Sunday, April 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếPhải chẳng Philippines đang trên tuyến đầu chống TQ ở Biển Đông

Phải chẳng Philippines đang trên tuyến đầu chống TQ ở Biển Đông

Thời gian gần đây, một số ý kiến đặt câu hỏi phải chăng Philippines đang đứng trên tuyến đầu chống Trung Quốc ở Biển Đông dưới chính quyền của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., nhất là sau những diễn biến gần đây xung quanh quan hệ Philippines với Mỹ, Nhật, Úc và động thái Manila liên tiếp phản đối mạnh mẽ các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng ta cùng đi tìm lời giải đáp xung quanh câu chuyện này.

Trên thực tế không phải là bây giờ Philipinnes mới đi đầu trong việc chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Manila đã từng đứng trên tuyến đầu chống Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông khi chính quyền của cố Tổng thống Benigno Aquino khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; nỗ lực theo đuổi vụ kiện 3 nẵm rưỡi bất chấp những áp lực và trừng phạt kinh tế của Bắc Kinh (Trung Quốc dừng nhiều hoạt động kinh tế với Philippines, không nhập nhiều mặt hàng nông sản từ Philippines). Lúc bấy giờ nhiều ý kiến lo ngại Philippines gặp phải những rủi ro khi đơn phương đứng ra khởi kiện, nhưng với sự kiên trì của chính quyền Manila và sự công tâm của Tòa Trọng tài, cuối cùng Philippines đã giành được thắng lợi gần như tuyệt đối trong phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài vào năm 2016.

Giờ đây, nhìn lại vụ kiện của Philippines trên hồ sơ Biển Đông, giới chuyên gia đều cho rằng việc Philippines đi đầu trong sử dụng cơ chế pháp lý để đối đầu với Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng, mở ra tiến trình pháp lý để đấu tranh với Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có cuộc chiến công hàm xung quanh vấn đề Biển Đông với sự tham gia của các nước trong và ngoài khu vực. Mặc dù Trung Quốc không thừa nhận và không thực thi, nhưng phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài đã trở thành một cơ sở pháp lý quan trọng để duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông.

Sử dụng phán quyết trọng tài năm 2016 như một thứ vũ khí dự phòng, chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte đã làm Bắc Kinh phải nhiều phen chạy theo mình khi phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khẳng định giá trị của Phán quyết, nêu vấn đề Phán quyết trong việc gặp gỡ với Lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Với chính sách “thân” Bắc Kinh, ông Duterte đã tạm gác lại phán quyết năm 2016 nhằm đổi lấy sự hỗ trợ về kinh tế từ Trung Quốc, song cuối cùng ông Duterte đã thất bại, không những không đạt được mục tiêu đề ra trong hợp tác kinh tế với Bắc Kinh mà vẫn tiếp tục bị Bắc Kinh xâm lấn, cưỡng bức ở Biển Đông.

Tuy nhiên, cựu Tổng thống Rodrigo Duterte có phần làm giảm nhẹ liên minh Philippines-Mỹ và tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc khiến nhiều người cho rằng Philippines đã giảm việc đối đầu với Trung Quốc. Tân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr mặc dù mới lên nắm quyền, thực hiện một cách tiếp cận cân bằng hơn khi khẳng định Manila là “bạn của tất cả, không phải là kẻ thù”. Với phương châm đó, bên cạnh việc tiếp tục coi trọng quan hệ với Bắc Kinh (qua chuyến thăm tới Trung Quốc tháng 1/2023) chính quyền của ông Marcos cũng đã mở rộng quan hệ quốc phòng với Washington, mới đây nhất là thông báo về vị trí của 4 căn cứ quân sự bổ sung sẽ được sử dụng bởi quân đội Mỹ.

Sau những động thái của Philippines củng cố quan hệ đồng minh Philippines và nỗ lực thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Nhật Bản, Úc thời gian gần đây, giới quan sát nhận định chính quyền của Tổng thống Marcos đã thực hiện một bước ngoặt ngoại giao và sự thay đổi trong chính sách của Manila là rõ ràng; nguyên nhân của sự thay đổi này là do sự hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á có trụ sở tại Mỹ, nhận xét Manila đang cho rằng “về cơ bản, Philippines không thể làm gì để xoa dịu Trung Quốc”. Ông Poling cho rằng: “Nếu một chính phủ Philippines muốn bảo vệ các quyền của Philippines, thì cách duy nhất có thể là ngăn chặn và điều đó đồng nghĩa với việc tăng cường liên minh với người Mỹ”.

Chuyến thăm tới Bắc Kinh hồi tháng 1, nơi ông Marcos và Tập Cận Bình kêu gọi giải quyết tranh chấp hàng hải một cách “thân thiện”, đã không ngăn được tranh cãi nổ ra vài tuần sau đó khi Manila cáo buộc một tàu hải cảnh của Trung Quốc sử dụng đèn laser cấp độ quân sự chống lại một tàu tiếp tế của Philippines.

Kể từ khi nhậm chức tháng 7/2022, Tổng thống Marcos đã tiếp đón một số quan chức hàng đầu của Mỹ, trong đó có Phó Tổng thống Kamala Harris. Tại các cuộc gặp, họ đã nhấn mạnh cam kết “cứng rắn” và “không lay chuyển” của Mỹ trong việc bảo vệ Philippines theo hiệp ước phòng thủ chung đã tồn tại hơn 5 thập kỷ giữa hai nước. Ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển của Đại học Philippines, nhận xét: “Có một cảm giác lạc quan rằng chính phủ Philippines… hiện đang làm điều đúng đắn. Bắc Kinh có thể cố gắng trừng phạt Philippines, nhưng sự thật là quan hệ kinh tế của Philippines với Mỹ, Nhật Bản và các đối tác truyền thống khác vẫn vượt xa Trung Quốc”.

Tháng 2 năm nay, Manila và Washington đã đạt được sự nhất trí cho phép các lực lượng Mỹ tiếp cận thêm nhiều căn cứ quân sự của Philippines với việc mở rộng Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng, hay EDCA. EDCA đã được ký kết vào năm 2014 dưới thời người tiền nhiệm của ông Duterte, cố Tổng thống Benigno Aquino, và cho phép các lực lượng Mỹ luân chuyển qua 5 căn cứ và sử dụng chúng để cất giữ các thiết bị và vật tư quốc phòng. Tuy nhiên, dưới thời của ông Duterte thỏa thuận này đã bị đình trệ, thậm chí bị đe dọa hủy bỏ.

Lên nắm quyền, ông Marcos tìm cách đẩy nhanh việc thực hiện thỏa thuận này, thậm chí đã đồng ý cho lực lượng Mỹ hiện diện nhiều hơn ở nước này trước sự thất vọng của Trung Quốc. Và ngày 03/4 vừa qua, chính quyền của ông Marcos đã công bố cụ thể 4 địa điểm mới mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận, trong đó có 3 căn cứ nằm ở cực Bắc đảo chính Luzon của Philippines (gồm căn cứ Hải quân Camilo Osias ở Santa Ana, tỉnh Cagayan; Sân bay Lal-lo ở Cagayan; và Trại Melchor Dela Cruz ở Gamu, tỉnh Isabela), sát với Đài Loan và 1 căn cứ trên Đảo Balabac ở phía Tây Nam tỉnh Palawan giáp với Biển Đông.

Hôm 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippiné Carlito Galvez và Ngoại trưởng Enrique Manalo đã tới Washington cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken tiến hành Đối thoại 2+2 lần thứ 3 sau 7 năm bị trì hoãn.  Thông cáo chung Mỹ-Philippines được đưa ra sau cuộc đối thoại đã chỉ đích danh các “mưu đồ gần đây” Trung Quốc nhằm cản trở các hoạt động hợp pháp của Philippines tại và xung quanh khu vực Bãi Cỏ Mây, cũng như việc các tàu dân quân biển Trung Quốc liên tục tập trung ở một số nơi trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Mỹ-Philippines kêu gọi Trung Quốc “tuân thủ đầy đủ Phán quyết của Tòa trọng Tài thường trực năm 2016 về Biển Đông”. Hai đồng minh nhấn mạnh phán quyết năm 2016 dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, có giá trị cuối cùng và ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên, đồng thời xác nhận quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines đối với EEZ và thềm lục địa của nước này.

Thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hai bên tái khẳng định các cam kết liên minh vững chắc theo Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) năm 1951, để tự vệ “chống lại mọi cuộc tấn công vũ trang tại Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông”. Bộ trưởng Quốc phòng hai nước cũng đã thảo luận về kế hoạch nhanh chóng đưa vào hoạt động 4 căn cứ mới mà Philippines vừa mở cửa cho Mỹ theo Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA). Cùng với Biển Đông, việc“duy trì hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan” được hai bên khẳng định “như một yếu tố không thể thiếu đối với thịnh vượng và an ninh toàn cầu”.

Cùng ngày với cuộc Đối thoại 2+2, hôm 11/4 Mỹ và Philippines đã khởi động cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh dưới tên gọi “Balikatan 2023” ngoài khơi phía Bắc đảo Luzon và ở Biển Đông. Cuộc tập trận  kéo dài đến ngày 28/4, với sự tham gia của 17.000 quân từ nhiều quốc gia đồng minh. Trong đó có 12.200 quân nhân Mỹ, 5.400 quân nhân Philippines và 111 binh sĩ Australia. Theo nguồn tin quân sự, cuộc tập trận bao gồm một cuộc diễn tập bắn đạn thật để bắn phá và đánh chìm một con tàu đã bị loại biên ở Biển Đông. Các tàu chiến, máy bay chiến đấu của Mỹ cũng như tên lửa Patriot, bệ phóng tên lửa HIMARS và tên lửa chống tăng Javelin được phô diễn trong cuộc tập trận. Trong thời gian cuộc tập trận, Mỹ và Philippines tién hành diễn tập một cuộc đổ bộ lên đảo Palawan ở phía Tây đối diện với Biển Đông. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên các tàu khu trục của hải quân Philippines và Mỹ khai hỏa vũ khí về phía Biển Đông từ vùng biển ngoài khơi tỉnh Zambales, phía Bắc Manila.

Với những diễn biến dồn dập trong quan hệ Mỹ-Philippines thời gian gần đây, giới quan sát cho rằng Philippines đang đứng trên tuyến đầu chống Trung Quốc không chỉ ở Biển Đông mà cả ở eo biển Đài Loan. Lý giải cho điều này, các nhà phân tích nhận định: một là, tham vọng thống trị, độc chiếm Biển Đông và sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã đẩy Philippines xích lại gần Mỹ. Trong bối cảnh sức ép trên Biển Đông không ngừng gia tăng, Manila tin rằng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ với Washington có thể giúp nước này ngăn chặn Trung Quốc chà đạp lên các quyền của Manila ở Biển Đông; hai là, kể từ tháng 8 năm ngoái, Bắc Kinh liên tiếp cho máy bay, tàu chiến áp sát, uy hiếp Đài Loan khiến tình hình eo biển Đài Loan leo thang căng thẳng. Việc Philippines có vị trí gần Đài Loan có khả năng khiến nước này trở thành một “nạn nhân” trong trường hợp Trung Quốc phát động một cuộc tấn công quân sự xâm chiếm Đài Loan.

Những động thái mới trong quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines khiến Trung Quốc phản ứng dữ dội, họ cáo buộc Mỹ “gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực”. ngoài khơi phía Bắc đảo Luzon và ở Biển Đông. Ngày 12/4, Trung Quốc cảnh báo một liên minh an ninh ngày càng sâu rộng giữa Mỹ và Philippines không được làm tổn hại đến an ninh và lợi ích lãnh thổ của bất cứ nước nào, cũng như không can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. 

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 12/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh Trung Quốc hết sức quan ngại và phản đối mạnh mẽ tuyên bố chung Mỹ-Philippines liên quan Biển Đông. Lưu ý rằng Trung Quốc “có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận”, ông Uông Văn Bân cho rằng tuyên bố chung Mỹ-Philippines “xuyên tạc và làm mất uy tín các hoạt động hợp pháp cũng như việc thực thi pháp luật trên biển hợp pháp của phía Trung Quốc và thậm chí đưa ra những cáo buộc sai trái chống lại Trung Quốc, mà Bắc Kinh cực lực phản đối”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang ngược nói cái gọi là “phán quyết trọng tài về Biển Đông” vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Phán quyết này là bất hợp pháp, vô hiệu và quan điểm của Trung Quốc về việc không chấp nhận hoặc công nhận phán quyết này là rõ ràng và kiên quyết. Ông Uông Văn Bân lên án việc Mỹ và Philippines khẳng định trong tuyên bố chung rằng họ sẽ “hỗ trợ vận hành nhanh chóng 4 địa điểm mới”; cho rằng ý đồ đằng sau những địa điểm đó rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lên giọng “dạy dỗ” rằng: “Chúng tôi muốn một lần nữa nhắc nhở các quốc gia liên quan trong khu vực rằng việc ‘chiều chuộng’ các thế lực bên ngoài khu vực sẽ không mang lại an ninh tốt hơn mà ngược lại sẽ gây ra căng thẳng, đặt hòa bình và ổn định khu vực vào nguy cơ rủi ro và cuối cùng là phản tác dụng” Giới phân tích cho rằng phản ứng mạnh mẽ này của Bắc Kinh cho thấy rõ Philippines đang ở tiền tuyến đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Mỹ có một lịch sử phức tạp với thuộc địa cũ của mình là Philippines, và sự hiện diện quân sự của họ ở quần đảo này vẫn là một vấn đề nhạy cảm. Trước đây, Mỹ có 2 căn cứ quân sự lớn trên đảo chính Luzon, nhưng chúng đã bị đóng cửa vào đầu những năm 1990 sau nhiều năm bị phản đối và không phải ai cũng ủng hộ việc cho quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ của Philippines. Việc Philippines thắt chặt quan hệ quân sự với Mỹ lần này gặp phải những phản ứng trái chiều từ ngay nội bộ Philippines.

Ủng hộ việc làm của chính quyền Tổng thống Marcos, ông Rommel Jude Ong, cựu Phó Tư lệnh Hải quân Philippines, nói: “Tôi  nghĩ thông điệp mà chúng tôi muốn truyền tải là Eo biển Luzon và các tỉnh phía Bắc là của chúng tôi, và chúng tôi có quyền thực hiện các biện pháp để bảo vệ các khu vực chiến lược này, để tự phòng vệ trước những tham vọng hàng hải của Trung Quốc”.

Trong khi đó, nhà hoạt động Liza Maza, 65 tuổi, người đã vận động chống lại các căn cứ của Mỹ hơn 30 năm trước, cho biết: “Mỹ đang kéo chúng tôi vào cuộc chiến với Trung Quốc”. Manuel Mamba, Thống đốc Cagayan, một tỉnh của Philippines nằm ngay ở phía Nam Đài Loan, đã phản đối việc tổ chức các căn cứ theo EDCA trong tỉnh của mình vì sợ gây nguy hiểm cho đầu tư của Trung Quốc và trở thành mục tiêu tấn công của Bắc Kinh. Về phần mình, Tổng thống Marcos dường như đã nhận thức rõ ràng cần phải khôi phục quan hệ quốc phòng truyền thống với Washington làm chỗ dựa để chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh và coi sự can dự không thể tránh khỏi của đất nước mình trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở Đài Loan. Ngay từ hồi tháng 2 ông Marcos nói với tờ báo Nhật Bản Nikkei Asia: “Thật khó để tưởng tượng một kịch bản mà bằng cách nào đó Philippines có thể không can dự. Chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi rõ ràng đang ở tiền tuyến”. Phát biểu của người đứng đầu Philippines là minh chứng cho nhận định của giới chuyên gia “Philippines đang ở trên tiền tuyến”.

RELATED ARTICLES

Tin mới