Thursday, May 2, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNgăn ngừa và đáp trả “chiến thuật vùng xám”

Ngăn ngừa và đáp trả “chiến thuật vùng xám”

Từ đầu năm đến nay Philippines đã có những tuyên bố và hành động mạnh mẽ đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông. Và ít nhiều nước này đã đạt được những hiệu quả, không những thế còn tác động tích cực đến các nước chung quanh.

Bắc Kinh đã tăng cường những hoạt động gây rối trên Biển Đông, nhất là trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Những dẫn chứng cụ thể: một tàu tuần duyên cỡ lớn của Trung Quốc đã cố tình buộc một trong hai tàu nhỏ của Philippines phải hành động khẩn cấp để tránh va chạm.

Trước đó, tàu Thường Châu, loại tàu hộ tống của Hải quân Trung Quốc, đã thách thức, đe dọa và có các hành động gây nguy hiểm các tàu tuần tra của Philippines đang tuần tra gần đảo Thị Tứ (cả ba nước Việt Nam, Philippines, Trung Quốc đều xác định thuộc chủ quyền của mình).

Ông Jay Tristan Tarriela – chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines tuyên bố: “Hành động trắng trợn coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã tự vạch mặt Bắc Kinh. Họ đã phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực. Philippines sẽ không lùi bước trước sự hung hăng của Trung Quốc”.

Trước sự cứng rắn của Philippines, các đồng minh của nước này đã lên tiếng ủng hộ. Đầu tiên là Washington, yêu cầu phía Trung Quốc ngừng “quấy rối và đe dọa” các tàu đánh cá và tàu bảo vệ bờ biển của Philippines ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Kế đến, Australia, Anh và Canada, thông qua các đại sứ tại Manila, bày tỏ quan ngại về “hành vi nguy hiểm” của Trung Quốc trong vùng biển này.

Về những hành động tại thực địa, trong mấy tháng qua, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) đã mở rộng các nhiệm vụ của họ ngoài sứ mệnh thông thường là tuần tra Biển Đông. PCG hiện đã đảm nhận vai trò vạch trần hàng loạt hoạt động bất hợp pháp của cả Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc và Lực lượng Dân quân Biển Trung Quốc.

PCG đã đưa các nhà báo và phóng viên truyền thông lên các chuyến bay Nhận thức về Lĩnh vực Hàng hải của họ để phổ biến thông tin chính xác không chỉ cho công chúng Philippines, mà còn cho cả cộng đồng thế giới được biết về sự an nguy của Biển Đông và thái độ của các quốc gia trong khu vực.

Nhóm Công tác Thông tin của Lực lượng đặc nhiệm Quốc gia Biển Tây Philippines đã sàng lọc kĩ thông tin trước khi công bố,thể hiện rõ lập trường không quân sự hóa xung đột trên Biển Đông.

Tại sao Manila lại mạnh mẽ đối đầu với Trung Quốc trên biển Đông? Có mấy nguyên nhân: Một là, sự thay đổi chính sách phản ánh cam kết của chính phủ Marcos Jr về tính minh bạch và quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước; hai là, những nỗ lực vạch trần các hoạt động phi pháp ở Biển Đông đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, bác bỏ thông tin giả, và thu hút sự ủng hộ đối với lập trường của chính phủ; ba là, giành được sự ủng hộ và đoàn kết từ các nước láng giềng ở Đông Nam Á, gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh: những hành động hung hăng của họ sẽ không được chấp nhận; bốn là, với việc lên án hành vi của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế có thể buộc nước này phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình và gây áp lực buộc họ phải thay đổi cách tiếp cận…

Trước sự đáp trả mạnh mẽ của Philippines, Malaysia và sự thẳng thắn kiên quyết hơn của Việt Nam, Trung Quốc đã có những điều chỉnh nhất định. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn ráo riết tiến hành những âm mưu nhỏ trong một âm mưu lớn từng bước “thu gọn” Biển Đông. Đó là lợi dụng thông tin, tung hỏa mù; nội luật hóa toàn Biển Đông. Bắc Kinh thể hiện xu thế nội luật hóa toàn Biển Đông, hướng đến triển khai đồng bộ và toàn diện “tam chủng chiến pháp” nhằm tạo cơ sở pháp lý và tuyên truyền.

Bắc Kinh đã lần lượt ban hành các văn bản quốc gia yêu sách các vùng biển không theo luật quốc tế; áp đặt các quy định và biện pháp hành chính nội bộ để khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền ở Biển Đông; trên cơ sở pháp lý được tạo ra bởi luật trong nước, tiến hành các biện pháp kiểm soát, khống chế và làm chủ thực địa.

Khi gặp phản ứng của các nước trong khu vực, Trung Quốc có cơ sở pháp lý để sẵn sàng sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ngăn cản hoạt động của các nước khác trong phạm vi “các vùng nước thuộc quyền tài phán quốc gia”.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Trước một ông hàng xóm lắm mưu sâu kế hiểm như vậy, thì những kinh nghiệm bước đầu của Philippines là rất hữu ích. Nó ngăn ngừa và đáp trả “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy, không nên khiêu khích hay biến nó thành xung đột quân sự, nhưng phải sử dụng sức mạnh của chính nghĩa, huy động mạnh mẽ các cơ quan truyền thông tham gia thông tin, phân tích, nói đúng sự thật, lên án âm mưu độc chiếm Biển Đông, sự hung hăng, cậy thế nước lớn bắt nạt các nước nhỏ của Trung Quốc.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới