Sunday, April 28, 2024
Trang chủPháp luật biểnVăn bản pháp lý của các nướcLuật Quan hệ Đối ngoại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Luật Quan hệ Đối ngoại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Ngày 28/06/23, Luật Quan hệ Đối ngoại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thông qua tại Cuộc họp lần thứ 3 Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân (Nhân đại) toàn quốc Trung Quốc khóa XIV.

Ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết: Bộ luật được ra đời trong bối cảnh thế giới có những thay đổi to lớn, cán cân quyền lực quốc tế điều chỉnh sâu sắc, cấu trúc và trật tự quốc tế diễn biến phức tạp. Việc ban hành Luật Quan hệ đối ngoại là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia”, bởi sự phát triển của Trung Quốc đã bước vào thời kỳ mà cơ hội chiến lược và nguy cơ, thách thức cùng tồn tại, các yếu tố bất định, khó lường ngày càng gia tăng. Trước những thách thức gay gắt, nước này cần “dám đấu tranh, giỏi đấu tranh, trong đó có sử dụng tốt vũ khí pháp quyền”, không ngừng làm phong phú và hoàn thiện “hộp công cụ” pháp lý, phát huy triệt để vai trò tích cực của pháp luật với tư cách là “nhân tố ổn định” trật tự quốc tế. Ban biên tập xin giới thiệu đến các độc giả nội dung cụ thể của Luật này như sau:

Mục lục

Chương 1: Quy tắc chung

Chương 2: Quyền hạn của quan hệ đối ngoại

Chương 3: Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển quan hệ đối ngoại

Chương 4: Hệ thống quan hệ đối ngoại

Chương 5: Sự bảo đảm để phát triển quan hệ đối ngoại

Chương 6: Điều khoản kèm theo

Chương I: Quy tắc chung

Điều 1: Căn cứ theo Hiến pháp, xây dựng luật này nhằm phát triển quan hệ đối ngoại, bảo vệ chủ quyền, an ninh lợi ích phát triển của quốc gia; bảo vệ và phát triển lợi ích của nhân dân; xây dựng cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa; thực hiện phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, thúc đẩy phát triển hòa bình của thế giới; thúc đẩy xây dựng Cộng đồng nhân loại chung vận mệnh.

Điều 2: Luật này được áp dụng để nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phát triển quan hệ ngoại giao và giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa với các nước; phát triển quan hệ với các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc.

Điều 3: Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiên trì sự chỉ đạo của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”, Quan điểm phát triển khoa học, Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới để phát triển quan hệ đối ngoại, thúc đẩy giao lưu hữu nghị.

Điều 4: Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiên trì chính sách ngoại giao hòa bình, độc lập tự chủ; kiên trì 05 nguyên tắc là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp công việc nội bộ của nhau; bình đẳng cùng có lợi; chung sống hòa bình.

Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiên trì đường lối phát triển hòa bình, kiên trì quốc sách cơ bản về mở cửa đối ngoại, theo đuổi chiến lược mở cửa cùng có lợi, cùng thắng.

Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, bảo vệ hòa bình và an ninh của thế giới, thúc đẩy phát triển chung toàn cầu, thúc đẩy thiết lập quan hệ quốc tế kiểu mới; chủ trương giải quyết tranh chấp quốc tế bằng phương thức hòa bình, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền; kiên trì bình đẳng như nhau giữa tất cả các nước, không phân biệt lớn-nhỏ, mạnh-yếu, giàu-nghèo, tôn trọng con đường phát triển và chế độ xã hội mà nhân dân các nước đã tự chủ lựa chọn.

Điều 5: Công tác đối ngoại của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiên trì sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Điều 6: Cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội khác và công dân có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh, tôn nghiêm, danh dự, lợi ích quốc gia trong giao lưu, hợp tác đối ngoại.

Điều 7: Nhà nước khuyến khích triển khai hợp tác, giao lưu hữu nghị và đối ngoại nhân dân một cách tích cực.

Những người có đóng góp nổi bật trong hợp tác giao lưu đối ngoại sẽ được biểu dương và khen thưởng theo các quy định liên quan của Nhà nước.

Điều 8: Bất kỳ tổ chức và cá nhân nào vi phạm luật này và các luật liên quan, tham gia các hoạt động gây tổn hại lợi ích quốc giatrong giao lưu đối ngoại sẽ truy cứu trách nhiệm pháp lý theo pháp luật.

Chương II: Quyền hạn của quan hệ đối ngoại

Điều 9: Cơ quan lãnh đạo công tác ngoại sự Trung ương phụ trách ra quyết sách và sắp xếp chương trình nghị sự cho công tác đối ngoại, nghiên cứu xây dựng, chỉ đạo thực thi các chiến lược đối ngoại và phương châm, chính sách quan trọng của đất nước; phụ trách thiết kế thượng tầng, phối hợp lên kế hoạch tổng thể, thúc đẩy tổng thể, đốc thúc thực hiện cho công tác đối ngoại.

Điều 10: Đại hội đại biểu Nhân dân (Nhân đại) toàn quốc và Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc sử dụng quyền hạn của quan hệ đối ngoại theo quy định của Hiến pháp và pháp luật để phê chuẩn, bãi bỏ điều ước, hiệp định quan trọng đã ký với nước ngoài.

Nhân đại toàn quốc và Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc tích cực triển khai giao tiếp đối ngoại, tăng cường giao lưu, hợp tác với nghị viện của các nước và tổ chức nghị viện quốc tế, khu vực.  

Điều 11: Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đại diện cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sử dụng quyền hạn của quan hệ đối ngoại theo quy định của Hiến pháp và pháp luật để tiến hành các hoạt động liên quan đến công việc của đất nước.

Điều 12: Quốc vụ viện sử dụng quyền hạn của quan hệ đối ngoại theo quy định của Hiến pháp và pháp luật để quản lý các vấn đề đối ngoại, ký kết điều ước, hiệp định với nước ngoài.

Điều 13: Quân ủy Trung ương sử dụng quyền hạn của quan hệ đối ngoại theo quy định của Hiến pháp và pháp luật để tổ chức, triển khai giao lưu, hợp tác quân sự quốc tế.

Điều 14: Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giải quyết các vấn đề ngoại giao theo pháp luật, đảm trách các vấn đề giao tiếp ngoại giao giữa lãnh đạo Đảng và Nhà nước với lãnh đạo của nước ngoài. Bộ Ngoại giao tăng cường chỉ đạo, phối hợp, quản lý, phục vụ đối với giao lưu, hợp tác đối ngoại của các bộ, ngành, cơ quan Nhà nước và các địa phương.

Cơ quan Trung ương và Nhà nước triển khai giao lưu, hợp tác đối ngoại theo chức trách, phân công.

Điều 15: Cơ quan ngoại giao của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại nước ngoài như Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại nước ngoài cùng với Phái đoàn thường trực tại Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế liên chính phủ khác là đại diện đối ngoại cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Bộ Ngoại giao thống nhất công tác lãnh đạo các cơ quan ngoại giao tại nước ngoài.

Điều 16: Các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai giao lưu, hợp tác đối ngoại trong phạm vi chỉ định đặc biệt theo sự ủy quyền của Trung ương.

Chính quyền Nhân dân của các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương xử trí các vấn đề giao lưu, hợp tác đối ngoại ở khu vực hành chính của mình theo quyền hạn.

Chương III: Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển quan hệ đối ngoại

Điều 17: Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phát triển quan hệ đối ngoại để kiên trì bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Điều 18: Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thúc đẩy thực hiện Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu; thúc đẩy bố cục công tác đối ngoại toàn phương vị, nhiều cấp độ, phạm vi rộng và nhiều tầng nấc.

Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thúc đẩy sự phối hợp và tương tác tích cực giữa các nước lớn, phát triển quan hệ với các nước láng giềng theo quan niệm “thân, thành, huệ, dung” và phương châm “thân thiện với láng giềng, làm bạn với láng giềng”; đề cao đoàn kết hợp tác với các nước đang phát triển theo quan niệm “chân, thực, thân, thành” và quan điểm “chính nghĩa và lợi ích đúng đắn”; bảo vệ và thực hành chủ nghĩa đa phương, tham gia cải cách và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu.

Điều 19: Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bảo vệ hệ thống quốc tế mà nòng cốt là Liên hợp quốc, bảo vệ trật tự quốc tế mà nền tảng là luật pháp quốc tế, bảo vệ chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế mà nền tảng là tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.

Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiên trì quan niệm quản trị toàn cầu về cùng bàn, cùng xây, cùng hưởng; tham gia vào xây dựng quy tắc quốc tế, thúc đẩy dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế và thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế phát triển theo hướng mở cửa, bao trùm, phổ biến, cân bằng, cùng thắng.

Điều 20: Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiên trì quan niệm an ninh toàn cầu như cùng chung, toàn diện, hợp tác, bền vững; tăng cường hợp tác an ninh quốc tế, hoàn thiện cơ chế tham gia quản trị an ninh toàn cầu.

Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thực hiện trách nhiệm là thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, duy trì quyền uy và vị thế của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ủng hộ và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủy quyền, kiên trì nguyên tắc cơ bản của hoạt động gìn giữ hòa bình, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các nước có chủ quyền, duy trì lập trường công bằng.

Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa duy trì hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân, phản đối chạy đua vũ trang; phản đối và ngăn cấm các hoạt động phổ biến có liên quan đến vũ khí sát thương quy mô lớn dưới mọi hình thức, thực hiện nghĩa vụ quốc tế liên quan, triển khai hợp tác quốc tế về ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân.

Điều 21: Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiên trì quan niệm phát triển toàn cầu như phổ biến công bằng, hợp tác mở cửa, cân đối toàn diện và liên kết đổi mới; thúc đẩy phát triển bền vững, cân đối giữa kinh tế, xã hội, môi trường và phát triển toàn diện của con người.

Điều 22: Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tôn trọng và bảo đảm nhân quyền, kiên trì kết hợp nguyên tắc phổ biến của nhân quyền với thực tế của nước mình, thúc đẩy phát triển cân đối, toàn diện về nhân quyền, triển khai giao lưu, hợp tác quốc tế ở lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, thúc đẩy phát triển lành mạnh sự nghiệp nhân quyền quốc tế.

Điều 23: Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chủ trương các nước trên thế giới vượt qua sự khác biệt về quốc gia, dân tộc, văn hóa, phát huy các giá trị chung của toàn nhân loại như hòa bình, phát triển, công bằng, chính nghĩa, dân chủ, tự do.

Điều 24: Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiên trì quan niệm văn minh như bình đẳng, học hỏi lẫn nhau, đối thoại, bao trùm; tôn trọng tính đa dạng của các nền văn minh, thúc đẩy giao lưu, đối thoại giữa các nền văn minh khác nhau.

Điều 25: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tích cực tham gia quản lý môi trường và khí hậu toàn cầu, tăng cường hợp tác quốc tế xanh và ít carbon, hướng tới xây dựng một nền văn minh sinh thái toàn cầu, thúc đẩy thiết lập một hệ thống quản lý môi trường và khí hậu toàn cầu công bằng, hợp lý, hợp tác cùng có lợi.

Điều 26: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiên trì thúc đẩy mở cửa ở mức độ cao với thế giới, phát triển ngoại thương, tích cực thúc đẩy các hợp tác kinh tế nước ngoài như bảo vệ hợp pháp đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của chính sách “Vành đai và Con đường”, duy trì hệ thống thương mại đa phương, phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế thế giới mở.

Điều 27: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiến hành viện trợ nước ngoài thông qua kinh tế, công nghệ, vật tư, nguồn nhân lực, quản lý…, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của các nước đang phát triển, nâng cao khả năng phát triển độc lập và bền vững của các nước đó, đồng thời thúc đẩy hợp tác phát triển quốc tế .

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiến hành hợp tác, hỗ trợ nhân đạo quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống, giảm nhẹ và cứu trợ thiên tai, hỗ trợ các nước liên quan ứng phó với các trường hợp khẩn cấp nhân đạo.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiên quyết tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác khi thực hiện viện trợ nước ngoài, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và không kèm theo bất kỳ điều kiện chính trị nào.

Điều 28: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xuất phát từ nhu cầu của sự phát triển quan hệ đối ngoại, triển khai các hoạt động hợp tác, trao đổi trong các lĩnh vực như giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa, y tế, thể thao, xã hội, sinh thái, quân sự, an ninh và pháp quyền.

Chương 4: Chế độ quan hệ đối ngoại

Điều 29: Nhà nước điều phối thúc đẩy pháp trị trong và ngoài nước, tăng cường lập pháp đối với lĩnh vực ngoại giao, tăng cường xây dựng hệ thống pháp trị quan hệ đối ngoại.

Điều 30: Nhà nước dựa vào Hiến pháp và Pháp luật  ký kết hoặc tham gia các điều ước, hiệp định, tích cực thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến điều ước, hiệp định.

 Các điều ước, hiệp định do nhà nước ký kết hoặc tham gia không được trái với hiến pháp.

Điều 31: Nhà nước thực hiện các biện pháp thích hợp để thực hiện và áp dụng các điều ước, hiệp định.

Việc thực hiện và áp dụng các điều ước, hiệp định không được làm tổn hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích chung của xã hội.

Điều 32: Nhà nước trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và quy tắc cơ bản quan hệ quốc tế, tăng cường thực thi, áp dụng luật pháp và quy định liên quan đến lĩnh vực ngoại giao, dựa theo quy định về thực thi tư pháp và thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và các tổ chức Trung Quốc.

Điều 33: Đối với hành vi vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và quan hệ quốc tế, gây nguy hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có quyền áp dụng các biện pháp đáp trả và hạn chế tương ứng. Quốc vụ viện và các cơ quan thuộc quyền thiết lập các quy định hành chính cần thiết, các chế độ và cơ chế công tác tương ứng, tăng cường phối hợp công tác, xác định và thực hiện các biện pháp đáp trả và hạn chế tương ứng. Quyết định đưa ra dựa theo khoản 1 và khoản 2 của Điều nay, sẽ là quyết định cuối cùng.

Điều 34: Trên cơ sở nguyên tắc “Một Trung Quốc”, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cùng các nước trên thế giới thiết lập và phát triển quan hệ ngoại giao theo năm nguyên tắc chung sống hòa bình.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa căn cứ các hiệp định, điều ước, nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và quy tắc cơ bản quan hệ quốc tế đã ký kết hoặc tham gia, có quyền áp dụng các biện pháp ngoại giao cần thiết như: thiết lập hoặc chấm dứt quan hệ ngoại giao, đóng cửa lãnh sự.

Điều 35: Quốc gia thực hiện biện pháp chấp pháp c của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải căn cứ vào quyết định trừng phạt và các biện pháp có liên quan của Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc.

Bộ Ngoại giao thông báo và công bố việc thi hành các nghị quyết và biện pháp xử phạt nêu tại khoản trên. Các cơ quan nhà nước có liên quan, chính quyền nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương có biện pháp thi hành trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình.

Các tổ chức, cá nhân ở Trung Quốc cần tuân thủ nội dung thông báo của Bộ Ngoại giao và các biện pháp liên quan của các ban ngành, khu vực, đồng thời không được tham gia vào các hành vi vi phạm các nghị quyết và biện pháp trừng phạt nêu trên.

Điều 36: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dành các quyền ưu đãi và miễn trừ tương ứng cho các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các quan chức quốc gia nước ngoài, các tổ chức quốc tế và các quan chức của nó theo các điều ước, hiệp định mà các bên đã ký kết hoặc tham gia.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cấp quyền miễn trừ cho nước ngoài và tài sản của họ theo các điều ước, hiệp định mà các bên đã ký kết hoặc tham gia.

Điều 37: Nhà nước thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo vệ sự an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân, tổ chức Trung Quốc ở nước ngoài, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài khỏi các mối đe dọa và xâm phạm.

Nhà nước tăng cường hệ thống bảo vệ lợi ích ở nước ngoài, cơ chế và nâng cao năng lực làm việc.

Điều 38: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người nước ngoài và các tổ chức nước ngoài tại Trung Quốc theo quy định của pháp luật.

Nhà nước có quyền cho phép hoặc từ chối nhập cảnh, lưu trú và cư trú của người nước ngoài, đồng thời quản lý hoạt động của các tổ chức nước ngoài trên lãnh thổ theo quy định của pháp luật.

Người nước ngoài và các tổ chức nước ngoài ở Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc, không được gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, làm tổn hại đến lợi ích công cộng hoặc phá vỡ trật tự công cộng của Trung Quốc.

Điều 39: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tăng cường đối thoại đa phương và song phương về pháp trị, thúc đẩy trao đổi, hợp tác về pháp trị với nước ngoài.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiến hành hợp tác quốc tế với nước ngoài và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực chấp pháp, tư pháp theo các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia hoặc theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.

Nhà nước tăng cường, mở rộng cơ chế hợp tác chấp pháp với nước ngoài, hoàn thiện hệ thống, cơ chế hỗ trợ tư pháp, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chấp pháp và tư pháp. Nhà nước tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, phòng, chống tham nhũng.

Chương 5: Bảo đảm phát triển quan hệ đối ngoại

Điều 40: Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống bảo đảm toàn diện công tác đối ngoại, tăng cường phát triển quan hệ đối ngoại và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Điều 41: Nhà nước cần bảo đảm kinh phí cần thiết cho hoạt động đối ngoại, xây dựng cơ chế bảo đảm kinh phí phù hợp với nhu cầu phát triển quan hệ đối ngoại và trình độ phát triển kinh tế đất nước.

Điều 42: Nhà nước cần tăng cường xây dựng đội ngũ nhân tài phục vụ công tác đối ngoại, áp dụng các biện pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng, sử dụng, quản lý, phục vụ và bảo đảm nhân tài.

Điều 43: Nhà nước cần tăng cường sự hiểu biết và ủng hộ của công chúng đối với hoạt động đối ngoại thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Điều 44: Nhà nước cần đẩy mạnh hình thành năng lực truyền thông quốc tế,  nâng cao hiểu biết và nhận thức của thế giới đối với Trung Quốc, thúc đẩy giao lưu và học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh nhân loại.

Chương 6: Phụ lục

Điều 45: Luật bắt đầu thực hiện từ ngày 01.07.23./.

RELATED ARTICLES

Tin mới