Thursday, May 2, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới nhà giàu TQ đổi cách tiêu tiền

Giới nhà giàu TQ đổi cách tiêu tiền

Những người mua sắm lớn của Trung Quốc đã quay trở lại để cứu trợ ngành công nghiệp xa xỉ toàn cầu. Tuy nhiên, họ chi tiêu trong nước nhiều hơn, ngay cả khi biên giới Trung Quốc đại lục mở cửa trở lại.

Du khách Trung Quốc xem đồng hồ tại một cửa hàng ở Lucerne, Thụy Sĩ.

Không trở lại như thời hoàng kim

Bloomberg nhận định, sự điều chỉnh này của giới nhà giàu Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nhiều tới những điểm đến và các thương hiệu nước ngoài từng phụ thuộc vào khách Trung Quốc sẽ chịu tác động nghiêm trọng.

Trong tháng 4 năm nay, khoảng 62% chi tiêu xa xỉ của người tiêu dùng Trung Quốc diễn ra bên trong biên giới nước này, tăng từ mức 41% trong cùng tháng năm 2019 – trước COVID-19. Dữ liệu này lấy từ doanh số bán hàng do Sandalwood Advisors tổng hợp.

Dù khách du lịch Trung Quốc đang dần đi du lịch nước ngoài trở lại, các nhà phân tích được Bloomberg khảo sát lưu ý, tỉ lệ mua sắm của khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài sẽ không trở lại như thời kì hoàng kim.

Các sản phẩm xa xỉ trong nước ngày càng tinh tế và đa dạng, trong khi giá hàng hóa đang tăng trên khắp thế giới làm giảm sự hào hứng của những người mua sắm người Trung Quốc.

Việc chuyển hướng mua sắm trong nước tác động tới những thương hiệu toàn cầu, các điểm đến du lịch vốn dựa vào những người mua sắm chi tiêu hào phóng từ Trung Quốc.

Trung Quốc là nguồn khách du lịch tăng trưởng nhanh nhất thế giới trước COVID-19, với phần lớn chi tiêu xa xỉ của họ – khoảng 70% – diễn ra bên ngoài đại lục trong năm 2019. Các thiên đường mua sắm và nghỉ dưỡng từ Thái Lan đến Italy đang chờ đợi sự trở lại của họ.

“Một phần đáng kể sức tiêu thụ sẽ tập trung ở thị trường nội địa do dễ dàng và thuận tiện” – Prudence Lai – nhà phân tích cấp cao của nhà cung cấp nghiên cứu thị trường Euromonitor International – nhận định.

Thị trường bán lẻ ở các điểm đến châu Á phổ biến với người mua sắm Trung Quốc “sẽ có quỹ đạo phục hồi bằng phẳng hơn và mất nhiều thời gian hơn để phục hồi trở lại mức trước COVID-19 so với các ngành du lịch khác”, bà nói thêm. Chuyên gia Prudence Lai khuyến nghị những thị trường bán lẻ này “nên xem xét khám phá các thị trường nguồn thay thế và đa dạng hóa nền tảng khách hàng cho sự phát triển”.

Những cải tiến trong thời kì đại dịch với các địa điểm mua sắm và dịch vụ khách hàng bên trong lãnh thổ Trung Quốc – bao gồm việc tăng doanh số bán hàng chớp nhoáng và các cuộc triển lãm khuyến khích mua hàng – có khả năng tiếp tục thúc đẩy sự chuyển hướng mua hàng trong nước.

“Từ giờ trở đi, thị trường địa phương bên trong Trung Quốc đại lục sẽ chiếm hơn 50% tổng chi tiêu của người Trung Quốc” – Jonathan Siboni, người sáng lập và giám đốc điều hành của Luxurynsight nhận định.

Đổ dồn về Hải Nam

Tương lai của chi tiêu xa xỉ của Trung Quốc có thể được nhìn thấy ở Hải Nam – trung tâm nội địa dành cho mua sắm miễn thuế cao cấp. Hòn đảo phía nam Trung Quốc chứng kiến doanh số bán hàng bùng nổ trong những năm khách du ịch bị mắc kẹt ở trong nước.

Sức hút của Hải Nam vẫn chưa giảm bớt dù Bắc Kinh đã từ bỏ các chính sách nghiêm ngặt về COVID-19 từ cuối năm ngoái. Doanh số tháng 4 của các trung tâm miễn thuế Hải Nam vẫn duy trì ở mức trên 203% so với năm 2019, dữ liệu sơ bộ của Sandalwood chỉ ra.

Sự thay đổi này đang tác động đến cả những trung tâm xa xỉ truyền thống là Hong Kong và Macau – 2 đặc khu hành chính của Trung Quốc.

LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ hàng đầu thế giới, đang chuyển các nguồn lực ra khỏi Hong Kong và tập trung đầu tư nhiều hơn vào các thành phố đại lục bao gồm Thượng Hải và Thâm Quyến.

Trong tương lai, “chúng tôi trông đợi sự kết hợp chi tiêu địa phương cao hơn so với trước COVID-19 vì hàng xa xỉ hiện dễ tiếp cận hơn ở Trung Quốc đại lục sau nhiều năm mở rộng cửa hàng trên toàn quốc và ở Hải Nam” – Agnes Xu, nhà đồng sáng lập và trưởng bộ phận nghiên cứu của Sandalwood cho biết.

Trong khi đó, các thương hiệu toàn cầu đang chuẩn bị nắm bắt xu hướng này, bao gồm SK-II của Procter & Gamble Co. Tháng trước, Giám đốc tài chính Andre Schulten của Procter & Gamble Co chia sẻ với các nhà phân tích rằng, công ti không nhận thấy “bất kì sự quay trở lại nào của người tiêu dùng Trung Quốc với kênh bán lẻ du lịch”.

Hầu hết khách hàng Trung Quốc đang ở châu Âu đi du lịch với tư cách cá nhân thay vì theo các nhóm du lịch lớn vốn phổ biến ở các khu vực mua sắm trên khắp thế giới, giám đốc tài chính của LVMH Jean-Jacques Guiony cho hay.

Giám đốc điều hành Siboni của Luxurynsight chỉ ra, nhiều năm phong tỏa và những quy định ngừa COVID-19 khiến nhiều người tiêu dùng Trung Quốc “suy nghĩ lại về lối sống của họ”.

“Họ không còn muốn mất 3 giờ xếp hàng bên ngoài một cửa hàng ở Paris trong mưa mà muốn kết nối với một cộng tác viên bán hàng địa phương, người biết họ và có thể tư vấn cho họ tốt hơn” – ông nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới