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhanh chóng lên tiếng phản đối.

Phản ứng mạnh mẽ trên cho thấy Bắc Kinh thực sự lo ngại về sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân của Mỹ ở Biển Đông cũng như việc thành lập liên minh AUKUS, phát triển đội tàu hạt nhân của Úc để có thể hoạt động dài ngày hơn ở Biển Đông. Đây là nguyên nhân vì sao Bắc Kinh đang tìm cách thổi phồng “nguy cơ hạt nhân” sau vụ tai nạn của tàu ngầm USS Connecticut để chỉ trích Mỹ và chia rẽ Mỹ với các nước trong khu vực.

Cuộc chiến dưới mặt nước không chỉ nóng lên ở Biển Đông mà còn đang diễn ra cả ở biển Hoa Đông khi hôm 10/9/2021, Hải quân Nhật Bản phát hiện một tàu ngầm được cho là của Trung Quốc tại khu vực các đảo phía Nam Nhật Bản, di chuyển theo hướng Tây Bắc ngay ngoài lãnh hải Nhật Bản, gần đảo Amami Oshima thuộc tỉnh Kagoshima. Giới quân sự cho rằng nếu ở khu vực biển Nhật Bản, Hải quân Nhật đủ năng lực phát hiện và giải quyết mối đe dọa của tàu ngầm Trung Quốc, thì ở Biển Đông, các nước ven bờ không có được năng lực như vậy. Nếu không có lực lượng Hải quân, bao gồm tàu ngầm Mỹ cùng một số nước khác tham gia các hoạt động theo tinh thần tự do hàng hải (FONOP) thì tàu ngầm Trung Quốc coi như “một mình một chợ”.

Biển Đông có địa hình khá phức tạp, không ổn định, là môi trường tàu ngầm rất khó hoạt động. Những vụ tai nạn trước đây thường hiếm khi xảy ra do mật độ hoạt động của tàu ngầm rất hạn chế, nhưng hiện nay đang trở nên phổ biến, khả năng xảy ra các sự cố ngày càng tăng do tàu ngầm xuất hiện ngày một nhiều ở Biển Đông nhất là sau khi Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông không chỉ ở trên mặt nước mà còn cả dưới mặt nước. Cuộc chiến dưới mặt nước giữa Mỹ – Trung ở Biển Đông khiến cho các cơn sóng ngầm rất khó kiểm soát, có thể dẫn đến những rủi ro lớn cho các nước ven Biển Đông. Song nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có sự hiện diện của Mỹ và các đồng minh của Mỹ cả ở trên mặt nước lẫn dưới ngầm ở Biển Đông thì Bắc Kinh sẽ càng hung hăng hơn, do vậy sự hiện diện của Mỹ và các nước ngoài khu vực là yếu tố cần thiết để kiềm chế, ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh.

Thực Nguyễn

RELATED ARTICLES

Tin mới