Wednesday, May 1, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuán lẩu trên đảo Phú Lâm

Quán lẩu trên đảo Phú Lâm

Ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (đang bị Trung Quốc chiếm giữ) vừa khai trương một nhà hàng. Gọi là nhà hàng truyền thống, nhưng thực chất đó là một quán lẩu có sức chứa khoảng 120 thực khách. Quán lẩu vừa mở cửa kinh doanh hôm đầu tháng 5.

Nếu là một quán lẩu bình thường trên đất liền thì ai nhọc công để mắt tới. Nhưng oái oăm thay, nó lại mọc lên ở giữa trùng khơi, trên một hòn đảo thuộc “thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc nặn ra. Và thế là có chuyện. Người ta hỏi nhau: các nhà ẩm thực Trung Hoa – con cháu của Từ Hi Thái hậu nổi tiếng sành ăn và nổi tiếng sa hoa, cầu kỳ – quăng ra đảo cái món lẩu thập cẩm để làm gì nhỉ?

Hỏi câu này là có lý do, bởi vì đảo Phú Lâm tuy là hòn đảo to nhất trong nhóm khoảng 30 đảo tạo nên quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), nhưng số dân trên đảo chỉ chưa đầy 1000 người. Quân đội Trung Quốc đã bí mật cho quân chiếm đóng đảo Phú Lâm vào đêm ngày 20, rạng sáng ngày 21/ 2 /1956. Và nước này đã chiếm đóng, quản lý toàn bộ quần đảo này kể từ sau trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Thế nghĩa là sau khi cưỡng chiếm đảo Phú Lâm tới gần 70 năm thì cái quán lẩu Kuanzhai Xiangzi mới ra đời. Xem ra Ông chủ Trung Nam Hải đứng sau chính quyền thành phố Tam Sa cũng dè dặt lắm!

Tuy diện tích của Phú Lâm chỉ hơn 2 km² một chút, nhưng trên hòn đảo này, ngoài các tòa nhà dân cư, còn có sân bay, bến cảng, trường học, rạp chiếu phim, ngân hàng, bưu điện… Đó là hình dáng của một thị trấn trung tâm quận Tam Sa, cũng là trung tâm của toàn bộ quần đảo.

Đấy là mặt hình thức. Những biến đổi trên đảo không nhằm làm cho cuộc sống của ngư dân thuận lợi hơn, mà chủ yếu là biến hòn đảo thành một tiền đồn phòng thủ và tấn công xâm lược. Các hệ thống tên lửa phòng không đã được triển khai trên đảo, các máy bay chiến đấu hạng nặng J11 đóng tại sân bay. Tàu chiến cũng có thể ra vào cảng của Phú Lâm.

Đã là “thị trấn” thì thêm một cái quán lẩu có gì ghê gớm nhỉ? Đó là nhìn bề ngoài, nhưng các nhà phân tích tình hình địa chính trị, quân sự thì rất thận trọng khi đánh giá sự kiện này. Họ cho rằng, qua đây có thể thấy “Chiến lược bắp cải” đang được tiến hành ở mọi phương diện, từ lớn đến nhỏ.

Điều mà Bắc Kinh muốn “nhắn gửi” tới Hà Nội và các nước trong khu vực là: Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc, không phải tranh cãi gì nữa. Từ năm 2012 đến nay, Chính phủ CHND Trung Hoa đã tích cực đưa dân cư và trang bị vũ khí vào các đảo, cũng như các vùng lãnh thổ biên giới tranh chấp khác.

Tương tự như ở đảo Phú Lâm-Hoàng Sa, Trung Quốc đã biến 7 hòn đảo vô danh thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành những khu định cư hiện đại với sân bay, khách sạn, siêu thị… Đó là trò xưa như trái đất nhưng họ vẫn cứ làm. Trò ấy được gọi là “Chiến lược bắp cải”. Ý nghĩa của chiến lược này là lãnh thổ mà CHND Trung Hoa tuyên bố chủ quyền được “bao bọc” từng lớp, giống như lá bắp cải, với sự trợ giúp của nhiều biện pháp: thiết lập các cơ sở quân sự và dân sự, tăng cường kiểm soát quân sự và quân sự-dân sự, tiến hành các cuộc tuần tra quân sự thường xuyên…

Cách đây không lâu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi những người chăn gia súc sống ở Tây Nam Khu tự trị Tây Tạng “bám rễ ở các khu vực biên giới, bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc và phát triển quê hương của họ”. Và nay thì chúng ta thấy rõ, người Trung Quốc đã “bám rễ” ở các đảo mà họ chiếm được. Hóa ra câu chuyện cái quán lẩu tưởng nhỏ mà lớn. Các nước có tranh chấp sẽ rất khó, thậm chí là không bao giờ giành lại những “lá cải” như vậy!

Họ sẽ quyết bảo vệ những vùng lãnh thổ này. Họ chỉ nhượng bộ trước đối thủ tiềm năng mạnh hơn về quân sự. Và, trong thời gian chờ đợi, họ hãy cứ ung dung mà thưởng thức ẩm thực truyền thống ngay trên hòn đảo xa xôi này. Theo lời Phó giám đốc một công ty hậu cần ở Tam Sa thì nhà hàng trên đảo Phú Lâm là một trong những nơi phục vụ các món ăn truyền thống nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Nó sẽ “làm phong phú thêm đời sống vật chất và văn hóa của quân đội, cảnh sát và người dân trên đảo”.

Hổ lốn như lẩu thập cẩm. Thế nhưng khi món lẩu này được bày đặt trên một hòn đảo trung tâm của cái gọi là thành phố Tam Sa thì nó không còn là chuyện hổ lốn, mà có bài bản, có ý vị hẳn hoi.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới