Căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc ở Biển Đông leo thang từ đầu tháng 7/2021, khi các tàu của Trung Quốc quấy nhiễu, uy hiếp hoạt động của giàn khoan Noble Clyde Boudreaux do Indonesia thuê khoan thăm dò dầu khí ở mỏ Cá Ngừ nằm ở phía Bắc quần đảo Natuna, cách ranh giới Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia khoảng 10 km mà phía Trung Quốc cho rằng nằm bên trong yêu sách “Đường 9 đoạn” họ tự tuyên bố ở Biển Đông.
Lấy cớ trả đũa hành động của Indonesia, một tàu khảo sát Trung Quốc được 2 tàu hải cảnh hộ tống đã tiến hành khảo sát trái phép trong EEZ và thềm lục địa của Indonesia, cách khu vực giàn khoan Noble Clyde Boudreaux không xa từ cuối tháng 8/2021. Những hoạt động của Trung Quốc đã khiến Jakarta gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh; hải quân và Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia phải điều tàu ra để giám sát và bảo vệ; các tàu sân bay của Mỹ rồi HMS Queen Elizabeth của Anh đã lần lượt xuất hiện ở khu vực này. Những động thái này làm cho tình hình Biển Đông càng thêm căng thẳng.
Từ những động thái của các bên liên quan đến những căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc xung quanh vấn đề biển ở khu vực Bắc quần đảo Natuna, giới quan sát đưa ra một số dự báo về căng thẳng giữa Indonesia ở khu vực này:
Thứ nhất, Indonesia sẽ quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích biển của mình tại khu vực Bắc Natuna: liên quan đến hoạt động khai thác dầu khí của Indonesia, Người đứng đầu cơ quan quản lý hoạt động dầu khí của Indonesia (SKK Migas), ông Dwi Soetjipto mới đây khẳng định Jakarta sẽ tiếp tục các hoạt động thăm dò và khai thác ở khu vực phía bắc đảo Natuna bất chấp cản trở từ Trung Quốc. Tại cuộc điều trần với Ủy ban Hạ viện VII về năng lượng và khai thác hôm 02 tháng 2, ông Dwi Soetjipto nhấn mạnh “Chính phủ đã yêu cầu tiếp tục thực hiện các hoạt động ở đó (hoạt động dầu khí ở biển Bắc Natuna) mà không gây ồn ào”. Việc kiên quyết thực hiện các quyền về khai thác tài nguyên dầu khí trong vùng biển Bắc Natuna của chính quyền Indonesia cùng với sự kiên định triển khai dự án của các đối tác Zarubezhneft (Nga) và Harbour Energy (Anh) chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc có các hành động “trả đũa”, làm cho tình hình khu vực biển Bắc Natuna tiếp tục “dậy sóng”.
Ngoài ra, nhiều động thái gần đây cho thấy Indonesia đã nhận thức rõ những thách thức trên biển từ Trung Quốc và không thể đứng ngoài trong cuộc đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông và cần có sự phối hợp chặt chẽ với các nước ven Biển Đông khác để ngăn chặn các hành vi hung hăng của Bắc Kinh mặc dù nước này không liên quan trực tiếp tới các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Dự kiến Indonesia sẽ tổ chức cuộc họp của người đứng đầu lực lượng chấp pháp trên biển của các nước ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông trong tháng 2 này, với mục đích là chia sẻ kinh nghiệm, bày tỏ sự đoàn kết và tìm ra cách thức chống lại hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích dự báo rằng cuộc họp này có thể là sự khởi đầu cho việc hình thành một tập hợp lực lượng của các nước ven Biển Đông (còn được gọi là nhóm nhỏ trong ASEAN) trong việc ứng phó với các thánh thức ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, trong những ngày đầu tháng 2 này, quân đội Indonesia thông báo thành lập Bộ tư lệnh Hạm đội Indonesia (Koarmada RI) để đối phó với các thách thức trên biển, bao gồm khu vực Biển Đông. Điều này cho thấy Jakarta sẽ không lùi bước trước tham vọng của Bắc Kinh mà luôn sẵn sàng bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông. Việc Indonesia tăng cường lực lượng hải quân và an ninh trên biển sẽ là nhân tố quan trọng để ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định rằng Jakarta sẽ hết sức kiềm chế trong các hành động trên biển để tránh xảy ra xung đột.
Thứ hai, việc Washington khẳng định những cam kết mạnh mẽ đối với khu vực Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng, trong đó Mỹ tuyên bố “sát cánh cùng các nước trong khu vực” để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc là nhân tố quan trọng khuyến khích các nước ven Biển Đông, bao gồm Indonesia kiên định hơn và cứng rắn hơn trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhận thức rõ về vai trò của Mỹ đối với an ninh khu vực và Biển Đông, thời gian gần đây Indonesia chủ động tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh với Mỹ, nhất là kể từ sau chuyến công du Washington của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi tháng 8/2021 như tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn, hải quân Mỹ đã nhiều lần điều tàu, kể cả tàu sân bay và tàu chiến đấu ven bờ khi tàu Trung Quốc quấy nhiễu các hoạt động dầu khí của Indonesia…
Trong chuyến thăm Jakarta giữa tháng 12/2021, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Washington sẽ nỗ lực để bảo vệ một “trật tự dựa trên luật lệ”, trong đó các nước có quyền “chọn con đường của riêng mình”. Ông Blinken cho rằng vụ việc vừa qua (hàm ý việc Trung Quôc cho tàu gây hấn ở biển Bắc Natuna) ngày càng làm gia tăng mối quan ngại về “các hành động gây hấn” của Trung Quốc tại vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền.
Là nước lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, việc Indonesia củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, nhất là trên các lĩnh vực an ninh biển, tài nguyên biển, bảo tồn và quản lý nghề cá cũng như an toàn và giao thông hàng hải như được ghi nhận trong Thỏa thuận về hợp tác hàng hải giữa hai bên sẽ là một yếu tố quan trọng để Indonesia bảo vệ các quyền và lợi ích cũng như triển khai các hoạt động kinh té biển của mình.
Thứ ba, với tham vọng khống chế Biển Đông, Trung Quốc sẽ tiếp tục cản trở các hoạt động dầu khí của Indonesia nằm trong “Đường 9 đoạn”, một yêu sách trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và đã bị Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông bác bỏ. Tuy nhiên, mức độ gây hấn của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau do Trung Quốc cũng phải tính đến hoạt động dầu khí tại mỏ Cá Ngừ có sự tham gia của công ty dầu khí Zarubezneft (Nga). Các chuyên gia dầu khí tin rằng các hành động của Trung Quốc sẽ chỉ dừng lại ở mức đe dọa, chưa dẫn tới xung đột bởi:
(i) Đây không phải là một nguồn cung dài hạn, với việc lượng khí ngưng tụ được phát hiện có thể khai thác hết trong vòng 4 hoặc 5 năm đầu, mỏ khí này dự kiến sẽ cạn kiệt sau 5 năm, trừ khi các đối tác tìm được nguồn dự trữ bổ sung. Quy mô của nó quá nhỏ nên khó có thể dẫn tới đối đầu quân sự.
(ii) Indonesia không phải là nước duy nhất bị Bắc Kinh uy hiếp, đe dọa trên Biển Đông. Các tàu Trung Quốc từng thường xuyên quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam ở khu vực mà Việt Nam đã khai thác lâu nay và hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam hay hoạt động dầu khí của Malaysia ở bãi cạn Luconia, nằm bên trong EEZ của nước này và được cho là chứa khoảng 85 tỷ m3 khí đốt. Các hoạt động của tàu Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam hay Malaysia cũng chỉ dừng lại ở uy hiếp, đe dọa chưa dẫn tới những va chạm nên căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc ở khu vực biển Bắc Natuna có lẽ cũng chỉ dừng ở mức hăm dọa.
(iii) Indonesia luôn tỏ ra thận trọng khi xử lý các tranh chấp xảy ra trên biển với Trung Quốc. Mặc dù bị các tàu Trung Quốc xâm lấn, uy hiếp hoạt động khoan thăm dò trong mấy tháng liền nhưng Indonesia vẫn giữ im lặng, không công khai lên tiếng mà chỉ phản đối qua đường ngoại giao, các tàu được Indonesia điều ra hiện trường cũng chỉ để giám sát các hoạt động của tàu Trung Quốc, không có các hành động quá khích, do vậy Bắc Kinh khó có cớ để gây ra đụng độ với Indonesia ở vùng biển Bắc Natuna.
Trong giai đoạn vừa qua, có nhiều dấu hiệu về mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Bắc Kinh và Moskva nhất là sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin đầu tháng 2 này. Do đó, giới phân tích đặt ra hai câu hỏi: một là, mối quan hệ hợp tác khăng khít giữa Trung Quốc và Nga, nhất là trên lĩnh vực năng lượng có buộc Zarubezhneft của Nga – một cổ đông lớn nhất trong dự án mỏ Cá Ngừ rút khỏi dự án hay không?; hai là, liệu Trung Quốc có dừng việc thúc đẩy tuyên bố chủ quyền đối với mỏ Cá Ngừ hay không, nếu mỏ này trở thành địa bàn hoạt động của Nga?
Có thể thấy cả hai khả năng trên đều khó có thể xảy ra vì một mặt, Nga không thể vì Trung Quốc mà hy sinh lợi ích và quan hệ với Indonesia, một nước chủ chốt trong ASEAN và có ảnh hưởng lớn trong thế giới hồi giáo. Mặt khác, với mục tiêu khống chế, độc chiếm Biển Đông không thay đổi của Bắc Kinh, Indonesia sẽ khó tránh khỏi việc nước này thực thi yêu sách “đường 9 đoạn” hay “Tứ Sa”. Ngoài ra, nền kinh tế của Indonesia còn phụ thuộc vào Trung Quốc. Một số chuyên gia hàng hải đã đưa ra cảnh báo: Trung Quốc hy vọng rằng các cuộc xâm nhập thường xuyên của họ vào biển Bắc Natuna cuối cùng sẽ buộc Indonesia phải “đàm phán” một thỏa thuận ngầm về các yêu sách bất hợp pháp của Bắc Kinh tại khu vực này.
Các chỉ dấu trên cho thấy năm 2022 sẽ tiếp tục chứng kiến căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Indonesi tại khu vực Biển Bắc Natuna và nguyên nhân chủ yếu vẫn là do hành xử đơn phương của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách phi lý của mình.
Hải Anh