Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Trạng thái chết não” của NATO

“Trạng thái chết não” của NATO

Vì sao NATO lại chết não? Cần có sự lý giải công phu, có hệ thống. Chỉ biết rằng đến hiện tại (9/2022) NATO đang bị đe dọa bởi ba lý do chủ yếu: những mâu thuẫn và bất đồng trong nội bộ; sự phục hưng của Nga sau 20 năm Putin cầm quyền; mối đe dọa mang tính hệ thống của Trung Quốc đối với NATO.

Cuối tháng 6/2022, tại Madrid, Tây Ban Nha, Hội nghị thượng đỉnh NATO, gồm 30 thành viên, nhóm họp. Thời điểm đó, Nga đã tiến hành xâm lược Ukraine được bốn tháng và đang bị sa lầy, bởi theo tính toán ban đầu thì chỉ trong vài ba tuần là Nga sẽ hoàn thành các mục tiêu của mình, buộc Kiev phải khuất phục vô điều kiện

Nhận định về cuộc chiến này có khá nhiều ý kiến bất đồng, ngay trong các nước “lục địa già” châu Âu. Mục tiêu của Hội nghị Madrid là tổng kết Chiến lược năm 2010  và thông qua Chiến lược của NATO với tầm nhìn đến năm 2030.

Những mâu thuẫn và bất đồng nội bộ trong khối NATO  nổi bật nhất là yêu cầu của Mỹ  (thời tỷ phú Donald Trump đứng đầu Nhà Trắng) tìm mọi cách ép buộc các nước thành viên trong khối tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 02% GDP. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua tên lửa S-400 của Nga và, toan tính trở thành quốc gia “có máu mặt” ở khu vực Trung Đông. Đức và Pháp thì đều muốn giảm sự phụ thuộc vào Mỹ trong các vấn đề an ninh và xây dựng Quân đội châu Âu.

Trước tình cảnh ba bề bảy bối đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói một cách ngậm  ngùi về “sự chết” của NATO hiện đang ở “trạng thái chết não”!

Một thách thức lớn đến từ sự “quật khởi”của nước Nga  sau 30 năm Liên bang Xô viết và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, nhất là sau 20 năm cầm quyền của Tổng thống Putin. Moscow đã chính thức gửi tới NATO bản dự thảo Hiệp ước bảo đảm an ninh NATO – Nga vào ngày 15/12/2021.

Lý do đẻ ra Hiệp ước này của Nga là, sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh, NATO không có bất cứ cơ sở pháp lý và chính trị nào để mở rộng về phía Đông. NATO  mở rộng nhằm chống ai khi họ đã đi ngược lại các cam kết là sẽ không mở rộng NATO sau khi Liên Xô chấp nhận dỡ bỏ Bức tường Berlin và thống nhất nước Đức.

Ngày 24/02/2022, Nga bất ngờ tiến đánh Ukraine. NATO đã lên án mạnh mẽ, cho rằng, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga là lấy thịt đè người, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, làm thay đổi nghiêm trọng môi trường an ninh tại châu Âu. Các nước thành viên NATO đã tiến hành hàng loạt biện pháp cấm vận, trừng phạt kinh tế chưa có tiền lệ, yêu cầu Nga dừng ngay hành động xâm lược, biến cuộc chiến tại Ukraine thành “chiến tranh ủy nhiệm”

Còn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, NATO cũng đang theo đuổi kế hoạch chiến lược xây dựng “NATO châu Á” để ngăn chặn ảnh hưởng của một Trung Quốc đang trỗi dậy. Hình bóng “NATO châu Á” có thể nhận thấy qua Hiệp ước an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS). Hiệp ước này  được ký vào tháng 9/2021. Washington với nụ cười ranh mãnh của nhà ngoại giao cáo già Joe Biden, tuyên bố: mục đích của  AUKUS là nhằm tăng cường hợp tác đối ngoại, an ninh và quốc phòng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, hóa giải các thách thức trong thế kỷ 21.  

Chiến lược của NATO đến năm 2030 xác định ba hướng triển khai hoạt động cơ bản: Tăng cường và duy trì sức mạnh quân sự bằng cách gia tăng đầu tư hiện đại hóa lực lượng dựa trên cơ sở công nghệ hiện đại, lấy an ninh làm nền tảng; tăng cường củng cố liên minh thống nhất về chính trị theo phương châm “một người vì tất cả và tất cả vì một người”; áp dụng cách tiếp cận mang tính toàn cầu.

Thực hiện chiến lược này, từ đầu những năm 2000, NATO chủ trương toàn cầu hóa các chức năng của khối, nhằm phát huy ảnh hưởng ra ngoài phạm vi trách nhiệm ở châu Âu liên quan đến mối đe dọa khủng bố quốc tế.  Bước sang thập niên thứ ba, thế kỷ 21, chủ trương này xuất phát trước hết từ yêu cầu đối phó với “cơn bão” đến từ hai cường quốc Trung Quốc và Nga.

Về mục tiêu đến năm 2030, NATO xác định,  sẽ tạo sức mạnh áp đảo với Nga bằng cách tập trung xây dựng lực lượng thông thường và lực lượng hạt nhân; xây dựng các lực lượng có khả năng phản ứng linh hoạt, phối hợp nỗ lực quân sự, chính trị và kinh tế với các quốc gia là đối tác và chưa phải là thành viên của khối.  Cụ thể, sẽ tăng cường lực lượng sẵn sàng chiến đấu từ 40 nghìn lên 300 nghìn quân. Yêu cầu các quốc gia thành viên  tăng chi phí quốc phòng lên mức 02% GDP.  

Đặc biệt, Chiến lược mới của NATO xác định: Trung Quốc là mối đe dọa mang tính hệ thống không chỉ đối với NATO mà là cả thế giới. Sự gia tăng ảnh hưởng cũng như hành động của Bắc Kinh đang đặt ra những thách thức mới đối với các nền dân chủ phương Tây.

Trung Quốc đang tăng cường hiện diện ở Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và Bắc Cực; phát triển tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom tầm xa, tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân tấn công có khả năng hoạt động trên khắp các đại dương. Cùng với đó, Bắc Kinh thực hiện nhiều dự án chiến lược: “Một vành đai, một con đường”, “Con đường tơ lụa Bắc Cực”, “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”, với tham vọng  đến năm 2030 trở thành cường quốc số một thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, để rồi năm 2049 là siêu cường công nghệ số một thế giới.

Chiến lược mới của NATO đến năm 2030 cho chúng ta thấy một điều, cạnh tranh chiến lược giữa khối này với Nga và Trung Quốc trong thời gian tới sẽ ngày càng gay gắt. Trong khi Moscow và Bắc Kinh đang liên kết với nhau rất chặt chẽ, dẫu không phải là một liên minh bền vững, thì  cộng đồng quốc tế buộc phải tính toán đến nguy cơ một cuộc chiến tranh Lạnh mới. Không ngoại trừ sự bùng nổ các cuộc chiến tranh, xung đột tại các khu vực hiện đang là điểm nóng thế giới như Trung Đông, eo biển Đài Loan…

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới