Monday, May 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNếu Bán đảo Triều Tiên thống nhất ?

Nếu Bán đảo Triều Tiên thống nhất ?

Đã hơn 70 năm kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, giấc mơ thống nhất của người dân nơi đây ngày càng trở nên xa vời. Thế nhưng, dù là người dân Hàn Quốc hay người dân Triều Tiên, họ vẫn có chung nguồn gốc, văn hóa và ngôn ngữ. Chắc hẳn nhiều người vẫn mơ về một ngày bán đảo thống nhất để Vĩ tuyến 38 không còn là nỗi đau của dân tộc Cao Ly. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu như Bán đảo Triều Tiên thống nhất?

Viễn cảnh một đất nước Triều Tiên-Hàn Quốc thống nhất.

Giấc mơ thống nhất

Bán đảo Triều Tiên có diện tích 223100 km2, dân số năm 2023 khoảng 77 triệu người. Ở phía Bắc là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, còn ở phía Nam là Đại Hàn Dân Quốc. Hai nước bị ngăn cách bởi Khu phi quân sự trải dài từ phía Tây sang Đông dọc theo Vĩ tuyến 38 với chiều rộng khoảng 4 km.

Nếu như Bán đảo thống nhất, quốc gia mới sẽ có thể mang một trong ba tên gọi là Triều Tiên, Hàn Quốc hoặc là Cao Ly. Trong đó, Cao Ly là tên gọi được đề xuất nếu như hai quốc gia thống nhất trong hòa bình. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu như một cuộc chiến nổ ra và người chiến thắng là Triều Tiên?

Đầu tiên, thủ đô của Bán đảo là Bình Nhưỡng và người đứng đầu đất nước chính là ông Kim Jong-un. Triều Tiên sẽ không mở cửa ra thế giới. Tuy nhiên, quốc gia này có thể sẽ chào đón vốn đầu tư từ Trung Quốc và Nga. Trong khi đó, sự thù địch với Mỹ và Nhật Bản sẽ càng tăng lên. Rất có khả năng phương Tây sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên bởi vì nước này sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Với nguồn lực có được từ phía Nam, Bình Nhưỡng sẽ sản xuất thêm nhiều vũ khí, cũng như tích cực thử tên lửa và phóng vệ tinh.

Triều Tiên lúc này sẽ là một cường quốc quân sự với số quân khổng lồ. Nếu như tiếp tục duy trì quân đội thường trực với tỉ lệ 1/20 dân số, Triều Tiên sẽ có lực lượng lên tới 3,85 triệu người. Nước này sẽ có đội quân đông nhất thế giới, bằng cả Trung Quốc và Mỹ cộng lại.

Tuy quân sự hùng mạnh, nhưng có lẽ nền kinh tế của bán đảo sẽ có sự suy thoái nghiêm trọng. Bên cạnh các lệnh trừng phạt, Triều Tiên cũng sẽ không có các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như là Samsung, LG hay Hyundai. Các công ty toàn cầu này có các chi nhánh rộng khắp trên thế giới và họ sẽ rời khỏi Miền Nam nếu như chính quyền rơi vào tay ông Kim.

Bên cạnh các ngành công nghiệp, Hàn Quốc còn rất phát triển điện ảnh và âm nhạc. Các bộ phim như là “Parasite” hay “Squid Game” được cả thế giới biết đến, còn các nhóm nhạc nổi tiếng như Blackpink hay BTS gây nên cơn sốt Kpop trên toàn cầu. Khi Bán đảo thống nhất, tất cả các sản phẩm giải trí này đều sẽ biến mất. Nhóm nhạc nổi tiếng nhất trên Bán đảo Triều Tiên sẽ là Moranbong và bài hát phổ biến nhất sẽ là bài ca “Tướng Quân Kim Nhật Thành”.

Còn về tôn giáo, các dị giáo ở Hàn Quốc cũng sẽ biến mất. Tuy nhiên, sự tự do tôn giáo cũng sẽ không còn. Tư tưởng chủ thể sẽ trở thành nền tảng tư tưởng của người dân bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, các tượng đài cũng sẽ được xây dựng ở khắp nơi, đặc biệt là tại Seoul.

Ngược lại, nếu người chiến thắng là Hàn Quốc, chuyện gì sẽ xảy ra? Đầu tiên là, chính quyền Seoul sẽ phải chi không ít tiền bạc để nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Miền Bắc. Theo nghiên cứu của Kim Jinwook tại Citigroup, việc thống nhất đất nước sẽ cần khoản đầu tư 63,1 tỷ đô la để xây dựng lại hệ thống giao thông như là đường sắt, đường bộ, sân bay, cảng biển, cũng như các cơ sở hạ tầng khác như là nhà máy điện, hầm mỏ, nhà máy lọc dầu và đường ống dẫn khí đốt. Việc cần làm ngay là kết nối đường sắt giữa hai miền, giúp kết nối giữa Hàn Quốc với Trung Quốc và Nga nhằm tăng cường quan hệ hợp tác với hai nước này.

Khi ấy, mối quan hệ giữa xứ sở Kim Chi với Nhật Bản sẽ trở nên căng thẳng hơn nhiều. Hai nước này vốn là thù địch trong quá khứ và hiện tại, Hàn – Nhật hợp tác là do có chung mối lo ngại với Triều Tiên và Trung Quốc. Tuy nhiên, khi bán đảo thống nhất, rất có thể Hàn Quốc sẽ cố gắng không trở mặt với Bắc Kinh, đồng thời cân bằng lợi ích với Tokyo và Washington.

Phía Mỹ có lẽ cũng sẽ không muốn mở các căn cứ ở gần biên giới với Trung – Hàn để tránh leo thang căng thẳng. Hơn nữa các căn cứ hiện tại ở Hàn Quốc cũng đủ để răn đe Trung Quốc. Về phía chính quyền Seoul, họ sẽ phải cư xử rất khéo léo để có thể duy trì quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc, hai đối tác kinh tế hàng đầu.

Về mặt kinh tế, sự hội nhập của Triều Tiên và nền kinh tế Hàn Quốc sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức. Nền kinh tế của miền Bắc sẽ cần sự đầu tư đáng kể để hiện đại hóa. Bù lại, Hàn Quốc sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường mới là Trung Quốc và Nga. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên. Miền Bắc có các mỏ đá, quặng sắt, kẽm, đồng, vàng, bạc, magie, than trị giá ước tính từ 6000 – 10.000 tỷ đô la.

Các phương án thống nhất Bán đảo Triều Tiên

Để thống nhất hai miền Triều Tiên, các chuyên gia nhắc đến ba phương án. Trước hết là chính sách Ánh Dương của Cố tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung. Đây là chính sách đã góp phần làm giảm đáng kể sự căng thẳng giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên.

Sau khi lên nhậm chức tổng thống Hàn Quốc vào năm 1998, ông Kim Dae-jung đánh giá Triều Tiên không có khả năng sụp đổ trong nay mai. Ông cũng tin Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chiến lược quân sự thù địch đối với miền Nam chừng nào chính quyền Bình Nhưỡng chưa được ổn định. Vì vậy, ông Kim Dae-jung đưa ra chính sách Ánh Dương nhằm mở ra một hướng đi mới, cởi mở hơn, mềm mỏng hơn và hứa hẹn một thành tựu chính trị lớn lao hơn.

Chính sách này có ba nguyên tắc chính là: Không khiêu khích quân sự, miền Nam sẽ không cố gắng thu hút sự chú ý của miền Bắc theo bất cứ cách nào và miền Nam chủ động tìm kiếm sự hợp tác. Những nguyên tắc này truyền đi thông điệp rằng miền Nam không mong muốn thôn tính hoặc là ngầm phá hoại chính quyền miền Bắc. Mục tiêu của Seoul là cùng chung sống hòa bình chứ không phải là thay đổi chế độ.

Mục tiêu cao nhất của chính sách Ánh Dương cũng là để thống nhất hai miền nhưng sẽ tiến hành một cách chậm rãi, hợp lý theo thời gian, bắt đầu bằng hợp tác kinh tế xã hội, tiến tới hình thành một bang liên hay là một khối thịnh vượng chung với hai chính phủ khu vực tự trị, một ở Triều Tiên và một ở Hàn Quốc, sau cùng mới hình thành một chính phủ quốc gia thống nhất.

Chính sách Ánh Dương thường được so sánh với chính sách Phương Đông của Thủ tướng Tây Đức là Willy Brandt. Đây là một chính sách đối ngoại thay đổi thông qua hòa hoãn với hy vọng cải thiện đáng kể về Đông Đức, Liên Xô, Ba Lan và các nước thuộc hội Xô Viết khác trong đầu những năm 1970.

Chính sách Ánh Dương lúc đầu đã mang lại những thành tựu lớn như cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong In được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào ngày 15/6/2000.

Ngoài ra, hai bên còn cho phép nhiều gia đình được hội ngộ kể từ thời bị chia rẽ do Chiến tranh Triều Tiên trong giai đoạn 1950 – 1953. Khu vực Cung Gang đã được chọn làm nơi họp mặt thường xuyên của những gia đình ly tán. Hai bên cũng đồng thuận giải quyết càng sớm càng tốt các vấn đề nhân đạo, bao gồm cả việc ân xá cho các tù nhân và cho họ hồi hương. Họ đồng ý nối lại các tuyến đường sắt và đường bộ Kiun Won nối thủ đô Seoul của Hàn Quốc với Sinuiju, thành phố trên biên giới của Triều Tiên và Trung Quốc, trong đó đoạn Musan Bongdong của tuyến đường sắt đã bị ngắt kết nối kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vào năm 1945.

Hàn Quốc còn phát triển khu công nghiệp Kaesong nơi giáp ranh với Triều Tiên, mở ra dự án du lịch Cung Gang, xem xét cùng phòng chống lũ trên sông Imjin và đạt được bốn thỏa thuận về hợp tác kinh tế. Thế nhưng, với số tiền nhận được từ Seoul chính phủ Bình Nhưỡng đã sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân. Đến năm 2006, Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành thành công vụ thử hạt nhân đầu tiên. Từ đây quan hệ liên Triều lại càng trở nên căng thẳng và người ta bắt đầu nghĩ ra những phương án khác để thống nhất hai miền.

Vậy nhưng, năm 2009, Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ hai, quan hệ Liên Triều lại trở nên tồi tệ hơn. Đến tháng 3/ 2010, tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc nặng 1500 tấn với 104 thủy thủ đoàn đã bị đánh chìm, có 46 người thiệt mạng và 58 người được cứu sống. Hàn Quốc tố cáo Triều Tiên đã bắn ngư lôi và phá hủy con tàu. Tuy nhiên, phía Bình Nhưỡng đã phủ nhận mọi cáo buộc.

Tới tháng 11/ 2010, pháo binh của Triều Tiên đã bắn vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc. Hai lính thủy đánh bộ Hàn Quốc và 2 thường dân thiệt mạng, hơn chục người bị thương trong đó có ba thường dân. Phía Hàn Quốc đã bắn trả, khiến cho 10 người Triều Tiên thiệt mạng. Từ đây, quan hệ Liên Triều xấu đi trông thấy.

Sau đó, người ta bắt đầu nhắc đến một phương án có từ thập niên 1970. Chủ tịch Triều Tiên khi đó là ông Kim Nhật Thành đã đề xuất thành lập Cộng hòa Liên bang Cao Ly. Theo đó, chính phủ Hàn Quốc và Triều Tiên tồn tại riêng biệt trong một hệ thống liên bang bao gồm Bang Hàn Quốc và Bang Triều Tiên. Vậy nhưng, trong bối cảnh mối quan hệ Liên Triều cực kỳ căng thẳng trong thập niên 80, kế hoạch trên đã không được phía Hàn Quốc đồng ý.

Tuy nhiên, khi quan hệ Liên Triều trở nên tồi tệ hơn trong thập niên 2010, phương án Cộng hòa Liên bang Cao Ly lại được nhắc đến. Vào năm 2013, Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba và nước này cũng đã nhiều lần tiến hành thử nghiệm tên lửa. Thế nhưng, vào ngày 30/6/2014, sau một vụ thử tên lửa, chính quyền của ông Kim Jong-un bất ngờ đưa ra một đề xuất thành lập Cộng hòa Liên bang Cao Ly. Phía Hàn Quốc ngay lập tức đã từ chối do niềm tin của Seoul với Bình Nhưỡng đã chạm đáy.

Sau đó một tuần, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên đã dẫn tuyên bố của chính quyền Bình Nhưỡng cho biết, nước này đưa ra đề xuất gồm bốn điểm. Theo đó, làm rõ các nguyên tắc và quan điểm của Bình Nhưỡng làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tái thống nhất độc lập dân tộc. Ông Kim Jong-un tuyên bố, cả hai miền Nam Bắc nên tránh phụ thuộc vào các thế lực bên ngoài, tự giải quyết mọi vấn đề giữa hai bên và tìm kiếm các đề xuất tái thống nhất dân tộc hợp lý.

Tiếc rằng, quan hệ Liên Triều trở nên xấu hơn sau khi Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần thứ tư vào tháng 1/ 2016. Để phản đối, Hàn Quốc đã cho đóng cửa khu công nghiệp Kaesong. Dù vậy, Triều Tiên vẫn tiếp tục thử nghiệm hạt nhân vào ngày mùng 9/ 9/ 2016 nhân dịp kỷ niệm 68 năm thành lập đất nước. Sau đó, gần 1 năm, Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần thứ sáu.

Tới khi ông Moon Jae-in đắc cử Tổng thống Hàn Quốc, thì mối quan hệ Liên Triều đã được cải thiện đáng kể. Đồng thời, ông Moon cũng tuyên bố sẽ quay trở lại với chính sách Ánh Dương.

Tại Thế vận hội Mùa đông năm 2018 được tổ chức tại Pyeongchang, Triều Tiên và Hàn Quốc đã cùng nhau diễu hành trong lễ khai mạc và thi đấu môn khúc côn cầu trên băng dành cho nữ với đội hình gồm các vận động viên hai nước. Cũng trong thời gian này, quan hệ Mỹ – Triều cũng được cải thiện. Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un đã gặp nhau hai lần, lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 6/ 2018 và lần thứ hai tại Hà Nội vào tháng 2/ 2019. Tới năm 2020, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua luật cấm việc truyền đơn vào Triều Tiên.

Tuy quan hệ đã tốt lên, nhưng phía Triều Tiên vẫn tiếp tục thử tên lửa. Trong tháng 1/ 2022, Triều Tiên đã tiến hành tới bảy vụ thử tên lửa. Và tới tháng 5/ 2022, khi ông Yoon Seok-youl đắc cử tổng thống Hàn Quốc, quan hệ Liên Triều lại xấu đi.

Tiếp đó, vào ngày 15/1/ 2024, ông Kim Jong Un tuyên bố rằng việc thống nhất hòa bình không còn khả thi và đề xuất xác định Hàn Quốc là quốc gia thù địch trong hiến pháp Triều Tiên. Nước này cũng đã cho phá hủy tượng đài Thống nhất tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Những lo ngại sau khi tiến trình thống nhất diễn ra

Việc thống nhất bán đảo Triều Tiên là sự hợp nhất của hai xã hội khác biệt với hệ tư tưởng chính trị, hệ thống kinh tế và văn hóa khác nhau. Điều này đòi hỏi những nỗ lực nhằm thúc đẩy sự hiểu biết, hòa giải và hội nhập giữa hai miền đất nước. Nếu tiến trình thống nhất thực sự diễn ra, vấn đề lớn mà người ta quan tâm sẽ là số phận của Kim Jong Un và chế độ cầm quyền tại Bình Nhưỡng.

Ông Bong Young-shik, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Yonsei ở Hàn Quốc, bình luận: “Kim Jong Un muốn có một thỏa thuận lớn. Ông ta không muốn dành 40 năm để làm một nhà độc tài, lãnh đạo một đất nước nghèo đói. Ông ta không muốn sống giống cha mình. Song, Kim cũng không muốn có kết cục giống Gaddafi.”

Nếu theo nghiên cứu của Kim Jin-wook tại Citigroup, việc thống nhất đất nước sẽ cần khoản đầu tư 63,1 tỷ đô la. Hai nhà phân tích của Horizon Strategy Capital là Stephen Jen và Joanna Freely ước tính chi phí dành cho việc thống nhất hai miền sẽ là vào khoảng 2000 tỷ đô la trong vòng 10 năm, lấy căn cứ từ việc thống nhất Đông Đức và Tây Đức.

Tuy nhiên, trái với Triều Tiên, Đông Đức có một nền kinh tế phát triển, đứng hàng đầu trong khối Đông Âu. Vào năm 1989, GDP đầu người của Đông Đức là 8422 đô la, bằng một nửa của Tây Đức là 18.160 đô la. Sau khi Đông và Tây Đức thống nhất vào năm 1990, mỗi năm Tây Đức phải chuyển khoảng 80 tỷ đô la sang phía đông để hiện đại hóa khu vực này và ước tính đến nay họ đã tiêu tốn khoảng 1000 tỷ đô la.

Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của các bang phía đông vẫn chỉ bằng 73% các bang phía tây. Trong khi đó, vào năm 2022, GDP đầu người của Triều Tiên chỉ là 1116 đô la, còn con số của một người Hàn Quốc là 33.147 đô la, gấp gần 30 lần. Hơn nữa, tại thời điểm thống nhất nước Đức, dân số Đông Đức là khoảng 17 triệu người, xấp xỉ 1/4 so với dân số Tây Đức là hơn 60 triệu.

Còn hiện tại, dân số Bắc Triều Tiên là khoảng 25 triệu người, bằng một nửa dân số Hàn Quốc là khoảng 51 triệu người. Trong trường hợp thống nhất, làn sóng người Triều Tiên tràn sang Hàn Quốc có thể tạo ra một thời kỳ suy thoái. Với sự lạc hậu của nền kinh tế Triều Tiên, phía Hàn Quốc sẽ phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Nếu bán đảo Triều Tiên thống nhất tình hình châu Á sẽ ra sao ?

Một bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ phải tái định hình bối cảnh chính trị của châu Á. Các cường quốc cả trong và ngoài khu vực đều sẽ phải thay đổi chính sách ngoại giao trước một nước Cao Ly thống nhất.

Về phía Trung Quốc, nước này cũng không thực sự ưa thích chính quyền ở Bình Nhưỡng. Vào năm 2010, WikiLeaks công bố hàng loạt tài liệu ngoại giao của Mỹ trong đó có thông tin hai quan chức Trung Quốc nói về thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc. Thế hệ lãnh đạo trẻ ở Bắc Kinh ngày càng tin rằng bán đảo Triều Tiên nên được thống nhất dưới sự cai trị của Hàn Quốc miễn là nước này không thù địch với Trung Quốc.

Nhiều quan chức cấp cao ở Trung Quốc không hài lòng về Triều Tiên do các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tục làm mất an ninh của khu vực Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, tạp chí Kinh doanh Tài Tân cho biết Triều Tiên chiếm 40% ngân sách viện trợ nước ngoài của Trung Quốc và đồng thời Bắc Kinh cũng phải cung cấp 50.000 tấn dầu mỗi tháng cho Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, nếu Hàn Quốc là người thống nhất bán đảo Trung Quốc cũng sẽ gặp không ít bất lợi. Đầu tiên là một làn sóng di cư từ miền Bắc Triều Tiên vào vùng đông bắc Trung Quốc, con số đó có thể là hàng triệu người. Bên cạnh đó, liệu Mỹ có triển khai quân đội ở biên giới với Trung Quốc? Điều này là không thực sự chắc chắn nhưng vẫn có nguy cơ rất cao. Không chỉ vậy, một bán đảo thống nhất có thể kích động chủ nghĩa dân tộc của 2 triệu người Triều Tiên ở Trung Quốc. Hơn nữa, Hàn Quốc có thể tiếp tục tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Cụ thể là núi Trường Bạch hay thậm chí là xóa bỏ công ước giản đảo và đòi lại chủ quyền về châu tự trị dân tộc Triều Tiên Diên Biên tại tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc.

Về phía Nga, nước này đang có quan hệ khá thân thiết với Triều Tiên. Hai nước cũng đã phân định xong biên giới vào năm 1990 khi Bình Nhưỡng từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với Lộc Đồn Đảo trong khi phía Seoul đến nay vẫn tuyên bố khu vực này là của mình.

Về phía Nhật Bản, nước này và người Triều Tiên vốn có mối thù truyền kiếp, đặc biệt là vấn đề phụ nữ mua vui trong Thế chiến thứ II. Hơn nữa, một bán đảo Triều Tiên thống nhất có thể trở thành đối thủ cạnh tranh kinh tế với Nhật Bản. Hai nước này cũng có tranh chấp lãnh thổ khi Tokyo tuyên bố chủ quyền đối với đảo Liancourt hiện do Hàn Quốc kiểm soát.

Về phía Mỹ, việc thống nhất bán đảo sẽ là một cơn đau đầu đối với các quan chức tại Washington. Phó giáo sư Lee ji-Joung, người nghiên cứu các vấn đề quan hệ quốc tế tại Đại học Mỹ cho rằng, để củng cố quyền tự trị và hạn chế sự can thiệp từ bên ngoài, một nước Cao Ly thống nhất có thể sẽ đi tới quyết định là chấm dứt liên minh với Mỹ. Thậm chí là xem sự hiện diện của quân đội Mỹ là yếu tố phá hoại bản sắc và sự thống nhất của mình.

Nếu mọi chuyện diễn biến theo hướng này, một nước Cao Ly thống nhất sẽ có cách tiếp cận hướng thân Trung Quốc hơn. Một dấu hiệu cho thấy sự kết thúc của thời kỳ Mỹ làm chủ Châu Á. Phó giáo sư Lee Ji-Joung cũng cho biết: “Theo tôi, nếu viễn cảnh thống nhất Triều Tiên thành hiện thực cả Nhật Bản và Trung Quốc chắc chắn sẽ nỗ lực hơn nữa để củng cố quan hệ song phương, làm sâu sắc hơn quan hệ Trung – Nhật- Triều”.

Trong khi Bruce Jones, Phó Giám đốc phụ trách chương trình chính sách của Viện Brookings, bình luận rằng bất kỳ nhà lãnh đạo sáng suốt nào cũng đều đưa đất nước hướng tới một sự độc lập về chiến lược, duy trì mối quan hệ gần gũi nhưng có khoảng cách nhất định với cả Washington và Bắc Kinh. Chính vì vậy, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều sẽ không cho phép một bán đảo Triều Tiên thống nhất. Cường quốc mới này sẽ đe dọa an ninh địa chính trị của Trung Quốc và sự cân bằng chiến lực của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Trong khi đó, người Hàn Quốc cũng không còn muốn thống nhất với Triều Tiên. Theo một cuộc khảo sát gần nhất vào tháng 4/ 2023, 61% thanh niên Hàn Quốc cho rằng thống nhất hai miền là mục tiêu không thực sự cần thiết. Cũng trong cuộc khảo sát này, 91% thanh niên Hàn Quốc có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc và tỉ lệ này đối với Triều Tiên là 88%. Ngược lại, 67% và 63% người được hỏi bày tỏ quan điểm tích cực với Mỹ và Nhật Bản.

Về phía Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi, không xem người Hàn Quốc là đồng hương, cắt đứt mọi liên lạc liên Triều, đồng thời phá hủy tượng đài thống nhất ở Bình Nhưỡng.

Trong tương lai, một cuộc chiến giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là rất khó xảy ra vì một bên có Mỹ bảo hộ, còn một bên có vũ khí hạt nhân. Việc thống nhất trong hòa bình cũng rất khó để trở thành hiện thực vì sự khác biệt giữa hai miền là quá lớn. Vì vậy, một bán đảo thống nhất có lẽ vẫn sẽ chỉ là một mong ước không thể trở thành hiện thực.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới