Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Lý Khắc Cường nói gì trong “giờ chót”?

Ông Lý Khắc Cường nói gì trong “giờ chót”?

Trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày hôm qua, 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc báo cáo công tác của chính phủ. Ông khẳng định, chính phủ nên thúc đẩy sự phát triển hòa bình trong quan hệ với Đài Loan.

Đây là cơ hội cuối cùng Lý Khắc Cường đứng trên bục phát biểu quan trọng này, bởi sau hội nghị người kế nhiệm ông là Lý Cường sẽ nhận chức Thủ tướng.

Tuy là lần phát biểu sau chót, Lý Khắc Cường vẫn tỏ thái độ kiên quyết, nhấn mạnh nguyên tắc “một Trung Quốc”, coi Đài Loan là một phần cơ thể không thể tách rời. Ông cho rằng, cần thúc đẩy quá trình “thống nhất hòa bình” của Trung Quốc, có bước đi cụ thể, kiên quyết hơn nữa trong việc ngăn chặn Đài Bắc đòi độc lập.

Nhân dịp này, Lý Khắc Cường thông báo, 5 năm qua, nền quốc phòng và quân đội Trung Quốc đã có những tiến bộ nhảy vọt. Quân đội đã từng bước triển khai kế hoạch hiện đại hóa “cứng rắn và linh hoạt”. Ông nói: “Chúng ta đã bảo vệ triệt để các lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển của Trung Quốc”.

Trong ba năm qua, Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự gần hòn đảo này, đáp trả cái gọi là “sự thông đồng” giữa Đài Bắc và Washington – nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quốc tế chính của Đài Loan. Tháng 8/2022, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận chung quanh Đài Loan, phản ứng chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi.

Đấy là tiếng nói của người sắp mãn nhiệm. Ông không thể nói khác ý của Tập Cận Bình.

Đương nhiên, về phía Đài Loan, đại đa số người dân hòn đảo này không muốn đất nước bị cai trị bởi một Đại lục chuyên quyền. Đài Bắc cương quyết phản đối các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nhiều lần đề nghị đàm phán với Trung Quốc, nhưng không được ông chủ Trung Nam Hải gật đầu vì cho rằng bà Thái là kẻ ly khai, theo đuôi Mỹ.

Trong bối cảnh đó, thái độ của Mỹ ra sao? Theo các nhà bình luận quốc tế nhiều năm theo dõi tình hình hòn đảo này, thay vì duy trì ảo tưởng về sự nhất quán, Washington nên nói thẳng ra rằng: kim chỉ nam cho các quyết định của họ là quyết tâm gìn giữ hòa bình ở Eo biển Đài Loan. Một khi Bắc Kinh bước qua “lằn ranh đỏ”, đe dọa tấn công Đài Loan thì Mỹ sẽ không để yên. Cụ thể là sẽ điều chỉnh thái độ cho “tương xứng” với “thói côn đồ” của Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng nên cam kết, họ sẽ làm điều tương tự nếu Đài Loan theo đuổi các yêu cầu mang tính biểu tượng có thể làm tổn hại quan hệ hai bờ eo biển. Cách tiếp cận đó sẽ thừa nhận rằng, hiện trạng ở Eo biển Đài Loan có tính động, chứ không ấn binh bất động.Washington nên tuyên bố dứt khoát: nếu Bắc Kinh hoặc Đài Bắc phá vỡ sự ổn định ở Eo biển, họ sẽ tìm cách thiết lập lại trạng thái cân bằng.

Và giờ đây trước tuyên bố dứt khoát trong những “giờ chót”của ông Thủ tướng Lý Khắc Cường, Mỹ cần thấy đó là một thông điệp cứng rắn của Trung Quốc. Hãy đừng bao giờ tin vào chiếc bánh vẽ của Bắc Kinh, rằng họ luôn mong muốn hòa bình. Họ chỉ mong soán ngôi bá chủ thế giới mà thôi!

Trong một vài thập niên nữa không bao giờ có chuyện Trung Quốc “thúc đẩy sự phát triển hòa bình trong quan hệ với Đài Loan”. Nếu muốn phát triển hòa bình sẽ chẳng có những hành động đe dọa hòn đảo như thời gian vừa qua. Nào là, công bố sách trắng “Vấn đề Đài Loan và việc thống nhất Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”; nào là liên tục tổ chức các cuộc tập trận quanh hòn đảo và duy trì các chuyến tuần tra thường kỳ ở Eo biển Đài Loan, cũng như duy trì các đội quân chiến đấu.

Ai cũng hiểu như thế. Rằng đường lối ngoại giao chiến lang của Trung Quốc là như thế. Ngược lại Đài Loan cũng cứng cỏi không kém với tuyên bố chung cuộc: Chỉ có 23 triệu dân của hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới