Thursday, May 2, 2024
Trang chủQuân sựNga cảnh báo cứng rắn khi phương Tây chuyển F-16 cho Ukraine

Nga cảnh báo cứng rắn khi phương Tây chuyển F-16 cho Ukraine

Ukraine kỳ vọng các máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây viện trợ có thể giúp họ xoay chuyển cục diện chiến sự. Trong khi đó, Nga cảnh báo điều này chỉ khiến xung đột leo thang.

Các máy bay chiến đấu F-16.

“Chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này (với F-16). Tất nhiên, chúng ta chưa thể chiến thắng ngay, nhưng F-16 có thể thay đổi cục diện. Các đồng minh phương Tây đã cung cấp thứ mà chúng ta cần nhất hiện giờ: chiếm ưu thế trên không ở các vùng lãnh thổ bị kiểm soát”, người phát ngôn Không quân Ukraine Yurii Ihnat phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 21/8.

Ông Ihnat lấy ví dụ, có 8-9 binh sĩ Nga ở vùng lãnh thổ họ kiểm soát ở Ukraine, bình thường họ có thể khai hỏa tên lửa trong vài giây. Tuy nhiên, khi Ukraine sở hữu F-16, phía Nga gần như không thể làm điều đó.

“Kiểm soát trên không là chìa khóa để đem lại thành công trên mặt đất. Chúng ta cần hiểu điều đó”, ông Ihnat nhấn mạnh. Theo ông, Ukraine hiện cần 100-128 tiêm kích F-16 để kiểm soát bầu trời.

Bình luận trên được đưa ra sau khi Hà Lan và Đan Mạch cam kết chuyển giao các tiêm kích F-16 cho Ukraine một khi Kiev đáp ứng các điều kiện liên quan bao gồm phi công vận hành và hạ tầng tương thích. Đan Mạch hứa gửi 19 máy bay, trong khi Hà Lan có tổng cộng 42 máy bay F-16 nhưng sẽ xem xét thêm liệu có chuyển giao toàn bộ phi đội cho Ukraine hay không.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi đó là quyết định “mạnh mẽ, mang tính lịch sử”.

Hà Lan và Đan Mạch đang dẫn đầu liên minh 11 nước trong chương trình huấn luyện cho các phi công Ukraine lái mẫu máy bay do Mỹ sản xuất. Chương trình huấn luyện dự kiến hoàn tất vào đầu năm tới.

Động thái này của các nước phương Tây đã vấp phải chỉ trích gay gắt của Nga. Đại sứ Nga tại Copenhagen, ông Vladimir Barbinm, cảnh báo quyết định viện trợ F-16 cho Ukraine “sẽ khiến xung đột leo thang”.

“Việc Đan Mạch đã quyết định chuyển 19 máy bay F-16 cho Ukraine sẽ khiến xung đột leo thang. Bằng cách ẩn đằng sau tiền đề rằng chính Ukraine phải xác định các điều kiện cho hòa bình, Đan Mạch tìm cách bằng hành động và lời nói của mình để khiến Ukraine không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục đối đầu quân sự với Nga”, Đại sứ Barbinm nói.

Ông Denis Pushilin, người đứng đầu chính quyền ly khai Donetsk do Nga bổ nhiệm, cũng cho rằng việc các nước phương Tây chuyển F-16 cho Ukraine cho thấy những nước này vẫn tìm cách kéo dài xung đột.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo, Moscow sẽ coi F-16 là mối đe dọa hạt nhân vì máy bay chiến đấu này có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Jakob Ellemann-Jensen khẳng định Ukraine chỉ có thể sử dụng F-16 này trong phạm vi lãnh thổ của mình.

“Chúng tôi cam kết tặng vũ khí cho họ với điều kiện chúng chỉ được sử dụng để đẩy lùi lực lượng Nga khỏi lãnh thổ Ukraine. Không được vượt ra ngoài giới hạn đó. Điều này cũng tương tự với các xe tăng, máy bay chiến đấu hay bất cứ vũ khí nào chúng tôi chuyển cho họ”, Bộ trưởng Jakob nhấn mạnh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới