Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhững động thái quân sự đáng lo ngại của TQ tại Biển...

Những động thái quân sự đáng lo ngại của TQ tại Biển Đông

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng khốc liệt khi Nga tấn công quân sự từ tháng 2/2022 cũng như những căng thẳng do chính Trung Quốc gây ra ở eo biển Đài Loan từ đầu tháng 8/2022 thì Bắc Kinh đang âm thầm tăng cường triển khai quân sự ở Biển Đông để phục vụ cho tham vọng lâu dài của họ là khống chế, độc chiếm Biển Đông.

Những động thái mới của Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông đe dọa nghiêm trọng hòa bình ổn định trên tuyến đường hàng hải huyết mạch này.

Thứ nhất, Trung Quốc tập trung tăng cường năng lực hoạt động của tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông, đồng thời phát triển công nghệ liên lạc đường dài, thiết lập căn cứ biển sâu để triển khai vũ khí thông minh, thiết bị không người lái.

Du Lâm thuộc đảo Hải Nam, phía bắc Biển Đông là căn cứ hải quân lớn của Trung Quốc, là nơi đóng trú của các tàu ngầm tiên tiến của nước này. Những hình ảnh vệ tinh mới nhất của Maxar Technologies chụp vào trung tuần tháng 9/2022 cho thấy Trung Quốc đang mở rộng căn cứ tàu ngầm Du Lâm, gồm xây cầu tàu mới cho tàu ngầm và ụ khô cho tàu sân bay. Hình ảnh do vệ tinh Sentinel-2A chụp cho thấy 2 cầu tàu mới dài khoảng 240 m đang được xây dựng tại căn cứ Du Lâm, bên cạnh 4 cầu tàu hiện có. Việc xây dựng cầu tàu bắt đầu từ tháng 3 và đến cuối tháng 7, hai cầu tàu đã thành hình. Trước đó, nơi này cũng đã được mở rộng trong 2 năm qua, gồm xây dựng một ụ khô cho tàu sân bay lớp Type 002. Tàu sân bay Sơn Đông là chiếc duy nhất thuộc lớp Type 002 đang hoạt động, thường xuyên ra vào căn cứ hải quân Du Lâm.

Chuyên gia phân tích quân sự Chu Thần Minh thuộc Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ Viễn Vọng tại Bắc Kinh cho biết 2 cầu tàu mới có thể dùng để thay thế căn cứ hiện có ở phía tây vịnh Á Long, gần khu đô thị Tam Á. Theo ông Chu, căn cứ mới sẽ dùng để triển khai các tàu ngầm tên lửa đạn đạo Type 094 và tàu ngầm tấn công Type 093; còn căn cứ cũ ở Á Long sẽ được dùng để huấn luyện binh sĩ tàu ngầm bởi nó nằm ở đối diện với các khu nghỉ dưỡng, không thuận lợi cho công tác bảo mật.

Ngày 17/9/2022, tờ South China Morning Post  đưa tin Trung Quốc vừa thử nghiệm công nghệ liên lạc dưới nước ở Biển Đông cho phép tàu ngầm và thiết bị không người lái duy trì liên lạc trên diện tích hơn 30.000 km vuông. Cuộc thử nghiệm được thực hiện trong khu vực biển sâu 3.800 mét nằm giữa quần đảo Đông Sa (Pratas) hiện do Đài Loan kiểm soát và quần đảo Hoàng Sa. Một số chuyên gia quân sự nhận định khu vực diễn ra thử nghiệm là tuyến hàng hải quan trọng cho tàu ngầm ra vào vùng biển gần Trung Quốc.

Đánh giá về động thái kể trên, Tiến sĩ Satoru Nagao  thuộc Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ nhấn mạnh: “Khi xây dựng thành công một hệ thống liên lạc dưới nước hiệu quả, Trung Quốc có thể che giấu tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo ở Biển Đông”. Hệ thống liên lạc dưới nước giúp Trung Quốc có thể chỉ huy và kiểm soát vũ khí hạt nhân trên tàu ngầm một cách hiệu quả. Với hệ thống liên lạc dưới nước có tầm xa các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc không chỉ hoạt động ở Biển Đông mà có thể mở rộng hoạt động trên một khu vực rộng lớn hơn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. 

Không dừng lại ở mưu đồ tăng cường hoạt động cho tàu ngầm ở Biển Đông, chương trình phát triển liên lạc dưới nước của Trung Quốc còn là nền tảng để triển khai nhiều loại thiết bị lặn không người lái (UUV) – một dạng tàu ngầm không người lái. 3 năm trước, trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh Trung Quốc ngày 01/10/2019, Trung Quốc đã giới thiệu loại UUV mang tên HSU-001 có kích thước khá lớn. Trên thực tế, Trung Quốc đã triển khai các UUV và tàu nổi không người lái trong khu vực để tuần tra và thu thập thông tin.

Ngoài ra, theo một số nguồn tin quân sự, Trung Quốc đang xúc tiến kế hoạch phát triển căn cứ trong biển sâu ở Biển Đông để cập cảng và nạp năng lượng cho các UUV và dự kiến đi vào hoạt động trong vài năm tới. Cùng với đó, Bắc Kinh cũng đang phát triển vũ khí thông minh có thể được triển khai trong lòng biển để sẵn sàng tham chiến bất ngờ. Giới chuyên gia quân sự nhận định hệ thống liên lạc dưới nước của Trung Quốc có thể là một mối đe dọa quân sự nghiêm trọng đối với các nước xung quanh; còn việc Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng lực lượng UUV và triển khai vũ khí thông minh ở Biển Đông càng khiến vùng biển này đứng trước nhiều rủi ro.

Thứ hai, Trung Quốc tăng cường thêm tàu chiến “khủng” cho lực lượng hải cảnh của họ. Ngày 15/9/2022, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin khinh hạm Type 056 chính thức gia nhập lực lượng hải cảnh Trung Quốc với việc một số tàu chiến loại này gần đây đã tham gia cuộc diễn tập do lực lượng hải cảnh Trung Quốc tổ chức. Đây là loại chiến hạm có độ choán nước 1.500 tấn được đánh giá tối tân, với vũ khí gồm pháo 76 mm và pháo tự động, tên lửa đối hạm YJ-83 tầm bắn tối đa có thể đạt 230 km, tên lửa đối không HQ-10 và ngư lôi, cùng hệ thống điện tử hiện đại.

Theo một số nguồn tin số tàu Type 056 kể trên được trang bị thêm một số thiết bị chuyên dụng nhưng loại bỏ các tên lửa phòng không và chống hạm. Mặc dù vậy, tờ Hoàn Cầu thời báo thừa nhận dù bị loại bỏ vũ khí trang bị chủ chốt như tên lửa thì “khinh hạm Type 056 vẫn là một tàu rất mạnh”. Một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết việc chuyển giao tàu Type 056 cho hải cảnh có thể thúc đẩy đáng kể khả năng của lực lượng này trong việc thực thi điều mà Bắc Kinh gọi là “bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích hàng hải của đất nước ở các khu vực quan trọng bao gồm Biển Đông và biển Hoa Đông”.

Giới quan sát nhận định trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc liên tục tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải cảnh. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc chuyển đổi khinh hạm thành tàu hải cảnh. Năm 2007, Trung Quốc đã chuyển đổi hai tàu Type 728 thành tàu hải cảnh, được đánh số lại lần lượt là 1002 và 1003. Tháng 6/2020, Trung Quốc sửa đổi luật để đưa lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân nằm dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương; hải cảnh là một bộ phận của lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc nên có thể cùng quân đội tham gia chiến đấu, tập luyện chung khi xảy ra chiến tranh. Đến đầu năm 2021, Trung Quốc ban hành Luật hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh nước này dùng vũ khí chống tàu nước ngoài. Trong đó, điều đặc biệt nguy hiểm là Luật mới này trao cho lực lượng hải cảnh Trung Quốc  quyền xua đuổi tàu thuyền các nước khác, thậm chí sử dụng vũ khí nhằm vào tàu các nước khác ở khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Dưới danh nghĩa lực lượng chấp pháp “dân sự”, nhưng hải cảnh Trung Quốc được biên chế nhiều tàu cỡ lớn, một số tàu có độ choán nước tương đương tàu khu trục và được trang bị cả pháo cỡ lớn cùng nhiều loại súng máy. Đặc biệt, một số tàu của lực lượng hải cảnh còn có nhà chứa, bãi đáp máy bay trực thăng và mang theo trực thăng chiến đấu đa nhiệm. Lực lượng hải cảnh cùng với tàu dân quân biển (về bản chất là lực lượng quân sự bán chính thức) được Trung Quốc điều động tiến hành hoạt động để củng cố cái mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền” trên biển. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên có hành vi gây hấn, bắt nạt các nước láng giềng ở Biển Đông. Điển hình, đầu năm 2020, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã vô cớ đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa; mới đây nhất, cuối năm 2021 tàu hải cảnh ngăn chặn, phun vòi rồng cỡ lớn vào tàu tiếp tế của Philippines đang trên đường ra bãi Cỏ Mây.

Các chuyên gia quân sự nhận định động thái đẩy mạnh quân sự hóa lực lượng hải cảnh Trung Quốc thể hiện rõ việc Bắc Kinh không có ý định làm dịu căng thẳng mà ngược lại đang muốn leo thang căng thẳng ở các vùng biển, gây mối lo ngại đối với các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc, nhất là các nước ven Biển Đông. Một số chuyên gia cảnh báo việc kinh hạm Type 056 gia nhập lực lượng hải cảnh Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang mưu toan thúc đẩy chiến lược “vùng xám” nhằm biến những vùng biển hoàn toàn không tranh chấp của các nước láng giềng thành vùng biển tranh chấp.

Qua những động thái kể trên, có thể thấy rằng, Bắc Kinh đang tranh thủ gia tăng sức mạnh quân sự nhằm giành ưu thế trong so sánh lực lượng ở Biển Đông. Cùng với các căn cứ quân sự được xây dựng trên các thực thể ở Biển Đông, việc gia tăng sức mạnh của hệ thống tàu ngầm và bổ sung cho hải cảnh các tàu chiến lớn, Bắc Kinh đang tạo mối đe dọa nghiêm trọng cho hòa bình, ổn định và tự do an toàn hàng hải ở Biển Đông. Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), cho rằng lợi thế của Trung Quốc về tên lửa, máy bay, tàu chiến, tàu ngầm  và “pháo đài” các đảo nhân tạo có thể nhanh chóng biến Biển Đông thành một “trường bắn”.

Trước những động thái gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, giới học giả cảnh báo rằng sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh sẽ khiến Biển Đông trở thành “điểm nóng” trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thực tế thời gian qua cho thấy chỉ còn hải quân Mỹ có thể qua lại vùng biển này mà không bị trừng phạt – còn không có nước nào khác có thể làm như vậy, các tàu chiến của các đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức,
Canada, Úc đã từng bị Trung Quốc đe dọa khi thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông.

Mặc dù có sức mạnh quân sự vượt trội ở Biển Đông, song Trung Quốc không tìm cách khuấy động một cuộc chiến bởi ngay cả khi Trung Quốc đánh bại được hải quân Mỹ, phí tổn vẫn lớn hơn lợi ích. Điều mà Bắc Kinh thực sự muốn là thuyết phục phần còn lại của châu Á rằng cuộc tranh giành vị trí dẫn đầu ở Biển Đông “đã kết thúc”; và các nước khu vực phải chịu khuất phục. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng chiến thuật đe dọa “vùng xám” đã đạt được điều mà xung đột có thể không đạt được, đó là kiểm soát khu vực. Lực lượng dân quân hàng hải và hải cảnh của Trung Quốc đã liên tục buộc các đội tàu đánh cá của Việt Nam và Philippines phải lùi lại. Các tàu khảo sát và hải quân của nước này đã can thiệp vào nỗ lực của Malaysia và Indonesia để thăm dò các mỏ dầu và khí đốt. Cách làm này của Bắc Kinh nguy hiểm ở chỗ nó “làm giảm giá trị của Mỹ với tư cách là nhà cung cấp an ninh cho khu vực”. Tóm lại, những động thái đẩy mạnh hơn nữa quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh đang tạo ra mối đe dọa mới. Khó có thể tìm giải pháp nhanh chóng cho vấn đề này. Để ngăn chặn sự bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông cần tới một mức độ thống nhất quốc tế cao; các nước ven Biển Đông cần phải nỗ lực phối hợp hơn nữa với các nước trong và ngoài khu vực trong việc ứng phó với thách thức lớn này.

RELATED ARTICLES

Tin mới