Friday, May 10, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBốn kịch bản cho cuộc chiến ở Ukraine

Bốn kịch bản cho cuộc chiến ở Ukraine

Sẽ không có thỏa thuận hòa bình nào được đàm phán, đạt được trong năm nay vì chưa bên nào đi đến điểm kiệt sức. Có ít nhất bốn kịch bản cho cuộc chiến ở Ukraine.


Nam miền Bắc

Các mục tiêu mà Nga và Ukraine đang tìm kiếm hoàn toàn trái ngược nhau. Nga muốn Ukraine đầu hàng và công nhận sự sáp nhập của một phần lãnh thổ nước này vào Liên bang Nga. Nga sẽ không chấp nhận sự hiện diện quốc tế ở Ukraine. Trong khi đó, Ukraine muốn trục xuất người Nga ra khỏi vùng Donbas và Crimea. Ukraine sau đó muốn trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và sống dưới sự bảo vệ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi nước này đàm phán về tư cách thành viên.
Cuộc tấn công sắp tới của Nga và kế hoạch phản công của Ukraine sẽ là những điểm thử nghiệm lớn về năng lực của mỗi bên trong việc áp đặt ý chí của mình đối với đối phương.

Kịch bản

Có ít nhất bốn kịch bản cho cuộc chiến ở Ukraine.

Một là, bế tắc kéo dài nhưng không có cách giải quyết – không bên nào có thể đánh bại bên kia và cuộc xung đột chuyển sang một mô hình có thể đoán trước là bùng nổ các cuộc tấn công bằng pháo, tên lửa và máy bay không người lái (UAV).

Có thể bế tắc kéo dài với một thỏa thuận ngừng bắn – tương tự tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày nay. Hai bên sẽ đạt được thỏa thuận đình chiến, xung đột vũ trang lắng xuống, nhưng các cuộc đàm phán không dẫn đến một giải pháp chính trị lâu dài, căng thẳng phát sinh theo thời gian.

Hai là, Nga bại trận – kinh tế Nga suy yếu, quân đội Nga cạn kiệt, xung đột lắng xuống, quân Nga rút dần.

Ba là, Ukraine đầu hàng – do hậu quả của cuộc xung đột kéo dài, cơ sở hạ tầng và xã hội Ukraine bị phá hủy. Viện trợ vũ khí của phương Tây giảm sút và Chính phủ Ukraine dần mất đi lãnh thổ.

Bốn là, dàn xếp thương lượng – áp lực từ cộng đồng quốc tế và Trung Quốc dẫn đến một dàn xếp thương lượng phức tạp được giám sát bởi một lực lượng quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mong đợi một chiến thắng nhanh chóng khi ông ra lệnh thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt từ ngày 24/2/2022. Nhưng các lực lượng Nga đã phải chịu một số thương vong, thiết bị quân sự bị phá hủy. Gần đây, Nga tấn công cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các nhà máy điện, nhằm bẻ gãy ý chí kháng cự của Ukraine.

Hiện nay, các nhà phân tích quân sự phương Tây dự đoán Tổng thống Putin sẽ phát động một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn để có được một chiến thắng nào đó. Vào dịp kỷ niệm một năm ngày Nga đưa quân vào Ukraine, có vẻ như cuộc chiến đã đi vào thế bế tắc chiến lược giống như cuộc chiến trong Thế chiến thứ nhất. Nga không có khả năng đánh bại các lực lượng vũ trang Ukraine và chiếm đóng lãnh thổ của nước này. Trong khi đó, Ukraine không thể triển khai đủ lực lượng để giải phóng khu vực Donbas hoặc trục xuất người Nga khỏi Crimea.

Tác động

Tổng thống Putin đổ lỗi việc mở rộng NATO đã gây ra xung đột. Ông tin chắc rằng phương Tây suy yếu và các thành viên NATO bị chia rẽ. Tuy nhiên, châu Âu và NATO không những đang hợp lực mà còn củng cố liên minh với Mỹ. Thụy Điển và Phần Lan đã thay đổi lập trường độc lập và xin gia nhập NATO.

Cuộc chiến ở Ukraine đã làm suy yếu xu hướng hướng tới đa cực và tạo ra sự phân cực toàn cầu. Nga và Trung Quốc đã tuyên bố “không có giới hạn” đối với quan hệ đối tác của họ. Iran và Triều Tiên đều cung cấp thiết bị quân sự cho Nga.

Nếu cuộc chiến ở Ukraine kéo dài, liên minh phương Tây có thể sẽ tạo phân cực hơn nữa các mối quan hệ quốc tế bằng cách áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với những quốc gia tiếp tay cho Nga thông qua thương mại hoặc các phương tiện khác.

Các đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhất trí chống lại Nga. Họ nhìn thấy sự tương đồng với tình hình giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan (Trung Quốc). Cuộc chiến ở Ukraine đã tạo ra mối liên kết chiến lược giữa châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các cường quốc ở EU đã viết ra các tài liệu chính sách chiến lược liên kết an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế của họ với việc đảm bảo và duy trì hòa bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Họ xác định Trung Quốc là lực lượng gây rối chính trong khu vực.

Hiện tại, sự chú ý của thế giới chủ yếu tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine và tác động của nó đối với an ninh năng lượng và lạm phát toàn cầu, không chỉ ở châu Âu mà cả các nước đang phát triển. Một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine sẽ chỉ dẫn đến sự phân cực hơn nữa của hệ thống quốc tế và sự bất ổn ở các khu vực bị ảnh hưởng. Điều này sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng toàn cầu và trì hoãn quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Bài học

Cuộc chiến ở Ukraine chứng tỏ rằng không dễ đối phó nguy cơ hạt nhân. Ngoài vũ khí hạt nhân chiến lược và phương tiện phóng, Nga còn có hàng nghìn vũ khí hạt nhân chiến thuật. Cuộc xung đột ở Ukraine cũng cho thấy sự bó tay của Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong việc duy trì hòa bình.

Sự lợi hại của vũ khí hạt nhân đã khuyến khích Triều Tiên tiếp tục vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bằng cách phát triển và thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng vươn tới Mỹ. Trung Quốc và Nga sẵn sàng phủ quyết bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với Triều Tiên.

Các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nên nỗ lực gấp đôi để giải quyết tất cả các tranh chấp lãnh thổ và biên giới, bao gồm biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc và Ấn Độ và các yêu sách chồng lấn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới